Tiến sĩ Phan Hồng Giang ngoài tuổi bát tuần vẫn bày tỏ thao thức trước thời cuộc qua cuốn sách “Một góc nhìn văn hóa, nghệ thuật và đời sống” vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.


Tiến sĩ Phan Hồng Giang là một nhà văn, một dịch giả từ lâu đã quen thuộc với công chúng. Tiến sĩ Phan Hồng Giang nhiều năm giữ cương vị Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và từng là ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Tiến sĩ Phan Hồng Giang được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2012, với hai cuốn sách “Ghi chép về tác giả và tác phẩm” và “Chung quanh một số vấn đề văn hóa nghệ thuật”.

Tiến sĩ Phan Hồng Giang tên thật Nguyễn Đức Hân, sinh năm 1941 tại Huế, quê gốc Nghi Lộc – Nghệ An. Từng được đào tạo bậc đại học và làm nghiên cứu sinh tại Lomonoxop, tiến sĩ Phan Hồng Giang được xem như một chuyên gia hàng đầu về văn học Nga. Một trong những tác phẩm gắn kết văn học Nga – Việt của tiến sĩ Phan Hồng Giang, chính là bản dịch tùy bút Gamzatov “Daghestan của tôi” được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987.

Độc giả Việt Nam hầu hết đều biết tiến sĩ Phan Hồng Giang là con trai thứ ba của nhà phê bình Hoài Thanh và nhà báo Phan Thị Nga (một trong những nữ phóng viên hiếm hoi ở Hà Nội thập niên 30 thế kỷ trước). Ngoài người em Nguyễn Đức Kiên mất năm 11 tuổi, tiến sĩ Phan Hồng Giang có hai người anh là nhà phê bình văn học Từ Sơn – Nguyễn Đức Dũng, nhà phê bình Khương Huân – Nguyễn Đức Năng và người em út là giáo sư khoa học Hàng không vũ trụ Nguyễn Đức Cương.

Cũng như các anh em mình, tiến sĩ Phan Hồng Giang cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nhà phê bình Hoài Thanh, tác giả “Thi nhân Việt Nam”. Tiến sĩ Phan Hồng Giang thổ lộ: “Khi đã đi qua hết những ngạc nhiên, người ta sẽ không còn thấy ngạc nhiên nữa... Nhìn lại, tôi cũng mắc những sai lầm. Nhưng tôi chấp nhận nó. Cuộc đời con người diễn ra như nó phải thế, làm sao sửa sai được? Vấn đề là sống trên đời phải có niềm say mê, phải chọn đúng nghề. Đã làm người thì không thể sống được chăng hay chớ. Đó là điều sinh thời cha tôi đã dặn”.

Bây giờ, đã là một trưởng lão trong giới cầm bút, tiến sĩ Phan Hồng Giang ưu tư: “Tuy vốn không thích nói những lời có vẻ to tát, tôi vẫn muốn bày tỏ lòng mong mỏi những người cầm bút chúng ta trước khi và trong khi cầm bút, hãy tuyên chiến với căn bệnh trầm kha vô cảm đang lây lan trong khắp xã hội ta. Hãy chia sẻ tình thương với từng số phận con người, hãy là một công dân viết canh cánh lo toan cùng dân tộc trước vận mệnh của đất nước này, hôm nay và mai sau”.

Chính những thao thức ấy, ở tuổi 81, tiến sĩ Phan Hồng Giang vừa phát hành cuốn sách “Một góc nhìn văn hóa, nghệ thuật và đời sống” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá về đóng góp không mệt mỏi của tiến sĩ Phan Hồng Giang: “Kiến thức sâu rộng, một tư duy logic đầy khám phá, một cách nhìn luôn luôn mới mẻ và thái độ làm việc khoa học, đã làm nên cốt cách học giả của tiến sĩ Phan Hồng Giang. Những bài viết và những công trình nghiên cứu của ông vừa mang tính kinh viện, vừa mang tính đương đại và đầy dự báo”.



Trong cuốn sách “Một góc nhìn văn hóa, nghệ thuật và đời sống” dày 250 trang, tiến sĩ Phan Hồng Giang đã soi chiếu nhiều khía cạnh khác nhau của cộng đồng bằng thái độ một trí thức có trách nhiệm. Ông kiến nghị “Chỉnh đốn Đảng cần dựa vào dân”, ông góp ý “Để hội nhập văn hóa, hãy thôi say sưa tự ngắm mình” và ông băn khoăn “Giáo dục thần dân hay giáo dục công dân?”.

Về những bất cập quản lý đất đai dẫn đến nhiều rắc rối dân sinh, tiến sĩ Phan Hồng Giang thẳng thắn: “Các quy hoạch sử dụng đất, mở đường, xây dựng khu dân cư... không ít khi được xác lập trong cửa đóng then cài. Các ý đồ “thẳm sâu” được giữ kín, thường là đã có không ít kẻ có điều kiện “tiếp cận thông tin gốc” thu lợi kếch xù rồi thì những quy hoạch mới được công khai, mà những thay đổi xoành xoạch của nó không mấy khi được cập nhật thường xuyên”.

Tiến sĩ Phan Hồng Giang cũng “Đối mặt với cái ác”, quan sát sự xáo trộn của con người giữa cơn lốc danh lợi và đưa ra nhận định: “Đừng tưởng rằng chỉ có đấm đá, đâm chém, thương cẳng chân hạ cẳng tay mới là bạo hành. Những lời lăng mạ, sỉ nhục, nhất là từ miệng những người thân, đôi khi còn là sự bạo hành nhiều lần khủng khiếp hơn, làm con người bị tổn thương đau đớn hơn”.

Phản đối chủ trương dạy và học kiểu nhồi nhét khiên cưỡng, tiến sĩ Phan Hồng Giang cho rằng ngành giáo dục cần giảm tải chương trình cho học sinh: “Người lớn chúng ta, có thể là vô tình hay cạn nghĩ, mà đã tước đoạt tuổi thơ hồn nhiên trong sáng của các em, để thỏa mãn tham vọng rất ít tính thực tế của mình: nhanh chóng biến các em thành những “siêu nhân”, những “học giả tí hon” cái gì cũng biết mà thực ra không biết cái gì. Xin hãy nhớ rằng, cả cuộc đời dài dặc còn mở ra phía trước các em, và rồi cuộc đời còn vô số lần dạy khôn các em, đem tới cho các em vô vàn những bài học quý giá mà không một trường lớp nào có thể mang lại”.

Hiện tại, tiến sĩ Phan Hồng Giang đang sống cùng vợ - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tại Hà Nội. Bằng sự trải nghiệm của một nhân vật hiểu biết và tinh tế, tiến sĩ Phan Hồng Giang chia sẻ: “Con người có rất nhiều ham muốn, đó là nhu cầu tự nhiên, nhưng phải học để biết tự kiềm chế, biết thế nào là đủ thì mới có thể sống thanh thản, hạnh phúc. Sống hạnh phúc là cả một nghệ thuật. Cuộc sống mà không có hạnh phúc thì vô nghĩa”.

                                            TUY HÒA