Viết về lịch sử những làng hoa, làng rau Đà Lạt, Uông Thái Biểu dùng những lời lẽ trân trọng nhất cho những chủ nhân xa xưa của núi rừng và các vị tiền nhân người Kinh "mở cõi". Từ một tủ sách gia đình hoặc những cổ vật, Uông Thái Biểu đã chỉ ra được cốt cách của người Đà Lạt xưa rất thuyết phục.


MIỀN KÝ ỨC CỦA UÔNG THÁI BIỂU

LẠI VĂN LONG

33 năm trước tôi và Uông Thái Biểu (SN 1966, hiện công tác tại Báo Nhân dân) là hai gã trai ngơ ngác ôm mộng văn chương ở Đà Lạt. Tôi thích viết văn xuôi sau khi đã đăng được truyện ngắn đầu tay Màu mận chin trên Báo Tuổi trẻ chủ nhật. Còn Biểu tính tình điềm đạm (lúc đó từ Nghệ An vào làm phóng viên của Báo Lâm Đồng) lại đang tìm kiếm thi hứng cho những trăn trở, ấp ủ.

Truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện của tôi viết suốt đêm 10/10/1990, Uông Thái Biểu là người đọc đầu tiên và khen "hay quá” làm tôi phấn chấn tinh thần. Rồi tôi rời Đà Lạt, về Sài Gòn, chúng tôi ít gặp nhau. Biểu đã giữ bản thảo truyện Kẻ sát nhân lương thiện viết tay 26 trang của tôi suốt hơn 10 năm, sau đó trao lại trong một lần gặp nhau ở Sài Gòn làm tôi xúc động vô cùng!

Năm 2002, Uông Thái Biểu tặng tôi tập thơ Gió đồng (NXB Trẻ), tôi mừng vì bạn giữ được đam mê, thi hứng. Có những bài, những câu thơ mà tôi cứ ngỡ tác giả vừa cười khẩy ngạo mạn, vừa thả từng câu chữ xuống trang giấy: Đà Lạt của tôi/ Ngày em sang sông/ Tôi không kịp buồn, chỉ thương/ Thằng bạn vỗ bình rượu mà hát.../ Đà Lạt của tôi chiều trôi qua lòng. Rồi: ... Ngày em đi về phía ấy/ Sông rẻ đôi dòng/ Tôi thành Trương Chi/ Gõ mạn thuyền và hát... Mùa này không hoa xoan rụng/ Mà hồn tôi trắng cỏ sân đình... lại có những câu hay đến bất ngờ: Mưa trong đáy mắt hiu buồn/Những ngón tay nhuộm hoàng hôn úa vàng

Năm 2017, Uông Thái Biểu lại ra tập thơ Nhớ núi (NXB Hội Nhà văn), tôi đọc một hơi, thấy câu chữ từ tập thơ trước (Gió đồng) như lớn thêm rồi lững thững dắt nhau về bến bờ triết lý: Em hái gió còn ta chờ nhặt gió/ Đời vẫn đi khoan nhặt bước vô thường...; Xin thế chấp cả bầu trời/ Vay một trận mưa rào vui mặt đất/ Vay chút gió hoang vu cho nắng trưa nhẹ hắt/ Để có em tôi cũng đành thế chấp/ Những buồn vui của cuộc đời tôi”. Tôi đoán rằng chữ "em" ở đây không phải là mỹ nữ xương thịt, mà là "nàng thơ” tác giả luôn vương vấn, trăn trở, khao khát. Điều này có lúc Biểu đã bộc lộ: Rất có thể mai này bên cỏ biếc/ Có một nụ hoa chống chếnh nở sai mùa/ Gieo câu chữ giữa mênh mang trời đất/ Thơ một nhành nhắc chuyện ngụ ngôn xưa.

Trên dặm trường theo đuổi nàng thơ đó, có lúc Uông Thái Biểu ví mình như: Ngựa độc hành hí cuối lưng chừng dốc/ Bước chân xiên qua lối ngỡ ngàng”. Rồi trong khổ đầu của bài Cố hương, Biểu tự sự với chính mình: Ôi da diết cố hương buồn dĩ vãng/ Thắp ngọn đèn tìm lửa ấm ngày xưa/ Thơ nhặt nhạnh suốt một thời lam lũ/ Chưa thành câu trọn ý để bây giờ... hoặc Nửa đời người vẫn vươn tìm ánh sáng/ Tóc trên đầu sợi bạc gió vờn ngang

Một tâm hồn nghệ sĩ, một đam mê sáng tạo vô hạn thì không bao giờ thỏa mãn với những tập thơ, bài thơ dù đã được chọn vào tuyển tập thơ Việt Nam (1945 - 2000) nên Uông Thái Biểu mới dằn vặt như thế. Anh chuyển sang viết tùy bút, tản văn và đã có tập Gió thổi từ miền ký ức” (NXB Hội Nhà văn Việt Nam 2019). Ở lĩnh vực này, Biểu cũng gây bất ngờ cho bạn bè và độc giả.



Với góc nhìn mới mẻ và văn phong vừa lãng mạn vừa duy lý, Uông Thái Biểu đã có những bài viết hay về những vùng miền, ký ức, nhân vật. Tôi thích cách mô tả về những vùng quê hối hả đô thị hóa và tâm lý con người trước những biến chuyển sâu sắc kinh tế lẫn văn hóa trong bài Thăm thẳm hồn quê. Cuối bài là cái kết đọc phải giật mình: Làng bây giờ như hộp. Làng xấu đi từ quy hoạch, từ kiến trúc, từ mưu toan, ăn xổi ở thì, hãnh tiến, ngạo mạn... Phố chưa hẳn đã ra phố, nhưng làng chẳng còn”. Viết về sông Lam trên quê hương Nghệ An của mình, Uông Thái Biểu cũng có những chữ thật ấn tượng: Với miền quê khắc nghiệt của tôi, dòng Lam ở phía hạ nguồn như một lời an ủi, một sự ban ơn hoặc là chuộc lỗi của tạo hóa đối với con người (bài Dòng sông hát).

Còn trong bài Đào nương ở đất ca trù, Biểu viết về sự gìn giữ hay trao truyền văn hóa bằng lời lẽ thật cảm động: “Người già trước khi hòa mình trong cát còn kịp truyền lại câu hát cho lứa trẻ. Con trẻ vùng quê này sinh ra đã ngậm sữa ca trù, lớn lên trong đắm đuối điệu đàn, nhịp phách. Trong cát bỏng, gió Lào, trong gian khó cuộc đời, người quê ấy vẫn vịn vào giai điệu ngàn xưa mà vui vầy hôm sớm, mà quên đi cội cằn, bần bạc”. Uông Thái Biểu đầu tư rất nhiều cho các tùy bút, tản văn của mình.

Từng câu chữ toát lên sự tự tin, đỉnh đạc của người hiểu biết, từng trải và có tấm lòng nhân ái với đất, với người, thiên nhiên được mô tả; như các bài viết về Hội An, Sa Kỳ - Quảng Ngãi; Hải Vân quan, Giới tuyến, Hoàng Sa, nước Nga... Nhưng tôi thích nhất là các bài Uông Thái Biểu viết về Đà Lạt. Hơn 33 năm "leo dốc, tuột đèo", nếm đủ ngọt đắng ở thành phố đỉnh cao này, Uông Thái Biểu dĩ nhiên đã thu thập được rất nhiều dữ liệu và cảm xúc. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để có những mô tả thật lạ, thật hay về Đà Lạt nếu thiếu cái tầm, cái tâm của người cầm bút. Tôi đọc những bài về Đà Lạt của Biểu xong, chỉ muốn gửi cho bạn một lời cảm ơn vì giúp tôi hiểu thêm và tự hào về Đà Lạt.

... Sương giăng mờ thung lũng... Sương đọng trên mái tóc học trò. Sương đẫm mi mắt, ước đầm má bồ quân của mấy cô bạn đồng nghiệp... Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, biết bao ngày tháng sống với sương lạnh, biết bao lần thấy sương trên áo, trên tóc, trên lông mi, lông mày của học trò, của mỹ nữ... mà sao đọc những dòng đó lại bồi hồi cảm xúc khó tả.

Uông Thái Biểu còn rất thành công khi mô tả về "nông dân đô thị” của Đà Lạt - những con người có sẵn truyền thống canh tác bằng tri thức khoa học đã hội nhập rất nhanh vào thời đại công nghệ số, để làm vẻ vang thêm cho thương hiệu rau, hoa Đà Lạt. Viết về lịch sử những làng hoa, làng rau Đà Lạt, Uông Thái Biểu dùng những lời lẽ trân trọng nhất cho những chủ nhân xa xưa của núi rừng và các vị tiền nhân người Kinh "mở cõi". Từ một tủ sách gia đình hoặc những cổ vật, Uông Thái Biểu đã chỉ ra được cốt cách của người Đà Lạt xưa rất thuyết phục.

Ở xứ sở này ngay cả tiếng chuông từ nơi dưỡng tâm hình như khởi sinh đã hướng thượng. Âm thanh hoang liêu của chốn linh nghiệm hòa trong sắc màu thiên nhiên tạo nên được điệu hoàn vũ thiện lành”. Xin mượn một câu trong bài Gió thổi từ miền ký ức để kết bài viết này. Chúc Uông Thái Biểu luôn được vun đắp từ những điều thiện lành của Đà Lạt, để bạn luôn viết về Đà Lạt bằng ngòi bút hướng thượng, thiện lành của mình.