Với tiểu thuyết “Lý Phật Tử định quốc”, nhà văn Phùng Văn Khai đã mô hình hóa sinh động một thời kỳ lịch sử. Quan trọng và ý nghĩa hơn, anh đã “giải minh” lịch sử dưới góc nhìn tiểu thuyết bằng cách xây dựng thành công những mô hình nhân vật lý tưởng.

Lý Phật Tử định quốc - Những mô hình nhân vật lý tưởng

NGUYỄN THANH TÚ

 Lý luận văn học hiện đại quan niệm viết tác phẩm là kiến tạo những mô hình về đời sống. Truyện ngắn là mô hình về một “lát cắt” đời sống thì tiểu thuyết là mô hình về cả một thế giới. Là mô hình chứ không phải bản thân đời sống nên tác phẩm không là và không nên nô lệ cho sự thật ngoài đời. Tài năng nhà văn là biết chắt lấy tinh hoa đời sống để xây dựng mô hình, chất liệu, sức sống cho tác phẩm. Do vậy anh ta phải hiểu đời, phải giỏi về văn chương và nắm vững về tâm lý tiếp nhận của độc giả. Nhà tiểu thuyết lịch sử đương nhiên phải hiểu sử, cơ bản hơn, anh ta phải dùng chất liệu sử để kiến tạo một mô hình mới về lịch sử để đối thoại với bạn đọc hôm nay. Trên tinh thần ấy, chúng tôi thấy Lý Phật Tử định quốc (Nxb Văn học) của Phùng Văn Khai là một tiểu thuyết lịch sử rất đáng đọc.

      Với tiểu thuyết này, anh đã mô hình hóa sinh động một thời kỳ lịch sử. Quan trọng và ý nghĩa hơn, anh đã “giải minh” lịch sử dưới góc nhìn tiểu thuyết bằng cách xây dựng thành công những mô hình nhân vật lý tưởng.

      Các sách sử trước nay đối xử với nhân vật Lý Phật Tử chưa công bằng. Tiêu biểu trong Đại Việt Sử ký toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên có phần nặng nề: “Lấy bá thuật mà xét thì Hậu Lý Nam Đế - Lý Phật Tử đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, lấy vương đạo mà xét thì việc ấy đã từng không bằng chó lợn… Triệu Việt Vương lấy lòng thành đối đãi, cắt đất cho ở, những việc làm đều là chính nghĩa, giao hảo phải đạo, thăm viếng phải thời, há chẳng phải là đạo trị yên lâu đài hay sao? Thế mà Hậu Lý Nam Đế lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ chính đạo nhân luân, kíp tham công lợi”.

Duy có sách Việt sử cương mục (soạn vào thế kỷ XIX) nói về cuộc tranh chấp hai nhà Triệu - Lý và thành Ô Diên ở phần Tiền biên, kỷ Việt Vương có phần khách quan hơn: “Phật Tử kéo quân xuống phía Đông, đánh nhau với Triệu Việt Vương ở Thái Bình, năm lần giáp chiến chưa phân được, thua. Quân Phật Tử phải lui một ít rồi xin hòa. Việt Vương nghĩ Phật Tử là người cùng họ với Lý Bôn trước, không nỡ tuyệt tình, mới lấy châu Quân Thần làm địa giới cho Lý Phật Tử ở về phía Tây nước mình. Lý Phật Tử mới dời sang ở thành Ô Diên”. “Châu Quân Thần” nay là hai làng Thượng Cát, Hạ Cát thuộc huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội. “Ô Diên” nay thuộc xã Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) nay vẫn còn đền thờ Thành hoàng tên Bát Lang thần, có thể  là một tên khác của Nhã Lang.  

 Năm Tân Mão (571), Lý Phật Tử lấy được nhà Triệu. Chính sử chép: “Trước kia, Phật Tử giảng hòa với nhà Triệu, rồi cầu hôn cho con trai là Nhã Lang. Việt Vương gả con gái là Cảo Nương cho Nhã Lang, và cho gửi rể. Nhã Lang nhân lấy trộm được cái móng rồng, trở về nước mưu với Phật Tử đánh úp nhà Triệu. Khi Phật Tử kéo quân đến đánh, Việt Vương vội đối địch, thì cái móng rồng đã mất rồi, mới cùng con gái là Cảo Nương chạy về phía Nam. Bị quân Lý Phật Tử đuổi sát, Việt Vương chạy đến cửa biển Đại Nha, hết đường chạy, gieo mình xuống biển chết”.

      Vương triều Tiền Lý (544-602) có bốn đời: Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử, ba đời trước được ca ngợi đúng với chính sử, nhưng đời sau cùng (còn gọi là Hậu Lý Nam Đế) thì có phần bất công. Có khoảng thời gian 31 năm (571-602) dựng nước và giữ nước với quốc hiệu Vạn Xuân, với địa lý hành chính một quốc gia hùng mạnh. Phía Bắc giáp Đại Lương, phía Tây giáp Di Lạo, phía Nam giáp Lâm Ấp. Trong 31 năm này, đất nước thái bình, yên ổn. Nhưng vì sao Lý Phật Tử không có được sự thiện cảm từ các sử gia? Lý do có lẽ nằm ở hai vấn đề cơ bản, một là xung đột rồi đánh úp Triệu Vương; hai là đầu hàng giặc phương Bắc để rồi chúng tráo trở đưa về chính quốc xử chém. Chỉ có hai vết mờ trên mà đưa ông ra khỏi trang vàng lịch sử, chắc chắn là oan khuất!

      Vì một nguyên cớ gì khác lịch sử chưa minh định được, thì với vai trò thấu hiểu và thấu cảm lòng người xưa nay, văn chương phải viết lại, viết rõ. Tác giả Lý Phật Tử định quốc là người tiên phong dũng cảm và tận tâm làm việc này!

     Tiểu thuyết dài 568 trang kết cấu theo 17 hồi truyền thống tái hiện lại hơn ba mươi năm lịch sử ấy với biết bao nhân vật, biết bao sự kiện, bài viết chỉ xin đi khám phá mấy mô hình cấu trúc nhân vật để thấy ý đồ nghệ thuật đáng ngưỡng mộ của nhà văn.

     Phong tục cầu hôn và ở rể như là một phép ngoại giao từ thời cổ đại kéo dài đến cuối trung đại. Đó là một cách “gửi/giữ con tin” dưới danh nghĩa “con rể”, “con dâu” giữa hai triều đại, hai bộ tộc. Đến đời Trần, đường lối đối ngoại này được phát huy cao độ. Vua nhà Trần gả công chúa hoặc ái nữ cho các tù trưởng phía Bắc vừa là cách an lòng cũng là sự trao trách nhiệm trấn giữ biên cương cho “người nhà”. Vua Trần còn gả công chúa cho vua Chân Lạp để đổi đất cũng là đổi hòa bình... Thế nên, Lý Phật Tử cho Nhã Lang ở rể Triệu Vương là điều kế thừa lịch sử với mục đích hòa bình. Trong tiểu thuyết, đôi tình nhân này vừa là công cụ chính trị nhưng cơ bản hơn, họ yêu nhau thật lòng, phục tài nhau và ý hợp tâm đầu. Nhã Lang được miêu tả văn võ song toàn, uy danh quân tử.

    Tình yêu của họ đã đơm nụ đợi ngày khai hoa. Nhưng những kẻ vị danh, vị tiền tài bổng lộc như lưỡi kiếm hung hiểm phạt ngang mối tình đẹp cũng là định giết chết ước vọng hòa bình của hai gia tộc vốn là cột chống của quốc gia. Cả hai vợ chồng cùng đứa con trong bụng đau đớn oan khuất lìa đời dưới hàng ngàn mũi tên độc của những kẻ không muốn đất nước yên ổn. Chúng muốn hai tộc Triệu - Lý mãi mãi hằn thù để chúng “đục nước béo cò”. Họ chết để lấy xương máu bón thêm cho mảnh đất Vạn Xuân nở hoa thái bình!

    Triệu Vương lại được ca ngợi và khẳng định theo một hướng khác: từ bỏ quyền lực, xuống tóc đi tu!

    Cần phải thấy rõ đó là một hành động cao cả, anh hùng không kém những anh hùng trên sa trường bỏ mình vì nước!

     Đang ở đỉnh cao quyền lực mà từ bỏ quyền lực là không hề dễ dàng. Bởi quyền lực dễ làm tha hóa người. Triệu Vương đã vượt qua được điều ấy. Ông nhìn thấy rõ sự tha hóa của quyền lực, nhất là nhìn thấy sức mạnh và tài năng của Đào Lang Vương, nếu người đó làm vua sẽ hơn ông, sẽ đưa Vạn Xuân thịnh vượng hơn, mạnh mẽ hơn. Ông nhìn thấu những tim đen muốn ông tại vị để chúng tác oai tác quái... Thế nên ông trở thành người tu hành không phải chỉ vì sùng Phật, đó chỉ là cái cớ. Quan trọng hơn là vì sự thái bình của quốc gia!

          Đó là hành vi đáng trọng, đáng phục, đáng kính!

     Hẳn nhiên, nhân vật Đào Lang Vương được dành số trang nhiều nhất để khẳng định!

     Đó là một uy tướng: “cao lớn vạm vỡ mặc bộ trường bào màu xanh, đầu chít khăn tía, lưng thắt đai ngọc trắng, chân đi đôi giày da báo thêu rồng uy nghi đĩnh đạc”. Đào Lang Vương lên ngôi mùa Xuân 571, cũng là ngày Vạn Xuân khai quốc. Cả đất trời mở hội. Lòng người hân hoan! Đó không chỉ là dũng sĩ bách chiến bách thắng nơi sa trường mà còn là một con người bình dân, mộc mạc, giản dị, đối đãi với tùy tướng như chân tay, như anh em ruột thịt. Đó là dũng khí quyết đánh kẻ xâm lược mạnh hơn nhiều. Đó là một thủ lĩnh biết đoàn kết tướng sĩ một lòng, biết thu phục kẻ nổi loạn là các kẻ phiến loạn vùng Tây Bắc bằng tấm lòng nhân ái mà quả quyết, khẳng khái... Nguyên tắc dồn tụ những vẻ đẹp, những phẩm chất, những mưu lược chính trị, những ứng xử nhân văn mà tinh tế của Đào Lang Vương được tác giả phát huy cao độ tạo nên một vẻ đẹp đáng tự hào ở vị vua dũng lược mà nhân hậu này.

     Như một vì sao tỏa sáng làm rực rỡ thêm vũ trụ, chung quanh Đào Lang Vương là biết bao các nhân vật mang tính tinh hoa. Là Triệu Thái sư, Ngô Tổng trấn, Đề đốc Phùng Thanh, Trịnh tổng quản, Ngô Thái úy... Mỗi người mỗi vẻ nhưng có điểm chung xả thân quên mình vì nghĩa và vì nước. Đó cũng là những vì sao!

     Ứng với các nhân vật lịch sử, tác phẩm tạo ra một lớp ngôn từ lịch sử phù hợp không chỉ tái hiện lịch sử với không khí, hoàn cảnh chỉ có ở thời ấy, ngày ấy, mà còn làm toát ra cái vẻ riêng của đất nước Vạn Xuân khi thì cuồn cuộn hừng hực tinh thần chống giặc, khi thì trữ tình thơ mộng với những dáng vẻ tĩnh tại, sâu lắng, trầm tư, khi lại xôn xao phấn khởi những màn biểu diễn phong tục lễ hội miền ven biển...

    Đặc biệt là nghệ thuật tạo không khí và lớp ngôn từ chiến trận được sử dụng thỏa đáng. Những trận phục kích im lìm bỗng bùng lên màn giao đấu kinh hoàng. Những màn rượt đuổi, những trận song kiếm, những trận cung tên trên biển, đất liền rùng rợn, căng thẳng đến nghẹt thở... Rất giàu chất điện ảnh và tuân theo thủ thuật lắp ghép của điện ảnh nên văn bản dễ chuyển thể thành kịch bản điện ảnh.

    Văn học là quá trình kiến tạo mã và giải mã. Có những hạt cổ mẫu từ cây văn hóa ngàn xưa rơi vào miền văn chương đương đại rồi “nở” ra mã mới. Nhiều giải Nobel thế giới cho thấy rất rõ điều này. Như một quy luật, văn học là một dòng chảy, những phù sa tinh hoa ở mạch nguồn văn học dân gian, văn học cổ trung đại nếu không được chào đón sẽ không lắng đọng nơi hạ nguồn đương đại. Lịch sử hùng tráng của đất nước mình đang mong chờ các nhà văn khai thác để làm nảy nở những hạt mầm văn chương mới làm tươi tốt, giàu có hơn gia tài văn hóa dân tộc!

    Lý Phật Tử định quốc, theo tôi, là một tiểu thuyết hay trong đời văn Phùng Văn Khai.