HOÀNG TÍCH CHỈ HỌC
TỪ CUỘC SỐNG – HỌC TỪ TRÁI TIM
TRỊNH THANH NHÃ
Có lẽ người Hà Nội
của đầu thế kỷ trước không ai không biết đến cái đại gia đình gồm những tên tuổi
lẫy lừng giới văn nghệ xứ Bắc như họa sĩ sơn mài lãng mạn Hoàng Tích Chù, nhà cách
tân ngôn ngữ báo chí đầu tiên ở Việt Nam Hoàng Tích Chu, nhà viết kịch Hoàng
Tích Linh, bác sĩ Hoàng Tích Tộ… và người con trai út Hoàng Tích Chỉ - nhà biên
kịch điện ảnh cách mạng thế hệ đầu tiên ở Việt Nam – nổi danh từ những năm 1970 với những
tác phẩm điện ảnh ghi dấu vàng son trong lịch sử điện ảnh nước nhà.
Cha của ngần ấy người con trai danh tiếng là cụ Hoàng
Tích Phụng – một nhà nho từng làm đến chức Tri phủ Huấn học, song lại dấn thân
vào phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục với tinh thần chấn hưng dân tộc, và chết
trong thanh tịnh…
Sinh năm 1932, bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật
khi đã qua tuổi 30 (1961 - 1963), nổi danh với kịch bản phim truyện hai tập “Vỹ
tuyến 17 Ngày và Đêm” chỉ sau đó vài năm… cuộc trải nghiệm và sáng tạo của Hoàng
Tích Chỉ qua nửa thế kỷ từ khi thực sự cầm bút, chưa lúc nào ngừng nghỉ, chưa lúc
nào thôi day dứt, thôi say mê.
Tự nhận mình là “kẻ ít học”, nhưng ai từng gần gũi nhà
biên kịch lão thành Hoàng Tích Chỉ đều biết rõ cái chiều sâu, độ dày của trầm tích
văn hóa mà truyền thống gia đình để lại trong ông. Đạo diễn NSND Hải Ninh, người
bạn đồng hành trong sự nghiệp của Hoàng Tích Chỉ từng nói: sự cộng hưởng trong
sáng tác của cặp đạo diễn – biên kịch lão thành này thực sự dựa trên sự tương hợp
cả về cảm xúc lẫn tri thức.
Còn chính Hoàng Tích Chỉ lại cho rằng mọi thành công của
ông đều do “cơ duyên” mà có. Nhờ cơ duyên mà ông đã vào nghề đúng lúc nước nhà
trong cơn binh lửa; Cơ duyên khiến ông được làm việc nhiều năm cùng nhà đạo diễn
tài năng Nguyễn Hải Ninh; Cơ duyên khiến ông đã dấn thân vào giữa chảo lửa Vĩnh
Linh đúng kỳ đánh phá ác liệt của không quân Mỹ vào dải đất miền Trung kiên cường;
Cơ duyên khiến ông chần chừ ở lại Hà Nội dưới làn bom rải thảm B52 của Mỹ vào năm
1972, để chứng kiến những đau thương mà người Hà nội phải hứng chịu, và lại “bị”
ông phó giám đốc xưởng phim lúc đó là đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi buộc phải lên nơi
sơ tán của cơ quan… để rồi ở đó, ông được nghe câu chuyện của nghệ sĩ Tuệ Minh
kể về việc cô con gái bé xíu của mình dám đi bộ mười mấy cây số từ Yên Viên về
nội thành đi tìm mẹ và cái tứ truyện “Em bé Hà nội” lóe sáng…
Cơ duyên cho ông được đi cùng gần chục nghệ sĩ của Xưởng
phim truyện VN bám sát theo đoàn quân giải phóng tiến vào Sài gòn, trở thành một
trong những người đầu tiên đặt chân vào Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch
sử. Và quan trọng hơn, cơ duyên khiến ông được thăng hoa sáng tạo giữa một không
khí nghệ thuật lý tưởng của Xưởng phim truyện Việt nam – tiền thân của Hãng
phim truyện VN sau này… Những “cơ duyên” ấy đã cho ra đời những “Vỹ tuyến 17 Ngày
và Đêm” (với cái tên khởi thủy là Bão Tuyến), “Em Bé Hà Nội”, “Thành Phố Lúc Rạng
Đông”, “Biển Gọi”, “Mối Tình Đầu”…
Cái khái niệm Cơ Duyên mà Hoàng Tích Chỉ thích dùng để
giải thích cho sự ra đời của những tác phẩm điện ảnh xuất sắc mà ông là người đặt
những viên gạch đầu tiên là một xác tín của riêng ông, sau rất nhiều trải nghiệm
và suy ngẫm. Mười ba tuổi trở thành trinh sát của Ty Liêm Phóng Bắc Ninh, rồi
nhanh chóng trở thành Đội trưởng Trinh sát… cuộc đời chàng thanh niên Hoàng Tích
Chỉ tưởng như sẽ gắn liền với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhưng sau Hòa bình
lập lại, năm 1956, ông được xuất ngũ, chuyển sang làm việc tại Sở Văn Hóa Bắc
Ninh.
Có lẽ đó chính là “cơ duyên” khởi nguồn cho con đường
nghệ thuật của ông chăng? Dù sao, thực tế đã chứng minh, cái mà Hoàng Tích Chỉ
gọi là “cơ duyên” thực chất là cuộc dấn thân, tìm kiếm và sáng tạo tận tâm tận
lực của người nghệ sĩ. Câu chuyện về những ngày lặn ngụp trong chảo lửa Vĩnh
Linh của Hoàng Tích Chỉ được nhiều nghệ sĩ cùng thời kể lại với niềm cảm phục
chân thành. Để có một “Vỹ Tuyến 17 Ngày Và Đêm” – đỉnh cao của điện ảnh cách mạng
VN, với giải thưởng Bông sen vàng của Liên hoan phim quốc gia, giải thưởng của
Hội Đồng Hòa Bình thế giới trong Liên hoan Phim Maxcova, giải đặc biệt của Ban
Giám Khảo cũng trong liên hoan phim ấy; để làm nên một Chị Dịu như tượng đài của
đức hy sinh và lòng quả cảm, tạo nên danh tiếng đầu tiên của một nghệ sĩ diễn
viên Việt nam trên trường Quốc tế (NSND Trà Giang)…
Nhà
biên kịch Hoàng Tích Chỉ cùng đạo diễn Hải Ninh đã vào Vĩnh Linh
ít nhất ba lần. Lần thứ nhất để trải nghiệm, tìm nguyên mẫu , phác thảo kịch bản.
Lần thứ hai để… đọc kịch bản ấy cho chính những nguyên mẫu, nhân chứng – những
cán bộ cách mạng từ trong Nam mới tập kết ra - nghe và lĩnh hội ý kiến đóng góp
của họ. Lần thứ ba để cùng đạo diễn, diễn viên, quay phim… kiểm chứng, thâm nhập
thực tế lần cuối, hoàn thiện kịch bản…
Chắc khó ai có thể nghĩ rằng cuộc trải nghiệm và sáng
tạo bền bỉ ấy dưới bom đạn lại là một “cơ duyên” theo kiểu ăn may, hay chỉ là
phút thăng hoa đột biến. Đi đến tận cùng hiện thực, viết về nó với tinh thần tận
hiến cho tình yêu Tổ quốc, và chắt lọc đến tận cùng những gì có thể để tạo nên
một tinh hoa nghệ thuật, đó là thái độ tác nghiệp khiến những kẻ hậu sinh của
ngành điện ảnh VN hôm nay phải nghiêng mình mà tự thẹn. Hành vi tác nghiệp đầy
lý tưởng ấy không chỉ diễn ra một lần trong đời Hoàng Tích Chỉ. Bằng chứng là cùng
với thời gian, đồng hành cùng cuộc Kháng chiến chống Mỹ của toàn dân tộc, ông
tiếp tục cho ra đời những “Biển Gọi”, “Em bé Hà nội”, “Thành phố lúc rạng đông”,
“Mối tình đầu”… những tác phẩm điện ảnh đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử điện
ảnh nước nhà.
Chưa từng là kẻ “lợi khẩu”, cuộc sống và cả cuộc đời sáng
tạo của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ dường như là biểu tượng của lối sống “lặn
vào trong”, âm thầm quan sát, âm thầm ngẫm ngợi, âm thầm viết… Có lẽ vì thế, hầu
hết các tác phẩm điện ảnh có dấu ấn của ông đều mang phong cách tự sự, giống như
những câu chuyện kể tâm tình hơn là những lời hiệu triệu hay triết lý khó hiểu.
Mặc dù thế, tự thân những câu chuyện, những hình tượng mà ông đã chọn lựa và thể
hiện trong kịch bản của mình đều hàm chứa những triết lý sâu xa của thời đại, của
hiện thực tức thời và cho mãi mai sau.
Một Chị Dịu đằm thắm, dịu hiền với sức mạnh thép tiềm
tàng trước kẻ thù, một Cô Bé Hà nội trong veo, với tiếng vỹ cầm mong manh trở
thành đối trọng nặng ký với hàng ngàn tấn bom đạn đang trút xuống thành phố quê
hương em, xuống gia đình em… Và cái thành phố Sài gòn vừa bước ra khỏi đêm dài
chiến tranh, đã và đang đến với ánh sáng, thuộc về ánh sáng của kỷ nguyên Hòa Bình
và Thống Nhất Dân Tộc… Tất cả những hình tượng ấy đều hàm chứa một triết lý giản
dị mà mãnh liệt: bản chất của cuộc sống là hướng tới bình yên, là khát vọng Hòa
Bình và Yêu Thương, mặc dù để đạt được khát vọng ấy con người phải trả bằng máu
và nước mắt của nhiều thế hệ. Nhưng người Việt nam nói riêng, và cả nhân loại nói
chung sẽ không từ chối sự Trả Giá ấy để đạt được Khát Vọng ấy.
Có một điều ít người biết về nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, đó là ông
từng trải nghiệm sáng tạo trong vai trò đạo diễn không dưới một lần. Trải nghiệm,
để biết những người bạn đồng hành của mình – các đạo diễn – đã phải đối mặt những
khó khăn gì trong khi tác nghiệp. Và thật thú vị khi người viết được nghe ông tâm
sự - vẫn với nụ cười hóm ngầm, giọng nói thủ thỉ hiền lành - rằng ông nhận thấy
làm đạo diễn phim truyện quả là một việc không dễ. Nhưng ngược lại, trong việc
làm phim tài liệu, khi vừa là biên kịch vừa là đạo diễn thì thật là dễ chịu.
Với phim tài liệu, ông được khám phá hiện thực, khám
phá chính mình từ phút đầu nảy sinh ý tưởng, cho đến phút đánh dấu “Hết” trên
khuôn hình cuối cùng của phim. Những phim tài liệu ông đã thực hiện với vai trò
“hai trong một” như vậy không nhiều, nhưng đều để lại dấu ấn về một phong cách
tự sự, phong cách thống nhất của Hoàng Tích Chỉ trong phim truyện. Nhân vật mà ông
hướng tới trong các phim tài liệu cũng là những con người có số phận mang đậm tính
tiểu thuyết, như cố nhà văn Nguyên Hồng trong phim “Đôi Dòng Ký Ức” hay một Đô đốc
Hải quân trong “Đô Đốc và Dòng Sông”.
Ngay cả khi làm phim về đơn vị đặc công Rừng Sác lẫy lừng
công tích, ông cũng chọn giải pháp nghệ thuật quen thuộc đó, và làm nên một
phim tài liệu sâu sắc tình người có tên “Đi Tìm Người Chiến Sĩ Đặc công Rừng Sác”.
Với phim tài liệu, Biên kịch/ đạo diễn Hoàng Tích Chỉ còn tâm đắc mãi với nhận định:
hiệu quả sáng tác trên bàn dựng của phim tài liệu đôi khi có tác động còn ghê gớm
hơn cả phim truyện.
Khi được hỏi nếu được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh
trong đợt xét giải năm nay
(2012),
ông nghĩ gì, nhà biên kịch già khẽ lặng đi một thoáng. Rồi ông nói, mà ánh mắt
như xa xăm hơn, giọng nói như trầm xuống: “Tôi mừng, không phải chỉ cho cá nhân
tôi, mà cho cả giới biên kịch điện ảnh nói chung. Rốt cục, người ta cũng đã thừa
nhận công sức của người biên kịch bỏ ra cho những tác phẩm điện ảnh. Tôi còn mừng
hơn nữa, vì như vậy là tôi đã giúp cho các con tôi tin rằng, cuộc đời này còn có
sự công bằng!”.
Mải theo dòng tâm sự, ông lại nhắc đến những bạn đồng
nghiệp, những nhà biên kịch cùng thế hệ mà theo ông đều xứng đáng được vinh
danh, như Nông Ích Đạt, Vũ Lê Mai… nhưng đều đã ra đi trong lặng lẽ. Mặc dầu vậy,
ông tin rằng nếu được làm lại tất cả từ đầu, ông sẽ vẫn âm thầm đi, âm thầm viết,
âm thầm cống hiến như đã từng làm mà không tính toán, mặc cả rằng sẽ được gì sau
những cống hiến ấy. Bởi với ông, giá trị lớn nhất mà một người sáng tác có được,
đó là tác phẩm của mình lại được công chúng của thời đại mình thừa nhận.
Và nếu Cơ Duyên cho những tác phẩm ấy một đời sống dài
lâu hơn thì đó là hạnh phúc lớn nhất! Có lẽ tuổi tác đã khiến cho nhà biên kịch lão thành luôn nghĩ đến
hai chữ “cơ duyên”, nhưng với người viết bài này, thì chính truyền thống gia đình,
sự lao động miệt mài, ý thức đồng hành cùng thời đại, và tài năng được rèn luyện
qua năm tháng là căn nguyên của mọi thành công mà ông đạt được.