Bút danh Hà Nhật được ghép từ tên gọi làng Hà thuộc thành phố Đồng Hới và dòng sông Nhật Lệ của tỉnh Quảng Bình, là nơi Lương Duy Cán chào đời năm 1937. Ông còn dùng một bút danh khác là Mai Liên khi viết “Hai bài thơ tình của người thủy thủ” mùa hè năm 1961, sau đó được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc thành ca khúc “Tình ca người thủy thủ”.
HÀ NHẬT
VÀ NHỮNG ĐÓA HOA ĐÃ GIÚP TA BÌNH TĨNH
LÊ THIẾU NHƠN
Nhắc đến nhà thơ Hà
Nhật, có thể công chúng hơi ngờ ngợ. Thế nhưng, nhắc đến nhà giáo Lương Duy Cán
thì có rất nhiều thế hệ học trò lập tức nhận ra một người thầy dạy văn nổi tiếng.
Trong những học trò của nhà giáo Lương Duy Cán đã có không ít nhà thơ như Lâm
Thị Mỹ Dạ, Trần Nhật Thu, Ngô Minh, Hải Kỳ, Lê Đình Ty, Đỗ Hoàng... Vậy thì, dựa
từ ý niệm “danh sư xuất cao đồ”, thử tìm đọc thơ của Hà Nhật – Lương Duy Cán.
Bút
danh Hà Nhật được ghép từ tên gọi làng Hà thuộc thành phố Đồng Hới và dòng sông
Nhật Lệ của tỉnh Quảng Bình, là nơi Lương Duy Cán chào đời năm 1937. Ông còn
dùng một bút danh khác là Mai Liên khi viết “Hai
bài thơ tình của người thủy thủ” mùa hè năm 1961,
sau đó được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc thành ca khúc “Tình ca người thủy thủ” quen thuộc hơn nửa thế kỷ qua: “Nhổ
neo ra khơi/ Đêm nay khi trăng mọc/ Tàu anh sẽ nhổ neo ra khơi/ Tạm biệt em
yêu/ Vẫy chào thành phố biển thân yêu/ Em yêu chớ hỏi anh nhiều/ Em đừng hỏi rằng
vì sao anh ra đi/ Em yêu, chớ hỏi anh rằng/ Ngoài khơi xa kia có những gì kêu gọi
anh/ Nhổ neo ra khơi/ Anh biết rằng nếu ở cuối trời/ Dẫu có những hòn đảo thần
tiên đầy châu báu/ Hay
có người thiếu nữ với đôi môi/ Hồng như san hô/ Nhưng không thể làm anh xa được
em yêu/ Nhưng em ơi/ Nếu có chàng trai chưa từng qua sóng gió/ Nếu có chàng
trai chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian lao/ Có lẽ nào xứng với tình em”.
Hà Nhật khởi sự làm
thơ từ những ngày học trò ở Huế, khi nghe “Mưa đêm Vỹ Dạ” năm 1953 “Mưa
rơi trên ngọn dừa/ Mưa rơi vào cành lá/ Buông vào lòng khách lạ/ Một nỗi nhớ bâng quơ” lẫn khi thẩn thờ “Trên đồi sim” năm 1954 “Chiều
nay/ Hành lý trên tay/ Mình trở về dấu cũ/ Lòng thương nhớ ngất ngây/ Tiếc tình
xưa tan vỡ/ Như những cánh sim bay”.
Sau hiệp định Geneve,
Lương Duy Cán ra Hà Nội học tiếp trung học và trở thành sinh viên khoa Văn của
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Giai đoạn này thơ Hà Nhật có nhiều bài chinh phục
bạn bè trang lứa như “Không cách ngăn sông núi/ Xa nhau mấy phố
dài/ Trăm núi sông cũng tới/ Mấy phố mà xa xôi” (Xa cách) hoặc “Sao lại yêu cả tên đường phố/ Thấy cuộc
đời ai ai cũng vui/ Không biết vì sao vô cớ mỉm cười/ Nói chuyện với cả cầu
thang gác/ Sáng chủ nhật cùng em gặp mặt/ Chiều trở về thấy em khắp nơi” (Khắp
nơi).
Giữa không khí làm
thơ theo phong cách “chân chân chân, thật thật thật” lúc bấy giờ, phẩm chất thi
sĩ của Hà Nhật đã nhen nhóm cảm xúc khác biệt, với “Bài thơ mùa hè” viết năm
1956 “Còi
tàu rộn bên kia sông/ Xe vạn dặm chực nuốt đường thiên lý/ Nao nao rụng đỏ màu
hoa phượng vĩ/ Nắng ngập ngừng chưa muốn lên cao” hoặc “Gọi đò” viết năm 1957 “Đêm
khuya ta đứng gọi đò/ Bên kia ai dậy khơi to lửa chài/ Nửa đêm bến lạnh cây dài”, hoặc “Tháng bảy” viết năm 1958 “Đường chợ xa về chân vội bước mau/ Chuyện
mùa mới tan vào trong các ngõ/ Hương sen ngát trong ấm trà ngày hạ/ Lá sen tròn
mơ hạt cốm xanh trong”. Đặc biệt, bài
thơ “Tặng
người bạn làm nghề khí tượng” cựa
quậy suy tư về nỗi đời, nỗi người “Nhìn ráng bên đông đoán
gió bên tây/ Hiểu được lòng trời mưa nắng chiều nay/ Riêng có một lòng người,
chưa thể hiểu”.
Cầm tấm bằng cử nhân,
Lương Duy Cán được phân công đi dạy học ở Nghệ An gần 3 năm, rồi chuyển vào dạy
học ở quê nhà Quảng Bình. Trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, thơ Hà Nhật có một
chọn lựa mới: “Tôi vẫn nghĩ thơ phải là gang thép/ Thơ phải
làm ra lúa ra khoai/ Nhưng nếu thơ tôi mọc dậy ở quê nghèo/ Tôi ao ước thơ tôi
làm hạt muối”. Và nhà giáo Lương
Duy Cán lập tức được học trò mến mộ bởi những giờ lên lớp truyền cảm hứng yêu
văn chương say đắm. Ngược lại, nhà thơ Hà Nhật “Ghi trong sổ tay” những câu chữ cồn cào hơn, có sự hoài niệm “Niềm
vui tuổi nhỏ của tôi/ đã theo đom đóm từng con từng con cứ lần lượt bay đi mãi
mãi/ bao giờ con đom đóm cuối cùng trong lòng tôi sẽ bay đi không trở lại?”, có sự lãng mạn “Bên kia bờ là nơi ở của
em/ Ở giữa hai ta là mưa bão/ Sau cửa sổ em chong đèn chờ đợi/ Cả bầu trời chỉ
có mây đen/ Đêm nay mọi căn nhà đều cài then khép cửa/ Chỉ có phòng em mở cửa
chờ anh/ Đêm nay mọi con thuyền đều thả neo nơi bến cũ/ Chỉ có thuyền anh vượt
bão đến cùng em” và có cả sự day dứt
“Tóc
em dài như một tiếng chuông/ Buông ngân nga khi buổi chiều xuống chậm/ Tôi, người
khách giữa đường chiều phiêu lãng/ Nghe chuông buông chợt nhớ khói quê nhà/ Chiều
xuống rồi, tôi vẫn mãi đi xa/ Lòng ngơ ngẩn bỗng òa rơi nước mắt”.
Thời gian dạy học ở Lệ
Thủy, nhà thơ Hà Nhật có bài “Lời chúc” viết năm 1963, với nhịp điệu bay bổng
và ý tứ mới mẻ: “Nhân danh hạnh phúc loài người/ Chúc tiếng
em cười/ Trong như hạt mưa/ Ngọt như mật ong/ Và nồng say như rượu mạnh.../ Chúc những giấc mơ em gặp từng
đêm/ Đều khiến em cười/ Tiếng cười vui/ Khiến kẻ tội đồ cũng quên ngày khổ ải”.
Chứng kiến cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào những giao tranh khốc liệt, thơ Hà Nhật cũng trực tiếp đồng hành “Có lẽ bởi em đang đi đò qua sông/ Cho lòng anh chòng chành những sóng/ Đêm Quảng Bình bốn bề chảy bỏng”. Từ góc nhỏ riêng tư “Con kinh ngạc trở về nơi mẹ ở/ Vẫn còn đây cây thị của con.../ Cây thị ấy giữa tim con chân thật/ Là một khoảng trời hạnh phúc sáng trong.../ Khi kẻ địch rất gần, khi mịt mờ lửa đạn/ Là lúc mẹ già trong bóng thị đứng bên con/ Như cả bầu trời và mặt đất bình yên”, ông nhìn rộng ra vẻ đẹp của thị xã Đồng Hới năm 1968 khói lửa “Khi quân thù mang cái chết đi qua/ Ta bỗng nhận ra/ Những đóa hoa đã giúp ta bình tĩnh thế/ Tưởng như những đóa hoa nhỏ bé/ Đẩy cái chết lùi xa” và chia sẻ cùng Tuyên Hóa năm 1974 cam go “Ta ở đất này gian khó chung nhau/ Xưa đã khóc thì bây giờ phải hát/ Đất thấm máu và đất đầy nước mắt/ Đất đơm hoa, đất chẳng bạc màu đâu”.
Non sông thống nhất,
Hà Nhật “hát mừng đất nước” hân hoan “Những người cày ruộng làm
thơ/ Em đi nhà máy hát mưa trăng rằm/ Tiếng đàn bầu của nghìn năm/ Trăm đời sau
vẫn vang ngân trước mành” và
ông có mặt trong đội ngũ những người đầu tiên chi viện cho giáo dục miền Nam.
Năm 1975, dạy học ở Phan Rang, Hà Nhật viết: “Thành phố này chỉ
có nắng là quá nhiều/ Thành phố này chỉ có gió là quá nhiều/ Nắng và gió làm
phai hương tất cả/ Nắng và gió làm nhạt màu tất cả/ Thế mà lá vẫn xanh ngời dưới
những giàn nho/ Và muối vẫn mặn mòi cho ngàn năm đi qua/ Phan Rang ơi, chỉ cần
có thế/ Tôi đến một lần/ Và để lại trái tim”.
Năm 1978, nhà giáo
Lương Duy Cán dạy học ở Phan Thiết và gặp gỡ được duyên phận đời mình. Đồng
nghiệp Thanh Phương nhỏ hơn 17 tuổi đã khiến nhà thơ Hà Nhật xao động: “Tình
anh như muối kia/ Không màu và lặng lẽ/ Em như làn gió nhẹ/ Thổi qua vườn cây
chiều”. Thế nhưng, cô giáo Thanh
Phương là con gái của một gia đình quyền quý, nên phụ huynh đâu dễ chấp nhận
con gái mình hẹn hò với một gã trung niên túng bấn. Người yêu bị cha mẹ gọi vào
TP.HCM, Hà Nhật nấc lên những cung tơ não nề “Bài hát xưa, anh
ngồi hát một mình/ Mưa đầy phố khiến giọng anh khàn đục/ Chẳng có gió cho hàng
cây thổn thức/ Chỉ im lìm trời lạc tiếng mưa rơi” và không nguôi mong ngóng “Bây
giờ em đã xa anh/ Cái thành phố ấy không xanh nữa rồi/ Vầng mây đã tối ngang trời/
Những ô cửa sổ em ơi, đâu còn/ Anh đi tìm lại lối mòn/ Tìm không thấy lối, chỉ
còn gió bay”.
Cũng may, tình yêu của
cô giáo Thanh Phương đã vượt qua mọi trở ngại. Năm 1979, nhà giáo Lương Duy Cán
cưới vợ ở tuổi 42, và dần dần chứng minh đẳng cấp thượng thừa của một nhà giáo
dạy Văn tại Trường Cao đẳng sư phạm TP.HCM. Hiền thê Thanh Phương không chỉ
sinh cho nhà thơ Hà Nhật hai đứa con Thùy Dương và Duy Bình, mà còn gìn giữ ngọn
lửa thi ca trong lòng ông. Những lúc cách biệt, Hà Nhật nhắn gửi vợ sự thấu hiểu
trân trọng “Nắng miền Trung đổ lửa/ Sài Gòn đang mưa to/ Em thương
anh nơi xa/ Chiều mưa che áo mỏng/ Em thật là vớ vẩn/ Lo anh như trẻ thơ/ Sài
Gòn chiều nay mưa/ Nghĩa thương em cháy ruột” và dành cho vợ sự sớt chia ngọt bùi “Cuộc
sống thì già, người sống thì khôn/ Chỉ có hai ta, hai chân trời tội nghiệp/ Chỉ
có anh, câu thơ chưa kịp viết/ Mãi mãi nằm chết đuối dưới dòng sông”.
Cô giáo Thanh Phương
không may đi trước chồng một bước về miền thăm thẳm. Nhà thơ Hà Nhật gói ghém ân
nghĩa tào khang 40 năm 11 tháng 9 ngày bằng nỗi xót thương: “Ai
hay một cánh cò còn bay đến thơ anh/ Một
cánh cò còn bay đến đời anh/ Một
cánh cò còn đơn đôc hơn xưa/ Một
cánh cò còn nhọc nhằn hơn xưa/ Một
cánh có chỉ đến với riêng anh/ Có
bài ca dao nào dành cho em không/ Có
bài thơ cánh cò nào dành cho em không”.
Nhà thơ, nhà giáo Hà
Nhật – Lương Duy Cán đã sống một cuộc đời hiền lành và nề nếp. Càng nhiều tuổi,
ông càng khắc khoải tự vấn. Ông tự vấn cho bản thân khi ngồi
“Dưới chân núi Rùa” yên bình thanh tịnh “Nghìn năm mây trắng bay trên núi Rùa/ Nghìn năm núi
Rùa hồn nhiên và lẳng lơ/ Anh cả một đời tính toan và sợ hãi/ Nghìn năm biển
thét ngoài kia núi Rùa/ Nghìn năm núi Rùa thản nhiên trầm mặc/ Anh cả một đời
không dám ghét dám yêu/ Nghìn năm trăng lên hoang sơ trên đỉnh núi Rùa/ Nghìn
năm núi Rùa thơ ngây quyến rũ/ Anh cả một đời không dám đi xa”. Và ông tự vấn cho kiếp người khi “Một
lần ngang qua Hollywood” choáng ngợp phấn
son “Té
ra mọi điều, đều
sau những cánh cửa kia/ Những
hẹn hò mộng mơ nhất/ Những
chuyện tình bi thương nhất/ Người
anh hùng tử trận ngàn năm xưa/ Vừa
lướt qua tôi trước mặt/ Thế
mà tôi từng rơi lệ.../ Té
ra tất đều là kịch/ Té
ra ta vẫn tin vào kịch hơn
đời/ Ước gì mọi nỗi đau
của đời, là
chỉ trên phim trường”./.
02/2022