Không ai cấm người làm phim tài liệu có những cảnh dựng tốn kém có diễn viên đóng minh họa. Trong lịch sử điện ảnh cho thấy, nhiều phim tài liệu cũng đã xử lý vậy, như: phim “Bản di chúc của một bạo chúa” về việc xây dựng Tử Cấm thành Bắc Kinh


“ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU” VÌ SAO KHÔNG ĐOẠT GIẢI GÌ?

(Trao đổi với nhà thơ Mai Văn Hoan)

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN

Trên trang lethieunhon.vn, tình cờ tôi được đọc bài viết rất chân thành và tâm huyết: “Một vài suy nghĩ khi xem phim Đại thi hào Nguyễn Du” của nhà thơ Mai Văn Hoan - ủy viên BCH Hội Kiều học VN, trưởng Chi nhánh Hội Kiều học tại Thừa Thiên - Huế. Với kiến thức thâm sâu của một nhà Kiều học và cảm xúc phong phú của một nhà thơ, ông đã hết lời ca ngợi bộ phim tài liệu dài 180 phút làm về chân dung Đại thi hào được công chiếu tại Huế, nhân dịp Liên hoan phim lần thứ 22 với tư cách là phim tham dự đoạt giải.

Ông nói: “Đã lâu lắm rồi tôi mới có được trạng thái lâng lâng này. Tôi cảm ơn Chủ đầu tư, các tác giả kịch bản, đạo diễn, các diễn viên, các nhà quay phim… đã bỏ ra khá nhiều công sức, tiền của… dàn dựng một bộ phim tài liệu nghệ thuật “đồ sộ, đầy đủ, chân thực, sinh động” về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Đại thi hào Nguyễn Du”. Sau khi phân tích về những thành công, và nguyên nhân thành công của phim, ông đã phê phán những người đã “chê” phim như sau: “Những người đòi hỏi làm phim tài liệu về nhân vật lịch sử quá khứ mà phải căn cứ vào “các sự kiện trực tiếp, tự nhiên, khách quan” như làm phim tài liệu thời hiện tại là điều không tưởng và quá ư ấu trĩ. Bởi không hiểu được điều sơ đẳng ấy nên họ cho rằng phim Đại thi hào Nguyễn Du “đầu Ngô mình Sở”. Sau cùng, tác giả bài báo đã thẳng thừng phê phán Ban giám khảo: “Thực tình, khi được tin phim Đại thi hào Nguyễn Du không dành được giải nào trong đợt Liên hoan phim lần thứ 22 tổ chức tại thành phố Huế, tôi hơi ngạc nhiên. Tôi nghĩ: một bộ phim tài liệu được dàn dựng công phu như thế, có ý nghĩa như thế mà không được giải là điều đáng tiếc. Mừng cho ngành điện ảnh nước nhà đã sản xuất được những bộ phim tài liệu vượt trội như phim Đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng xem những bộ phim tham gia mà không dính giải nào trong một cuộc Liên hoan phim là “thất bại” như ai đó thì hết sức ngớ ngẩn. Ban giám khảo Liên hoan phim chỉ là một nhóm người. Do thói quen nghề nghiệp, trình độ, nhận thức, định kiến, các mối quan hệ… nên không phải Ban giám khảo cuộc thi nào cũng sáng suốt, vô tư, khách quan, công tâm”.

Việc cảm thụ, đánh giá phim là một việc có tính cá nhân rất cao, và người xem phim có quyền tối thượng trong việc yêu thích hay ghét bỏ một phim nào đó. Nhưng, khi người xem phim tự cho mình cái quyền đưa ra “tiêu chí riêng”, thách thức phê phán những người làm nghề - trong đó bao gồm cả những người trong Ban Giám khảo để phán xét, miệt thị và cả nghi ngờ nữa một cách thiếu khách quan, thì lại thành chuyện khác rồi! Vì thế, mới có mấy dòng trao đổi này, “theo đuôi” nhà thơ MVH!

Tôi cũng được xem mấy tập đầu phim từ khi nó được ra mắt lần đầu. Là người trong nghề, trước nhiều ý kiến khen - chê suốt gần hai năm qua, tôi chỉ im lặng, và thầm mong cho phim của đồng nghiệp sẽ được khán giả nhiệt tình đón nhận. Bởi bất cứ ai đã từng làm phim về Nguyễn Du và Truyện Kiều cũng đều mong có thêm nhiều phim về đề tài lớn rộng này nhằm mong những giá trị của Di sản nguyễn Du ngày một thấm sâu vào lòng quảng đại quần chúng - như tiêu chí hoạt động của Hội Kiều học mười năm qua. Vì thế, một bộ phim, một bài báo, một quyển sách nào ra đời nói về Nguyễn Du và Truyện Kiều, dù thành công tới đâu thì đều đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng đã đưa ra công luận để thẩm định khách quan giá trị của sản phẩm đó, như đưa ra đông đảo khán giả và Ban Giám khảo của một LHP quốc gia, thì lại cần tiêu chí đánh giá chuyên nghiệp. Cách đặt vấn đề của ông MVH là phủ nhận sách trơn vai trò thẩm định có tính chuyên nghiệp của một Ban GK gồm các nhà lý luận phê bình và người làm nghề có kinh nghiệm. Dĩ nhiên, không thể có sự thẩm định chính xác tuyệt đối, bởi thành viên BGK cũng là những người xem - dù là “người xem chọn lọc” cũng có yếu tố cảm nhận cá nhân. Nhưng cách nói của ông MVH thì lại có ý đặt dấu hỏi về sự vô tư, trong sáng của Ban GK. Ông có quyền làm vậy, nhưng phải dựa trên sự thật – đặc biệt là sự thật về chất lượng, giá trị thực của tác phẩm ông bênh vực.

Xin thưa ngay, tôi không phải trong BGK, cũng không có quan hệ tình cảm thân sơ gì với các vị trong BGK lần đó - ngoài quan hệ nghề nghiệp. Vậy, để trao đổi với ông MVH, tôi cũng gạt sang mối quan hệ quý mến sẵn có của tôi với ông - một nhà Kiều học đàn anh cùng Hội, một nhà thơ tôi kính trọng; và bằng chút ít kinh nghiệm của người trong nghề sẽ trò chuyện, bàn bạc thêm với ông một cách sòng phẳng - khi ông đứng về góc độ nghề nghiệp phim ảnh có thể còn nhiều kinh nghiệm hơn tôi gấp bội để phán xét phim này.

Bộ phim hoành tráng với giá thành 15 tỷ đồng này được hoàn thành và trình chiếu đúng dịp Lễ Giỗ 200 năm Nguyễn Du – dù lúc đó mới được 02 tập, có thể nói đó là cố gắng lớn của đoàn làm phim thuộc Công ty cổ phần không gian văn hóa Việt Media… Khán giả Hà Tĩnh và khách bốn phương về dự Lễ Giỗ sau khi được nghe những lời giới thiệu “có cánh” và chứng kiến màn lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng, cả dàn “nhạc sống” (đàn, sáo, ca sĩ) dạo đầu tạo không khí háo hức đón đợi thật ấn tượng. Nhưng, một số người quen đã nói với tôi sau buổi chiếu: thà rằng đừng để người xem kỳ vọng bao nhiêu thì đỡ thất vọng bấy nhiêu! Không ít người là “dân ngoại đạo điện ảnh”, sau đó đã có những nhận xét tinh tế và khá chính xác về mặt nghề nghiệp, đặc biệt là về nội dung phim liên quan tới cuộc đời Đại thi hào.

Và đáng quý nhất là đã có đề xuất đầy tâm huyết đối với người làm phim để phim sẽ được hoàn chỉnh như mong đợi của nhà sản xuất và đông đảo khán giả. Một số nhà giáo, nhà nghiên cứu muốn thông qua tôi gửi đến nhà sản xuất, các nhà làm phim lời đề xuất như sau: để tiếp tục hoàn thiện bộ phim, nên có những nhà điện ảnh giàu kinh nghiệm xử lý tốt mấy việc, như: xây dựng lại đường dây kịch bản và chủ đề tư tưởng phim; quay mới và quay thêm những cảnh quay cần thiết theo những ý đồ mới; dựng phim (montage) lại toàn bộ những tập đã hoàn chỉnh lần đầu, và dựng phim các tập sau theo kịch bản mới; viết lại/ viết thêm lời bình phim trên cơ sở lời bình đã khá chắt lọc và đã có độ rung cảm cần thiết... Bởi công phu và tâm huyết lớn lao của tập thể đoàn làm phim qua 02 tập trên đã được công chúng ghi nhận, nên không để phí hoài vì những cách thức làm phim thiếu chuyên nghiệp gây nên… Những đề xuất rất thú vị! Nhưng vì nể nang các bạn đồng nghiệp, đến giờ tôi mới có dịp bộc bạch, và phải cám ơn nhà thơ MVH!

Hai tập đầu (Gia thế và tuổi thơ): Phim tái hiện quãng đời của Nguyễn Du từ năm 6 tuổi ở Thăng Long, Kinh Bắc, Thái Bình, đến khi trở về Tiên Điền - quê cha. Ở đây, những người làm phim đã có sự cố gắng tái hiện khung cảnh sống của cậu Chiêu Bảy, qua thiết kế bối cảnh, xây dựng các mối quan hệ gia tộc, quê hương làng xóm. Tuy nhiên, về phương diện thể loại, người xem thấy tiếc, giá như không có những đoạn thoại nhân vật “cứ như thực” nhưng trong cách thể hiện lại nửa vời, khiên cưỡng, non nớt nên rất sống sượng. Giá như, thay vào đó bằng đoạn phim tài liệu khoa học với lời bình đượm chất thơ, quyện với khung cảnh thôn quê yên bình, giầu tính hoài niệm, thì hiệu quả nghệ thuật sẽ cao, thấm vào lòng người xem biết bao! Có thể dễ nhận thấy, ở đây người làm phim đã mắc phải “sai lầm chết người”, rất ấu trĩ, không đáng có là vi phạm nguyên tắc về đặc trưng, bản chất thể loại. Do vậy, mà bộ phim là một mớ “hổ lốn”, pha trộn lẫn lộn giữa thể loại phim truyện hư cấu (Fiction) với thể loại phim tài liệu (Document) - khá vô lối, tùy tiện. Những lời bình rất hay của nhà thơ Vương Trọng đã bị “bật” khỏi bộ phim một cách rất oan uổng!

Không ai cấm người làm phim tài liệu có những cảnh dựng tốn kém có diễn viên đóng minh họa. Trong lịch sử điện ảnh cho thấy, nhiều phim tài liệu cũng đã xử lý vậy, như: phim “Bản di chúc của một bạo chúa” về việc xây dựng Tử Cấm thành Bắc Kinh (Đức); phim về chuyện xây dựng các Kim tự tháp Ai Cập (Mỹ), v.v. Và không ít phim tài liệu Việt Nam cũng thành công với những cảnh dựng hư cấu như thế. Nhưng, nên nhớ rằng, ở những phim đó tuyệt đối không có lời thoại nhân vật – ngoài lời bình, hay ngoại đề trữ tình của người làm phim về cảnh huống đời sống, về tâm trạng nhân vật mà diễn viên đang đóng thế cho nó! Trong phim tài liệu “Đại thi hào Nguyễn Du”, những cảnh dựng mang tính minh họa đã biến thành những trường đoạn phim truyện, giống như hiện thực đang diễn ra, có diễn xuất, kịch tính, lời thoại, v.v, dẫn tới trong phim có sự “cắn xé”, “đấu đá” lẫn nhau. Với các đoạn phim tài liệu, thì điều đó rất gây phản cảm!

Ở đây cũng xin được nói thêm, ngay cả đánh giá cảnh phim “như thực” đó dưới góc độ phim truyện cũng thấy rất non nớt về nghệ thuật điện ảnh, manh nặng tính minh họa - xin lỗi, nó không bằng những phim bài tập thuộc loại trung bình non của sinh viên đạo diễn điện ảnh.

Nếu nói về ưu điểm của bộ phim thì có thể nói một cách công bằng thế này: các diễn viên trong phim này được chọn khá hợp vai, và diễn xuất cũng khá tự nhiên. Tuy nhiên, bắt dàn diễn viên như thế phải “nhai” những câu thoại có nhiều chỗ khiên cưỡng, mang tính giáo huấn lộ liễu, tình huống áp đặt (do khâu kịch bản văn học quá hời hợt, non kém, tôi sẽ bàn sau), nên hiệu quả nghệ thuật cũng chẳng mang lại như mong muốn!

Xin dừng lại kỹ hơn về kịch bản văn học của phim: vì “cái nền” của phim phải nói rất chung chiêng, xuất phát từ chỗ tác giả kịch bản: a, Không nắm chắc về bản chất - đặc trưng thể loại phim (Đã phân tích phần trên); b, Không hiểu thấu đáo về cuộc đời Nguyễn Du, kiến thức lịch sử lỗ mỗ, không đến nơi đến chốn; b, Xử lý chất liệu lịch sử, chất liệu văn học một cách gượng gạo hoặc sai lệch; c, Quan trọng nhất là phim thiếu một trục tư tưởng thống nhất, khiến phim là những đoạn lắp ghép khá tùy tiện, thiếu xương sống chủ đề chính.

Xin đưa ra một vài thí dụ tiêu biểu, cũng là những hạt sạn lớn của phim, khiến những khán giả có một hiểu biết nhất định về thân thế, sự nghiệp Nguyễn Du không thể chấp nhận được:

- Đoạn nói về mẹ đẻ của Nguyễn Du, với những lời bình so sánh thân phận của bà với nàng Kiều trong tình cảnh bị danh gia họ Hoạn đánh ghen bằng cách bắt hầu rượu, hầu đàn cho hai vợ chồng một cách tủi nhục. Đó là sự so sánh khiên cưỡng, sai sự thật lịch sử! Hơn nữa, cũng trong phim, có nhiều cảnh miêu tả sự gần gũi thân mật của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm với hai mẹ con Nguyễn Du, sự quan tâm chu đáo chân tình của bà chính thất Nguyễn Thị Dương với Nguyễn Du, và với bà trắc thất Trần Thị Tần – như thế là ý tưởng phim với hình tượng cụ thể phim đã “đánh nhau” kịch liệt!

- Tác giả đã miêu tả kỹ sự thân tình của chúa Trịnh Sâm với quan thượng thư Nguyễn Khản – người thay cha dưỡng dục cậu Chiêu Bảy, qua đoạn y hệt “phim truyện”: Nguyễn Khản đưa Chiêu Bảy tới gặp Trịnh Sâm. Đây là một trong những đoạn phim gây phản cảm nhất, không chỉ vì nó hoàn toàn không cần thiết cho phim, mà chính vì đã hạ thấp nhân vật Nguyễn Du khi cho Chúa xoa đầu khen ngợi, động viên và dạy dỗ Nguyễn Du cứ như một nhà văn hóa lớn, một bậc chăn dân mẫu mực!…

- Đoạn phim viên tướng Hoàng Ngũ Phúc trao tặng thanh bảo kiếm cho chú bé Chiêu Bảy được dựng khá công phu, song lại không đưa ra một thông điệp có ý nghĩa gắn với chủ đề tư tưởng phim (vốn rất mờ nhạt). Và khi Tể tướng Nguyễn Nghiễm thay mặt con trai cung kính cảm ơn viên tướng, thì người xem hoàn toàn thất vọng: Người cha vĩ đại đáng kính đó đâu mong muốn con trai mình đi vào con đường của một võ tướng thời loạn mà chính Cụ đã phải thực thi một cách khiên cưỡng, đã phải gác bút cầm gươm để bảo vệ cái chính thể mạt triều Lê - Trịnh thời mục ruỗng!

Tóm lại: theo nhiều người xem, bộ phim đã “vi phạm trầm trọng nguyên tắc về đặc trưng, bản chất thể loại”. Do vậy, mà bộ phim là một mớ “hổ lốn”, pha trộn giữa thể loại phim truyện hư cấu với thể loại phim tài liệu một cách vô lối, tùy tiện. Nngười làm phim tài liệu có quyền dựng những cảnh tốn kém có diễn viên đóng minh họa. Lịch sử điện ảnh đã minh chứng sự thành công của nhiều phim tài liệu như thế … Nhưng, xin nhắc lại một điều rất quan trọng, chủ chốt trong nghề: ở đó tuyệt đối không có lời thoại nhân vật – ngoài lời bình, hay ngoại đề trữ tình của người làm phim về cảnh huống đời sống, về tâm trạng nhân vật mà diễn viên đang đóng thế cho nó! Nếu có thoại nhân vật, phải là lời thoại triết lý, chứ không phải là lời thoại đời sống, tâm lý vụn vặt đời thường - như phim “Đại thi hào Nguyễn Du” xử dụng tràn lan, nhàm chán, phá vỡ tính “tài liệu” mang chất nghiên cứu - khám phá về tâm lý - tính cách nhân vật lịch sử mà phim cần đạt tới!

Trên thế giới, lâu nay cũng đã có sự thể nghiệm đưa phim truyện có thoại vào phim tài liệu, song họ đã làm một cách nghệ thuật, tạo ra những ép-phê nghệ thuật xứng đáng, không tạo nên ấn tượng lắp ghép thủ công, và đặc biệt là, những đoạn Fiction minh họa đó mang tính triết lý sâu sắc - như các phim chân dung về Gơt, Puskin, Mozat, v.v. Còn trong phim “Đại thi hào Nguyễn Du” lại mang nặng chất tâm lý (Tôi chưa nói đến việc thể hiện tâm lý ra sao).

Hơn nữa, những đoạn phim có thoại và diễn xuất mang tính hư cấu (Fiction), dù có hay tới đâu, xuất sắc tới đâu, muốn tác động tới người xem một cách nghệ thuật khiến họ khóc, cười, suy ngẫm, thì cũng cần phải được nằm trong một tổng thể đường dây truyện phim, cấu trúc hình tượng, xung đột kịch tính, cùng sự phát triển tâm lý tính cách nhân vật được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, mà chỉ có phim truyện – dĩ nhiên là phim truyện tử tế - mới làm nổi!

Và còn điều này: bản thân phim tài liệu - dù là tài liệu khoa học, tài liệu chân dung… cũng đã là một hình thức nghệ thuật riêng biệt của nghệ thuật Điện ảnh, không nên xưng danh phim trên là “Tài liệu nghệ thuật” như phim đã đề ở màn chữ.

Trong những ngày phim đang tiếp tục quay tiếp, tôi đã bắn tin tới các nhà sản xuất: xin tình nguyện được tham gia viết lại kịch bản, tham gia dựng tiếp/ dựng lại bộ phim các tập đã hoàn thành và đang hoàn thành, không cần tới một đồng thù lao, đặng khán giả có một bộ phim xứng đáng với công phu lao động khổng lồ của cả đoàn phim suốt mấy năm qua, và xứng đáng với sự chờ mong của đông đảo khán giả toàn quốc… Nhưng nhà sản xuất đã coi đó là trò đùa!

Mấy tập sau, tôi rất tiếc là chưa được xem, nhưng qua sự miêu tả của một số bạn đồng nghiệp, bộ phim đã tuyệt đối “trung thành” với phương pháp của hai tập đầu: nghĩa là tiếp tục hồn nhiên “vi phạm nguyên tắc về đặc trưng, bản chất thể loại”, và rất nhiều cảnh dựng sống sượng, không mang chất tài liệu hiện đại đã đành mà cũng chẳng “giống” với phim truyện “Fiction” chút nào!

Chưa kể, bộ phim còn dính tới vụ kiện cáo ồn ào về bản quyền kịch bản, tư liệu hình ảnh, về chuyện “cướp công” người thực hiện… Nhưng vì tôi chưa nắm rõ nội tình nên chỉ nói qua; có lẽ đó cũng là một lý do để bộ phim đã bị “bỏ qua” trong Liên hoan phim trên?

Nhưng dù sao bộ phim cũng đã tìm được những người xem đồng cảm một cách chân thành như nhà thơ MVH, thì cũng là một phần thưởng quý giá không kém Huy chương vàng Huy chương bạc của LHP, giúp những người làm phim sẽ cố gắng nhiều hơn trong những phim sau, để xứng đáng sự đồng cảm niềm hy vọng quý báu đó…