Nhắc đến Y Phương, đồng nghiệp không ai không nhận ra anh là nhà thơ của Trùng Khánh, Cao Bằng. Người viết văn, làm thơ thì nhiều vô kể, nhưng viết để người ta nhớ thơ văn ấy gắn với đất ấy, người ấy, nết ăn, nết ở ấy thì đâu có nhiều.

Y PHƯƠNG HỒN CỐT LẶN TRONG NÚI ĐÁ

LÊ THÀNH NGHỊ           

Sài Gòn, buổi chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, số 2 đường Hồng Thập Tự, những nhà báo, nhà văn, nhà quay phim, chụp ảnh…còn lấm lem khói bụi, từ các ngã đường chiến tranh, theo các cánh quân chủ lực, như cùng hẹn trước, về gặp nhau tại đây. Số 2 đường Hồng Thập Tự trước đó là cơ quan tâm lý chiến của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, sau ngày chiến thắng trở thành cơ quan Cục Chính trị Quân giải phóng. Trong những người gặp gỡ tay bắt mặt mừng còn nguyên mùi súng đạn hôm đó, có Y Phương.

 Chàng trai trẻ có gương mặt đẹp, rắn rỏi nhưng tái sạm vì sốt rét, mũ tai bèo, áo vải dù xanh đen đã sờn, súng K54 đeo trễ lãng tử như hầu hết những ai có mặt hôm đó, vốn là một chiến sỹ đặc công, rồi là thành viên của Đội chiếu bóng lưu động thuộc Cục Chính trị miền. Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, anh theo một cánh quân về giải phóng và tiếp quản Sài Gòn.

Tôi không thật sự có ấn tượng gì khác thường, ngoài cái tên Y Phương, có vẻ như tên của người vùng cao, cái tên mà tôi đã đọc khi anh là tác giả của một chùm thơ (Bài Bếp lửa trờiDáng một dòng sông) in trên Tạp chí Văn Nghệ Quân đội tháng 6 năm 1973. Năm ấy (1973) cũng là năm tôi từ một đơn vị Thông tin về tạp chí VNQĐ, nhà thơ Văn Thảo Nguyên, bấy giờ là biên tập viên Ban Thơ, biết tôi lón lén gieo vần, liền giới thiệu một loạt những tên tuổi mới coong (mà Văn Thảo Nguyên chưa biết mặt) vừa có bài in trên mấy số tạp chí gần đây, như Y Phương, Từ Ngàn Phố, Từ Ngọc Lang, Trần Mạnh Hảo, Văn Lê…Văn Thảo Nguyên rất khen thơ Y Phương, vì vậy, tôi nhớ ngay người đang đeo khẩu K54 áo sờn vai trước mặt mình chính là tác giả của mấy bài thơ nọ, khi anh giới thiệu tên mình lần gặp tại số 2 đường Hồng Thập Tự.

Rồi từ đó, tôi đọc khá nhiều Y Phương, càng đọc (cả thơ, trường ca và sau này là tản văn, chân dung) càng nhận ra ở anh một ngòi bút đặc sắc, một tâm hồn đặc sắc.

Nhắc đến Y Phương, đồng nghiệp không ai không nhận ra anh là nhà thơ của Trùng Khánh, Cao Bằng. Người viết văn, làm thơ thì nhiều vô kể, nhưng viết để người ta nhớ thơ văn ấy gắn với đất ấy, người ấy, nết ăn, nết ở ấy thì đâu có nhiều! Tôi càng đọc anh, càng nhận ra hồn vía cốt cách của Y Phương cho dù đi đến đâu, tha phương cầu thực, ăn nhờ ở đậu lang bạt kỳ hồ phương trời nào cũng không tách khỏi núi đá Trùng Khánh Cao Bằng. Người từ đó đi ra, hồn vía nhớ đó trở về, cứ quanh quẩn  bịn rịn như mây, như gió qua thung lũng, ở lại đó làm nên mùi vị: Mùi trai Tày/ Giận người không ra mặt/ Yêu người ngâm đáy mắt/ Ruột gan âm ỉ cháy/ Lòng dạ hùng hục sôi (Đò trăng, tr.101). Hơn đâu hết, trong nghề bút mực, nói lên được cái mùi, nói cái riêng biệt mà vẫn làm hiện ra cái toàn thể… mới là điều căn cốt. Y Phương làm điều đó cứ như nhẹ hều, rằng nó thế, vẫn thế, tự nhiên thế, không lên gân, lên guốc, ra vẻ, ra dáng gì. Nhưng ai có chút máu mê viết lách hẳn đều biết, đến được như thế là đã qua nhiều bến mê, rất nhiều chỗ lội, trước khi đến đoạn đường bằng, đã vã rất nhiều mồ hôi trước khi gặp bóng mát hàng cây, đã qua rất nhiều những mùa gieo thấp thỏm trước khi nhìn thấy bông lúa chín. Văn chương chính là gieo gặt vậy.

Ai đó đã ví von viết như là cày ruộng, vậy thửa ruộng của Y Phương đã được chuẩn bị như thế nào? Nói khác đi, ngọn nến đang cháy sáng kia đang được đốt lên bằng năng lượng nào?. Có thể nói ngay: nó được đốt lên bằng trầm tích văn hóa núi đá. Trong trang viết của Y Phương có thể gặp rất nhiều những tầng vỉa của văn hóa, từ đó mọc lên những ý tưởng, những tư tưởng, những triết lý bình dị như chính cuộc sống. Nhưng không phải ai trời cũng phú cho khả năng đó. Chỉ những người sống kỹ, sống máu thịt, sống không dễ dãi, sống thấp thỏm, lo âu, sống đau đớn với đời, ông trời mới tin tưởng giao cho một chút tài năng cầm bút để mà dùng ngọn bút an ủi chút ít cho đời: Sỏi đá găm vào tôi/ Nỗi nhớ nhà tê buốt (Đò trăng, tr.96).

Vì sao vậy? Vì kẻ tha phương đang nhớ những vật dụng đã thành kỷ niệm: Tôi đi bốn chân/ Ngung ngoang khắp nhà/ Lục lọi mọi miền chai lọ/ Và nhiều vùng khác nữa/ Toàn những thứ ngon lành… (Chín tháng). Nó là cái chai, cái lọ, là tảng đá đầu nhà, là rừng cây mác mật, mác muông, là trò hơi dziều mằn thuở chăn trâu, cắt cỏ, là con ngựa hồng mao cưỡi đến trường thuở nào, là con Đốm hoa dắt theo vào lớp học, nó là câu sli, câu lượn, là điệu múa hải bjooc hải hoa, phiên chợ Lồng Tổng, là đùm xôi bjooc phón, nó là ngôi nhà xây bằng đá hộc/ con đường trâu bò đi vàng đen kìn kịt/ lúa chín tràn trề, là gánh củi gỗ nghiến ngày tết, là nồi cháo mạ, là khói sục dín mơ màng, là nón mao zà, là khói coóc vài, là chiếc máy khâu cũ kỹ, ân nhân nuôi sống cả nhà thời bao cấp, ( mà anh vô cùng tiếc nuối khi hiến nó cho Bảo tàng Văn học, đặng để nhiều người biết rằng, nhà văn Việt Nam đã trải qua biết bao gian nan của đời thường ), nó là mùi đá vôi Trùng Khánh. Mùi hoa bjoc phón màu vàng rộm. Mùi xôi trám đen nhưng nhức. Mùi hạt dẻ ngậy và bùi. Mùi khoai lang nướng ngọt lừ. Mùi măng chua nấu canh cá trê. Mùi bánh cuốn nóng trên bếp lò đun bằng củi nghiến…Tất cả quê hương Trùng Khánh đang thở trên người tôi (Fừn nèn-củi tết, tr.207).

Hãy nghe anh kể về một vật dụng rất đỗi bình thường của bất cứ nhà nào, vùng quê nào, bình thường đến mức như có thể lãng quên bất cứ lúc nào với bất cứ ai. Nhưng với Y Phương thì không, nó trở thành ký ức: Người Tày lại có cách nghĩ khác. Để tỏ lòng biết ơn đôi chân, gia chủ đặt một ang nước trong, ngay cạnh cầu thang…Bên cạnh ang nước, buộc phải có một cái gáo…Chuôi gáo thò ra một chiếc đuôi. Trên chiếc đuôi rất hay có những con chuồn chuồn ớt màu hồng đến đậu. Một chấm đỏ như lửa cháy. Cháy cay xè trong đôi mắt nhớ nhung ( Fừn nèn - củi tết, tr. 204 ). Đây là những câu văn của Tản văn Y Phương, nhưng dường như những câu thơ cũng đã mấp mé đầu ngọn bút, bởi vì cái chuôi gáo có con chuồn ớt kia, như một ngọn lửa đã âm ỉ đầy bí mật trong tâm hồn người viết, có thể cháy lên bất kỳ lúc nào, bởi vì phía dưới chúng (những câu thơ) là cả một thềm lục địa của năng lượng văn hóa.

Nếu con người không chỉ sống mà phải biết ghi nhớ cuộc sống, thì Y Phương chính là môt ví dụ. Biết bao nết ăn, nết ở từ lâu đời, truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành những hệ giá trị đã được loài người lựa chọn qua thời gian, năm tháng, đến lượt Y Phương chúng thấm sâu vào từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim và ở luôn tại đấy làm thành luân lý tự thân, thành đạo lý mang giá trị thường hằng, phổ quát của văn hóa. Anh nói với con về quê hương vùng cao của mình:

                        Xa đo nỗi buồn

                        Cao nuôi chí lớn

                        Dẫu có làm sao thì cha vẫn muốn

                        Sống trên đá đừng chê đá gập ghềnh

                        Ở trong thung không chê thung nghèo đói

                                                (Nói với con)

Đó là đạo lý của vùng núi đá cổ Co Xàu (Cô Sầu), nhưng cũng là đạo lý của mọi tộc người trên thế gian. Đạo lý ấy không tự dưng mà đến, nó đến từ nết ăn ở tự ngàn xưa, nó đến từ minh triết của cha ông, nó đến từ tôn giáo của trí tuệ: Chữ thánh hiền là thuốc, là cái gốc để làm thành con người…Biết trọng chữ nghĩa mới là người có nhân cách (Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm, tr. 72). Y Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có người cha là thầy Tào chữ nghĩa, uy tín, biết lấy cái tình, cái nghĩa để đối nhân xử thế, sống thì được nể trọng, chết thì được nhớ tiếc: Ngày cha tôi mất, khắp cánh đồng Bo Păn trước nhà rợp một màu khăn tang trắng xóa (Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm, tr. 69). Ở đâu trên thế gian này cũng có những người cha hóa thành ngọn lửa đạo lý hun đúc ý chí của những người con như vậy. Có phải vì thế, đến lượt mình, khi nói với con, Y Phương thật tình cảm nhưng cũng thật chí lý. Hai cung bậc của một tình thế: đừng chê là lời khuyên trước một thực trạng khách quan (đá gập ghềnh), không chê mang sắc thái mệnh lệnh nói với thế hệ sau trước một hoàn cảnh chủ quan (nghèo đói). Nó bao hàm ý thức và luân lý, suy nghĩ và hành động, tình yêu và lòng tự tôn.

Thay vì những lời to tát như yêu đất nước, quê hương, Y Phương chọn lối nói giản dị, giàu hình ảnh. Giản dị nhưng đủ sức găm vào trí nhớ người nghe, người đọc. Ở đây ta bắt gặp kiểu tư duy và nếp văn hóa giao tiếp của người vùng cao: ngắn gọn, hiệu quả, nhớ lâu. Người vùng cao sống trên địa bàn rộng, nên mỗi khi gặp nhau họ thường nói sao để người nghe, dù sau đó đi ba quả núi, mười quả đèo, đi mười phương, tám hướng vẫn phải mang theo lời người nói. Chẳng hạn, để nói ý chí bất khuất của người sống trên núi, người vùng cao nói: núi không cao quá đầu gối con người! Còn Y Phương chất liệu thì có vẻ hiện đại, mà cách nói thì vẫn y chang thế: Làng tôi cách huyện đúng bằng một điếu thuốc lá (Kungfu người Co Xàu, tr. 108), hoặc: Từ anh sang em/ Đi hỏng đôi giày (Đi tìm), hoặc thị trấn Trùng Khánh cỏn con, nhỏ bé bằng ba tiếng ho ( Kungfu người Co Xàu, tr. 43 ), rồi Họ định cư ở đây lâu đến nỗi đã làm mục nát cả nỗi nhớ ( Kungfu người Co Xàu, tr. 150 ), say như quả bí ngủ treo ( Kungfu người Co Xàu, tr. 233 ). Đấy là văn hóa của giao tiếp, của lời nói, của tư duy người vùng cao. Là ký hiệu của ngôn ngữ, dùng hình ảnh thay cho lời nói. Không ở đâu kết tinh đậm đặc văn hóa, thấm đẫm văn hóa như ở ngôn ngữ.

Ở một trường hợp khác, diễn tả mùa hoa nhưng tịnh không thấy hoa lá đâu, chỉ thấy vào mùa hoa Người đàn bà/ Mặt đỏ phừng/ Đủ sức vác ông chồng/ Chạy phăm phăm lên núi và Người đàn ông/ Mệt như chiếc áo rũ/ Vừa vịn rào vừa đi vừa ngái ngủ. Người đọc tha hồ liên tưởng, suy tưởng: là mùa gieo trồng, là mùa sinh lực, là mùa dục tình, là mùa ái ân, là mùa sinh sôi…và vì sao người đàn bà lại thế và người đàn ông lại như thế… Một lần khác, cũng để diễn đạt hoàn cảnh tương tự của những chàng trai, cô gái vùng cao quê mình, anh viết: Họ nói gì mà vòm lá rụng/ họ làm gì mà lùm quả chín/ …Để rồi sáng sớm trong rừng/ Lá rụng/ Hoa rụng/ Quả rụng/ Chim chóc cáo chồn ngơ ngác/ Suối chở đầy hương thơm nhàu nát ( Chín tháng ). Chỉ dừng lại ở đấy, ý nấp ẩn, như chơi trò trốn tìm, ý ngoài lời, ý chen lấn trong đầu người nghe, người đọc.

Y Phương chỉ gợi, không nói hết, vì nói hết biết đâu lại tòi ra cái điều không muốn nói, vì Y Phương nhớ đến phong thái người xưa: Tin nhau không nói nhiều lời…Ngày xưa nói là thơ/ Không thích kể/ Bây giờ vẫn thế ( Ngày xưa ngày nay ). Còn nhớ Nguyễn Đình Thi có bài thơ tên là Không nói, nhưng đọc xong ai nấy đều thấy xôn xao trong mình bao điều muốn nói. Làm thơ mà ham miêu tả hay sa vào kể lể dài dòng là sở đoản. Cái độc chiêu, độc đáo của Y Phương, kungfu của người Co Xàu là khả năng dẫn dụ, lôi cuốn người đọc vào từ trường ngôn ngữ của mình, cùng chơi trò chơi ngôn ngữ, là khả năng không nói hết, khả năng kiềm chế lưng chừng giữa những câu thơ. Trang viết của Y Phương vì vậy chen lấn cái nhìn thấy. Cái không nhìn thấy. Cái nghe thấy. Cái không nghe thấy. Chỉ cảm được bằng tâm hồn. Cái không nhìn thấy nhưng vẫn nhận được bằng hơi bay của gió ( Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm, tr.56 ).Thơ Y Phương thấm nhuần cách cảm…bằng tâm hồn  ấy, chỉ vài ba câu kiềm chế ( kiềm chế là một cốt cách của thơ ) mà đủ để nói được một cách sâu sắc điều cần nói, gom và nén được thật nhiều ý tứ, mà giả dụ muốn tháo tung chữ nghĩa, ý tứ ra để sắp đặt lại bằng văn xuôi, có lẽ phải rất dài dòng:

            Người đồng mình thô sơ da thịt

            Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

            Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương.

                        (Nói với con)

Tự đục đá kê cao quê hương …hàm chứa cả lịch sử, cả năm tháng sống, lao động và cống hiến và ý chí của những người đồng mình. Cũng những con người sống trên đá, ở trong thung ấy, khi đón bạn thì Mời rượu cả chum, mời quả cả cây, nhưng nếu quê hương bị kẻ thù xâm lăng, thì không nhiều lời, mỗi người tự đứng vào chỗ của mình, như không cần phải ai bảo ai, như lẽ sống của cha ông, tự mình làm nên thành lũy:

            Phòng tuyến thứ hai

            Mỗi mỏm đá một người cầm súng.

                        (Phòng tuyến Khau Liêu)

Có thể hiểu: mỗi người cầm súng đang ở trên một mỏm đá, nhưng cũng có thể hiểu mỗi mỏm đá đã biến thành mỗi người cầm súng (!). Khi đá đã biết cầm súng (cũng như khi rừng biết che bộ đội, biết vây quân thù) thì văn hóa yêu nước, giữ nước đã là trầm tích trong từng tấc đất, tảng đá. Mà đá Trùng Khánh Cao Bằng thì: nhiều như không khí. Đâu đâu cũng có đá. Đá chất ngất lên thành núi…núi sừng sững trong đời đã nghìn vạn triệu năm tuổi…Núi con đứng trên vai núi bố. Núi cháu đứng trên vai núi bà. Cứ thế đá núi chồng đè lên nhau chọc thủng cả trời mây (Kungfu người Co Xàu, tr. 151). Đá núi xô dạt vào nhau, tạo thành những lớp sóng cao ngất. Hết lớp sóng này chồm lên lớp sóng khác (Fừn nèn-củi tết, tr. 52). Đừng nghĩ đá khô cứng, thô nhám, lạnh lùng. Đá tự hào không ai yêu làng này bằng mình. Người có chân đi đông, đi tây. Đá không chân đá nằm, đá ngồi đá quỳ, đá chồng lên đá đứng lại. Đá trông ruộng vườn. Đá canh mồ mả ông cha cho người. Đá nhìn ra đầu làng, mong có người lần lượt trở về. Đá mong chờ người thân (Tháng giêng tháng giêng …, tr.34), Thương lắm hòn đá to dắt tay hòn đá nhỏ/ Bồng bế nhau đợi miết (Đò trăng, tr.103), Cả một đời chắp vá/ Cả một đời ăn tạm bợ/ Bà cụ cười giòn tan…/ Hôm nay khuất núi rồi/ Hòn đá như muôn người/ Đứng âm thầm thương cụ (Đá)…

Ta hãy xem những hòn đá Trùng Khánh quan niệm về cuộc đời như thế nào trước khi dừng lại một chút về cảm thức tha phương trong thơ Y Phương. Tại đây, hãy quan sát Y Phương như một tác nhân thường trực với đá, để nói về nhân cách những người trên núi đá:

Sỏi đá găm vào tôi

Nỗi nhớ nhà tê buốt

            (Đò trăng, tr. 96)

Đấy là nỗi nhớ tê buốt ngôi nhà sàn bất di bất dịch, nơi ta ra đời:

                        Nhưng ngôi nhà sàn trong tôi bất di bất dịch

                        Vách nứa mái gianh

                        Chiếc nấm ngọt lành

                        Che chở một thời và mãi mãi

                        (Đò trăng, tr. 106)

Đấy là nhân cách làm người khi đã khôn lớn: Làm trai người Tày, nếu không sống thật lòng, lập tức bị mọi người coi như hủi…bởi vì người Tày: ghét cay ghét đắng cái ác, cái giả dối, cái lươn lẹo, cái đổi trắng thay đen, cái phản thùng, cái thớ lợ của người đời (Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm, tr. 193,133). Đấy là cốt cách của người Co Xàu: Trên đầu người miền núi chỉ có tổ tiên, ông bà và mặt trời. Cúi mình trước người khác vì cái này, cái nọ thì không bao giờ ( Kungfu người Co xàu, tr. 64). Còn đây là cái tình của người vùng cao: lấy cái tình làm trọng. Cái tình người phủ xanh trái đất (Người Co Xàu, tr.127), là khí phách của người vùng cao: củi quê mình sần sùi cứng cáp/ Đã cháy lên là chẳng lụi bao giờ ( Ngọn lửa rừng ), là tính nết người vùng cao: Người làng mình có thói  quen nhường nhịn nên trâu bò cũng lành hiền. Nhường nhịn là đức tính tốt đẹp từ ông tổ (Kungfu người Co Xàu, tr. 9), và lớn lao hơn, đây là Đất nước, dân tộc: Mỗi khi hát đầm đìa nước mắt/ Thương cho dân tộc mình lao đao bốn mặt/ Những phương trời lửa tắt lại bùng lên ( Tiếng hát tháng giêng )…Quả là, đá ở Trùng Khánh cũng mang hồn vía, cốt cách, nhân phẩm, đạo lý, khí phách... Không cần nói gì thêm sau câu Mỗi mõm đá một người cầm súng cũng đủ hiểu liệu có kẻ thù nào, cho dù là phương bắc hay phương tây, qua được phòng tuyến của người vùng cao!

Như vậy, với đạo lý và văn hóa, nết ăn, nết ở, nết nói tự ngàn xưa của vùng núi đá cổ, di sản hồn nhiên nhưng giàu có và hướng thượng thấm tự nhiên trong tâm hồn mình, Y Phương, như đã tự chuẩn bị một nguồn năng lượng dồi dào trước hết để làm người, rồi từ đó sẵn sàng đốt lên ngọn lửa sáng tạo, như đã tự chuẩn bị một cánh đồng phì nhiêu, nắng gió và ẩm ướt trước mùa gieo hạt.

Và, không thể có cây gì mọc lên từ sa mạc!

Sớm nay

Mẹ thả ra đồng

Đứa con phổng phao

Trao cho Đất nước

                        (Chín tháng)

Muôn đời vẫn là hy sinh của mẹ: Trên thế gian này đầy người/ Có ai đau khổ bằng mẹ tôi không/ Trước mặt là biển đông/ Sóng trào lên nước mắt (Đò trăng, tr. 1 ), Tuổi tám mươi không dám ốm một ngày/ Không dám mỏi một giờ, lẳng lặng nuôi con khôn lớn, thả ra đồng và trao cho Đất nước. Đất nước bấy giờ đang bị xâm lăng, cơn bão lốc chiến tranh đang cuốn vào vòng xoáy chết chóc của nó hàng vạn những đứa con ưu tú khắp mọi miền.. Từ vùng núi đá Co Xàu ra đi, những chàng trai trán dô/ Mũi thô/ Môi dày/ Chân đi dép bốn hai vẫn thừa năm ngón/ Nhịn đói không kêu/ Nhịn khát không kêu…/ Nhớ mẹ quá thì ngồi lên đá/ Có lúc khóc không cho ai biết/ Trốn ra sông vầy nước/ Vẽ lên cát hình thù dãy núi quê hương. Đấy là những năm Đất nước/ Chưa một ngày yên nghỉ/ Ngủ cũng đi/ Và ăn cũng đi…/ Đất nước dài như nước mắt người thiếu phụ. Có phải mỗi khi gian nan nhất thì đá chính là mẹ: Nhớ mẹ quá thì ngồi lên đá, vậy là đá đã giấu trong mình cả những gì thiêng liêng nhất. Những đứa con được mẹ trao cho Đất nước, đã mang cả linh hồn núi đá vào trận!

Và, những chàng trai trẻ đã không phụ lòng mẹ, đã không phụ những ngọn núi đá trùng điệp Cao Bằng từng nuôi mình khôn lớn: Chúng con no như hạt mùa màng/ Đi từ nhà ra đồng/ Đi từ sông ra biển/ Đi từ đêm tới ngày/ Đem chiến thắng về đầy hai tay mẹ (Chúng con đã lớn).

Có một nỗi niềm, nỗi niềm tha phương cứ trở đi trở lại trong thơ, trường ca và tản văn của Y Phương. Nó như là nỗi lòng của người xa xứ, của người quá nặng lòng với xứ sở. Tha phương và lo âu khi những kỷ niệm vui buồn xưa, những con người giàu nhân nghĩa xưa, những bạn bè thủy chung và nồng nhiệt kia, tiếng nói Tày thân thiết nghe dẻo mềm như hơi bay từ chõ đồ xôi nếp nương kia, tiếng hát của đám trai non gái tơ vang vọng khắp núi đồi. Nghe dễ thương như lũ gà con tập gáy (Fừn nèn-củi tết, tr. 134) kia…đã bắt đầu mai một từ hôm nay và coi chừng đến một ngày nào đó sẽ không còn trên cái thế giới phẳng này. Y Phương luôn khắc khoải:

            Chỉ còn tôi mải mê lưu lạc

            Súng đạn một thời xong lâu rồi

            Vẫn chưa trở về ngôi nhà của mình

                                    (Đò trăng, tr.105)

Anh gọi hồn những ai còn lưu lạc, anh gọi vía những ai có mặt trên thế gian nhưng vẫn còn mải mê lưu lạc:

                        Hãy lăn theo quả trứng khói cơm mà về làng

                        Ơi muôn hồn con dân Việt Nam

                                     (Đò trăng, tr.122).

                        Hồn chưa về

                        Người làng tôi buồn đau

                        Lúc đầu chỉ bằng hạt vừng

                        Về sau to mãi lên thành quê hương miền núi

                                     (Đò trăng, tr.11)

Y Phương xa xứ nhưng không xa làng. Tôi coi cái làng Tày như da bọc lấy người tôi. Nó nghi ngút khói lửa cay đắng trong hồn tôi. Ngôi làng ấy biến nước lã thành máu, chảy thấm qua nuôi hàng trăm nghìn vạn tế bào quanh thân xác tôi (Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm, tr.209). Anh xa quê nhưng vẫn giữ hồn quê trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Trong ý thức thường trực của Y Phương, anh rất sợ sự mai một tiếng mẹ đẻ của mình. Như con tắc kè nhớ núi, sống ở thành phố, anh quy định khi ở nhà, cả bố mẹ con cháu đều nói tiếng Tày cho khỏi nhớ nhà, cho khỏi quên tiếng ông cha. Anh tự hào khi nhận ra đứa cháu ngoại đang nói tiếng của ông bà. Anh sung sướng mỗi khi được tắm gội trong ngôn ngữ dân tộc mình: Cả nhà ai cũng nói tiếng Tày. Gắp rau cũng ra tiếng Tày. Nhai thức ăn cũng ra tiếng Tày (Kungfu người Co Xàu, tr.207). Anh lo lắng: Hồi ấy/ Ở làng tôi/ Có người đi lính về/ Quên hết tiếng Tày/…Sau đó/ Chừng vài ngày/ Bà mẹ thắt cổ (Tiếng mẹ đẻ). Anh buồn bực, thảng thốt trước những thay đổi tân thời tỉnh thành lòe loẹt trên quê hương mình làm bay đi rất nhiều cái đẹp bản làng ngày xưa, đang hiển hiện trong những chàng trai cô gái 8X, 9X quê anh khoác lên mình những bộ quần áo may sẵn, nhiều kiểu dáng, hợp thời trang. Xanh. Đỏ. Tím. Vàng. Còn màu chàm thân thương ngày nào, nay không thấy đâu (Kungfu người Co Xàu, tr.154).

Ký ức vùng cao núi đá gập ghềnh trong anh nặng như đá, sâu như vực đến mức thường khi như bị xốc phản vệ hồn nhiên vô cớ với bất cứ những gì không thuộc về vùng cao núi đá quê mình: Không thể sống với những cánh đồng/ Bằng phẳng quá cò bay phát chán (Những người trèo núi)…Nghĩa là Y Phương vì quá yêu quê hương nên luôn canh cánh sợ mất đi văn hóa quê hương. Cái nỗi lo này không phải của riêng ai, vì mất văn hóa là mất tất cả.

Kể từ lần gặp gỡ mới hôm nào tại số 2 đường Hồng Thập Tự, đến Tết Nguyện Đán 2022 vừa rồi đã ngót nghét năm mươi năm. Tóc râu đã phai màu, dáng đi đã khật khà khật khưỡng, bước nếp bước tẻ, mắt nhìn đã mờ mờ sương khói. Thôi thì mặc kệ công danh trên đầu bồng bềnh trôi (Những mùa sông Bằng không chảy). Thôi anh lại về đục đá kê cao quê hương Cao Bằng nhé.