Ở Việt Nam, chưa có cuốn tiểu thuyết đúng nghĩa nào viết về nhà thơ đương đại. Thì nay, Nguyễn Vũ Tiềm đã viết hẳn một cuốn tiểu thuyết đầy đặn “Người tài hoa khờ dại” về nhà thơ Trúc Sơn, nguyên mẫu là nhà thơ Thanh Tùng.


VẺ ĐẸP THI NHÂN

NGUYỄN TRƯỜNG

Gần đây, nhà thơ có vẻ không còn được độc giả ái mộ như hồi thế kỷ trước, đâu rồi hình ảnh thi sỹ Hàn Mặc Tử đi vào âm nhạc; Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, ông Hoàng thơ tình Xuân Diệu… bình thơ, hội trường luôn chật người nghe; chương trình ngâm thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam cũng không còn cuốn hút thính giả. Đã có câu vè nghe thật đau lòng “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”.

Ở Việt Nam, chưa có cuốn tiểu thuyết đúng nghĩa nào viết về nhà thơ đương đại. Thì đây, Nguyễn Vũ Tiềm đã viết hẳn một cuốn tiểu thuyết đầy đặn “Người tài hoa khờ dại” về nhà thơ Trúc Sơn (Nguyên mẫu là nhà thơ Thanh Tùng - thi sỹ mà bạn đọc đã quen tên bởi bài thơ Thời hoa đỏ được nhạc sỹ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc, đi vào lòng người từ mấy thập niên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI) góp phần lấy lại hình ảnh nhà thơ trong lòng bạn đọc. Đó là một Thanh Tùng thi sỹ, “Có trực giác vạm vỡ và tươi tốt” (Hữu Thỉnh), sống hết mình vì thơ, mọi thứ khác với ông chỉ là phương tiện để ông hành hương về ngôi đền thi ca vời vợi.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã có thời gian dài sống và làm việc với thi sĩ Thanh Tùng, câu chuyện về nhà thơ đủ chất liệu viết nên cuốn hồi ức hấp dẫn, nhưng còn một số tình huống tế nhị cần thay đổi địa chỉ và tên người thật nên ông chọn cách viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết cơ bản là hư cấu, vậy viết về một nhà thơ có thật, được nhiều người biết và mến mộ liệu có khó khăn? Nguyễn Vũ Tiềm đã vượt qua được cái ngưỡng chật chội đó, viết về người thật, việc thật mà ngòi bút vẫn tung phá, văn chương vẫn bay bổng, nhân vật hiện ra đầy tính cách, câu chuyện có lớp lang sinh động. Trước hết nhờ nguyên mẫu nhà thơ Thanh Tùng có biệt tài: giỏi võ nghệ, giỏi ứng tác thơ. Những chất liệu đó là “mảnh đất màu mỡ” trợ sức cho Nguyễn Vũ Tiềm trồng tỉa, công phu của người thâm canh đã được đền đáp: cây nghệ thuật đã mọc lên xanh tươi, xum xuê hoa trái.

Nổi bật ở cuốn tiểu thuyết “Người tài hoa khờ dại” là nghệ thuật bố cục. Câu chuyện bắt đầu từ một Việt kiều Pháp về tên là Cẩm Châu, cô là cháu gái công tử Bạc Liêu (Công tử con nhà điền chủ giàu có, nổi tiếng ăn chơi cách đây cả trăm năm). Một lần Trúc Sơn đi công tác ở Bạc Liêu, dự đám cưới và quen Cẩm Châu. Cái duyên tiền định đã đưa hai người gắn bó với nhau, yêu nhau bằng tiếng sét ái tình. Như Đôn Ki-hô-tê, chàng nhà thơ Trúc Sơn đã có một nàng “Đuyn-xi-nê-a” - Cẩm Châu làm thần tượng, mỗi bài thơ của chàng như là một “chiến công” dâng lên nàng.

Họ nhớ nhung, chung thủy với nhau, là cảm hứng để nhà thơ dàn trải tâm trạng, cảm xúc của mình trên trang giấy. Bây giờ nàng Cẩm Châu trở về thì nhà thơ của chúng ta đã rời cõi tạm. Cẩm Châu đến tạp chí Tài Hoa Trẻ, cơ quan mà Trúc Sơn công tác để nghe, để sống lại những năm tháng thi sĩ đã sống, đã yêu và đã viết như thế nào. Qua sự khám phá của Cẩm Châu, Nguyễn Vũ Tiềm dựng lại quá khứ một thời sôi nỗi và không ít giông bão của nhà thơ Trúc Sơn.

Đây là cách bố cục khá hiện đại, quá khứ, hiện tại cùng đồng hiện gây xúc động cho người đọc. Cẩm Châu cũng tham gia vào câu chuyện, vào cảm xúc của người kể. Nhất là chuyện có một cô gái hâm mộ Trúc Sơn, mời chàng về nhà để chăm sóc trong lúc lánh nạn bởi gã giang hồ truy lùng. Những đêm trong nhà nàng, được nàng gợi ý, thậm chí tỏ tình nhưng thi sĩ vẫn giữ lòng chung thủy làm Cẩm Châu rơi không ít nước mắt. Không ngờ nhà thơ cũng trải qua những đố kỵ nhỏ nhen của Bính Tuất, của một số người mang tư tưởng lạc hậu về chính trị và kém hiểu biết về văn học nghệ thuật.

Còn cả chuyện ân oán giang hồ hồi nhà thơ đi làm áp tải ở Hải Phòng thời chiến tranh chống Mỹ cùng lúc ùa về làm thi sĩ khốn khổ. Có lệnh miệng của cấp trên yêu cầu phải sa thải Trúc Sơn. Nhà thơ vốn tự trọng đành âm thầm rời cơ quan Tài Hoa Trẻ trước khi để lại lá thư từ biệt. Nhưng trưởng cơ quan, nhà thơ Văn Thịnh, rất mến mộ, yêu quý Trúc Sơn, từng cưu mang, giúp đỡ anh, đã cử người đi tìm thi sĩ. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, vốn có kinh nghiệm thám tử đã tìm được Trúc Sơn khi anh đang ngồi câu cá bên sông Sài Gòn.

Thi sĩ về đúng lúc cơ quan Tài Hoa Trẻ đang vào thời kỳ nước rút cuộc thi thơ tứ tuyệt và truyện ngắn mi ni. Những đóng góp của thi sĩ trong vị trí trưởng ban sơ khảo, tuyển chọn được nhiều bài thơ, truyện ngắn mi ni hay, được các nhà văn, nhà thơ tên tuổi khen ngợi đã tạo uy tín cho anh, dẹp tan dư luận từng nhận xét ấu trĩ về thơ Trúc Sơn. Những người vốn ghen ghét đố kỵ anh cũng đã nhận ra bản chất của Trúc Sơn mà hối hận, trở nên cảm tình, biết ơn những giúp đỡ vô tư của anh. Qua sóng gió càng thấy Trúc Sơn đa tài, đa tình, ứng xử giữa con người với con người rất nhân hậu. Những nét đẹp đó của Trúc Sơn ánh lên trong sự khám phá của Cẩm Châu.

Trong cuốn tiểu thuyết “Người tài hoa khờ dại” còn có điểm sáng bởi yếu tố tâm linh. Hình ảnh Trúc Sơn hiện ra linh thiêng, qua chi tiết Cẩm Châu đang đọc lại những tác phẩm của thi sĩ thì bỗng chìm vào giấc điệp, trong mơ cô gặp lại Trúc Sơn, hai người ôm nhau, nói những lời chan chứa yêu đương… Thi sĩ dặn, “Anh còn tập bản thảo có chừng mười bài thơ anh viết trong cuốn vở học trò, anh để quên trên nóc tủ sắt trên ở tầng 4 tòa soạn. Em nhắc anh Văn Thịnh lấy xuống. Kỷ niệm tặng em đó”. Cẩm Châu giật mình bừng tỉnh. Nhớ lại giấc mơ cô vội gặp Văn Thịnh kể lại câu chuyện. Mọi người lên tầng 4 tòa soạn, bắc ghế leo lên và đúng là có cuốn tập học trò bị phủ bụi, đúng chữ Trúc Sơn với mười bài thơ viết tặng Cẩm Châu. Trong truyện, thỉnh thoảng ta gặp những bài thơ, những câu thơ thi sĩ tặng Cẩm Châu nhờ giấc mơ mà cô tìm được, những chi tiết đó càng làm cho tiểu thuyết trở nên huyền ảo, những câu thơ của Trúc Sơn bỗng linh thiêng ảo diệu.

Tuyến nhân vật tiêu cực, trong truyện có Bính Tuất, người luôn đố kỵ với Trúc Sơn, muốn thay thi sĩ vị trí biên tập thơ. Bính Tuất được một số tờ báo đăng thơ vì cần yếu tố minh họa cho thời sự, tự ngộ nhận mình có tài. Nhân vật Văn Thịnh, trưởng cơ quan Tài Hoa Trẻ đã chỉ cho Bính Tuất thấy thơ dở là như thế nào. Tránh viết những điều hiển nhiên như “Con mèo con chó có lông”. Hình ảnh Bính Tuất làm thơ toàn nói những điều hiển nhiên giống như mảng đen để bên mảng trắng càng nổi bật lên bút pháp thơ Trúc Sơn với những tìm tòi mới mẻ.

Theo nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, trong thơ Trúc Sơn, cái phần “khả tri” khá đậm nét, Trước hết là thơ ứng tác của anh. Biệt tài này cổ kim đông tây rất hiếm, mà phần lớn là giai thoại, trong khi Trúc Sơn là có thật. Nhiều khi anh làm thơ trong vô thức, những câu thơ tài hoa cứ hiện lên một cách tự nhiên. Phần “bất khả tri” này nếu phải phân tích cái hay cái đẹp rất khó, có khi cố tình mổ xẻ, phân tích lại làm câu thơ, bài thơ nông cạn, tầm thường đi. Đôi khi “bất khả tri” thì cứ để “bất khả tri” mà thưởng thức cũng là cái thú! Những câu thơ, bài thơ như thế thường xuất hiện ở những giây phút thần khởi kỳ diệu của thi nhân một cách bí ẩn mà ta không lý giải được.

Chính vì thế, trong tiểu thuyết “Người tài hoa khờ dại” ta thấy Nguyễn Vũ Tiềm trích khá nhiều bài thơ của thi sĩ mà ít bình luận, ông dành phần “bất khả tri” cho độc giả đồng sáng tạo. Chi tiết nhà thơ Trúc Sơn bỏ cơ quan Tài Hoa Trẻ trốn đi biệt tăm vì không muốn phiền cho cơ quan, cho Văn Thịnh bằng những buổi buông câu trên sông Sài Gòn cũng là ẩn dụ nghệ thuật: Cái sân si ngoài đời ta đã cố tránh mà vẫn không thoát, nay ta đi buông câu, như buông bỏ cái ngã chấp để tiệm ngộ cõi trong xanh. Có thể nhà thơ tài hoa của chúng ta đã giật được bài thơ không chữ không lời từ dòng sông mà những “người trần mắt thịt” chưa thấy chăng? Qua đó càng dễ tạo nên thế giới “bất khả tri” trong thơ Trúc Sơn. Hàng ngày chúng ta gặp biết bao nhiêu người, nhưng nhà văn giữ lại trong lòng bạn đọc dù chỉ một nhân vật thôi đã khó lắm thay. Nhà văn dựng nên nhân vật, nhưng nếu viết tài, chính nhân vật lại làm nên tầm vóc nhà văn. Mừng thay qua tác phẩm này, Nguyễn Vũ Tiềm đã có có một Trúc Sơn vừa là bạn thật sự ngoài đời vừa là nhân vật văn học song hành cùng ông đi vào thế giới nghệ thuật.

Cuốn tiểu thuyết “Người tài hoa khờ dại”, phần kết có hậu, nhân vật Cẩm Châu, sau mười ngày sống ngược dòng quá khứ của Trúc Sơn tại cơ quan Tài Hoa Trẻ đã khám phá ra những vẻ đẹp trong con người thi nhân, cô tự hào vì có một nhà thơ yêu cô, chọn cô làm đối tượng của thi ca để cảm hứng sáng tạo, giúp ích cho đời. Cô đã không nhầm khi chọn anh, yêu anh và được đền đáp bằng mối tình đẹp như thơ. Trước khi đi thăm mộ thi nhân cô đã vào chùa cầu nguyện, mặc áo nâu sồng, quyết ăn chạy niệm phật, tu tại gia để sớm tối tụng kinh gõ mõ nguyện cầu cho anh được an bình tịnh độ. Trong truyện ngắn hay tiểu thuyết, qua câu chuyện xảy ra, nhân vật thay đổi thái độ sống, dẫn đến hành động đột ngột trong lô gích chính là thành công của tác phẩm.

Nguyễn Vũ Tiềm là nhà thơ, văn xuôi giống như là tay trái, những vận động viên bóng bàn, chơi tay trái đôi khi có những cú “giật” thần sầu làm đối phương choáng váng. Nguyễn Vũ Tiềm có cuốn tiểu thuyết lịch sử độc đáo Bắc phương hoàng hậu viết về công chúa Ngọc Hân. Vẫn phát huy ưu thế rành chữ Hán, giỏi về thơ cổ, thơ mới khi bình luận dẫn dắt truyện.

Cuốn tiểu thuyết Người tài hoa khờ dại” viết về một nhà thơ, đúng là sở trường để tác giả tung hoành trên trang giấy, lôi cuốn người đọc vào thế giới nghệ thuật của mình và cả trong thế giới nghệ thuật của nhà thơ Trúc Sơn. Đó chính là nghệ thuật liên văn bản của văn học hậu hiện đại. Bởi thế cuốn tiểu thuyết “Người tài hoa khờ dại” quả là sách đáng đọc, không những có khả năng ôm trùm không khí thời đại, mà qua chuyện về nhà thơ còn giúp độc giả khám phá, rọi chiếu vào căn cốt của thơ.

 

Nguồn: Văn Nghệ