Andrey Konchalovsky sinh năm 1937, trong một
gia đình có bề dày
văn hóa: Cha là nhà thơ Nga-Xô Viết Sergei Mikhalkov- tác giả phần lới bài Quốc
Ca Liên Xô trước đây và Nga hiện nay; mẹ là Nathalia Konchalovskaya- dịch giả,
nhà nghiên cứu văn học; em trai Nikita Mikhalkov- diễn viên, đạo diễn điện ảnh Nga cự phách…
Cùng với những tên tuổi như A. Tarkovsky,
N.Mikhalkov, V.Suksil…Andrey Konchalovsky thuộc thế hệ mang lại luồng sinh khí
mới, diện mạo mới cho nền Điện ảnh Nga Xô Viết trong các thập niên
1960,1970,1980.
Andrey Konchalovsky là đạo diễn của một loạt
phim gây tiếng vang của Điện ảnh trong thời kỳ Xô Viết như: “Người thầy đầu tiên”, “Một ổ quý tộc”,
“Ông cậu Vanhia”, “Bản tình ca về những người đang yêu”, “Tình ca Siberi”… Ông còn hợp tác với điện ảnh
phương Tây làm những bô phim khác.
Bài dưới đây là cuộc trả lời phỏng vấn mới
nhất, đầu tháng 2/2022 vừa rồi của Andrey Konchalovsky với phóng viên báo “Nhân
chứng & Sự Kiện”- Nga.
ANDREY KONCHALOVSKY: SỰ THỜ Ơ CÒN TỒI TỆ
HƠN VIỆC TRANH CHẤP Ý THỨC HỆ
Đạo diễn Andrey Konchalovsky đã khởi động
một dự án mới - cổng Internet mang tên “Lịch sử với Người thứ nhất”, sẽ tổ chức
những cuộc phỏng vấn video với những người tham gia vào các sự kiện lịch sử
quan trọng ở Nga và Liên Xô trước đây. Những nhân vật sẽ tham gia dự án không
chỉ là những nhân vật nổi tiếng, mà còn là những người bình thường đã cùng nhau
viết nên trang sử của đất nước.
@:
Ông có cảm thấy thoải mái không với không gian ảo? Ông, người tồn tại trong một
nền văn hóa hoàn toàn khác, sẽ giao tiếp,
trò chuyện với sinh viên qua zoom, khởi động một dự án mới trên nền tảng
Internet?
Konchalovsky:
Chúng tôi không có lựa chọn nào khác! Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của đại dịch,
chính vì thế chúng ta phải thích nghi, không chỉ về mặt đạo đức, mà còn về mặt cuộc
sống thường tình. Bây giờ tôi đang làm hai bộ phim tài liệu nhỏ về kiểm dịch -
một dành cho nước ngoài,một dành cho đồng bào trong nước tức "Kiểm dịch bằng
tiếng Nga". Con người ta thường sống
trong những điều kiện khá chật chội, rất khó có thể gặp nhau mọi lúc,mọi nơi, ở
một mức độ nào đó, điều này trở thành một kết luận.
Một vấn đề khác là tôi có nhiều cơ hội
hơn, và trong thời gian này tôi đã phác ra trên giấy một số ý tưởng nghiêm túc.
Một trong số đó là viết về nhạc sỹ Nga thiên tài Rachmaninov,đã được khởi thảo
bởi nhà văn Yuri Nagibin ngay từ những
năm 1970.
"KHÔNG CÓ CUỘC ĐỜI NÀO TẦM THƯỜNG CẢ"
@: Nhưng trước hết chúng ta hãy nói về "Lịch sử từ ngôi thứ nhất", seri phim này sẽ tập hợp những câu chuyện về những sự kiện trọng đại trong lịch sử của Nga và Liên Xô. Những sự kiện quan trọng nhất đối với ông là gì?
Konchalovsky:
Tôi sẽ tránh những phán xét mang tính phân loại. Thực tế là tôi đã tích tụ được
kinh nghiệm làm việc không phải với các diễn viên mà là với những người bình
thường. Việc này được bắt đầu từ khá sớm, vào năm 1965, khi tôi đang quay bộ
phim “Asya Klyachina”. Tôi coi đó là một diễm phúc vì ngay khi còn trẻ tôi đã
hiểu được rằng một người có thể kể về cuộc đời của mình, cuộc đời ấy không đáng
kể gì nếu so với lịch sử toàn cầu, nhưng nó vẫn trở nên vô cùng quan trọng, bởi
vì không có cuộc đời nào tầm thường cả. Và không thể đếm xuể số lượng những trải
nghiệm tuyệt vời của con người.
Trong dự án này, điều chính đối với chúng
tôi là ghi lại càng nhiều ý kiến hoàn toàn khác nhau, thường là không tương đồng
với nhau càng tốt. Có lần một triết gia người Ấn Độ đã nói: hãy coi mọi người bạn
gặp như thầy của mình. Theo quan điểm này, bất kỳ trải nghiệm nào cũng là vô
giá. Chúng tôi bắt đầu thu thập một cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống con
người, được hỗ trợ bởi Quỹ Tài trợ của Tổng thống.
Đặc biệt quý giá là ký ức của những nhân
chứng đã không còn sống lâu nữa trên trái đất. Trước hết, họ là những người tham
gia chiến tranh. Chúng tôi đã ghi âm được 200 cuộc phỏng vấn và sẽ thu thập
thêm. Bây giờ tôi đang kiên trì khuyên những người bạn lớn tuổi của mình rằng họ
hãy viết lại cuộc đời của mình đi.
@:
Không gian Internet ngày nay đã quá bão hòa. Dự án của ông liệu có tìm được khán
giả không?
Konchalovsky:
Cuốn Bách khoa toàn thư này được làm cho ai à? Câu hỏi này rất đắt giá. Một cuốn Bách khoa toàn thư được tạo ra là không
trù liệu riêng cho một ai cả. Ai có tai, thì nghe. Bạn biết đấy, đây là một thư
viện với hàng nghìn đầu sách - và vào một ngày nào đó, một ai đó, trên tầng kệ
cao nhất vẫn tìm thấy một cuốn sách mà mọi người xưa kia đã từng đọc, nhưng bây
giờ thì không còn ai đụng tới và không nhớ cuốn sách ấy đã từng có. Với những
cuộc phỏng vấn này cũng vậy: sẽ không có nhiều người quan tâm đến chúng. Đặc biệt
là bây giờ, khi sự chú ý của con người hiện đại bị xé nát thành từng mảnh, tôi cũng
không muốn nói về thế hệ trẻ. Nhưng đối với những đầu óc ham học hỏi, những cuốn
sách bị bỏ quên đó sẽ có giá trị rất lớn.
@
Những người tham gia dự án của ông sẽ sẵn sàng kể về
điều gì nhất?
Konchalovsky:
Mỗi người đều có chuyện của riêng mình để mà kể. Tất nhiên, có một sự cám dỗ lớn
để nói về những thứ đồ cổ - về nạn đói ở vùng nông thôn, về sự xuất hiện của
người Đức, về những hành động tàn ác, hoặc ngược lại, về sự thể hiện tình cảm của
con người đối với kẻ xâm lược. Hoặc, ví như khi những người lính của chúng ta
chiếm được một sân bay ở ngoại ô Stalingrad anh em đã tìm được một máy bay Đức chở đầy thư của lính
phát xít. Stalingrad. 100 nghìn bức thư. Và mỗi bức thư là một tài liệu ghê gớm
về sự tuyệt vọng của binh lính đối phương.
Hoặc một câu chuyện về cách hai chiến binh
của chúng ta với một khẩu súng máy giữ một độ cao không xác định. Họ đã giữ điểm
cao ấy trong hai ngày. Hàng trăm lính Đức thiệt mạng. Sau đó, quân Đức chiếm lại.
Rồi quân ta chiếm một lần nữa. Người mới tới thấy cả hai chiến binh giữ chốt đều
bị giết. Một người bị dập nát cả chân vì pháo của Đức nhưng vẫn cố gắng phòng
thủ đến cùng. Không biết bằng cách nào, người chiến sỹ kiên cường đó có thể kéo
lê đôi chân bị dập nát của mình để tiếp
tục chống trả ... Những câu chuyện như vậy, biểu hiện của sức mạnh không thể tưởng
tượng được đã biểu lộ không chỉ ở nơi chiến trận mà còn cả trong lao động khi bụng
đói, áo không đủ ấm. Chính với những chất liệu thu thập được như vậy, tôi rất
khó lựa lọc...
Những chất liệu như vậy có thể trở thành thứ
bột vàng cho một số lượng lớn các bộ phim. Không chỉ có chiến tranh mà cả thời
hậu chiến, công cuộc khôi phục đất nước. Chúng ta cũng đã quan tâm đến kỷ
nguyên Brezhnev, Thời kỳ Perestroika, rồi Ủy ban Khẩn cấp Nhà nước. Bởi vì, tôi
nhắc lại, không có sự kiện nào là không quan trọng. Và lịch sử nói chung là một
chuỗi các mối quan hệ nhân quả. Không có gì xẩy ra từ số 0 cả. Tìm ra nhân và quả
là điều quan trọng nhất để hiểu được bất kỳ quá trình nào. Ví dụ như cuộc đời của
nhà soạn nhạc vĩ đại Rachmaninoff. Rốt cuộc, lý do cho bi kịch của ông ta không
phải ở chỗ vì sao nhạc sỹ rời khỏi Liên xô, mà câu hỏi vì sao Rachmaninov lại phải
ra đi.
AI KHÔNG Ở LẠI VỚI CHÚNG TA, NGƯỜI ĐÓ...
@:
Đối với thế kỷ XX đất nước chúng ta đã trải qua hai giai đoạn phủ nhận: Dưới thời
Xô Viết, tất cả những gì xảy ra trước tháng 10 năm 1917 đều bị phủ nhận. Còn
sau Perestroika, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn theo một hướng khác - mọi thứ tồi
tệ hóa ra đều tập trung vào thời Xô Viết. Những sự xóa trắng như thế đã làm tổn
thương chúng ta như thế nào? Và về nguyên tắc, có thể nào mà bình tĩnh nhìn lại
lịch sử của đất nước mình không đây ?
Konchalovsky:
Tôi không nghĩ thế! Nước Nga có nền văn hóa, có tâm lý riêng của mình, và về
nhiều phương diện, nước Nga có gốc cội - gốc cội ấy được cắm rễ sâu trên mảnh đất
luôn diễn ra cuộc đấu tranh giữa thiện
và ác, giữa trắng và đen. Tuyệt nhiên không thể có sự nhờ nhờ. Sự đánh giá cực
đoan như thế là gánh nặng đối với tâm lý người Nga. Chúng ta luôn luôn muốn đen
trở thành trắng, và sau đó trắng phải trở thành đen. Chúng ta xây dựng hiện tại
phải phủ định bằng mọi cách quá khứ. Chính vì thế nước Nga đang chuyển động theo
kiểu có đi có lại. Cái được gọi là "tiến ba bước, lùi hai bước". Điều
này được kết nối với nền văn hóa của chúng ta,với cả hệ thống những giá trị của
chúng ta, và đến lượt nó, được xác định bởi khí hậu, không gian, những láng giềng
địa lý, tôn giáo ...
Chúng
ta không có một khu vực trung lập hòa giải ở đó có những ý định tìm kiếm những
điều tích cực trong quá khứ dành cho sự phát triển của tương lai. Điều này nổi
trội không chỉ ở thế kỷ hiện tại hay quá khứ, mà còn trên toàn bộ lịch sử của
nước Nga và nước Nga thuở xa xưa. Hãy quay về thời nghiệp tổ đó cũng là câu chuyện tương tự: sự đổi mới được
tiến hành thông qua sự phủ định tuyệt đối cái trước đó. Chúng ta luôn là những
người theo chủ nghĩa tối đa mà!
@:
Và đối với một thế hệ hoàn toàn trẻ, sống hoàn toàn bằng Internet đang có cơ hội
so sánh một số lượng lớn các quan điểm được nẩy nở mà không bị áp lực tư tưởng như
chúng ta lớn lên dưới thời Xô Viết,liệu các cháu các em sẽ có thể tìm thấy khu
vực hòa giải này không, thưa ông ?
Konchalovsky:
Tôi không thể trả lời câu hỏi này – cần phải quan sát, suy ngẫm. Đối với thế hệ
này, cái đáng sợ hơn không phải là những tranh chấp về ý thức hệ, những khẳng định
hay phủ, mà là sự thờ ơ, vô cảm.Bởi vì bất kỳ tranh cãi nào cũng nói lên mong
muốn đi đến tận cùng của vấn đề. Thế mà sự thờ ơ, vô cảm lại xuất phát từ chỗ tất
cả nguyện vọng, mọi ham muốn đã mất. Ham muốn mất đi khi thiếu thốn. Thật lạ
lùng, nhưng tôi nghĩ thâm hụt là một điều rất hữu ích, tất nhiên là trong chừng
mực. Sự thừa thãi của một thứ gì đó đã tước mất đi ham muốn của một người. Đó
là lý do tại sao tôi không tin vào một xã hội lý tưởng. Con cái chúng ta hiểu biết
ít hơn chúng ta rất nhiều và cũng ít háo hức ghi nhớ hơn nhiều, bởi vì chúng có
mọi thứ trong tầm tay.Tôi gõ một dòng vào thanh công cụ tìm kiếm và ngay lập tức
nhận được những gì tôi đang tìm kiếm. Dưới thời Xô Viết, bộ lọc kiểm duyệt rất
mạnh, tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết Mandelstam và Solzhenitsyn là ai, tiểu
thuyết “Giã từ vũ khí“ và “Bác sĩ Zhivago” kể về điều gì, mặc dù không có cuốn
nào trong số các tác phẩm này bày bán ở các hiệu sách. Nhưng sự thiếu hụt đã
làm nảy sinh một ước muốn lớn! Bây giờ tất cả mọi thứ trên kệ dù chưa được mua.
Lượng thông tin dồi dào làm mất đi trong
con người ta mong muốn tiếp nhận, gạn lọc và ghi nhớ. Mà điều đó, theo tôi là bất
lợi cho trí tuệ con người. Xin lưu ý: ngày hôm nay không ai còn viết thư nữa. Sẽ
không có di sản thư tịch nào còn sót lại từ thời đại của chúng ta. Chả lẽ hầu
như không còn ai quan tâm đến toàn bộ sưu tập thư tín của Anton Pavlovich
Chekhov nữa sao? Hoặc bộ sưu tập tất cả các bài đăng có biểu tượng cảm xúc Lev
Tolstoy?
Quá trình đang diễn ra trong xã hội hôm
nay rất phức tạp, cần phải khắc phục. Một câu hỏi khác: bằng cái giá nào phải
trả cho việc khắc phục này?. Trong ý nghĩa đó, lời căn dặn đầy sự hiểu biết của
bà Irina Antonova- cựu Giám đốc của Bảo tàng Pushkin khiến tôi hết sức xúc động..
Bà nói rằng bất kể vấn đề gì, ngay cả những vấn đề thuộc tâm linh, cần phải được
nắn chỉnh lại, nếu không làm vậy, chúng ta sẽ bị diệt vong. Nhưng để làm được
việc đó, cần phải lặn xuống tận đáy, để tìm ra cái gì mà bồi đắp. Thế mà chúng
ta- nhân loại, vẫn chưa chìm xuống tận đáy, chúng ta chưa hoàn toàn chán ngấy với
lượng thông tin này hiện có. Vẫn còn niềm hy vọng chúng ta sẽ vượt qua được căn
bệnh này.
Và dự án của chúng tôi chỉ là một sự tôn
vinh trí nhớ của con người, thật không may, cái trí nhớ ấy ngày càng ngắn lại.
Bạn biết đấy, với những ai đến gặp tôi với yêu cầu chụp ảnh tự sướng, tôi nói
ngay: tốt hơn là chúng ta hãy nắm tay nhau. Cái bắt tay ấy sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn
so với bức ảnh mà bạn vừa ghi vào cơ sở dữ liệu điện thoại. Hình như đối với bạn,
dường như cú bấm máy kia sẽ lưu lại những kỷ niệm tốt hơn phải không? Đúng thôi, bởi ở máy ảnh có
một nút xóa - "delete".
Ấy vậy nhưng bạn không thể xóa ký ức cảm xúc của mình một cách đơn giản như vậy
được đâu!
TÔ HOÀNG chuyển ngữ