Những tác phẩm sau này của Phan Cẩm Thượng như “Văn minh vật chất người Việt” và “Tập tục đời người” là sự tiếp nối con đường của những nhà nghiên cứu xưa như Phan Kế Bính, Toan Ánh… Song Phan Cẩm Thượng đã tìm ra cho mình lối đi riêng.


Phan Cẩm Thượng – “Thiền sư” điền dã

ĐOÀN TUẤN

Sinh ra trong một gia đình có nhiều anh chị em, Phan Cẩm Thượng, từ nhỏ đã có thiên hướng nghệ thuật. Cái thiên hướng này, như dân gian nói là “trời sinh tính”. Anh thích nhìn, thích xem những gì xa xôi, cũ kỹ, như những chữ hình vuông chẳng hạn. Thời chiến tranh, các trường học ở Hà Nội đóng cửa. Anh tản cư về nông thôn. Lớp học là các ngôi đình,  mái chùa. Trẻ con đuổi nhau quanh các tượng Phật, thậm chí còn rút gươm của các ông Thiện, ông Ác đấu võ chơi.

Song chính những ngày được đùa vui trong nơi tôn nghiêm nhưng bình thường ấy đã giúp anh, sau này là người nghiên cứu, nhìn nhận không gian và những hình khối trong chùa với thái độ ăn năn và cẩn trọng. Thời đi học, chàng trai này, dường như, luôn đi lạc khỏi không gian và quỹ đạo của nhà trường. Lớn lên, vào quân đội cũng vậy. Anh đến để quan sát cuộc sống của những người lính ra sao. Để khi giã từ quân ngũ, cố gắng tìm kiếm cuộc sống cho cân bằng hơn.

Anh cứ lặng lẽ đi như vậy. Đi theo một tiếng gọi mơ hồ, vang trong nội tâm. Nhưng chưa rõ hình. Để đến khi, thi và học khoa Phê bình nghệ thuật ở Đại học Mỹ thuật, anh mới gặp được một người thầy đích thực: nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân. Chính người thầy này đã đánh que diêm, châm vào chiếc đèn chứa đầy dầu nhưng chưa có ánh sáng là cậu sinh viên Phan Cẩm Thượng. Đó có lẽ là sự may mắn đầu tiên. Sau này, anh còn được tiếp xúc với nhiều nhà văn hóa khác như Hữu Ngọc, Nguyên Ngọc… Đó là những sự may mắn lớn. Song chính là sự tự nỗ lực của bản thân đã biến những cuộc gặp gỡ ấy như chất xúc tác, động viên anh đi trên con đường gian khó của mình.

Những công trình nghiên cứu của Phan Cẩm Thượng thường bắt đầu và gắn với những sự vật rất bình thường. Từ những cái rất nhỏ như những đồ vật trong nhà, ngoài sân như cái bát, cái cày đến những ngôi đình, ngôi chùa… Tất cả đều ngỡ như không có gì đáng để ý, nhưng với anh, mọi đồ vật đều có giá trị. Vì chúng mang trong mình cả nền văn hóa của ngàn năm. Để làm được điều này, đòi hỏi người họa sĩ, người nghiên cứu phải có ý thức và năng khiếu quan sát.

Sự quan sát luôn là bài học đầu tiên đối với bất kỳ nghệ sĩ lớn nào. Quan sát vị trí, hình khối, màu sắc, âm thanh, những chuyển động có tính riêng biệt của bất kỳ sự vật nào. Để từ đó, trả lại cho chúng linh hồn, sự sống. Không những quan sát một cách bình thường, Phan Cẩm Thượng còn đưa chúng du hành qua không gian và thời gian, làm cho những cái tầm thường, nhỏ nhặt bỗng được nâng lên như giá trị vốn có của chúng nhưng bị người đời lãng quên.

Không chỉ là một họa sĩ thuần túy, trong Phan Cẩm Thượng còn có nhà văn, nhà xã hội học, nhà sử học và nhiều nhà khác như dân tộc học, kiến trúc sư… Theo như cách gọi bây giờ, tức là sự nghiên cứu của anh mang tính liên ngành. Nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng nhất mà anh có được, chính là anh có tâm hồn. Một tâm hồn giàu cảm xúc của một người yêu nước, yêu người. Anh yêu từng giọt mồ hôi có màu bẩn của bùn của đất,  từng bàn tay già nua chai sần, từng bàn chân đi đất với những ngón bạnh ra của người nông dân.

Với anh, con đường đất, ngọn cỏ, tiếng cối xay lúa, tiếng giã gạo… tất cả đều tỏa những mùi hương tinh khiết, dịu dàng. Anh yêu không bằng lời, mà bằng cách sống cùng họ. Ăn cùng, ở cùng, để nhìn ra những vẻ đẹp của họ.

Vẻ đẹp từ cái chuồng trâu mà nhiều người đi qua nín thở; vẻ đẹp từ cái cày, cái bừa mà phần đông đều nghĩ là những vật vô tri vô giác; vẻ đẹp của cái mái bếp đầy bồ hóng, của cái sanh đồng với cái nắp đan bằng tre… Anh trò chuyện với nông dân về những đồ vật, ký họa chúng; ghi chép những cảm nhận ban đầu; về nhà viết lại.

Nhiều người hay nhắc đến chuyện anh ở chùa với khoảng thời gian gần hai chục năm. Nhưng tôi nghĩ, anh đã đến với chùa từ rất sớm. Anh khám phá lại những bức tượng chùa, vốn từ lâu không được để ý. Quan sát những thế giới trong chùa, trong đình, anh giật mình và kinh ngạc trước sự giàu có ở đây. Và anh truyền được sự ngạc nhiên và say mê của mình đến bạn đọc.

Anh dẫn bạn đọc vào ngôi chùa, ngôi đình, vào những căn phòng triển lãm rất đẹp. Và với giọng kể bình thản, anh tạo ấn tượng lâu dài cho du khách về những vẻ đẹp ngay bên cạnh họ mà họ chưa phát hiện. Anh chỉ cho họ sự vĩ đại của những tác giả vô danh đã làm nên những kiệt tác này. Những tác giả vô danh từ hàng ngàn năm nay.

Anh chỉ cho họ giá trị của ngôi đình, ngôi chùa mà hàng ngày họ vẫn lướt qua. Rằng trong đó là nơi tích lũy những kho báu, nơi chứa đựng những tác phẩm phi thường. Đình chùa không những có giá trị tôn giáo mà còn có giá trị nghệ thuật, một nghệ thuật công cộng mà nhiều thế kỷ bị lãng quên.

Anh đã đến nhiều ngôi chùa, đặc biệt là chùa Dâu, chùa Bút Tháp - quê ngoại của anh. Ở chùa Bút Tháp, anh giúp bạn đọc tìm hiểu thế giới Tứ Pháp trong nhiều ngôi chùa Việt Nam. Đó là thế giới của các vị Phật - Bồ Tát có nguồn gốc từ các nữ thần trong tín ngưỡng dân gian như Pháp Vân (chủ quản  Mây); Pháp Vũ (chủ quản Mưa); Pháp Lôi (chủ quản Sấm); Pháp Điện (chủ quản Chớp). Đó là một thế giới khác, một không gian khác, dường như đã bị chìm khuất khỏi tầm mắt của người thường từ lâu.

Với sự hiểu biết sâu sắc về chùa, anh còn cho công chúng biết về những bức chạm khắc trong chùa. Đó là những bức điêu khắc rất tinh tế,  rất chi tiết, phản ánh đời sống, phong tục của con người đồng quê. Anh đưa công chúng lại và chỉ cho họ cách nhìn rất kỹ những tác phẩm giấu mình, im lặng trong chùa. Và cùng lúc, anh còn làm một công việc rất có ý nghĩa. Đó là sự giả phóng những bức tranh, bức tượng trong chùa, nâng chúng bước ra ngoài giá trị tâm linh còn có giá trị nghệ thuật.

Những tác phẩm sau này của Phan Cẩm Thượng như “Văn minh vật chất người Việt” và “Tập tục đời người” là sự tiếp nối con đường của những nhà nghiên cứu xưa như Phan Kế Bính, Toan Ánh… Song Phan Cẩm Thượng đã tìm ra cho mình lối đi riêng. Những tác phẩm của ông ra đời trong thời đại internet, một thời đại phát triển thần tốc, một năm bằng hàng chục năm. Trong thời đại mà nông thôn biến đổi với tốc độ gây sốc cho mọi người, nông dân cũng quay cuồng trong cơn lốc di dân, đô thị hóa, công nhân hóa…

Anh miệt mài tìm cách níu giữ những vẻ đẹp thuần chất của người Việt đang bị phá vỡ. Nhưng anh tin, khi con người bước vào đời sống kỹ thuật số mà không có sự chuẩn bị, chắc sẽ đụng độ nhiều bi kịch. Và trong vòng xoáy cuộc sống của thời đại toàn cầu hóa, chắc chắn con người sẽ càng có nhu cầu và xu hướng tìm về, tìm lại những giá trị cội nguồn, giá trị văn hóa tinh thần cũng như bản sắc của dân tộc mình. Sách của Phan Cẩm Thượng được dư luận cộng hưởng chính vì lý do này.

Nhờ kiến văn sâu rộng, Phan Cẩm Thượng khai phá cho mình cách tiếp cận khác thường. Anh đã tìm được cách kể chuyện độc đáo về những điều tưởng như rất cũ kỹ, hiển nhiên. Anh chọn cho mình một lối thuyết trình riêng. Không dài dòng, anh đi ngay vào trung tâm câu chuyện. Anh cố gắng kể một cách sinh động nhất, đầy đủ nhất trong phạm vi số lượng chữ cho phép.

Nhờ vào năng lực sáng tạo một cách kiên trì, những trang viết của anh luôn chứa đựng sức mạnh của ngôn từ và có thể, cả ma thuật của người họa sĩ. Anh đã đưa những hình ảnh bất động trở thành ngôn từ. Và từ ngôn từ, những hình ảnh đó trở nên lung linh, sống động. Dù đi vào thế giới đời thường hay thế giới tâm linh, Phan Cẩm Thượng giữ được sự cân bằng của một người khám phá. Anh viết cho bạn đọc cũng đồng nghĩa với việc tìm kiếm sự giác ngộ của mình.

Phan Cẩm Thượng luôn ý thức, mỗi con người chỉ như những vị khách, đến với cuộc đời này chỉ một lần duy nhất. Nhưng mỗi đồ vật đã đến trước chúng ta. Và có lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm. Anh có thể nói về cái bình hay một loại hình dân ca hàng giờ liền. Anh giúp người đọc tiếp cận với những vật thể vật chất cũng như những vật thể tinh thần một cách chân thực hơn, gần gũi hơn, chuyên sâu hơn và bao quát hơn. Anh làm việc với sự thôi thúc nội tâm, không đòi hỏi sự đãi ngộ hay hỗ trợ về vật chất của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Dường như anh ký hợp đồng với chính mình, với một mục tiêu duy nhất là làm sống dậy những đồ vật bình thường.

Đối với anh, đó là một công việc có sức hấp dẫn, xâm chiếm hầu như toàn thể tâm trí anh. Có thể, ban đầu, công việc này có nhiều thách thức làm anh có lúc bối rối. Nhưng là một người yêu tự do, anh đã rèn luyện cho mình cái tự do nội tâm. Nếu mình không giúp những đồ vật kia cất lên tiếng nói của chính chúng, thì ai làm đây? Chính công việc của một nghệ sĩ tự do đã giúp anh đến và đi một cách tự do. Anh đến chùa, không phải để đi tu. Mà ở chùa để từ trong chùa, kể chuyện từ chính những vẻ đẹp của chùa. Kể xong, lại đi đến những vùng đất mới, làm thức dậy những âm thanh mới từ những đồ vật cũ. Anh có ý thức đứng ở trong câu chuyện để kể chứ không như những người khác, đứng bên ngoài câu chuyện.

Như người nông dân nâng niu từng quả trứng đang ấp, từng con gà mới nở, Phan Cẩm Thượng quý trọng từng sản phẩm của mình. Như mở đầu cuốn “Văn minh vật chất người Việt”, anh viết lời đề tặng: “Nam mô A di Đà Phật. Cuốn sách này là lời tri ân với Đất Nước và Mẹ Cha”. Một trong những nguyên tắc để viết sách hay là coi cuốn sách như một món quà quý giá dành tặng người thân yêu nhất. Để khi làm, người nghệ sĩ dồn hết bút lực, tình cảm của mình vào món quà đó. Điều đơn giản này là bí quyết sâu xa cho sự thành công của anh.

 

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng