Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân cho rằng: Trong mọi trường hợp, không thể đồng nhất giá trị công cụ với giá trị sản phẩm. Tức là không thể mặc định cho rằng sản phẩm này có giá trị vì nó được sản xuất bằng công cụ này, công cụ nọ. Trong văn nghệ cũng vậy.
CHỦ NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ
Mọi chủ nghĩa, học thuyết chỉ là phương tiện hành động
để đạt được mục đích. Nó chỉ có giá trị công cụ để con người tạo ra giá trị nhân
văn. Trong cuộc sống, con người luôn phải tạo ra các phương tiện để giúp hoạt động
có hiệu quả. Con người càng có nhiều phương tiện thì hoạt động phát triển càng
có hiệu quả.
Tuy nhiên có những phương tiện lỗi thời phải bị thay
thế, nhưng cũng có nhiều phương tiện có giá trị công cụ bổ sung. Không có phương
tiện nào là có giá trị công cụ duy nhất toàn năng. Ngoài phương tiện, con người
còn cần phải có kỹ năng. Thiếu kỹ năng, có khả năng con người sẽ tạo ra những sản
phẩm lỗi.
Trong mọi trường hợp, không thể đồng nhất giá trị công
cụ với giá trị sản phẩm. Tức là không thể mặc định cho rằng sản phẩm này có giá
trị vì nó được sản xuất bằng công cụ này, công cụ nọ. Trong văn nghệ cũng vậy.
Xác định giá trị của một tác phẩm phải dựa vào những tiêu chuẩn giá trị nhân văn
và thẩm mỹ chứ không dựa vào tiêu chuẩn công cụ.
Một tác phẩm
hay không phải vì nó là lãng mạn, là hiện thực, là tự nhiên chủ nghĩa, hay vì nó
là hiện đại hay hậu hiện đại... Có một thời chúng ta đã đồng nhất công cụ với
giá trị sản phẩm, cho nên ta chỉ coi những tác phẩm hiện thực và hiện thực XHCN
là có giá trị nghệ thuật. Đó là một cực đoan.
Ngày nay lại đang có một xu hướng cực đoan ngược lại:
Cho rằng tác phẩm này hay vì nó là chủ nghĩa mới này, mới nọ. Quan điểm đồng nhất
công cụ với giá trị sản phẩm vẫn bám riết tư duy lý luận phê bình của nhiều người.
Đó cũng là một “lỗ thủng tư duy” cần khắc phục.
PHÁT NGÔN VÀ NHÂN VẬT TRONG VĂN HỌC
Theo lý thuyết thông tin, bất kỳ một phát ngôn nào cũng
là một hành vi thông tin. Thông tin đó có thể trọn vẹn nghĩa, có thể kế tiếp
nghĩa của các phát ngôn trước, hoặc có thể chỉ dẫn đến thông tin có sẵn trong
cuộc sống xã hội hay trong đời sống văn học. Có thể coi đây là một dạng
"siêu văn bản" ("hypertext") theo lý thuyết thông tin.
Trong một tác
phẩm văn học, nhân vật văn học hiện ra phải có chân dung lai lịch và địa chỉ, để
cho mỗi phát ngôn trong tác phẩm về nhân vật đó đều được quy dẫn đến lai lịch của
nhân vật. Đối với nhân vật có thật ngoài đời được đưa vào văn học, nhà văn có
thể không cần nhắc lại lai lịch. Và khi đó, mọi phát ngôn sẽ được quy dẫn đến
lai lịch của nhân vật có thật mà xã hội và tác giả thoả thuận là đã biết. Không
có lai lịch đó thì mọi phát ngôn liên quan đến nhân vật sẽ được coi là thiếu thông
tin, và như thế phát ngôn đó sẽ trở nên vô nghĩa.
Một bài thơ ngắn (tôi nhấn mạnh là thơ ngắn), thường
không có dung lượng để xây dựng nhân vật có đầy đủ lai lịch như thế, cho nên
khi xuất hiện nhân vật, thì đó thường là nhân vật có thật ngoài đời. Nhà thơ không
thể đưa ra cái tên của một người mà nói rằng đây là một người bất kỳ nào đó. Vì
nếu nói thế thì phát ngôn đó sẽ KHÔNG CÓ THÔNG TIN và câu văn sẽ trở nên vô nghĩa.
Ở đây, phát ngôn như vậy sẽ rơi vào trường hợp thứ
hai: vì thiếu lai lịch cho nên cái tên đó tự nhiên sẽ quy dẫn đến thông tin của
người mang tên đó ở ngoài đời (hoặc trong văn học) mà xã hội và tác giả đã biết.
Muốn viết một câu có nghĩa, khi đưa ra một cái tên bất
chợt như thế, nhà thơ dứt khoát phải nhằm tới một nhân vật có thật, hay một nhân
vật văn học quen thuộc mà mọi người đều đã biết trước đó. Đó là nguyên tắc của
hành vi thông tin mà mọi văn bản đều tuân thủ, không loại trừ văn học hư cấu.
NGUYỄN VĂN DÂN