Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh – Tổng Biên tập hai ấn phẩm Pháp Luật & Đời Sống và Người Đưa Tin hồi tưởng chặng đường 30 năm làm báo nhiều vui buồn, trong đó có cả sự bẽ bàng vì cuộc điện thoại ban đêm yêu cầu gỡ bài.


Tấm thẻ đầu tiên và lựa chọn cuối cùng.

Sau nguyên tiêu, về mừng thọ mẹ, bỗng được phụ thân trao lại tấm thẻ “đầu đời” khi bước vào nghề báo mà cụ “khai quật” từ trong mớ giấy tờ cũ. Nhìn dòng chữ ngày 6.1.1991 đã mờ phai với thời gian, thấy hơn 30 năm quăng thân vào nghề báo vèo trôi như chớp mắt. Tiết trời giá lạnh, mưa phùn lê thê, cảm khái nhìn … cafe mà vẩn vơ cùng ngày cũ.

Cuối hạ chớm heo may năm 1990, gã sinh viên làm thơ lông bông tóc dài guốc mộc tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và được giữ lại bộ môn văn học Việt Nam hiện đại làm giảng viên như một … niềm kinh dị. Suốt 5 năm đại học không một đồng môn nào lại nghĩ gã có tư chất thành “sư”, khác hẳn với một bằng hữu cùng khóa cũng ở lại Khoa, bên bộ môn văn học Cổ, luôn trầm tĩnh, sâu sắc, có phong độ trí giả của bậc túc nho ngay tự thuở sinh viên.

Hoá ra thiên hướng là một tiền định. Đến bây giờ sau hơn 30 năm, gã “mất dạy” đi làm báo, đáo qua chút văn chương, “rong chơi dưới trời quên lãng”, còn bạn gã thì bạc tóc trong cảnh ngộ “nhiệm trọng đạo viễn” vì gánh nặng của người đứng đầu thiên hạ chi sư.

Cầm tấm thẻ của 31 năm trước, khi đó báo Thanh Niên còn mang tên Tuần tin Thanh Niên - một danh xưng báo chí hiện đại và rất riêng, chạnh nghĩ bâng quơ mà tự ngộ ra nhiều điều.



Gần 10 năm trước, viết về một bằng hữu đồng môn khác, một “người đã đi qua mùa mây trắng”, gã đã từng băn khoăn: “Đôi khi, mình vẫn nằm mơ về thời đi học ở khoa Văn, rượu say chất ngất, vĩ cuồng trên mây, cả ngày không làm gì, chỉ làm mỗi... thơ và bàn toàn những chuyện viển vông, xa rời thế sự. Mà thế sự thì nhiêu khê và mông lung lắm- (Thế sự du du nại lão hà- Đặng Dung). Bạn bè khóa 30 đa phần đi làm báo, một số ở lại trường làm thầy, riêng gã không làm gì cả. Thế có khi lại là lựa chọn đúng. Thà không làm gì còn hơn là làm việc bắt buộc phải làm, khổ ải không chịu nổi.

Nhớ về gã, mình lại tự hỏi, hơn 20 năm trước bỏ trường đi làm báo (một nghề... giết văn), rồi bỏ bút đi làm quản lý, là đúng hay sai đây? Nhưng đúng hay sai thì cũng để làm gì? Thôi thì viết cố cho xong những dòng về bạn cũ rồi lại phải lặn ngụp trong mớ công việc thường nhật. Thật là khốn khổ. Muốn làm được một lần như bạn, lên đỉnh Côn Sơn học theo người xưa, hét lên một tiếng làm lạnh cả bầu trời (trường khiếu nhất thanh hàn thái hư), và quan trọng hơn là làm lạnh cả... lòng mình. Mà thực sự vô năng!”.

Đó là tâm sự khi ở tuổi tứ thập nhi bất hoặc. Còn bây giờ qua tri thiên mệnh vài năm gã lại nghĩ hơi khác và không còn băn khoăn gì nữa. Làm báo là đúng nghiệp mình, hà cớ gì mà tự vấn? Là hoa hay là cỏ thì cũng một đời cây. Phía chân trời chữ nghĩa, báo chí hay văn chương xét cho cùng cũng mơ hồ bảng lảng như nhau. Huống hồ có vẻ gã được nghề chọn, như một tất yếu.

Khi ấy vào tháng 10 (phim “bao giờ cho đến tháng 10” lúc này cũng đã vang danh thiên hạ), gã mon men làm thầy được 3 tháng, một bậc sư phụ phiêu bồng của khoa Văn- người thân thiết với nhiều thế hệ sinh viên gọi gã đến, rót một chén và bảo: “Có một cơ hội làm báo, em muốn thử không?”. Gã cạn chén trong chớp mắt và gật đầu ngay khi mở mắt. Hoá ra, báo Thanh Niên mở văn phòng Hà Nội, người trấn ải phía Bắc là một cựu sinh viên khoa Văn quay về trường cũ mộ binh. Rất may là khi đó gã đang được giao viết giáo trình Văn học Việt Nam đương đại (tính từ sau 1975) với giờ lên lớp chỉ khoảng 150 tiết/ năm, lâm vào hoàn cảnh rảnh rỗi sinh nông nổi.

Vậy là suốt gần 4 năm, gã vừa làm giảng viên khoa Văn vừa làm phóng viên báo Thanh Niên (khi đó tên gọi chính thức là Tuần tin Thanh Niên, nhưng manchette chỉ có chữ Thanh Niên như bây giờ, đến năm 1992, khi cấp lại giấy phép mới bỏ 2 chữ Tuần tin đi). Các thầy khoa Văn cơ hồ cũng biết được việc gã “bâng khuâng đứng trước đôi làn nước”, nhưng vì đức bao dung truyền thống ở nơi đây nên không ai nhắc đến.

Hơn 3 năm sau khi “đại đăng khoa”, đến một ngày mùa xuân năm 1994, gã “tiểu đăng khoa”. Người trong cuộc (học sau 4 khóa nên có 1 năm là đồng môn, 3 năm là học trò của gã) ra tối hậu thư: “Vì trót yêu thơ mà phải lấy cả một người, nên tuy chấp nhận đồng hành với kẻ làm thơ, nhưng không thể chung đường với ai học xong khoa Văn mà vẫn còn ở lại”… Thêm vào đó, nghe phong thanh đến sau mùa hạ sẽ bị giao thêm nhiệm vụ chủ nhiệm lớp sinh viên khoá mới, vậy là gã quyết định lựa chọn, bị bức phải lựa chọn. Kể từ đó trường văn kinh viện bớt đi một kẻ lang bang, trận bút báo chí thêm một thằng liều mạng.

Hơn 30 năm làm báo, 22 tuổi bỏ lại thi ca dang dở sau lưng, “nhập ngũ“ làm phóng viên xông pha đủ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá , thể thao… Phóng sự xã hội, Ký sự đường xa, Điều tra nhập vai, bi hài chính luận gì gì cũng múa bút viết tuốt; dấu chân rụng rơi từ thập vạn đại sơn vùng biên ải Lao Cai đến 13 đảo nổi đảo chìm nơi Trường Sa bão tố, từ vùng đào đá đỏ đến động buôn người, từ Liên hoan phim đến nghị trường Quốc Hội...

26 tuổi khoác chiến bào phó ban đại diện, trấn giữ ải bắc của báo Thanh Niên, 30 tuổi mặc nhung y phó Tổng biên tập kiêm thư ký Toà soạn cầm nội dung tờ Gia đình & Xã hội từ lúc mới khai sinh, nếm trải mọi thăng trầm, cả ngọt bùi lẫn cay đắng của nghề báo từ độ còn trai trẻ .

Đến năm 33 tuổi, số phận run rủi một gã học Văn về làm báo Luật. Đúng 9 năm làm phó cho các GS đầu ngành Luật đi làm báo, gã giống như hàng thần lơ láo, vừa không được làm vừa không muốn làm thứ báo chí salon xa lạ với bản thân.

Trong 9 năm “ngồi chơi xơi nước” ở sân nhà, gã đành đi đá sân bạn, giúp khai sinh vài ba ấn phẩm từ mua sắm tiêu dùng đến văn hoá nghệ thuật… Cuối cùng, khi được cầm cờ xung trận thì tuổi đã ngoài tứ thập, hùng tâm tráng chí nguội bớt đôi phần. Gắng gượng làm được một số việc thì cũng đôi ba lần bị đòn hội đồng từ Bắc chí Nam, tam tứ phen bị bôi lem vẽ bẩn…

Hôm nay, gã hay buông quăng bỏ vãi bỗng cầm lại được tấm thẻ hơn 30 năm về trước mà tự ngộ rằng, con đường đang đi thực ra là lựa chọn cuối cùng. Bước rong chơi đôi khi lạc vào nẻo văn chương, nhưng báo chí vẫn là đại lộ không có đường lùi. “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” chỉ là giấc mộng, vui cùng niềm vui thế sự, buồn cùng nỗi buồn nhân sinh, sát cánh cùng 300 chiến hữu Đời sống & Pháp luật- Người đưa tin mới là đời thực. Vậy nên cuối tháng giêng Nhâm Dần, nhân tìm lại được kỷ vật xưa, nửa đêm mượn Facebook làm cờ, lấy status làm hịch, tự chấn hưng bản thân, quyết năm mới không còn lười biếng.



 

Sếp tôi bảo gỡ.

Vừa đăng một tút về đời làm báo “lên bờ xuống ruộng” của bản thân được vài ngày, tự viết hịch để “ chấn hưng” bản thân, ai dè tối nay gặp phải một tình huống mà hơn 30 năm quăng quật với nghề, đã trải nghiệm nhiều nhưng vẫn không cầm lòng nổi.. Vừa ngán ngẩm vừa …nổi điên, không biết phải kêu trời hay gọi đất, đành mượn Facebook để hú vang và tự hỏi một lần nữa: liệu mình có đủ kiên nhẫn để theo nghề như đã từng thề hay không?

Vừa ăn xong bữa cơm tối, định pha ấm trà, chợt thấy một số điện thoại lạ gọi đến. Nghề báo khổ ở chỗ là có điện thoại thì phải nghe, nhỡ ra có việc khẩn, dù biết rằng hầu hết là những cú điện thoại quảng cáo trời ơi đất hỡi. Bắt máy nghe, thấy một giọng nữ lạnh tanh đầy vẻ hạ cố hỏi : “Có phải anh Nguyễn Tiến Thanh , TBT ĐS& PL không”?

Nghe giọng nói chắc kém mình khoảng chục tuổi nhưng đầy quan uy ấy, mình thận trọng hỏi lại: “Vâng, tôi đây, xin lỗi chị là ai?”. “Tôi là H, phó Chánh thanh tra sở 4T HN” - giọng nói đầy hàm lượng… trịch thượng vang lên phía đầu dây bên kia. Quái lạ, thanh tra Sở 4T HN thì liên quan gì đến cơ quan báo chí mà tôi đang công tác? Có gọi điện trao đổi về thông tin thì thường là một bạn rất nhẹ nhàng, đầy tinh thần chia sẻ ở phòng quản lý báo chí cơ mà? Nghĩ vậy nhưng mình vẫn … cắn răng hỏi lại: “Vâng, chào chị. Có chuyện gì vậy chị, tôi nghe đây ạ”. Giọng nói bên kia tiếp tục lạnh băng: “Trên trang A… bên anh đăng bài loạn giá xét nghiệm ở bệnh viện M. tỉnh N. Anh gỡ luôn đi nhé“.

Ơ hay, bài viết về bệnh viện ở tỉnh N. thì liên quan gì đến thanh tra sở 4 T HN cơ chứ. Trộm nghĩ vậy nhưng mình vẫn đành bấm bụng hỏi tiếp: “Lý do vì sao chúng tôi phải gỡ bài đó vậy chị? Nội dung bài đó có đúng hay không”? Một thoáng im lặng, rồi đầu dây phía bên kia vút lên một thanh âm có vẻ cáu giận pha lẫn sửng sốt: “Lý do gì à? Lý do là anh M, sếp tôi, Chánh thanh tra bảo gỡ. Tôi đang đi đường nên không nói nhiều với anh. Sếp tôi bảo gỡ thì anh gỡ. Còn nếu anh thích nói đúng sai, thì chúng ta sẽ nói chuyện với nhau kiểu khác”.

Đối với một gã từ thuở 30 tuổi đã làm PTBT một tờ báo trung ương, tính nóng như hỏa diệm sơn, bầm dập với nghề, “đầu trần đi giữa nắng nhân gian” thì có trái ngang nào chưa từng nếm trải. Nhưng quả thực máu nóng bốc lên đầu, không dằn lòng được, mình to tiếng: “Sếp của chị không phải sếp của tôi, anh ta muốn gỡ bài thì bảo anh ta trực tiếp gọi cho tôi, nói rõ lý do”.

“Anh nói vậy à? Được rồi, được rồi. Sếp của tôi việc gì phải nói với anh. Mà tôi nói cho anh biết, ý kiến này không chỉ là của sếp tôi đâu, mà là sếp của sếp tôi. Rồi anh sẽ biết”. Chưa dứt lời , điện thoại ngắt cái rụp giống như một lời hăm dọa : “Hãy đợi đấy”.

May là bữa cơm tối đã xong, không thì mình nghẹn mất, đầu óc cứ lởn vởn nghĩ đến hình ảnh ra oai của vài anh dân phòng (vài anh thôi) được giao trọng trách xét giấy đi đường hồi giãn cách. Chợt nghĩ đến việc, cách đây hơn một năm, khi quy định mới về quản lý báo chí giao quyền xử phạt báo chí cho Sở 4T của 64 tỉnh, nhiều đồng nghiệp lo ngại rằng sẽ có nhiều bất cập, thậm chí sẽ phải đối mặt với sự ra oai, lạm quyền ở địa phương. Rất mừng là sau hơn một năm, nỗi lo này được xua tan bởi cách hành xử rất đúng mực của hầu hết các Sở 4T. Tuy nhiên không phải là không có chuyện này chuyện nọ ở nơi này nơi khác.

Chính vì vậy mà tuy đã xác định được số máy gọi cho mình, nhưng vẫn hy vọng đó là một cuộc gọi mạo danh. Nếu vậy thì may lắm thay, dù rằng mình phí mất một buổi tối lẽ ra có thể viết được nhiều thứ khác hữu ích hơn, với tâm trạng tốt đẹp hơn.

                                      NGUYỄN TIẾN THANH