Nếu rồng là loài vật thần thoại thì hổ là loài vật có thật, phân bố chủ yếu ở vùng châu Á, với 5 phân loài còn tồn tại đến ngày nay. Cả hai đều là đối tượng phổ biến của các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, đối tượng trung tâm của nhiều huyền thoại kỳ vĩ...


Năm Dần nghe tiếng cọp gầm vang điển tích

LÊ BẢO ÂU LONG

Không phải thần hổ trong truyền thuyết Việt là vị tướng họ Hùng đánh giặc Ân do bà mẹ hổ sinh ra mà đến nay vẫn được thờ phụng tại đền Trình ở danh thắng chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội; không phải Hùm thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám làm khiếp đảm giặc Pháp; không phải râu hùm hàm én trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du; cũng không phải chúa sơn lâm ở vườn bách thú với nỗi “Nhớ rừng” trong thơ Thế Lữ; không phải tranh dân gian Hàng Trống ngũ hổ hay hình tượng Ông ba mươi trong tranh thờ làng Sình; cũng không phải con cọp trong truyện cổ tích “Trí khôn của ta đây”; không phải hổ hoàng gia Bengal, loài vật được cả Ấn Độ và Bangladesh cùng chọn là biểu tượng quốc gia của mình; không phải chòm sao Bạch hổ trên dải Ngân hà và cũng chẳng phải lễ hội bắt hổ ở thung lũng Lòn Bon (Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam); không phải hình ảnh chú hổ trên logo nhãn hàng Tiger beer hay thương hiệu thời trang Kenzo... mà tôi sẽ nói về hình tượng, hình thanh của hổ trong mối tương quan với các con giáp còn lại của văn hóa Á Đông.

Thiên khai ư Tý, địa tịch ư Sửu, nhân sinh ư Dần

Trong thư tịch cổ của dân tộc Dao có bài thơ "Vịnh ông Bàn Cổ": “Hỗn độn mịt mù/ Chưa phân trời đất/ Bàn Cổ ra đầu/ Trước vạch âm dương/ Trời mở ở Tý/ Đất ra tại Sửu/ Người sinh nơi Dần”. Bàn Cổ đã phân định âm dương, là tiết điệu căn cơ gỡ nhịp cho cuộc đại diễn của vũ trụ, cầm cân nảy mực cho quá trình biến dịch của muôn loài, trong đó con người dẫn khởi. Câu chuyện Bàn Cổ chính là khởi đoan nhưng cũng là biểu thị cho toàn thể triết lý Đông phương. Mối tương quan chuột – trâu – hổ như vậy là đã có từ rất lâu đời, được biểu tượng cho sự hình thành thế giới quan của người xưa. 

Trò hổ thầy mèo

Về mặt khoa học, hổ cùng với sư tử, báo hoa mai, báo đốm, báo tuyết, báo săn là các loài mèo lớn thuộc họ mèo. Mặc dù chúng có kích thước to lớn, trong đó hổ có kích thước lớn nhất, nhưng vẫn là hậu duệ của những loài mèo nhỏ như linh miêu tai đen, mèo gấm Ocelot, mèo cá, mèo rừng… Hổ là hậu duệ của mèo và mèo chính là thầy dạy võ của hổ trong truyện cổ tích Việt Nam. Mèo đã truyền dạy cho hổ tất cả các món võ, duy chỉ có ngón võ cuối cùng chưa dạy là trèo cây thì hổ đã trở mặt vồ mèo.

Nhờ sự thông minh và ngón võ cuối cùng đó mà mèo đã thoát khỏi nanh vuốt của hổ. Hổ ấm ức tức điên, đứng dưới gốc cây ngước nhìn lên nghiến răng nói, ta bắt được mèo ta ăn cả phân. Từ đó, hổ tuy uy mãnh nhưng không biết leo trèo. Cũng từ ấy dòng dõi nhà mèo phải đào hố giấu phân của mình. Câu chuyện về tương quan hổ - mèo chính là quan niệm truyền thống ngàn đời của người Việt, nhắc nhở người đời bài học về sự tôn sư trọng đạo.

Mây bay theo rồng, gió bay theo cọp

Rồng – hổ là sự sánh đôi biểu trưng cho vương quyền, nhất là các triều đại phong kiến ở các nước phương Đông, là cặp bài trùng trong quân sự, võ học và cho những thành đạt trong khoa cử. Đều phổ biến trong các kiến trúc đình, miếu, dưới chế độ quân chủ của triều đình xưa, nếu rồng là hình ảnh ẩn dụ của vua thì hổ biểu tượng cho các vị võ tướng, sức mạnh quân sự và thường được thêu trên áo các võ quan hàng tứ phẩm. Ngày nay, ngay cả khi không còn vua, rồng nữa thì hổ vẫn được dùng đại diện cho sức mạnh của các lực lượng vũ trang, các loại vũ khí hoặc sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi.

Nếu rồng là loài vật thần thoại thì hổ là loài vật có thật, phân bố chủ yếu ở vùng châu Á, với 5 phân loài còn tồn tại đến ngày nay. Cả hai đều là đối tượng phổ biến của các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, đối tượng trung tâm của nhiều huyền thoại kỳ vĩ, truyền thuyết khôi vĩ với vẻ đẹp song hùng đầy kiêu hãnh, quyền uy trong những hình dáng, tư thế, chuyển động, thần thái.

Trong các cặp con giáp thì có lẽ cặp rồng – hổ là đẹp nhất, tương hợp nhất trên mọi khía cạnh từ hình tượng nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật, trong kho tàng văn hóa dân gian cho đến cái huyền thuật cao siêu của văn hóa Á đông là phong thủy, tử vi, bát quái…

Thể hiện cho sự tương hùng của rồng – hổ là những câu: “long tranh hổ đấu, tàng long ngọa hổ, long đàm hổ huyệt, hàng long phục hổ, long hổ tương phùng, miệng hùm chớ sợ, vảy rồng chớ ghê, tả thanh long hữu bạch hổ…”.

Hùm thiêng rắn độc

Để nói về tương quan giữa hổ và rắn, có lẽ mọi người thường chỉ biết đến những câu “Miệng hùm nọc rắn”, “Hang hùm miệng rắn”, “Hùm tha rắn cắn”, “Xà cung thạch hổ” hoặc toa thuốc “Ngũ xà pín hổ” chứ ít người biết đến câu chuyện Phật giáo mang đầy tính biểu tượng cho hiện thực của cuộc sống sau đây:

Anh nọ vào rừng bị cọp rượt. Cọp gần kề, thấy cái giếng bên đường, anh nhảy đại xuống. Nhưng rủi cho anh, giếng không có nước mà có con rắn hổ mang to đang khoanh tròn dưới đáy. Theo bản năng, anh chụp thành giếng và nắm trúng một rễ cây, anh đu tòn ten trong lúc con rắn vươn cổ mổ chân anh mà không tới. Ngước nhìn lên, anh thấy con cọp đang với chân cào tay anh nhưng cũng không tới. May quá. Trong hoàn cảnh may mắn ấy, anh chợt thấy hai con chuột, một trắng một đen, trong hang chui ra và bắt đầu gậm rễ cây anh đang níu. Cùng lúc mật ong từ trên trời rơi xuống trúng mũi anh; thì ra lúc con cọp với bắt anh, thân nó đè lên một cành cây làm tổ ong mật trên cành cây bị vỡ ra để mật rơi lã chã. Anh liếm mật, mỉm cười và thầm nói với mình: “Ngon, ngon tuyệt!”.

Chuyện kể chấm dứt tại đây, không có hồi kết rõ ràng. Nếu phải phân tích lớp nghĩa sâu xa ẩn tàng trong câu chuyện trên thì bạn nghĩ sao? Tôi thấy nó rất đời mà cũng rất đạo, như công án thiền của các vị cao tăng thạc đức. Nó đặt ra câu hỏi, phải phản ứng thế nào trong cơn khủng hoảng sống chết? Chúng ta thường hay bị kẹt giữa cọp đói (cái chết) và rắn hổ mang (tai họa) với hai con chuột (ngày và đêm) đang gặm nhấm rễ cây (sự nắm níu) cứu mạng (sự sống). Là người khôn ngoan, chúng ta hãy liếm mật (hạnh phúc) đang nhỏ từng giọt. Tương lai chưa đến và bất định, chúng ta không biết trước việc gì sẽ xảy ra tiếp theo. Thế nên, tại đây và ngay trong khoảnh khắc này, hãy thưởng thức mật ngọt của đời.

Một bài học Phật giáo sâu sắc, phải không các bạn?

Ngạ hổ khiên dương (Cọp đói vồ dê)

Đây là tên một thế võ trong Tượng hình quyền phương Bắc, luôn coi dê ở kèo dưới. Người Việt lại có cách nhìn nhận khác, có lúc dê ở kèo trên với chiêu võ Hoàng dương thượng giác (Dê vàng húc sừng) lấy cảm hứng từ cú bạng của dê. Thế võ này bắt đầu từ tư thế Trảo mã tấn lấy đà rồi lao thân về phía trước giáng cùi chỏ về đối thủ. Hình tượng dê trong võ thuật được thể hiện không nhiều nhưng thế võ Dê vàng húc sừng lại là đòn đánh chí mạng.  

Tọa sơn quan hổ đấu

“Khi những con hổ đánh nhau trong thung lũng, con khỉ thông minh ngồi xem cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào” là câu tục ngữ Trung Quốc được ông Putin vận dụng khi trả lời câu hỏi của các hãng thông tấn báo chí về quan điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petesburg hồi tháng 6/2019. Quen thuộc với người Việt là câu “Tọa sơn quan hổ đấu”. Câu này giấu đi chủ thể quan sát, tác giả dân gian ném hòn đá mà không để lộ bàn tay. Chỉ khi liên hệ với câu tục ngữ Trung Hoa trên, ta mới thấy được mối tương quan hổ - khỉ như thế nào.

Tương quan hổ - chó

Một con hổ nhìn thấy một con chó điên, nó vội vã tránh ra thật xa. Hổ con nói với bố: “Bố ơi, bố dám đấu với sư tử, tranh hùng với báo săn, vậy mà lại phải tránh một con chó điên, thật mất mặt quá!”. Hổ bố hỏi: “Theo con, đánh bại một con chó điên có vinh quang không?”. Hổ con lắc đầu. “Để con chó điên cắn cho một phát, có đen đủi không?”. Hổ con gật đầu. “Như vậy, chúng ta trêu chọc chó điên làm gì?”.

Câu chuyện cho chúng ta thật nhiều suy ngẫm. Không cần phải thể hiện mình là kẻ mạnh trong mọi tình huống. Người thông minh không muốn tranh luận với những người không có tố chất. Nếu họ không xứng làm đối thủ của bạn thì chỉ cần mỉm cười và rời xa họ, đừng để họ tấn công và gây cho bạn những vết thương không đáng có.

Hùm nằm cho lợn liếm lông

“Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng/ Hùm nằm cho lợn liếm lông/ Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi…” là bài vè nói ngược nhằm gây nên tiếng cười vui sau những giờ lao động mệt mỏi. Lợn là con vật hiền lành, chỉ sống loanh quanh trong vườn, chuồng, là mồi ngon của con hổ hung dữ. Vậy mà giờ đây, hùm lại ngoan ngoãn nằm im cho lợn liếm lông. Quả là chuyện lạ, thay bậc đổi ngôi.

Thân hình vạm vỡ, uyển chuyển lượn sóng với bộ lông vằn vện và bước chân uy song cùng phẩm chất siêu phàm, hổ là sức mạnh, sự oai linh, vẻ đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm. Tương quan hổ và các con giáp là tiếng hổ gầm vang điển tích Á Đông.