Chữ xuân phương Đông, theo lối chiết tự xửa xưa từ thời con người viết trên mai rùa (chữ giáp cốt) thì gồm hai chữ "phong", nghĩa là nhiều sự tươi tốt và chữ "nhật" có nghĩa mặt trời. Hàm ý tượng hình của chữ xuân là có mặt trời thì mọi vật tươi tốt rực rỡ.


Mùa xuân - Những khúc xạ văn hóa!

NGUYỄN THANH TÚ

Như một nguyên lý vĩnh cửu, cả nhân loại coi mùa xuân là biểu tượng cho sự nảy nở, sinh sôi, phát triển, hạnh phúc. Mở rộng hơn, còn là biểu tượng cho niềm tin, hy vọng, tình yêu, sự sống... Do thung thổ, khí hậu, tập quán khác nhau nên để kết thành trái biểu tượng, các cây văn hóa ở những miền cổ xưa lại có quá trình trao đổi, chuyển hóa cũng khác nhau, vì thế cũng cho những ý nghĩa triết lý khác nhau.

Thần thoại Hy Lạp kể, một mùa xuân đã đến, trong một thung lũng đẹp như cảnh thần tiên, Pecxêphôn cùng bầy tiên nữ tung tăng chơi đùa ngắm hoa nở, nghe chim hót và cùng nhau vui đùa dưới ánh sáng mặt trời ấm áp... Đột nhiên, thời gian như ngưng lại khi một tiếng thét thất thanh: "Cứu tôi với!". Nàng Pecxêphôn bị rơi xuống một vực thẳm. Tiếng thét ấy đột ngột và vang xa đến mức vọng lên cả đỉnh Ôlanhpơ, nơi ở của mẹ nàng - Nữ thần Ðêmête vĩ đại, vị nữ thần Lúa mì, đất đai, trồng trọt và mùa màng dưới hạ giới.

Nghe tiếng kêu, rùng mình thảng thốt, Nữ thần trông coi hạnh phúc của con người trần gian biết ngay đó là tiếng thét của đứa con yêu duy nhất. Nàng lao vút xuống hạ giới tìm con. Đi khắp nơi, bất kể thời gian, vừa đi vừa kêu khóc và hỏi tất cả những ai có thể hỏi về đứa con mình. Đến ngày thứ mười, cảm thương một tình mẫu tử, thần Mặt trời Hêliôt báo cho biết con nàng bị thần cai quản thế giới âm phủ Hađet bắt xuống đó làm vợ. Trước khi tiếp tục đánh cỗ xe lửa đi về phía Tây, vị thần tốt tính còn nói cho biết việc này do chủ ý của thần Dớt và chỉ có Dớt cứu được...

Bàng hoàng, thẫn thờ, nữ thần Ðêmête không lạ gì dã tâm của Dớt. Quá đau đớn, nàng không trở lại Ôlanhpơ mà biến thành một bà già mặc áo dài đen, đi lang thang vô định ở thành Aten. Từ đó, vì không còn ai trông nom đất đai, cây cỏ, hoa màu, không có mưa móc, đất đai khô cằn, cây cỏ rũ héo, con người bị đói. Tiếng kêu than vang trời vọng đến Ôlanhpơ. Dớt vội triệu tập một buổi họp đặc biệt để tìm ra giải pháp đối phó. Chỉ có một cách là mời Ðêmête trở về. Nhưng đều thất bại... Giải pháp cuối cùng, Dớt đành hạ lệnh Hađet phải trả lại Pecxêphôn cho mẹ nàng!

Nàng Pecxêphôn vui mừng cực độ. Nhưng nàng không hề biết Hađet không dễ dàng chịu thua cuộc. Hắn đã dùng phép lạ để nàng không rời bỏ hẳn được cõi âm.

Trở về với trần gian là được về với thế giới của ánh sáng, hoa thơm và cỏ ngọt. Đang đau đớn buồn bã, được gặp mẹ, khuôn mặt Pecxêphôn bừng lên hạnh phúc rạng rỡ. Nàng từ cõi chết về với cõi sống. Nhưng, mỗi năm do bùa phép thâm hiểm của Hađet, nàng phải xa mẹ bốn tháng để xuống âm phủ chịu kiếp làm vợ vị chúa tể âm ti. Đó là những ngày buồn của cả thế gian, của Nữ thần Đêmêtê và đứa con yêu. Cây trên cành gầy guộc. Lá úa vàng, rụng rơi. Đất khô rắn lại. Sông hồ đóng băng... Tất cả một màu thê lương. Đó là những ngày cuối thu và suốt cả mùa đông...

Tuần hoàn một năm, khi Pecxêphôn từ âm phủ trở về là đầu xuân sinh sôi ấm áp rồi mùa hè rực rỡ tràn trề sức sống, tiếp đến là mùa thu óng ả nhưng đượm buồn màu của chia ly...

Tên gọi Pecxêphôn, theo nghĩa Hy Lạp cổ vừa có nghĩa là "mang lại, đem đến" vừa có nghĩa "gây ra cái chết". Thì ra cái triết lý sâu xa của người cổ xưa đã thật thâm thúy: trong sinh sôi có chứa mầm hủy diệt, trong phát triển đã có sự lụi tàn. Đó là mâu thuẫn, mà người phương Đông bằng cái nhìn xã hội đã thâm thúy cho rằng "trong họa có phúc", "trong phúc có họa". Tự nhiên và xã hội đều thế thì với mỗi con người cũng không nằm ngoài quy luật này, do vậy phải biết sống cho ra sống, biết hành động và ứng xử sao cho phải lẽ đời, khi được không vội mừng, khi mất không vội lo. Phải biết hy vọng và giàu có niềm tin vào cuộc sống. Mỗi năm chỉ có một mùa đông. Một năm nàng Pecxêphôn được hưởng tám tháng hạnh phúc, chỉ phải chịu bốn tháng buồn đau. Nàng tiên, lại là con yêu của vị thần trông coi Hạnh phúc còn thế, huống là con người thường!

Chữ xuân phương Đông, theo lối chiết tự xửa xưa từ thời con người viết trên mai rùa (chữ giáp cốt) thì gồm hai chữ "phong", nghĩa là nhiều sự tươi tốt và chữ "nhật" có nghĩa mặt trời. Hàm ý tượng hình của chữ xuân là có mặt trời thì mọi vật tươi tốt rực rỡ. (Sau này, thời hiện đại, thanh niên hay tán tỉnh nhau hoặc có nhà thơ nào làm câu thơ dễ dãi với cái ý sáo mòn: "Em là mặt trời trong trái tim anh" thì thật đã quá cổ xưa!).  Như vậy chữ xuân rất giàu sắc thái ý nghĩa như ánh sáng, ấm áp, phát triển, nảy nở... Vì mặt trời mọc là khởi đầu cho một ngày mới nên mùa xuân được người xưa nhấn mạnh vào cái ý nghĩa khởi đầu, sự khởi đầu của một năm "Nhất niên chi kế tại ư xuân, nhất nhật chi kế tại ư thần" (Một năm khởi đầu bằng mùa xuân, một ngày khởi đầu vào sáng sớm).

Cũng vì thế mà chữ xuân còn nghĩa là tuổi trẻ tức tuổi xuân. Xuân còn là vui vẻ, rạo rực, là sự sống, sức sống... Các cô đến tuổi cập kê muốn lấy chồng được gọi là "hoài xuân". Chàng nào bốn nhăm, năm mươi mà lại còn mạnh mẽ phong tình thích con gái đẹp được gọi là "tuổi hồi xuân"... Cả trai cả gái thích nhau, hợp nhau muốn lấy nhau thì gọi là "lòng xuân"... Các nhà thơ đời Đường - Trung Quốc mê cả rượu cả xuân nên "chúng khẩu đồng từ" nhất trí gọi rượu là xuân. Vì mặt trời mọc ở phương Đông nên người ta còn gọi phương Đông là xuân (phương xuân)...

Chữ xuân thêm bộ mộc (nghĩa là cây) là chỉ "cây xuân". Viết chữ "hương xuân" thì phải viết chữ này vì hương mùa xuân tỏa ra từ cây cối... Người xưa nói có cây đại xuân lấy tám ngàn năm làm một mùa xuân, tám ngàn năm làm một mùa thu. Tức sống cực lâu. Nên chữ "xuân đường" là để gọi cha với ý mong cha trường thọ (Liêu Dương cách trở sơn khê/ Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang - "Kiều"); "xuân huyên" gọi mẹ cũng dùng chữ này (Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng/ Một nhà tấp nập kẻ trong người ngoài - "Kiều"). "Huyên", theo truyền thuyết là một loài cỏ đặc biệt, nếu được nhìn nó thì mọi ưu phiền tiêu tan hết (gọi là hoa "vong ưu thảo") nên được dành để trỏ người mẹ!

Sinh sống ở vùng nhiệt đới gần gũi với muông thú, cỏ cây, người Việt có "Sự tích mùa xuân" rất đặc trưng theo lối duy tình. Trước đây một năm chỉ có ba mùa hạ, thu, và đông. Ai cũng khát khao có thêm một mùa ở giữa đông và hạ để khí hậu đỡ chuyển đột ngột. Nhưng một vị tiên bảo, muốn vậy phải có một chiếc cầu vồng thật nhiều mùa sắc… Nhưng làm sao mà có được! Cứ chờ thì chẳng bao giờ. Thương mẹ vì cứ chuyển mùa là bị ốm, chú thỏ nọ quyết tâm gọi mùa xuân về. Chú đi khắp rừng gặp gỡ muôn loài thú thuyết phục mỗi con vật góp những sợi lông đẹp nhất. Công việc khâu lại thành hình cầu vồng được đàn chim sâu đảm nhiệm...

Một buổi sáng cuối đông, đàn chim sâu cần mẫn đã dệt đến những mảng màu cuối cùng. Thế là quyết tâm của thỏ và muôn loài đã có kết quả. Một chiếc cầu vồng bảy sắc lung linh thật đẹp được dựng lên, có màu nâu của gấu, màu vàng tơ của hươu sao, màu xám của sóc, có cả màu vàng chói của vảy những chú cá chép. Có cả màu vàng lông sư tử, màu gốm vàng của lông hổ... Mặt trời lên rọi vào những tia nắng, cầu vồng càng chói lòa, lung linh, biến ảo. Như có phép lạ, cả vũ trụ như bừng lên, cả khu rừng xôn xao động đậy. Các loài hoa khẽ rung rồi nhú mầm chẳng mấy chốc bừng ra những nụ hoa... Cả đất trời rộn rã âm thanh, nồng nàn hương vị...!!! Gió vội báo tin cho muôn loài. Tất cả như dâng trào một sự sống mới. Đất trời lộng lẫy. Một bữa tiệc tiên giới nơi trần gian. Mùa Xuân đã về...!!!

Cảm ơn chú thỏ đáng yêu, tình nghĩa và đầy quyết tâm, mùa xuân tặng thỏ một chiếc áo trắng muốt. Mặc áo mới chú tung tăng nhảy múa hân hoan cảm ơn các bạn thân yêu đã đồng lòng bền chí cùng nhau làm được một việc tưởng chừng như không thể!

Câu chuyện giao thoa hai thể loại cổ tích và ngụ ngôn vừa tạo ra sự lãng mạn bay bổng vừa có yếu tố triết lý giáo dục răn dạy. Chất lãng mạn như đôi cánh đưa bài học nhân sinh đậu vào tấm lòng bạn đọc: Có yêu thương, quyết tâm, đoàn kết thì việc lớn nào cũng có thể làm được. Chú thỏ nhỏ bé kia còn làm đươc, huống hồ...!!! Một việc làm đạo lý, có nghĩa, có tình và thuận lòng tất cả, có người đứng ra tổ chức, tất yếu được ủng hộ và sẽ thành công. Thì ra cái cầu vồng ấy không chỉ lung linh bảy sắc mà còn là sự lung linh của những tâm hồn, những ý chí...

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An