Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã bỏ ra 45 năm để trồng và giữ một rừng thông 15 hecta tại thôn 2, xã Lộc Châu, ngoại ô thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.


Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (18/11/1937 – 11/6/2020) được xem là một “kỳ nhân” của văn chương Sài Gòn trước năm 1975. Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không chỉ có các tập thơ “Bọt nước”, “Hoa cô độc”, “Lời ru”, “Đêm nguyệt động”... mà còn có mấy tập truyện ngắn “Cát bụi mệt mỏi”, “Cái chuồng khỉ”, “Xóm chuồng ngựa”, “Ngồi đợi ngoài hành lang”, “Mộng du trên đỉnh mùa xuân”...

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn có cá tính sáng tạo rất mạnh, như cách ông tuyên bố làm “Thi sĩ” quyết liệt “Khi ý thức mặt đất này dang dở/ Ta vội chìm trong bóng nguyệt mang mang/ Khi chấp nhận một ngàn lần đổ vỡ/ Ta một hồn đắm đuối giữa tan hoang”. Cả cuộc đời nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không dễ hòa đồng và không chịu thỏa hiệp với môi trường chen lấn danh lợi thị phi. Tuy nhiên, những đồng nghiệp thấu hiểu vẫn dành cho ông nhiều sự ân cần quý mến.

Năm 1975, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đưa gia đình từ Sài Gòn lên sinh sống trên một mảnh đất ngoại ô Bảo Lộc. Mảnh đất ấy, thiền sư Thích Nhất Hạnh vốn đứng tên sở hữu gọi là đồi Phương Bối, và tặng lại cho nhà thơ Nguyễn Đức Sơn có chốn nương thân.

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không có khả năng làm “kinh tế mới”. Ông chủ yếu vào rừng hái rau, hái măng để cầm cự tạm bợ qua ngày. Một người con trai của ông là Nguyễn Đức Thảo (sinh năm 1970), do sơ ý ăn nhầm quả độc, đã đoản mệnh ở tuổi 13.

Ngôi mộ Nguyễn Đức Sơn ở một góc đồi Phương Bối.


Công việc quan trọng nhất mà nhà thơ Nguyễn Đức Sơn tập trung thực hiện là trồng thông phủ xanh cả đồi Phương Bối. Đây không phải ý tưởng ngẫu hứng từ cơ cực và túng bấn, bởi lẽ trong tập thơ “Vọng” in năm 1972, thì ông đã bày tỏ: “Hãy che kín đời tôi khu rừng thông/ Cho tôi về ngủ suốt một mùa đông/ Hồn sinh tử xin thề không giãy giụa/ Cho lòng tôi sương giá phủ mênh mông”.

Hành vi kiên trì ươm cây thông nhỏ lặng lẽ chăm cây thông lớn của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn cùng vợ và 8 đứa con, dĩ nhiên không chút bình thường với những ánh mắt phàm tục. Người ta cải tạo đất để vun trồng các loại cây mang lại lợi ích vật chất như trà, như tiêu, như cà phê... còn ông miệt mài trồng thông theo kiểu “Khát vọng” riêng: “Kiêu dũng nhất là con đường không đích/ Ta cắm đầu lao thẳng tới hư vô/ Ôi mộng đời cháy sém cỏ cây khô/ Trăng thế kỷ rừng Đông Phương sáng chiếu”.

Người con trai thứ của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn là tu sĩ Nguyễn Đức Vân nhớ lại: “Chúng tôi đã tồn tại như những người tiền sử. Các anh em tôi có người được gửi vào chùa thì mới có cơ hội đi học”.

Từng ngày tháng trôi qua, từng hàng thông lớn lên, khu vực đồi Phương Bối dần dần có thêm cư dân. Và con đường lên đồi Phương Bối được người ta gọi là “đường Sơn Núi”, theo đúng phong cách nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã đặt dấu ấn nơi đây: “Cả đêm ấy tôi nhảy hoài trên núi/ Giữa trăng vàng mờ mịt bóng sinh linh/ Trần gian vắng tôi đã về lủi thủi/ Cỏ bên hồ thương cảm cũng rung rinh”.

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã trồng thông và giữ thông cho đồi Phương Bối như bảo vệ chính sinh mạng mình. Thậm chí, ông đã từng phải chiến đấu sứt đầu mẻ trán với những kẻ đến chặt phá. Cứ thế, ông che chở thông và thông che chở ông bước qua những khoảnh khắc lạnh lẽo “Ta thức giấc khi trăng vừa biến mất/ Cả khu rừng mù mịt bóng sao rơi/ Ta lẩn quẩn suốt đời trên trái đất/ Chợt thấy lòng đau đớn rất xa xôi”. Nhờ vậy, thôn 2, xã Lộc Châu của thành phố Bảo Lộc có được một rừng thông tuyệt đẹp.

Ngày 11/6/2020, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn qua đời sau một thời gian đau yếu “Ta tắt thở một đêm tình rất rộng/ Bởi mặt hồ không dấu nổi âm vang/ Trên cao thẳm khi tiếng gì rơi xuống/ Giữa khuya vàng bóng nguyệt vỡ tan hoang”. Ngôi mộ nhỏ của ông được gia đình thiết lập ở một góc đồi Phương Bối, có khắc câu thơ “Ta đến đây/ Khác với mây/ Là ở lại”.

Di sản rừng thông của Nguyễn Đức Sơn.


Bây giờ, đồi Phương Bối đã khác. Lối lên đồi Phương Bối thuở nào là “đường Sơn Núi” đã thành đường Lê Thị Riêng trải nhựa phẳng phiu uốn lượn quanh co thi vị. Không chỉ có những công trình xây dựng dân sinh mà những doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng hoạt động rầm rộ khiến sự yên bình của đồi Phương Bối không còn như ngày xưa nhà thơ Nguyễn Đức Sơn thảng thốt “hồn tôi đó chập chờn như cỏ dại”.

Rừng thông mà nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã bỏ ra 45 năm để trồng và giữ, vẫn là điểm nhấn của đồi Phương Bối. Thế nhưng, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, liệu rừng thông 15 hecta này có bị ảnh hưởng hay không, lại là một nỗi băn khoăn. Tu sĩ Nguyễn Đức Vân chia sẻ: “Lúc sắp mất, cha tôi dặn dò các con không được bán buôn và không được hủy hoại rừng thông. Vì vậy, gia đình chúng tôi cũng có nguyện vọng trả lại một phần cho người thừa kế của thiền sư Thích Nhất Hạnh để cùng nhau bảo tồn rừng thông chu đáo hơn, hiệu quả hơn”.

Mùa xuân Nhâm Dần, nhìn rừng thông ngút ngàn trên đồi Phương Bối, không khỏi cảm kích tấm lòng yêu thiên nhiên của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. Cuộc đời 83 năm của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn trầm luân giữa gian khó, nhưng ông để lại cho hậu thế không chỉ có những vần điệu phóng túng mà còn để lại một màu xanh kỳ vĩ ở ngoại ô Bảo Lộc. Những người đi dưới rừng thông không thể không cảm ơn ông và thương nhớ ông “Đồi cây khô gió lạnh thổi xiêu tàn/ Rồi em sẽ tìm anh trong cát bụi”.

                                            LÊ THIẾU NHƠN