Nếu việc xét chức danh giáo sư, phó giáo sư không nghiêm túc từ Hội đồng cơ sở, và nếu mỗi nhà khoa học không nghiêm túc và tự trọng, thì những việc "giả danh", gian và dối còn tiếp tục.


 

NHÂN CHUYỆN CẦN XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG LIÊM CHÍNH KHOA HỌC

NGUYỄN THỊ HẬU

1/

Năm 2020 tôi tham dự cuộc họp góp ý việc chuyển báo Khoa học Phổ thông thuộc Liên hiệp các hội KHKT.TPHCM thành tạp chí Khoa học phổ thông (sẽ) trực thuộc UBNDTP. Trong số mấy người được chủ tọa mời phát biểu tôi chú ý đến ý kiến của 2 PGS.TS.

Hai vị này đều đề nghị Tạp chí Khoa học Phổ thông mới phải là một “Tạp chí khoa học dành để đăng tải bài của các nhà nghiên cứu”, đặc biệt – họ nhấn mạnh – “làm sao phải là tạp chí có tính điểm cho bài báo, như vậy sẽ thu hút người làm luận án TS, người làm hồ sơ PGS, GS gửi đăng bài, từ đó tạp chí có thể thu phí – một nguồn kinh phí để hoạt động”.

Ý kiến này có hai vấn đề mà bữa đó tôi đã trao đổi lại như sau.

- Báo KHPT hình thành và phát triển đã mấy chục năm, luôn hoàn thành tốt sứ mệnh KHOA HỌC VÀ/MÀ PHỔ THÔNG. Đó là đăng tải các kiến thức khoa học dưới dạng phổ thông, cập nhật tri thức cho xã hội, đồng thời vận dụng kiến thức khoa học vào nhiều lĩnh vực của đời sống, nhất là lao động sản xuất. Tất nhiên báo cũng có chức năng thông tin chính trị, xã hội như nhiều tờ báo khác. Qua việc thực hiện chức năng này mà báo KHPT đã làm tốt vai trò của Hội LHKHKT là tập hợp các nhà khoa học (nhất là những người đã hưu trí, có thời gian và điều kiện quan tâm, tham gia công tác xã hội), những người quan tâm đến các lĩnh vực KHKT, phổ biến kiến thức, tri thức cho cộng đồng và đưa KHKT đi vào đời sống.

- Nay chủ trương tờ báo thành Tạp chí Khoa học phổ thông thì sứ mệnh của tạp chí vẫn là như thế. Nhưng với vị thế một tạp chí thì “ý nghĩa khoa học và thực tiễn” của những thông tin, bài báo phải cao hơn. Sự gắn bó giữa những người nghiên cứu/tổ chức khoa học và xã hội/doanh nghiệp càng chặt chẽ hơn, thúc đẩy khoa học ứng dụng phát triển, đồng thời góp phần nâng cao tri thức cho cộng đồng.

Nếu chỉ chuyển thành một “tạp chí khoa học” thì không còn đúng tên gọi và chức năng của KHPT nữa. Mặt khác như vậy là xem nhẹ vai trò lan truyền và nâng cao tri thức cho xã hội – một trong những trách nhiệm quan trọng của các nhà khoa học. Chưa kể phần lớn người tham gia công việc truyền bá kiến thức là những nhà khoa học đã về hưu, có thời gian hơn khi còn phải làm công tác quản lý.

- Trước đây đối với tạp chí Xưa Nay của Hội Khoa học Lịch sử VN cũng có ý kiến tương tự. Nhưng cho đến nay tạp chí Xưa Nay vẫn mang tính chất phổ biến và trao đổi kiến thức, tri thức, thông tin lịch sử, không hướng đến mục tiêu “hàn lâm, tính điểm bài viết”. Có lẽ nhờ vậy mà tuy số lượng phát hành không lớn nhưng có một lượng độc giả ổn định, lâu dài.

2/

Một hai năm gần đây nhiều nhà khoa học đã lên tiếng và có những hành động thiết thực cho việc xây dựng “môi trường liêm chính học thuật”. Phần lớn nêu ra hiện tượng các bài viết đăng tạp chí không có uy tín, giả danh hoặc tạp chí “ma” ở nước ngoài.

Hiện nay trong nước có hệ thống các tạp chí khoa học từ Viện hàn lâm KHXH, KHTN, KHKT đến các Viện chuyên ngành, hệ thống tạp chí của các trường đại học trung ương và địa phương, cũng giúp cho việc tích lũy điểm công trình cho việc phong chức danh PGS, GS, hay cho đủ bài báo để bảo vệ luận án TS, luận văn thạc sĩ. Đây là môi trường thuận lợi để gửi đăng bài nghiên cứu có chất lượng và nhất là phù hợp với chuyên ngành của người gửi bài.

Đa số những tạp chí khoa học trong nước có uy tín đều mời các nhà khoa học cùng lĩnh vực phản biện bài gửi đến, sau khi trao đổi tác giả sẽ chỉnh sửa để chất lượng bài tốt hơn. Việc đóng một khoản phí (nếu có) cho tạp chí chính là một phần chi phí mời người phản biện chứ không phải cứ đóng tiền là bài sẽ được đăng. Tất nhiên không phải tất cả các tạp chí khoa học đều nghiêm túc như vậy.

Với một hệ thống tạp chí khoa học đa dạng như vậy, người nghiên cứu khoa học không thiếu nơi để công bố công trình khoa học, làm việc nghiêm túc thật sự thì không lựa chọn một tạp chí không ai biết/không phù hợp chuyên ngành để gửi đăng công trình của mình. Bởi vì bài đăng ở đâu sẽ cho biết trình độ của người viết thế nào. Từng là Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu phát triển của Viện NCPT TPHCM, tôi biết rằng để có một bài viết chất lượng tốt đăng tạp chí thì không hề nhanh chóng và dễ dàng.

Như vậy, có thể thấy ý kiến trên của hai vị PGS.TS đã phản ánh thực tế hiện nay có một số cá nhân hay tập thể “nghiên cứu khoa học” có nhu cầu là chỉ cần có tạp chí đăng bài của mình. Vì nhu cầu này nên có tạp chí (trong nước) mới ra đời đã muốn (và được!) xếp vào danh sách những tạp chí được tính điểm công trình. Và ngược lại, có những tạp chí như vậy nên chất lượng nhiều “bài đăng tạp chí” chưa thật sự là nghiên cứu khoa học. Đồng thời có thực trạng đăng bài tạp chí nước ngoài không đủ uy tín hoặc tạp chí giả danh.

3/

Hội đồng chức danh nhà nước, bên cạnh việc đưa ra tiêu chí “điểm công trình” và một danh mục các tạp chí có uy tín, cần dứt khoát gạt bỏ khỏi hồ sơ những bài đăng trên tạp chí trong và ngoài nước không phù hợp chuyên ngành của người gửi bài, những bài (đứng tên hay đứng tên chung) có nội dung không đúng chuyên ngành của người gửi hồ sơ xét phong chức danh.

Nói cho cùng, có chức danh GS, PGS là đi kèm trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi. Nếu coi quyền lợi (tăng lương cao, kéo dài thời gian làm việc, được thêm một số quyền lợi khác, chủ nhiệm các đề tài "khủng"...) là chủ yếu, mà quên và bỏ qua trách nhiệm nặng nề về khoa học và đạo đức khoa học, thì sẽ còn những trường hợp không liêm chính trong gửi xét hồ sơ. Đồng thời nếu việc xét chức danh GS, PGS không nghiêm túc từ Hội đồng cơ sở, nếu mỗi nhà khoa học không nghiêm túc và tự trọng, thì những việc "giả danh", gian và dối còn tiếp tục.