Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: “Đọc Đinh Nho Tuấn, ta biết anh đi rất nhiều. Từ “Bến Lam Kiều” tới nước bạn Lào, rồi đến “Mùa xuân Nga”, những miền bạch dương tuyết trắng. Đến đâu anh cũng có thơ. Nhiều người, nhiều việc, nhiều cảnh ta gặp rồi quên. Nhưng anh lại nhớ. Anh chiêm ngưỡng trong cõi nhớ, với góc nhìn riêng, với giọng điệu riêng trong những bài thơ nồng hậu”.
TRẦN ĐĂNG KHOA
Tôi cũng đang ở trong “căn
nhà” của Đinh Nho Tuấn đây. Căn nhà mà ngay cái tên đã là lời “tự thú” của
chính ông chủ: DÍU DAN VỚI NÚI SÔNG. Và “đồ đạc vật dụng” của căn nhà bề thế
này là những bài thơ dào dạt đôn hậu. Chúng cũng đang lặng lẽ khoe với ta về
ông chủ của chúng.
Vậy Đinh Nho Tuấn là ai?
Một người lao động cật lực.
Hay nói như nhà thơ Lê Đạt, một “phu chữ” vạm vỡ và cần mẫn.
Điều ấy không có gì mới và
cũng không phải phát hiện của tôi, mà của Giáo sư Phong Lê. Trong “Lời giới
thiệu” tập thơ EM TÔI của Đinh Nho Tuấn, Giáo sư, nhà phê bình văn học Phong Lê
đã cho chúng ta rằng: Tập thơ đầu tay của Đinh Nho Tuấn có tên: EM HÃY CHO ANH
VỘI, ấn hành vào quý III năm 2018, gồm 76 bài. Tên sách lấy từ tên một bài thơ
tình của một người trai ở lứa U50. Có lẽ do là tuổi …50 nên mới phải vội, vì
quỹ thời gian của anh không còn nhiều như ở lứa tuổi 20. Chọn một bài thơ tình
cho tên sách, tác giả như muốn níu giữ nét thanh xuân cho tuổi đời mình. EM TÔI
là tập thơ thứ hai của tác giả, có trên một trăm bài. Đó là không kể còn mấy
chục bài thơ 4 câu và 8 câu, chỉ với khoảng cách sau một năm. Phải nói đó là một
lao động thơ đáng nể, không dễ thực hiện ở bất cứ ai, dẫu là nhà thơ chuyên
nghiệp. Thế nhưng điều đáng nói ở đây lại không phải ở mật độ thơ, ở số lượng
bài mà ở sự mở rộng của chất liệu và cảm hứng thơ.
Tập thơ này là tập thơ thứ ba của Đinh Nho Tuấn. Vậy thơ Tuấn có gì?
Anh khác các thi sĩ mà chúng ta yêu mến ở đâu? Cái gì làm nên thơ anh? Và sự
đóng góp của anh với nền thơ chung của chúng ta hôm nay là gì? Một đồng nghiệp
của tôi, cũng là bạn của Đinh Nho Tuấn đã hỏi tôi như vậy, khi ông biết tôi
đang đọc tập thơ còn trong dạng bản thảo của anh. Ông bạn đồng nghiệp hỏi vậy
cũng vì yêu chàng thi sĩ của chúng ta thôi. Nhưng tôi nghĩ, cũng không nên đặt
ra những vấn đề quá to tát như thế. Đinh Nho Tuấn là một nhà thơ. Bây giờ ai
làm thơ chúng ta cũng kính trọng. Thêm một nhà thơ là thêm một sự lương thiện
đến với chúng ta trong cõi đời dâu bể đầy bụi bặm và luôn bất an này.
Tôi rất quý Đinh Nho Tuấn.
Tôi chỉ biết anh qua những bài thơ ngổn ngang, bề bộn và dạo dạt xúc cảm. Đinh
Nho Tuấn là nhà thơ đương đại. Nhà thơ của ngày hôm nay. Hôm nay không phải hôm
qua. Đấy là điểm khác biệt giữa Đinh Nho Tuấn với các thi sĩ thế hệ trước.
Tôi chợt nhớ một kỷ niệm nhỏ.
Lâu rồi. Dễ đã hơn ba chục năm. Chiều ấy, tôi đến thăm nhà anh bạn thân cùng
học phổ thông, lúc ấy đang là Phó Tổng biên tập báo Nông nghiệp VN. Anh rất yêu thơ.
Nhà anh có cả ba ấn phẩm rất có uy tín thời ấy. Đó là báo Văn nghệ, tạp
chí Văn nghệ Quân đội và tạp chí Tác Phẩm mới. Nhân lúc
rỗi rãi, tôi chọn ba số bất kỳ. Rồi lại chọn tiếp mỗi câu thơ của hai mươi tác
giả bất kỳ, ghép lại với nhau thành một bài thơ mới. Tôi không thay đổi một chữ
nào, mà thơ mà vẫn liền mạch, liền ý và đôi chỗ còn chuẩn cả vần điệu, nhuần
nhuyễn như thơ của một tác giả. Tôi đem đến nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật,
lúc bấy giờ đang phụ trách tổ thơ báo Văn nghệ. Anh bảo: “Bài Khoa hay lắm. Anh
không ngờ chú viết quá hay. Anh ký ngay và đề nghị in trang nhất”. Một người
sành thơ đến như Phạm Tiến Duật, mà vẫn không thể nhận ra được, trong bài thơ
“rất hay” ấy chẳng có một chữ nào của tôi, cũng không phải thơ một người, mà
của hai mươi thi sĩ ở lứa tuổi khác nhau, thậm chí ngoài đời, có người còn ghét
nhau, không thèm nhìn mặt nhau mà thơ lại giống nhau. Giống như những giọt
nước. Nói thật thà như nhà thơ Tế Hanh: “Đọc câu thơ đồng chí ngỡ thơ mình”.
Đó là khi đang chiến tranh.
Nói như Chế Lan Viên: “Những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung gương mặt
/ Nụ cười tiễn đưa con ngàn bà mẹ in nhau”. Một đất nước có chung tâm hồn là
cái bên trong, chung gương mặt là vẻ bề ngoài, lại chung đến cả nỗi niềm riêng
tư là nụ cười các bà mẹ tiễn đưa con thì thơ có giống nhau cũng là điều dễ
hiểu. Bởi khi đó: “Toàn quân một ý chí. Toàn dân một ý chí. Tất cả để đánh
thắng giặc Mỹ xâm lược”. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng có một phát hiện khá thú vị: “5
anh em trên một chiếc xe tăng / Như 5 bông hoa nở cùng một cội / Như 5 ngón tay
trên một bàn tay / Đã ra trận là 5 người như một”. Và thực sự, không phải chỉ
có “5 anh em trên một chiếc xe tăng”, mà cả dân tộc cùng trên một chiếc xe tăng. Nhà thơ Phạm Tiến
Duật lý giải: “Đấy là nhà có giặc. Có giặc thì muôn người kết lại thành một
khối. Bàn tay cũng phải nắm lại làm một quả đấm thép, giáng vào mặt kẻ thù. Còn
bây giờ thì hết giặc rồi. Không thể cứ nắm đấm mãi, bàn tay phải mở ra, xòe ra
để thành một bông hoa. Bây giờ mỗi thi sĩ chúng ta phải là một cánh hoa trên
bông hoa có rất nhiều màu sắc”
Và như thế, Đinh Nho Tuấn đâu
phải ngoại lệ. Nói như Phạm Tiến Duật thì anh là một “cánh hoa” trên bông hoa
có hàng ngàn cánh ấy. Anh góp phần làm nên sự đa dạng của thơ chúng ta hôm nay
bằng giọng điệu “màu sắc” của riêng mình.
Tập thơ mới này là một cuộc
DÍU DAN của anh, nhưng không DÍU DAN với một cô nàng trẻ đẹp, kiều diễm nào đó,
mà DÍU DAN VỚI NÚI SÔNG kia. Đong đưa với NÚI SÔNG, nên tập thơ đề cập đến
nhiều vấn đề lớn của đất nước, của đời sống: “Mẹ Thiên nhiên”, “Tổ quốc và
tôi”, “Khi Tổ quốc nguy nan từ biển”, “Những hòn đảo Tổ quốc” nhưng anh vẫn không quên những chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống mỗi ngày,
như: “Rau khoai lang”, “Bưởi quê, “Giữa trưa hè cha tôi bổ củi”, “Khi tôi ngủ
bầy chim vẫn hót”, “Dân thường”, “Cúc họa mi”, “Vườn đêm”...
Đọc
Đinh Nho Tuấn, ta biết anh đi rất nhiều. Từ “Bến Lam Kiều” tới nước bạn Lào,
rồi đến “Mùa xuân Nga”, những miền bạch dương tuyết trắng. Đến đâu anh cũng có
thơ. Nhiều người, nhiều việc, nhiều cảnh ta gặp rồi quên. Nhưng anh lại nhớ. Anh
chiêm ngưỡng trong cõi nhớ, với góc nhìn riêng, với giọng điệu riêng trong
những bài thơ nồng hậu. Chúng ta rất
xúc động khi thấy anh cảm thông, chia sẻ với những người bất hạnh. Cũng đã có
nhiều người viết về kiếp mồ côi khi đang tuổi ấu thơ, nhưng đến Đinh Nho Tuấn,
anh vẫn có một cách nhìn riêng biệt, không giống ai cả:
“Ba tuổi mẹ qua đời, đêm đông con
tròn trong vòng tay mẹ
Hơi ấm giờ bay về nơi xa
Ba tuổi, tuổi cào cào châu
chấu
Tuổi trăng thanh vuông sân
nhỏ, ao nhà”
Mồ côi ở lứa tuổi lên ba,
nhưng lớn lên rồi, đã trưởng thành rồi mà vẫn mồ côi:
“Con đang sống thêm nhiều lần ba tuổi
Cây rơm đầu hồi dạy con biết
yêu
Con yêu những người đàn bà có
mái tóc nụ cười giống mẹ
Con đi theo dáng hình của họ
Con đi theo ngọn gió
Ngọn gió thơm hương mẹ…”
Và rồi:
“Con yêu sự dừng lại của thời gian
Của những dấu tích đã thành
hơi thở
Giữa bình minh và hoàng hôn
giằng xé
Con chưa vượt qua ba tuổi bao
giờ
Mẹ!”
Nhà thơ Nga nổi tiếng thế
giới Evghenhi Evtusenko có một phát hiện khá thú vị: Không có ai tẻ nhạt ở trên
đời. Ngay cả những người suốt đời sống lặng lẽ, “Quen với thứ lặng thinh không
tô vẽ cho mình”, thì rồi chính vẻ khiêm nhường lặng thinh ấy lại biến anh thành
đáng nhớ với xung quanh. Và khi mỗi con người chết đi thì cũng chết theo luôn
cả một vũ trụ bí mật, mà trong thế giới lặng thầm đâu tiết lộ cho ai. Đinh Nho
Tuấn cũng ca ngợi vẻ đẹp của con người bình dị trong một bài thơ tình có tên: Tôi
là tôi cả tình yêu sự chết. Nhưng khác với nhiều nhà thơ thường chọn vẻ đẹp của
cô gái làm đối tượng miêu tả, ca ngợi, Đinh Nho Tuấn lại chọn chàng trai. Anh
để chàng giới thiệu về mình với người yêu. Lời giới thiệu đầy kiêu hãnh, dù chàng
biết mình chẳng có gì là to tát, quan trọng:
“Tôi - sinh linh làm đời em huyên náo
Bằng gì ư? Bằng say đắm nát
tan
Bằng nỗi ghen, bằng thẳm sâu
im lặng
Hoa hồng nhung và cả ánh
trăng tàn
Tôi là tôi, cho đời em tìm
kiếm
Bảy tỷ con người hay có thể
gấp đôi
Xin em cứ lục tung trái đất
Cũng không thể tìm người
giống như tôi”
Trong bảy tỷ người, không có
người thứ hai như chàng. Vậy chàng trai ấy có gì đặc biệt?
“Tôi vĩ nhân ư? Ồ, không phải thế
Thường mọn ư? Cũng không
phải, và rồi
Tôi là tôi, trên đôi môi em
hát
Bài tình ca không lặp đó là
tôi
Tôi là tôi cả tình yêu, sự
chết
Cả ngôn từ, cả môi xiết tay
ôm
Cả thất vọng và niềm tin,
nước mắt
Không lẫn vào ai, kể cả nỗi
buồn”
Thông thường, khi làm thơ,
các thi sỹ có nghề thường chú tâm xây dựng hình tượng, cấu tứ. Thơ không kể lể,
mà chắt lọc. Thơ cốt gợi chứ không nói hết, nói cặn kẽ đến trơ gốc trơ rễ. Câu
chữ hết nhưng thơ không hết, bởi nó lại mở ra một cánh cửa vào cõi vô biên. Các
cụ bảo “Ý tại ngôn ngoại”, nhà thơ Bằng Việt thì bảo đó là “khoảng cách giữa
lời”. Thơ tồn tại ở khoảng cách giữa lời ấy. Bởi thế, thơ ca mới cần bạn tri
âm, cần người diễn giải. Và điều đó đã làm nên sự huyền diệu của thơ. Vì thế,
có thi sĩ bảo: “Khi đọc thơ, tôi thường luồn bàn tay xuống dưới câu chữ, rồi
khoắng xem ở đấy có gan ruột của nhà thơ không? Nếu thấy rỗng tuếch, chỉ có
những con chữ xanh xanh đỏ đỏ nổi phèo phèo thì tôi không đọc nữa”. Đấy là thơ
cổ điển, thơ kinh điển. Thơ hiện đại không phải thế. Đinh Nho Tuấn không quan
tâm đến lĩnh vực này, anh cũng không có ý thức trong việc giữ gìn truyền thống
hay cách tân thơ. Anh chỉ viết hồn nhiên theo xúc cảm. Hình như chính đời sống
bề bộn đã mượn ngòi bút anh mà ùa ra trang giấy. Đinh Nho Tuấn không làm thơ mà
anh bị thơ làm:
“Tôi muốn bước xuống, đặt một nụ hôn
lên câu ví dặm
Muốn thắp một nén tâm linh
nơi câu lục bát ra đời
Nơi Nguyễn Du về nhà Kiều ở
ẩn
Câu lục bát vẫn cháy ngun
ngún đêm đông
Không ai có thể dắt tôi đi
xuyên qua sừng sững bóng cao Hồng Lĩnh
Tôi muốn vốc một tay đầy nước
dòng Lam làm máu của mình
Để mỗi khi môi tôi cất lời sẽ
làm tươi màu câu ca dao thiếu ngủ
Trời sinh ra đất hay đất sinh
ra trời xanh
Mà nắng gió no nê triền đê
đến thế
Lửa cháy bập bùng trên lưng
người đi cấy
Đất tức tưởi cắn vỡ lưỡi cày,
lưỡi cuốc, nghe như tiếng vỡ củ khoai tươi
Thôi em chèo thuyền đi kẻo
ngày mai bão táp về rồi
Những dòng sông, những cánh
đồng và núi cao như ngồi trên lưng ngựa
Cuộc đời chồm lên phi nước
đại lòng vòng
Đất mẹ nhân từ cho ta những
dòng sông
Sông lấp hết đau thương bằng phù
sa mặn chát
Một đời sông tắm táp cho
triệu triệu đời người
Hỡi Miền Trung những dòng
sông chưa biết nghỉ ngơi
Tôi gọi tên Đất nước…”
Thơ Đinh Nho Tuấn là thế. Bề
bộn, ngổn ngang trong xúc cảm tràn trề. Ta có thể gặp trong tập thơ này, nhiều
con người, nhiều cảnh sắc ở nhiều vùng đất khác nhau, cả những bến bờ xa lắc
nơi đất bạn Lào hay vùng bạch dương tuyết trắng xứ Nga. Nhưng những bài thơ,
những câu thơ ấn tượng nhất của Đinh Nho Tuấn vẫn là những bài thơ, những câu
thơ anh viết về quê hương, đặc biệt là vùng quê Hà Tĩnh. Một miền đất rất
nghèo, đã thế lại có khí hậu khắc nghiệt, mưa bão, hạn hán, lũ lụt liên miên.
Một vùng đất, mà nói như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: “Hạt mưa bay, ngọn gió cuốn”, nên
chẳng còn gì cả. Tài nguyên duy nhất của Hà Tĩnh, chính là Người Hà Tĩnh.
Khoáng sản tuyệt vời nhất của Hà Tĩnh cũng là Người Hà Tĩnh. Ta hiểu vì sao
mảnh đất khắc nghiệt này lại sinh ra nhiều con người kiệt xuất.
Có người Hà Tĩnh suốt đời bám
trụ tại Hà Tĩnh, nhưng tên tuổi, nhân cách và tài năng của họ đã trở nên thân
thuộc với bạn đọc cả nước và thế giới. Có người Hà Tĩnh rực sáng ở những miền
quê xa. Họ có mặt ở nhiều bến bờ Châu lục. Đấy là những người Hà Tĩnh xa quê,
họ mang Hà Tĩnh đi theo và tiếp tục làm rạng danh Hà Tĩnh, biến Hà Tĩnh thành
một địa danh đặc biệt. Nói như nhà thơ Trần Nhuận Minh thì đấy là vùng đất ông
vô cùng kính ngưỡng. Đến nỗi khi đến Hà Tĩnh, hay chỉ đi qua Hà Tĩnh, không bao
giờ ông dám đội mũ. Bởi đấy là quê hương Nguyễn Du và không phải chỉ có Nguyễn
Du. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng có một bài thơ rất hay viết về Hà Tĩnh. Ông đặc
tả con sông Lam: “Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh/ Sông nằm hóa Lục bát Nguyễn Du/ Sông
đứng thành Hồng Lĩnh/ Sông đi thành ví dặm trời xanh”. Viết thế kể cũng là tài.
Đấy là cái nhìn của người tài, đứng xa ngắm sông Lam. Còn Đinh Nho Tuấn là
người con của Hà Tĩnh. Anh có cái nhìn gần của người trong cuộc: “Nghe cuồng
phong trên quê hương đất mẹ/ Làng xóm chìm trong dòng nước băng băng”. Và rồi:
“Những con sông không uống dùm hết nước/ Thương sông Lam chết đuối cả trong
vườn”.
Viết về những trận đại hồng
thủy của Hà Tĩnh, làng xóm, nhà cửa chìm trong nước: “Thương sông Lam chết đuối
cả trong vườn”, là một câu thơ thật hay.
Đinh Nho Tuấn có những câu thơ ấn tượng như vậy. Tôi có thể tiếp tục dẫn ra nhiều câu thơ như thế. Nhưng rồi tôi lại thôi. Tôi sợ trong cuộc sống tất bật vội vàng này, quý vị sẽ chỉ đọc những câu thơ tôi trích mà bỏ qua rất nhiều những bài thơ, câu thơ cũng rất đáng đọc của anh. Vì thế, tôi xin dừng lại ở đây, để bạn đọc cùng anh DÍU DAN VỚI NÚI SÔNG và tự khám phá những vẻ đẹp rải suốt dọc đường. Hy vọng những vẻ đẹp ấy sẽ được bạn đọc yêu thích.