Khi một MC được xem là "quốc dân" như Trấn Thành miệng trơn tuột ném các câu nói lai căng ấy trên các "sóng không cần truyền hình" thì chúng ta thừa hiểu nó đã nảy mầm thành văn hóa. Trấn Thành không sinh sau năm 2000 nhưng anh ta lấy thước đo của thế hệ đại diện để câu khách cho mình.
Đi tìm diện mạo văn hóa đại chúng đương đại Việt Nam
HÀ QUANG MINH
Nếu bây giờ phải định nghĩa về diện mạo văn hóa đại
chúng Việt Nam hiện nay, lôi cho ra bằng được một căn cước cho nó, chúng ta sẽ
có đáp án như thế nào? Đây là một câu hỏi thách thức thực sự cho tất cả mọi người.
Tầng lớp khác nhau sẽ cho cái nhìn khác nhau. Lứa tuổi khác nhau sẽ cho đánh giá
khác nhau. Địa lý khác nhau càng cho kết luận khác nhau hơn nữa. Và những nhà
nghiên cứu văn hóa thì sẽ trả lời thế nào? Hoặc là phổ quát đầy khó hiểu, với
những mỹ từ hoặc những đao to búa lớn. Hoặc vò đầu bứt tai thực sự khi không thể
tìm ra một căn cốt thực sự. Hoặc sau cùng, bi quan với những phán xét tiêu cực
vô cùng.
Phải nhìn vào thực tế, nếu ở quãng thời gian 30 năm
trước, tìm căn cốt của một địa phương sẽ dễ hơn nhiều so với hôm nay. Internet
và mạng xã hội đã thay đổi thực sự hành vi của con người. Một đứa trẻ lớn lên ở
Việt Nam ngày nay sẽ không mang tư duy khác biệt là mấy so với một đứa trẻ lớn
lên ở nước nào khác nếu như đứa trẻ ấy được tiếp cận với các ích lợi công nghệ.
Đơn giản, chúng "ăn" những thứ như nhau, và do đó, chúng sẽ mang một
tập quán sinh hoạt tương đồng nhau.
Nhưng có một điểm có thể khả dĩ để nói về diện mạo văn
hóa đại chúng Việt Nam đương đại, và điểm đó cũng sẽ khá tương đồng với diện mạo
văn hóa đại chúng toàn cầu. Đó chính là quan niệm về tiêu dùng và hưởng thụ.
Đây là kết quả của những tác động trực tiếp từ công nghệ thời đại mà bất kỳ xã
hội nào cũng phải đón nhận. Nó không phải là một con đường riêng, một lối đi
riêng của bất kỳ một dân tộc hay một quốc gia nào. Nó phản ảnh cụ thể một thế hệ,
không phân biệt ngôn ngữ, địa lý, màu da và tôn giáo.
Để nhận diện được văn hóa đại chúng đương đại, chúng
ta cần trước hết nhận định đâu là thế hệ đang làm chủ hiện tại. Chắc chắn họ
không phải lớp người sinh ra những năm 80 trở về trước. Thậm chí, thế hệ
sinh ra ở thập niên 90 cũng đã bị coi là già. Chủ nhân của hiện tại, và tương
lai (ngắn) luôn là thế hệ xấp xỉ đôi mươi. Chúng quyết định nhu cầu tiêu thụ rất
lớn và như chúng ta vẫn nói, "văn hóa soi đường", chính chúng định
hình diện mạo văn hóa đương đại, thứ phục vụ cho cả một thị trường cuồn cuộn và
ồn ào.
Huy, một đạo diễn tương đối trẻ (sinh ra ở thập niên
90), mới đây có tâm sự rằng "tôi sẽ lùi lại, không vội với việc làm phim nữa.
20 năm nữa làm phim trở lại cũng không muộn. Tôi muốn chiêm nghiệm nhiều
thêm". Anh nói câu này không chỉ một lần, mà đã nhiều lần. Và điều kỳ
lạ là anh nói ra nó khi anh đang ở trên đà thành công rất mạnh mẽ. Không như những
đồng nghiệp khác được đà là lấn tới, Huy lựa chọn một lối đi có thể khiến anh mất
luôn cơ hội sự nghiệp. Và anh là của hiếm. Trước làn sóng những người trẻ ập
vào thời đại đầy hồ hởi, việc một cá thể như Huy lựa chọn "chiêm nghiệm"
cũng đủ để thấy là anh đã già. Những người cùng thời, hoặc trẻ hơn anh, lựa chọn
dấn thân. Với họ, hai chữ ấy cao cả mặc dù nhiều khi hành động của họ chỉ dừng ở
chỗ liều mình một chút chứ không phải là một dấn thân khám phá.
Khi một con người riêng lẻ như Huy xuất hiện, có thể
chúng ta nhận thấy ở đó sự thú vị, và lạc quan tin là giới trẻ mang một tâm tư
văn hoá như thế. Song nếu nhìn vào số đông, chúng ta sẽ nhận ra sự khác biệt.
Chúng không phải như Huy. Chúng gần hơn với tính thực dụng và tính bất chấp.
Hãy chỉ hình dung một ví dụ này thôi, chúng ta sẽ thấy rõ nhất tính bất chấp là
như thế nào.
Cách đây chỉ 15 năm thôi, việc xuất hiện trên một
chương trình truyền hình là tối quan trọng đối với một nhân vật giải trí, hoặc
một nghệ sỹ trẻ. Chính vì thế, họ sẵn sàng tuân thủ những quy ước khắt khe nhất
để "lên sóng". "Đài không muốn pha trộn giữa tiếng Việt và tiếng
nước ngoài", họ sẵn sàng nói tất cả những thông điệp của mình 100% bằng tiếng
Việt. Còn hôm nay thì sao? Hãy thử mở Rap Việt để thấy sự hổ lốn ngôn ngữ ở đó.
Và tại sao họ dám làm điều đó? À, triệu views (lượt xem) trên nền tảng OTT hay
mạng xã hội mới quan trọng chứ còn lên sóng hay không thì cũng vô bổ như nhau hết.
Chúng ta có thể dễ dàng lao vào chỉ trích đám trẻ về sự
lai căng và vong bản này. Song, có mấy khi chúng ta dừng lại để nhìn thẳng vào
vấn đề. Chính thế hệ chúng ta tạo ra thế hệ trẻ ấy. Chính chúng ta cổ xúy con
mình đi học tiếng Anh từ khi còn chưa sõi tiếng Việt và coi việc nó nói tiếng
Anh tại nhà một cách tự nhiên như một niềm tự hào. Chúng ta mớm thứ thức ăn văn
hoá ấy cho chúng thì đừng bao giờ trách chúng biến món ăn ấy thành tập quán.
Đến bây giờ, câu hỏi ban đầu mới cần quay lại, là
"căn cước văn hóa đại chúng Việt Nam đương đại là gì nếu coi thế hệ sinh
sau năm 2000 chính là đại diện tiêu biểu cho nền văn hóa đại chúng Việt Nam
đương đại?". Vẫn không có câu trả lời chi tiết nhưng phổ quát dễ hiểu (chứ
không phải theo kiểu các nhà nghiên cứu) thì có ngay: Diện mạo ấy mang đậm nét
thời đại của thế giới đương đại và nhạt nhòa mạnh mẽ các căn tính Việt cần có
và cần giữ.
"Ờ mây zing, gút chóp" có thể là một câu nói
đùa của đám trẻ nhưng nó chính là một biểu hiện của thiếu căn tính Việt và vong
bản. Khi một MC được xem là "quốc dân" như Trấn Thành miệng trơn tuột
ném các câu nói lai căng ấy trên các "sóng không cần truyền hình" thì
chúng ta thừa hiểu nó đã nảy mầm thành văn hóa. Trấn Thành không sinh sau năm
2000 nhưng anh ta lấy thước đo của thế hệ đại diện để câu khách cho mình. Chính
thái độ trục lợi này của không ít người ở thế hệ đi trước mới là thứ cổ vũ mạnh
mẽ nhất cho đám trẻ tạo dựng ra một căn cước thế hệ đầy méo mó và dị bản, không
khác gì cách mà các đại gia đầu tư xây chùa với một tí kiến trúc Tây Tạng, một
tí đa đảo, một tý Chăm, một tí Thái, một tí Miến Điện và không một tí Việt Nam
nào.
Ứng xử, hành vi của người lớn ở hiện tại sẽ thành ký ức của trẻ em trong nay mai. Ký ức ấy sẽ tạo dựng thành nền tảng hiện tại trong tương lai của chúng. Và trong sự trượt đi của những nhạt nhòa căn cốt ấy, chúng ta không thể dành phần trách cứ cho một thế hệ được. Chính chúng ta, những người được gọi là cha và anh, hiện diện cực rõ nét trong căn cốt vô hồn của chúng.