Anh vẫn đến được với sự tin cậy để nối dài vai trò quản lý trong nhiều chục năm, cùng với nhiều cương vị xã hội và nghề nghiệp được giao. Trong cốt lõi, anh là một nhà thơ; nhưng sự nghiệp viết (và nói) của anh trên nhiều loại hình vẫn không mỏng...


HỮU THỈNH những bộ ba ấn tượng

PHONG LÊ

Tôi có niềm vui ba lần viết về nhà thơ Hữu Thỉnh (Ông sinh ngày 15-2-1942). Lần thứ nhất: đó là cuốn tiểu luận Lý do của hy vọng, 300 trang, tuyển chọn rất chặt chẽ 30 năm viết (1981-2010), ấn hành năm 2010. Lần thứ hai, một bài cho Tạp chí Thơ. Và lần thứ ba là bài này, nhân tập tiểu luận - phê bình có tên Bến văn và những vòng sóng, 455 trang khổ lớn, gồm 60 bài, chủ yếu được viết trong 10 năm (2010-2020); Nxb Hội Nhà văn ấn hành Quý I/2020, vừa được trao Giải A của Ban Bí thư TW Đảng năm 2021.

Để có thể nói được đầy đủ về Hữu Thỉnh, ở cả ba bài, tôi đều tìm đến ba khu vực, cả ba anh đều để lại nhiều dấu ấn: đó là nhà quản lý, nhà lý luận và nhà thơ. Có một chút băn khoăn trong trật tự sắp xếp, nhưng để cho tiện bàn, tôi chọn trật tự này.

Trước hết Hữu Thỉnh là người quản lý ở hai tổ chức quan trọng trong lĩnh vực văn hóa – tinh thần là Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các Hội văn học – nghệ thuật Việt Nam. Với Hội Nhà văn, anh tham gia Ban Chấp hành Hội từ khóa III – 1983, ở tuổi ngoài 40, đến nay năm 2021 là tròn 38 năm, sau hơn 7 nhiệm kỳ, trong đó có 3 nhiệm kỳ là Chủ tịch Hội. Với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật, anh là người kế nhiệm học giả Đặng Thai Mai, nhà văn – nhà thơ – nhạc sĩ – nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi, nhà thơ – nhà văn hóa – chính khách Huy Cận, nhạc sĩ Trần Hoàn, họa sĩ Vũ Giáng Hương.

Có thể nói đó là những trọng trách, ở cả hai; và với độ dài vượt các bậc tiền nhân.

Sự bền lâu trong một vị trí xã hội và nghề nghiệp nơi một ai đó nói lên sự tin cậy ở trên và sự tín nhiệm từ dưới – cả hai, phải đạt một chuẩn mực nào đấy, nếu không sẽ bất ổn, nhất là với giới văn hóa, văn nghệ sĩ nhìn chung hoặc số đông vốn rất “khó tính” và “nhiều lời”.

Một bộ ba mang tính đặc thù, nếu so với các bậc tiền nhân trong vai trò quản lý ở Hữu Thỉnh, theo tôi nghĩ, đó là:

- Là người hiếm hoi, hoặc duy nhất từ “đầu trần, chân đất” mà lên (cũng như tôi trong một cơ quan nghiên cứu khoa học, cách đây hơn 30 năm). Từ là một người lính xe tăng, chưa qua Đại học, anh chưa thể có sẵn hoặc có sớm một cái “phông” văn hóa, hoặc một vị trí xã hội cao, hoặc một sự nghiệp lớn trước khi đến với các chức trách như Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Trần Hoàn… Cái “phông” đó rồi sẽ có trong quá trình hành nghề, vừa học, vừa làm, chăm chỉ và cần mẫn trong đọc và viết trên dưới 50 năm của anh.

- Thế nhưng anh vẫn đến được với sự tin cậy để nối dài vai trò quản lý trong nhiều chục năm, cùng với nhiều cương vị xã hội và nghề nghiệp được giao.

- Trong cốt lõi, anh là một nhà thơ; nhưng sự nghiệp viết (và nói) của anh trên nhiều loại hình vẫn không mỏng, để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo một lĩnh vực rất đa dạng, rất bộn bề và rất phức tạp như văn học, nghệ thuật.

*

Phương diện thứ hai: nhà lý luận, tiểu luận, phê bình. Không thể không nói đến phương diện này, dẫu anh chỉ mới xuất hiện trong hai tuyển tập, nhất là ở tuyển tập thứ hai, có cái tên rất thơ Bến văn và những vòng sóng.

Không theo trật tự Mục lục sách (có phần hơi lộn xộn), tôi tiếp cận tư duy lý luận của Hữu Thỉnh ở sách này qua 3 khu vực – gắn với một năng lực phân tích và tổng hợp xuất phát từ vị trí xã hội và vị trí nghề nghiệp của mình.

a. Những bài tổng kết các nhiệm kỳ hoặc nhiều nhiệm kỳ của Hội nghề nghiệp. Những bài tổng kết các cuộc thi, hoặc các vùng đề tài, hoặc thể loại mà anh có trách nhiệm chỉ đạo. Những phát biểu, là đề dẫn hoặc tổng kết những chuyên đề mang tính lý luận, do yêu cầu của thực tiễn đời sống và sáng tạo văn học, nghệ thuật. Những phát biểu trong tiếp đãi hoặc tiếp xúc với bạn bè nước ngoài... Trên đại thể, đó là những bài mang tính tổng kết và định hướng mà bất cứ ai là người lãnh đạo chủ chốt cũng phải quan tâm, để nếu không vượt lên một tầm cao, thì cũng đạt được tầm chung mang tính lịch sử, qua các giai đoạn.

b. Những nghiên cứu sâu về tác giả, và đội ngũ các tác giả - nó là đơn vị cơ bản cho cả một nền văn học, qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Tôi nhìn thấy ở đây một nỗ lực lớn, rất lớn của anh, để không bỏ sót hoặc bỏ qua những gì quan trọng nhất làm nên các giá trị chung cho cả một nền và riêng cho từng người. Đây là khu vực tôi được sự cộng tác tin cậy của anh ít nhất trên dưới hai chục năm – kể từ nửa đầu thập niên 2000 khi một Thế hệ Vàng của văn học Việt Nam hiện đại, ở bộ phận chủ lực của nó, nhiều người bước vào tuổi 100 năm. “Trăm năm trong cõi…”. Đó là những tên tuổi khai sinh hoặc làm nên nền móng và vinh quang cho nền văn học mới chính thức khai sinh từ sau 1945, gồm từ Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Tô Hoài, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính… qua Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, Thanh Châu, Ngọc Giao, Vũ Bằng, Mạnh Phú Tư, Nguyễn Đình Lạp, Bùi Hiển…

Dựng chân dung hoặc soi kỹ vào sự nghiệp của các tác giả trên, qua cả hai tập tiểu luận, ở vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam anh đều tham gia bằng các diễn văn khai mạc hoặc tổng kết, trong vai trò người chủ trì. Và đây là một nỗ lực rất đáng quý, nhằm thâm nhập sâu vào lịch sử văn học, có khác với những bậc tiền nhiệm của anh, để không là người đứng trên hoặc ngoài cuộc.

Bổ sung cho những diễn văn long trọng qua các Lễ kỷ niệm chẵn năm sinh, năm mất còn là các bài Điếu văn hoặc tưởng niệm cho các bậc trên hoặc bạn văn qua đời, được mở ra khá rộng gồm từ những cái tên quen với người đọc, như Nguyễn Sáng, Anh Đức, Lê Văn Thảo, Phạm Ngọc Cảnh, Hoàng Hữu, Nguyễn Đình Ảnh, Thu Bồn, Thanh Tùng, Dương Thị Xuân Quý… đến một số người còn ít được biết đến nhưng có nhiều kỷ niệm cảm động với anh…

Còn phải kể đến những bạn văn thuộc thế hệ sau còn trẻ, hoặc rất trẻ - như một điểm nhấn, hoặc một khoảng đậm ở tập tiểu luận mới này như Nguyễn Quang Thiều, như Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn…

Xuất thân, rồi thành danh từ một người viết trẻ, là học viên khóa đầu Trường viết văn Nguyễn Du; được phân công phụ trách lực lượng trẻ trong Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam nhiều nhiệm kỳ, dĩ nhiên những ý kiến của anh về lực lượng viết trẻ có sự bảo đảm về kinh nghiệm, trên cả hai phương diện: cá nhân và phong trào. Thuộc trong số những tiểu luận hay trong tập, trên cả hai khu vực: lý luận và kinh nghiệm, đó là hai diễn văn anh viết cho hai cuộc họp các nhà văn trẻ lần thứ VII – năm 2000 và lần thứ VIII – năm 2005, cả hai tôi đều được dự. Tôi rất tán thành và thích thú cách tổng kết của anh, nó là cách tổng kết chính bản thân mình, một người đến với nghề văn bằng năng khiếu, nhưng quan trọng hơn còn là cả một sự dày công vượt qua nhiều cửa ải, để có một sự nghiệp viết tiêu biểu.

c. Sau hai khu vực trên là khu vực trực tiếp bàn về lý luận qua các hội thảo chuyên về lý luận mà anh có trách nhiệm đề xuất và chủ trì, trước các vấn đề đặt ra cho đời sống văn học, và văn hóa nói chung, như hai cuộc đã thành danh, mà tôi cũng có cơ hội tham gia, là Tam Đảo (2002) và Đồ Sơn (2006)…

Cuối cùng, hoặc khởi thủy, nói Hữu Thỉnh là nói đến thơ, đến một nhà thơ thuộc thế hệ thứ 3 nền thơ hiện đại Việt Nam thế kỷ XX. Và tư thế đó, tư chất đó, như thực tế đã cho thấy, không làm hạn chế, hoặc gây cản trở gì cho anh trong hai vai trò: nhà quản lý, nhà lý luận phê bình.

Với những Giải thưởng lớn cho thơ mà anh đã nhận.

Với những câu thơ, những bài thơ, những tập thơ sống bền lâu trong tâm trí bạn đọc nhiều thế hệ.

Một sự nghiệp gồm những tập thơ và trường ca, hai thể loại chính mà Hữu Thỉnh gặt hái được rất nhiều thành tựu.

Nhưng để có được thành tựu trên cả hai thể loại ngắn và dài, tác giả của nó phải là người có một tư duy thơ đa chiều, sâu sắc và đồng bộ, được chiêm nghiệm và tổng kết qua chính bản thân mình.

Như vậy là ở đây, với tôi, thành tựu thơ Hữu Thỉnh vẫn là ở cả ba phương diện.

Riêng với tư duy thơ tôi muốn tìm minh chứng ở những bài anh viết về thế hệ đàn anh như Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Huy Cận. Và về những bạn thơ cùng thế hệ như Thanh Thảo, Thanh Tùng, Nguyễn Quang Thiều.

Đặc biệt là tiểu luận rất công phu anh viết năm 2012 về thơ thời Đổi mới có tên Một nền thơ đang chuyển với ba điểm nhấn hoặc từ khóa là: tiệm tiến, bản chất và toàn tuyến trong so sánh với những mùa màng thơ về trước, với số lượng tác giả được anh bình luận, dẫn trích và thống kê lên đến con số trên dưới 100 người. Một lao động… khủng!

Bài viết gợi tôi nhớ đến Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, tổng kết 10 năm thơ Việt làm nên thương hiệu Thơ mới, với bài Mở đầu: Một thời đại trong thi ca cùng 45 tác giả được chọn, và 43 người có lời bình. Và, để làm được sách này, tác giả của nó đã phải đọc khoảng một vạn bài thơ, trong đó có “non một vạn bài dở”…

Thành tựu thơ gần đây của Hữu Thỉnh là trường ca Trăng Tân trào – nhận Giải A trong Cuộc vận động học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2020. Đây là sự tiếp tục ba trường ca nổi tiếng từng làm nên tên tuổi Hữu Thỉnh: Đường tới thành phố (1979), Trường ca biển (1994), Sức bền của đất (2004). Viết về Bác, Trường ca Tân Trào ấn hành 2016, cũng là một sự tiếp nối ba trường ca (hoặc truyện thơ) của Tố Hữu, Thanh Tịnh và Lê Đạt. Với Tố Hữu đó là Theo chân Bác viết ngay sau ngày Bác mất:

Tôi viết bài thơ mừng thọ Bác

Năm nay vừa chẵn tám mươi tròn

Tưởng như thường lệ

Người đi vắng

Để mọi lời ca tặng nước non.

Với Thanh Tịnh, đó là Đi từ giữa một mùa sen, viết năm 1980, gần với truyện thơ, kể chuyện thời thơ ấu của Bác cùng với song thân và gia đình trên hai địa chỉ Nghệ An và Huế trong 8 đoạn thơ gồm 1816 câu, với mỗi đoạn một điệp khúc theo lối kể truyền thống. “Đó là cậu Nguyễn Sinh Cung/ Đoạn đầu thiên sử anh hùng vĩ nhân”… “Đẹp thay anh Nguyễn Tất Thành. Sử ca đoạn sáu lừng danh anh hùng”…

Với Lê Đạt, đó là bài Bác viết năm 1970 nhân giỗ đầu của Bác, nhưng phải 20 năm sau, đến năm 1990, nhân ngày UNESCO vinh danh Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa thế giới, trường ca mới có thể ra đời. Một trường ca gồm 626 dòng theo lối thơ leo thang, mỗi dòng gồm từ 1,2 đến 3,4 chữ; thỉnh thoảng mới có dòng dài hơn, thường là một số trích dẫn lời Bác, hoặc lời thế giới viếng Bác…

Trở lại với Trăng Tân trào. Một trường ca Hữu Thỉnh viết ở tuổi ngoài 70, nhưng vẫn có nhiều tươi mới trong cách chọn chất liệu và chọn thể loại, để trước hết làm mới mình, và cuối cùng đem lại được nhiều xúc động thẩm mỹ cho bạn đọc nhiều thế hệ. Một trường ca với hai nhân vật chính là Lãnh tụ và Nhân dân, cả hai đều vĩ đại, nhưng đều ẩn mình – “như đỉnh non cao tự dấu mình”, bởi “viết về Bác Hồ chính là viết về Nhân dân” như chính quan niệm của Hữu Thỉnh(1).

Trong đời nghề nghiệp của mình, ngoài ngày vào biên chế Viện Văn học, năm 1959, tôi có thêm một thời điểm: 1979 – vào Hội Nhà văn Việt Nam, qua đó thêm được những vỉa mới cho tri thức và kinh nghiệm ở nhiều bậc thầy, bậc đàn anh sáng giá. Tôi cũng nhận được sự cộng tác và tin cậy ở những bạn văn cùng thế hệ, kể từ cuối thập niên 1990, khi tôi trút được một gánh nặng quản lý có quá nhiều giông gió. Chọn Viết làm một nghề, với quy trình khép kín: “Đọc, Đi, Nghĩ, Viết, Nói” tôi có sự thiên vị trong học hỏi và tri ân những người chuyên tâm và chung thủy với nghề và nghiệp – “sinh ư nghệ, tử ư nghệ” dẫu bất cứ hoàn cảnh nào. Cơ hội để cho tôi cảm ơn các đồng nghiệp và nhận rõ hơn về mình là thời điểm 2008, trong một cuốn sách gần 700 trang cỡ lớn được một số bạn đồng nghiệp tổ chức cho tôi gồm chẵn 100 bài viết, trong đó có bài của anh Hữu Thỉnh, với hai ý chính: “Anh Phong Lê không mặc áo lính nhưng có chất lính. Đã nói là làm”… “Tỷ lệ thời gian hữu ích của anh là rất cao”. Đó là hai nhận xét đích đáng giúp tôi hiểu hơn về mình. Một kỷ niệm khác là bài tôi viết về anh Ma Văn Kháng gửi đăng trên 2 kỳ báo Văn nghệ năm 2005, với nhan đề: Ma Văn Kháng – người đang viết, được anh chữa là Trữ lượng Ma Văn Kháng; quả khó có tựa đề nào gợi dẫn và súc tích hơn!.

Mười ba năm đã qua, kể từ ngày ấy. Nay nhân đón Tết Nguyên tiêu - Xuân Nhâm Dần 2022 đúng vào dịp Kỷ niệm 80 năm sinh của nhà thơ, nhà lý luận, nhà quản lý Hữu Thỉnh, tôi muốn có thêm bài này để củng cố và bồi đắp thêm những gì đã có trong tình bạn và đồng nghiệp.

 

Nguồn: Văn Nghệ