Hoàng Cầm xót thương cho thân phận của người phụ nữ chị hai quan họ, nguyên mẫu của mẹ nhà thơ suốt mười năm trời bị chồng xa lánh hắt hủi chỉ vì mê hát, xót thương cho đôi trai gái “luyện giọng từ năm cùng chín tuổi” yêu nhau mà “biết bao giờ nên vợ nên chồng”
ANH TRẨY CHÙA HƯƠNG PHÍA XÓT
THƯƠNG
(Viết trong ngày Thơ Nguyên Tiêu & hậu lễ ra
mắt “Về Kinh Bắc”)
MAI AN NGUYỄN
ANH TUẤN
“Anh trẩy chùa Hương
phía xót thương”, đó là câu thơ
thường chợt hiện trong tôi giữa những ngày rong ruổi khắp Kinh Bắc làm phim về
Học Vấn vùng đất này - theo yêu cầu của Sở Giáo dục Hà Bắc, sau đó là làm phim
chân dung về thi sĩ Hoàng Cầm - theo nhu cầu của đạo diễn Tự Huy và bản thân
tôi… Lần đi với anh Hoàng Kỳ - con trưởng của ông, tôi có hỏi anh về câu thơ
trên, anh liền đọc thêm câu: “Em trẩy chùa Hương phía giải oan” của cha mình, rồi
bảo: “Em tinh đấy! Theo anh, đó là câu thơ nói được con người cụ nhà anh rõ nhất…”
Tôi cứ ngẫm nghĩ về câu nói trên của anh Hoàng Kỳ, cùng cái cảm xúc mới
mẻ gợi trong tôi như một góc nhìn riêng về Thơ Hoàng Cầm còn đeo đẳng cho tới
hôm nay… Toàn bộ thơ, truyện thơ, kịch, văn xuôi Hoàng Cầm, tôi nghĩ đã được viết
ra từ “phía xót thương” này; những tìm tòi về chữ nghĩa, thi tứ, hình tượng thơ,
các thi pháp ẩn ngữ, mỹ cảm tâm linh hóa, v.v, của ông chắc chắn đều có cái nền
của “phía xót thương”…
Xót thương cho thân phận của người phụ nữ chị hai quan họ, nguyên mẫu của
mẹ nhà thơ suốt mười năm trời bị chồng xa lánh hắt hủi chỉ vì mê hát (Tôi người làng quan họ); xót thương cho
đôi trai gái “luyện giọng từ năm cùng chín tuổi” yêu nhau mà “biết bao giờ nên
vợ nên chồng”, để rồi “Em đã chết mòn sau cánh cổng/ Tình chúng ta vỡ như bong
bóng” (Khi mùa xuân trở về); xót
thương cho cô vợ anh bộ đội Việt Minh sống trong vùng địch hậu - người mẹ trẻ
“nước mắt nhiều hơn sữa/ Ngực lép con nhay đã rã rời” (Tâm sự đêm giao thừa); xót thương cho đứa bé “lủi thủi tìm miếng
ăn” bởi “bố cường hào nợ máu”, mẹ bỏ con vào Nam, lại xót thương cho chị bần
nông cốt cán “bị đình chỉ công tác” chỉ vì “Nhìn đứa trẻ mồ côi/ Cố tìm vết thù
địch/ Chỉ thấy một con người” (Em bé lên
sáu tuổi); xót thương cho sông Lô mà thi sĩ hóa thân thành “em là em bé
sông Lô”, cho sông Đuống “mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên” trong nỗi “nhớ
tiếc, sao xót xa như rụng bàn tay”…
Có lần, tôi nói với ông Hoàng Cầm về ý đồ xây dựng một phim điện ảnh về
số phận của các liền anh liền chị quan họ quê hương ông, mắt ông sáng lên và
hào hứng đọc cho tôi nghe mấy bài liền từ bản thảo “Tiếng hát quan họ”. Cặp mắt
ông như rớm lệ trước những số phận quan họ ở “Chân trời tua tủa mảnh chai”, rồi
nhẹ nhàng nói với tôi: “Cháu ạ, cội nguồn của tiếng hát quan họ là Tình thương
đấy…” Mấy lần được nghe ông nói chuyện ở các trường học ở Thuận Thành, tôi hiểu:
cái thông điệp chủ yếu ông gửi gắm tới thầy và trò qua thơ – văn chỉ là nỗi xót
thương, sự đồng cảm, tình yêu thương giữa con người với con người. Tập bản thảo
có tranh vẽ của tác giả mà nhà thơ Hoàng Cầm đã yêu quý, tin cậy tặng cho tôi,
cũng nồng ấm sự gửi gắm này…
Trước đêm
ra mắt “Về Kinh Bắc, 100 năm Hoàng Cầm”, tôi có đọc lại bài viết của nhà thơ
Hoàng Hưng nói về Lễ kỷ niệm này, có đoạn: “Con người Hoàng Cầm cũng là một bí mật cần được khám phá của sự dung hợp
giữa tính duy cảm và lí trí, tính đại chúng và tính tinh hoa, tính truyền thống
và tính sáng tạo, con người chiến sĩ và con người nghệ sĩ… Đó cũng là một bí mật
của thành công nghệ thuật trong thời kì bước vào nghệ thuật hiện đại của Việt
Nam”.
Và tôi nghĩ thêm, thực ra chỉ là những điều mà nhà thơ có số phận long
đong gắn với ông Hoàng Cầm và tập “Về Kinh Bắc” chưa tiện nói:
Hơn ai hết, Thơ ca Hoàng Cầm là sự trả nợ/ nói hộ/ nói thay/ nói tiếp
cho một thế hệ thi sĩ Việt sống trong thời đại sắt máu muốn nói lên tiếng nói của
Tự do, của Bản thể người, với bản chất của khát vọng Thi ca & sứ mệnh Thi
ca là mong mỏi cho Con người được Người hơn; dù có phải đối mặt với bao đe dọa
về tính mệnh lẫn sinh mệnh Thơ ca, dù có lúc phải hạ mình nhẫn nhục, phải vờ
hèn hạ để đợi dịp bật ra sự thật của Tình yêu và lòng Căm giận tự đáy lòng
mình… Tình yêu và Lòng căm giận đó được viết ra bằng “ngôn ngữ của vết thương” (Chu
Văn Sơn), có sự bảo đảm bởi một trái tim luôn hướng về “phía xót
thương”…