Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân khẳng định: Nói đến tiêu chuẩn giá trị thì phải xác định rằng hệ giá trị của văn nghệ vừa phải có những tiêu chuẩn giá trị mang tính nhân loại, vừa có những tiêu chuẩn giá trị mang tính đặc thù lịch sử dân tộc, trong đó, những tiêu chuẩn giá trị về con người chiếm vị trí hàng đầu. Đặc biệt là trong thời đại hội nhập quốc tế như ngày nay, giá trị con người đang trở thành mục tiêu phát triển hàng đầu của mỗi quốc gia.


 

VỊ TRÍ CỦA GIÁ TRỊ CON NGƯỜI TRONG HỆ GIÁ TRỊ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

 

NGUYỄN VĂN DÂN

 

Trong các hoạt động tinh thần, giá trị là một phạm trù trừu tượng, kể cả trong những lĩnh vực có những sản phẩm vật chất cụ thể mà trong đó giá trị được hiện thực hoá, thì về bản chất, giá trị vẫn là một phạm trù trừu tượng. Phạm trù trừu tượng đó là kết quả của sự phán định của con người. Vì thế chúng ta không thể xác lập được một hệ thống định danh cố định cho các giá trị cụ thể có sẵn, mà ta chỉ có thể đề xuất một hệ tiêu chuẩn giá trị cho hành vi phán định. Trong lĩnh vực văn nghệ cũng vậy, nói đến hệ giá trị tức là ta phải hiểu đó là cách nói tắt của hệ tiêu chuẩn giá trị văn nghệ.


Thực chất, “tiêu chuẩn giá trị” cũng chính là những “giá trị chuẩn mực”, là những “giá trị gốc” để giúp ta xác định các giá trị cụ thể cho từng sản phẩm văn nghệ và trong từng trường hợp cụ thể. Vì thế, hệ [tiêu chuẩn] giá trị văn nghệ cần phải mang tính khái quát của tinh thần nhân loại và của từng xã hội, tránh áp đặt các quy định cụ thể giáo điều duy chính trị và duy luân lý, cũng như những giáo điều của giới luật tôn giáo...


Ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng đã bàn đến hệ giá trị của con người và của văn hoá, và đến những “giá trị cốt lõi” có nhiệm vụ định hướng “điều khiển sự biến động của hệ giá trị văn hoá theo hướng phát triển”, nhưng họ không cho đó là những tiêu chuẩn giá trị mà là những “giá trị định hướng” (Trần Ngọc Thêm).

Nói đến tiêu chuẩn giá trị, Trần Ngọc Thêm cho rằng “Tiêu chuẩn của một HỆ GIÁ TRỊ ĐỊNH HƯỚNG CỐT LÕI cho một dân tộc cũng có thể quy về ba điểm: (1) Đạt được sự hài hoà giữa chất tiên tiến mang tính nhân loại với bản sắc truyền thống mang tính dân tộc; (2) Đạt được sự thống nhất giữa cái mà dân tộc đang cần với việc khắc phục những thói xấu mà xã hội đang mắc phải; (3) Đạt được sự hài hoà giữa cái phổ quát với cái đặc thù; giữa cái công và cái tư; giữa cái tinh thần và cái vật chất” (Trần Ngọc Thêm, “Những cơ sở lý luận về giá trị và việc xây dựng hệ giá trị định hướng cốt lõi”, trong sách: Trần Ngọc Thêm (chủ biên), “Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại”, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2015, tr. 28 (chữ in hoa là Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh).


Thực ra, những cái mà Trần Ngọc Thêm gọi là “tiêu chuẩn của hệ giá trị định hướng cốt lõi” nói chính xác thì chỉ là các nguyên tắc để xác định giá trị. Còn chính “giá trị cốt lõi”, hay “giá trị gốc”, mới là tiêu chuẩn giá trị. Bởi vì tiêu chuẩn phải là phẩm chất đặc trưng của một vật để giúp ta xác định vật đó mà dựa vào nó ta có thể gọi tên được giá trị. Ba “điểm” nói trên của Trần Ngọc Thêm không phải là phẩm chất đặc trưng của giá trị mà chỉ là các mối quan hệ “ngoài giá trị” mà người đánh giá mong muốn. Do đó chúng không thể là tiêu chuẩn mà cùng lắm thì chỉ có thể là các nguyên tắc đánh giá.


Theo chúng tôi, nói đến tiêu chuẩn giá trị thì phải xác định rằng hệ giá trị của văn nghệ vừa phải có những tiêu chuẩn giá trị mang tính nhân loại, vừa có những tiêu chuẩn giá trị mang tính đặc thù lịch sử dân tộc, trong đó, những tiêu chuẩn giá trị về con người chiếm vị trí hàng đầu. Đặc biệt là trong thời đại hội nhập quốc tế như ngày nay, giá trị con người đang trở thành mục tiêu phát triển hàng đầu của mỗi quốc gia. Ở mỗi quốc gia, phát triển xã hội cuối cùng cũng là vì con người. Và phát triển con người trở thành nhiệm vụ trọng tâm của phát triển xã hội.


Trong tinh thần đó, hằng năm, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) đều có “Báo cáo Phát triển Con người” chứ không có báo cáo phát triển xã hội. Con người đã trở thành đối tượng quan tâm của toàn cầu. Tất nhiên, khi nhằm vào con người bản thể, Liên Hiệp Quốc vẫn quan tâm đến con người cụ thể của từng quốc gia. Nhưng đánh giá con người luôn được dựa vào các tiêu chuẩn giá trị toàn cầu về con người.


Ở Việt Nam, khi nói đến “con người bản thể” và hệ giá trị xã hội hiện nay, PGS Phạm Quang Long đã nhận xét: “Cho đến nay, con người bản thể không được coi trọng, ‘con người chính trị’ được đề cao, kèm theo đó là một hệ thống những tiêu chí về hệ giá trị theo tiêu chí ‘chính thống’. (...) Cốt lõi của vấn đề là chúng ta đề cao đến mức tuyệt đối hoá ‘con người chính trị’. Gắn với điều đó là đề ra những tiêu chí chính trị không sát thực tế.” Và ông đề xuất giải pháp tháo gỡ sự mâu thuẫn giữa nhất nguyên tư tưởng với đa nguyên kinh tế trong phát triển con người: Đó là việc “phải tôn trọng những yếu tố mang ý nghĩa nền tảng, phổ quát thuộc về nhân loại mà thế giới đang thừa nhận. (...) ...xây dựng con người theo hướng đa nguyên” (Phạm Quang Long, “Nghĩ về ‘con người bản thể’ và hệ giá trị xã hội hiện nay”, báo “Văn nghệ”, số 35+36, 28-8-2021, tr. 25). Điều này rất phù hợp với quan điểm của UNDP và UNESCO khi các tổ chức này coi đa dạng văn hoá là một nguồn lực của sự phát triển, và cũng như tôi đã khuyến cáo về việc “hệ [tiêu chuẩn] giá trị văn nghệ cần phải mang tính khái quát của tinh thần nhân loại và của từng xã hội, tránh áp đặt các quy định cụ thể giáo điều duy chính trị và duy luân lý, cũng như những giáo điều của giới luật tôn giáo” (Nguyễn Văn Dân, “Góp phần xác định hệ giá trị văn nghệ”, t/c “Nghiên cứu văn học”, số 1-2021).


Thực ra, cái mà chúng ta gọi là “con người chính trị” chính là một sự nhầm lẫn khái niệm do căn bệnh tuyệt đối hoá chính trị gây ra. Như tôi đã nói, do tuyệt đối hoá chính trị mà chúng ta đã đồng nhất “chính trị” với “chính đảng”, đồng nhất “chính trị” với “chính thống”. Ở đây, “con người chính trị” thực chất là “con người chính đảng” (xem Nguyễn Văn Dân, “Quản lý văn nghệ ở Việt Nam: thực trạng, vấn đề, giải pháp”, trong: NVD, “Văn hoá – văn học dưới góc nhìn liên không gian”, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2020, tr. 91-106). Do nhầm lẫn công cụ với giá trị mà chúng ta đã coi “chính trị” (hay “chính đảng”) là giá trị cao nhất. Theo một quy định ngầm, hầu như tất cả các chức vụ lãnh đạo hành chính và chuyên môn đều phải là đảng viên với chứng chỉ lý luận chính trị, kể cả những chức hiệu trưởng của một trường tiểu học hay trưởng phòng của một đơn vị làm kinh tế hay quản lý hoặc nghiên cứu khoa học...


Từ đó dẫn đến sự huyễn hoặc về giá trị con người, tạo cơ hội cho sự tha hoá con người bản thể (theo nghĩa triết học), dẫn đến suy thoái, biến chất (hầu như mọi hiện tượng tham nhũng đều là đảng viên). Chúng ta đã có những nhà khoa học rất giỏi về chuyên môn nhưng chỉ vì không phải là đảng viên nên không được làm quản lý; lại có những nhà khoa học rất thành thạo chuyên môn nhưng không có kiến thức quản lý thì khi làm quản lý thì lại sa vào vòng tham nhũng. Chúng ta có những lớp dạy quản lý nhà nước, nhưng những lớp này chỉ dạy những kiến thức về quản lý hành chính quan liêu chứ không dạy được về quản lý chuyên môn. Rõ ràng, tuyệt đối hoá giá trị chính trị/ chính đảng đã làm xơ cứng con người bản thể, làm mất đi những giá trị cơ bản của con người.


Những điều nói trên cho thấy một yêu cầu là phải xác định lại hệ giá trị con người và hệ giá trị văn nghệ, cần xoá bỏ mô hình hệ giá trị tuyến tính chỉ huy để xây dựng mô hình hệ giá trị của “con người đa nguyên” theo cách nói của Phạm Quang Long, hay “con người đa dạng văn hoá” theo cách diễn đạt của Liên Hiệp Quốc. Đây mới chính là những chủ đề làm cho tác phẩm có cơ hội trở thành đỉnh cao. Phải chăng đó chính là giải pháp cho mâu thuẫn giữa “nhất nguyên tư tưởng” với “đa nguyên kinh tế” mà Phạm Quang Long đã nói tới? Để giải quyết mâu thuẫn này, có lẽ cần có cái nhìn cởi mở trở về với các giá trị của con người bản thể trong sự hội nhập với các giá trị nhân văn của thời đại.