Khác với các ngành nghệ thuật cơ bản, tình trạng giãn cách do Covid-19 có lẽ ít ngăn trở việc sáng tác của văn học và hội họa, vốn là những hoạt động cá nhân. Chính vì vậy mà năm 2021, văn học Việt Nam có những tín hiệu đáng ghi nhận.
Văn học Việt Nam năm 2021 nhìn lại: Từ 'đại tự sự'
Covid-19 đến văn học thiếu nhi
Bên cạnh những tin buồn như sự qua đời của các gương mặt
văn học tiêu biểu của thế kỷ 20 như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh… “Họ là
những thân phận văn chương đầy thăng trầm, cô độc, tự mở đường, vạch lối đi cho
riêng mình, từng rất khó khăn để được ghi nhận” - nhà thơ Trần Tuấn chia sẻ. Thì
năm 2021 vẫn còn những tín hiệu lạc quan, cho thấy sức sống của văn học trong bối
cảnh mới.
Đã có những tác phẩm về Covid-19
Đại dịch Covid-19 chưa dừng lại, nên sức tác động của
nó đến văn học sẽ còn lâu dài, các tác phẩm tiêu biểu hơn có khi phải đợi thêm
vài năm nữa thì mới xuất hiện. Thế nhưng, qua hàng chục đầu sách đã và đang xuất
bản viết về Covid-19 đã cho thấy nhà văn vẫn là “thư ký trung thành của thời đại”.
Họ đã không dửng dưng hoặc bỏ qua một chủ đề mang tính đại tự sự như Covid-19.
Ở đây chỉ xin đơn cử một vài tác phẩm. Nhà văn Y Ban vừa
xuất bản Sài Gòn - làn sóng thứ tư, một cuốn sách mà chị gọi là “nhật ký
nhà văn thời giãn cách”; còn xét về thể loại, có thể gọi là tân tiểu thuyết. Cuốn
sách được viết liên tục từ ngày 30/7 cho đến 1/9, có ngày viết hơn 10 ngàn từ,
sau đó chỉnh sửa. “Đau thương tận cùng, nước mắt ngập tràn nhưng không bi lụy.
Bởi đầy ắp tình người và ngát hương thơm thảo” - Y Ban cho biết.
Trước đó cuốn Viết từ thành phố lockdown của
nhà văn Trần Nhã Thụy và bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh là một sự kết hợp giữa cái nhìn
hiện thực sắc sảo và những kinh nghiệm y học được đưa ra phân tích. Cuốn bút
ký-bình luận Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua của nhà văn Sương
Nguyệt Minh với gần 30 bài viết xuyên suốt trong khoảng 20 tháng, viết với tâm
thế tác giả như là một nhân vật, một nạn nhân của Covid-19.
Mới đây nhất là cuốn Sài Gòn chọn nhớ những điều
thương của nhiều tác giả, được viết với tâm thế là “cách chúng ta cùng
nhau đi qua đại dịch”. Khác với 3 cuốn vừa kể, cuốn này không khơi gợi chuyện
bi thương, mà chỉ chọn những điều hay để nhìn lại và giữ hy vọng tiếp tục tiến
tới. Sách có sự góp mặt của tên tuổi như Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy, Cù Mai
Công, Đàm Hà Phú, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Phong Việt…
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc sắp xuất bản trường
ca Những ngày tôi ngồi giữa mùa Corona phong tỏa dài khoảng 13 ngàn
chữ. Đây có thể là tác phẩm bề thế nhất của nhà thơ này, bởi tầm bao quát của
nó. Ví dụ các câu: “Dù thế giới sẽ thay đổi như thế nào/ nhưng chúng ta cần phải
sống/ như mưa rồi sẽ mưa và nắng rồi sẽ nắng/ Những thói quen sẽ khác đi/ Trẻ
con học online thay vì đến trường/ những laptop, ipad thay cho tập vở/ mong cho
chúng chỉ mang chiếc ipad đến lớp/ thay vì một ba-lô đầy những sách”.
“Tôi tin rằng rồi sẽ có những tác phẩm lớn viết về
giai đoạn gian khó này của loài người, vấn đề là người viết có đủ sâu sắc, đủ
thương cảm, đủ tài năng và tâm huyết để cảm nhận và chuyển tải hay không” - nhà
văn Uông Triều từng chia sẻ với báo Thể thao và Văn hóa như vậy.
Đổi mới các tầm quan tâm
“Một điểm đáng ghi nhớ là chấm dứt bộ cũ tờ báo Văn
nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam sau 73 năm tồn tại, để cho ra đời báo Văn
nghệ bộ mới. Sau hơn chục số báo, đến lúc này chưa thể nói trước phiên bản
mới này sẽ đóng góp được những gì vào lịch sử văn học nước nhà, như những gì mà
phiên bản1 đã làm được. Nhưng ít ra sự ra đời của nó cho thấy nhu cầu chuyển tải
và tiếp nhận văn học đến lúc cần thay đổi” - nhà thơ Trần Tuấn nói.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thì cho rằng: “Thái độ chú trọng
đầu tư cho văn học trẻ và văn học thiếu nhi. 2 giải thưởng riêng cho 2 mảng
sáng tác này đã được triển khai đồng thời ở Hội Nhà văn Việt Nam lẫn Hội Nhà
văn TP.HCM, chưa tính giải thưởng Dế Mèn của báo Thể thao và Văn hóa cũng
dành địa vị trang trọng cho văn học thiếu nhi”.
Anh phân tích thêm: “2 mảng này vốn bị xem là “chiếu
dưới”. Nhiều người vẫn cho văn học thiếu nhi là thứ đơn giản, thứ văn chương
dành cho con nít. Chính Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã “khai tử” Hội đồng văn học
thiếu nhi rất nhiều năm. Bây giờ thì những lãnh đạo văn chương bỗng nhận ra rằng
nếu họ không đầu tư cho văn học thiếu nhi, nghĩa là bỏ rơi độc giả tiềm năng của
mình khi không chung tay xây dựng văn hóa đọc từ tuổi nhỏ. Hơn nữa, văn học thiếu
nhi cũng góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn người Việt ngày mai, khi mà thực
tế hôm nay đã cho thấy nhiều dấu hiệu suy thoái nhân tính đáng ái ngại.
Còn văn học trẻ thì sao? Cứ 5 năm một lần hội nghị nhà
văn trẻ thì chỉ là dịp giao lưu vui vẻ, không có mấy ý nghĩa thúc đẩy người trẻ
sáng tác. Giải thưởng nhà văn trẻ là một sự ghi nhận, một sự mở đường cho những
tài năng mới. Khi mà các tờ báo tuổi mới lớn lẫn tuổi trưởng thành đều không
còn điều kiện để dành trang cho văn học trẻ xuất hiện.Mặt khác, giải thưởng tác
giả trẻ còn có tác dụng khuyến khích mọi sự tìm tòi, kể cả sự nao núng hoặc sự
chệch choạc của những tài năng đang tìm kiếm tiếng nói riêng, phong cách
riêng”.
Nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu thì cho rằng: “Nếu
chỉ nói riêng về văn học Việt Nam, năm qua cũng không có hiện tượng gì đặc biệt.
Cũng có một vài cuốn sách đáng đọc như Một ví dụ xoàng của Nguyễn
Bình Phương, Nắng Thổ Tang của Đinh Phương, Văn học vết thâm của
Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Thổi hoa về biển của Đặng Văn Hùng, Chuyến
bay tháng Ba của Lê Khải Việt... nhưng không có tác phẩm nào làm thành sự
kiện. Một năm có nhiều biến cố nhưng, có lẽ văn học Việt Nam cũng đang loay
hoay. Nếu có tác phẩm nào nói được dư chấn của năm thì chắc là bài thơ Thời
mắc dịch của Nguyễn Duy. Nó cho thấy thứ thơ ca khi biết đau về thời cuộc
vẫn là thứ thơ ca có sức cộng hưởng và lan tỏa”.
Trần Ngọc Hiếu phân tích thêm: “Nhưng nếu nói về đời sống
chữ nghĩa (rộng hơn văn học Việt Nam) thì năm qua lại có những tín hiệu rất
đáng ghi nhận. Chúng ta đã có những cuốn sách học thuật rất quan trọng được dịch
sang tiếng Việt như Yêu sách của Antigone của Judith Butler, Eichmann
ở Jerusalem của Hannah Arendt. Thời đại dịch, nhưng những lao động trong học
thuật và dịch thuật thì lại có những dấu ấn đáng ghi nhận hơn sáng tác”.
“Thành tích” của “The Mountains Sing”
The Mountains Sing của Nguyễn Phan Quế Mai dù được
xuất bản ở Mỹ lần đầu tiên vào tháng 3/2020, nhưng năm 2021 nó đạt được nhiều
thành tự quan trọng: The Mountains Sing đã được dịch ra các thứ tiếng:
Anh, Hà Lan, Italy, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Croatia, Đức...; sắp tới sẽ chuẩn bị
xuất bản với các thứ tiếng: Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Phần Lan, Pháp, Serbia, Hàn Quốc,
Nga...
Trong năm 2021, tiểu thuyết đã nhận được 5 giải thưởng
gồm: Giải thưởng văn học PEN Oakland/Josephine Miles năm 2021; giải Nhì giải
thưởng văn học Dayton vì hòa bình (hạng mục hư cấu) 2021; giải thưởng sách quốc
tế năm 2021; giải thưởng Blogger's Book Prize năm 2021; giải thưởng Lannan vì
đóng góp cho hòa bình và hòa giải (2021).
Ngoài ra, năm 2020 The Mountains Sing còn đoạt
giải thưởng BookBrowse dành cho tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất.
VĂN BẢY
Nguồn: Thể Thao & Văn Hóa