Con người không chỉ chối bỏ mà còn trốn chạy chính nó vì nó không biết mình sống vì cái gì, ý nghĩa của cuộc sự tồn tại của mình là gì. Vì thế nó cô đơn, ham vui, mò mẫm trong những trò tiêu khiển, nghiện ngập bất cứ thứ gì, tức giận và tuyệt vọng. Phương Đặng đã chỉ ra bản chất của hiện tượng này.

Nhận thức CON NGƯỜI trong thơ PHƯƠNG ĐẶNG

ĐỒNG KHÁNH

Nhân loại đã trải qua hàng nghìn năm phát triển, nhưng chưa bao giờ, con người lại có nhiều bối rối về nhận thức như bây giờ. Hầu hết đều đi tìm giải pháp ở bên ngoài. Đời sống vật chất của con người tuy đi lên, nhưng con người không hề bớt đau khổ. Không những thế, con người của xã hội hiện đại ngày càng có nhiều vấn đề bên trong hơn.

Thế thì con người đang có những vấn đề gì, tại sao nó có những vấn đề đó, và ai sẽ giải quyết chúng?

Trong văn học, con người là một đối tượng nhận thức. Các nhà văn vĩ đại như Nguyễn Du với Truyện Kiều, Shackspeare với HamletOtelo, Goeth với Faust, A.Tolstoy với Con đường đau khổ, Dostoevski với Tội ác và trừng phạt, La Fontaine với các truyện ngụ ngôn, Victor Hugo với Những người khốn khổ, và rất nhiều nhà văn lớn khác đều cố gắng lý giải các vấn đề của con người. Nhận ra các vấn đề, lý giải các vấn đề đó và đề ra cách giải quyết đều thể hiện nhận thức của bản thân tác giả. Hay nói khác đi, nó chính là tư tưởng của tác giả.

So với văn xuôi, trong thơ, điều này dường như khó hơn. Hầu hết các nhà thơ thường coi cảm xúc, hay cảm nhận về những gì xảy ra với mình và với thế giới xung quanh mình là vấn đề hàng đầu, chứ không phải nhận thức. Nhận thức là đào sâu và tìm ra bản chất của hiện tượng mình nhìn thấy. Ít nhà thơ làm như vậy. Điều này khiến cho thơ ít giá trị nhận thức. Những câu thơ hay được truyền bá nhiều khi lại chỉ là những câu mô tả hiện tượng, chứ không phải là nhận thức cái bản chất, quy luật, những tổng kết sâu sắc về cuộc đời, nhân thế, hay những bài học làm người. Về điều này, ở Việt Nam, có vẻ như các nhà thơ từ nhiều thế kỉ trước đây làm tốt hơn. Thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, và một số thiền sư ở Việt Nam nhiều thế kỉ trước là những ví dụ về cái quy luật, cái bản chất thường được chú trọng trong thơ.

Ngày nay, những bài thơ có giá trị nhận thức đã ít. Những tập thơ có giá trị nhận thức càng ít hơn. Tập thơ Con người của Phương Đặng được xuất bản năm 2020 nằm trong số rất ít này. Con người không chỉ là tên của một bài thơ trong tập thơ, mà tất cả các bài thơ trong tập thơ này đều thể hiện sự học hỏi và nhận thức của tác giả về con người và những vấn đề của nó trong xã hội hiện đại.

Những quan sát và trải nghiệm của Phương Đặng đã được tác giả còn rất trẻ này tổng kết thành rất nhiều bài học về con người, tập trung ở những vấn đề chính sau đây:

Con người này trước hết chỉ giới hạn nhận thức của mình bởi những gì họ thấy được, nghĩa là nhận thức chỉ nhờ giác quan. Nhận thức này không cao hơn nhận thức của con vật (Thực tại). Tuy thế, con người lại tin vào nó: Giác quan của bạn quá kém/Mà bạn lại tin vào nó quá nhiều./Bạn sợ mất đồ, mất tiền/Nhưng lại không sợ mất chính mình./Bạn sợ người sống/Và cười cợt ma quỷ. (Thực tại). Nó cực kỳ bối rối về chính mình và sợ hãi khi phải nhìn sâu xem chính mình là ai. (Thực tại, Chối bỏ)

Con người này không biết, không tin vào giá trị của chính mình mà hiềm tị với kẻ khác. Lừa không ghen tị với hươu cao cổ vì sao nó quá cao mà mình lại thấp lùn, nhưng con người thì lại như vậy: Nhưng chúng ta vẫn làm thế với nhau/Chúng ta dùng người khác/Làm tấm bình phong/Để duy trì/Cuộc chiến với chính mình. (Lừa và hươu cao cổ). Đó là cuộc chiến làm thế nào để được giàu sang như, đẹp như, danh tiếng như, tài giỏi  như, hạnh phúc như, quyền lực như những kẻ khác, giống tất cả những kẻ khác, miễn không phải là mình. Và đây chính là cuộc chiến làm cho trở nên xã hội rối loạn và kỷ cương bị đổ vỡ.

Con người muốn được như những người khác cũng nghĩa là nó chối bỏ chính mình:Chối bỏ màu da,/Chối bỏ nếp tóc,/Chối bỏ cân nặng,/Chối bỏ khuôn mặt,/Chối bỏ dáng đi/Của chính mình/Chúng ta được dạy ghét bỏ chính mình. (Chối bỏ) Tại sao đôi lúc tôi vẫn cảm thấy lúng túng/Và xấu hổ về sự tồn tại của chính mình? (Nhầm lẫn) Kẻ làm đẹp bắt đầu với suy nghĩ rằng/“Mình chưa đủ đẹp.” (Đẹp) Con người thậm chí chối bỏ chính sự tồn tại của nó lúc này. (Lý do duy nhất).

Con người không chỉ chối bỏ mà còn trốn chạy chính nó vì nó không biết mình sống vì cái gì, ý nghĩa của cuộc sự tồn tại của mình là gì. Vì thế nó cô đơn, ham vui, mò mẫm trong những trò tiêu khiển, nghiện ngập bất cứ thứ gì, tức giận và tuyệt vọng. Phương Đặng đã chỉ ra bản chất của hiện tượng này. Nó là cuộc khủng hoảng của con người Có tên gọi là/Tôi là ai?/Tôi cần một ý nghĩa cho cuộc đời. (Đi tìm) Nó trốn vào mọi thứ bên ngoài để thoát được chính mình: Tất cả chúng ta đều đang trốn chạy./Ta có thể trốn khỏi nhiều thứ/Mà ta ghét bỏ,/Nhưng không thể/Thoát khỏi chính mình. (Trốn chạy) Thậm chí, ước mơ thay đổi cuộc đời của con người về bản chất cũng là trốn chạy: Mơ ước chỉ là một tên gọi đẹp đẽ/Cho sự phủ nhận hiện tại/Và lòng tham không đáy. (Lời nói dối)

Một vấn đề rất lớn khác của con người trong nhận thức của Phương Đặng là không nhận thức được tình yêu. Người ta chỉ yêu khi cái mà người ta mong muốn được đáp ứng. (Tình yêu 2) Đó là thứ tình yêu có tình kiện, mà khi điều kiện không còn thì tình yêu cũng tắt. Đó ắt không phải là tình yêu đích thực. (Hoa) Có rất nhiều bài thơ trong tập thơ Con người nói về nhận thức méo mó này về tình yêu của con người. Không quan trọng là ai/Ai đó vẫn phải đóng một vai/Ai đó vẫn phải lấp đầy chỗ trống/Trong trái tim ai đó khác./Cho đến một ngày khi chúng ta nhận ra/Không phải người kia là người chúng ta đang sống cùng/Mà là chính chúng ta./Người kia đã không được phép tồn tại/Đó chỉ là hình ảnh phản chiếu của những mong muốn/và khát thèm của chính chúng ta… Em không muốn anh,/Em muốn một ai đó được tạo ra bởi tâm trí của mình,/Và rồi anh xuất hiện,/Em bắt anh phải đóng vai người đó. (Câu chuyện) Con người cứ như thế mà sự thật là họ chỉ sống với những gì tâm trí mình tạo ra, với những quan niệm, niềm tin và những mong đợi của chính mình về cái gì mà họ cho là tốt. Hai kẻ trong tình yêu đều sống với tâm trí của mình, yêu những phản chiếu của tâm trí mình ở người kia, Và chúng ta nói với nhau/Rằng chúng ta yêu nhau. (Câu chuyện) Vì không đủ tình yêu bên trong,/Nên ta hỏi: Tại sao thế giới này nhiều điều đáng ghét? (Đủ tình yêu) Cái bạn sợ không phải tình yêu/mà là sự đòi hỏi của tình yêu chân thành. (Tình yêu 3) Con ngựa vằn mất đi vằn thì chẳng còn là nó./Ngay cả những con ngựa vằn cũng không có vằn giống nhau./Nhưng chúng ta vẫn tìm cách sửa vằn của nhau,/Tô thêm chỗ này, tẩy đi chỗ kia./Nhân danh tình yêu/Giống cách của những con vật vẫn làm,/Ta tìm cách đánh dấu lãnh thổ của chính mình/Lên người khác. (Một nửa 1)

Con người trong thơ Phương Đặng không chỉ chối bỏ, trốn chạy chính mình và không biết tình yêu là gì. Nó còn chống lại tự nhiên, chạy theo những giá trị giả, tham lam vật chất (Văn minh, Chờ cái chết, Những thứ vớ vẩn, Tội lỗi, Đơn giản ). Chính những điều này làm con người mất hết sức mạnh bên trong, mất tự do, hạnh phúc và bị nô dịch.

Dễ uốn là một trong rất nhiều bài thơ hay trong tập thơ Con người. Khi con người mất hết sức mạnh nội tại  của mình, nó bị uốn, bị lái, bị dẫn bởi những thứ không phải nó, bên ngoài nó. Họ sẽ uốn bạn khi bạn vẫn còn uốn được./Và khi bạn đã trưởng thành và chẳng thể nào uốn được nữa,/Bạn sẽ chỉ còn tự đánh bóng mình./Chúng ta sẽ thi xem cái khung của ai sáng bóng hơn./Bạn nghĩ là bạn tự do, nhưng thật sự thì bạn tự do đến mức nào?/Bạn không thể nhìn thấy song sắt nào, nhưng chúng đã được cấy vào đầu bạn./Bạn sẽ lớn lên và lớn lên nữa trong ngục tối của chính mình./Bạn sẽ bơi và bơi,/nhưng chỉ trong cái bể nông của chính bạn thôi.

Tự do là một chủ đề trong nhiều bài thơ của Phương Đặng. Tác giả đã chỉ rằng con người đang nhận thức sai hoàn toàn về tự do là gì. Bài Tự nhiên trong tập thơ Con người thể hiện tập trung nhất nhận thức này của Phương Đặng:

Con người cố gắng gọt tỉa tự nhiên

Vì thích một thứ trật tự do mình tự tạo ra.

Họ gọi đó là tự do.

 

Nhưng đó chỉ là kiểm soát

Vì sợ cái mình không biết,

Cái mình không thể thuần hoá,

Sợ xấu hổ phải cúi mình trước tự nhiên,

Kẻ sinh ra mình.

 

Giống như cái tay cứ một mực muốn tách khỏi cơ thể

Và đặt nó cao hơn mọi bộ phận khác,

Mà không biết rằng

Nó chỉ là một phần cơ thể.

Cái nó đang đòi hỏi, thèm khát

Là tự do tuyệt đối theo ý mình.

Sự tách biệt tuyệt đối

Sẽ là cái chết của nó.

 

Như vậy, tự do tuyệt đối không phải là sống theo ý muốn của cá nhân, mà là thừa nhận và tuân thủ một trật tự của tự nhiên cao hơn mình. Đây chính là Thượng Đế, hay là Trời theo cách gọi của người Việt. Cũng tư tưởng này, Phương Đặng nói: Gắng sức sửa tự nhiên,/Điều mà hẳn chỉ có kẻ ngốc mới làm. /Tôi – người đã từng cười những kẻ vỗ ngực mình sửa được tự nhiên/ Cũng đang ngốc như thế./Chỉ có kẻ ngốc mới ăn mừng trước sự ra đời và lớn lên của một sinh linh/Và sau đó chống lại cái chết./Sửa tự nhiên là sửa Thượng Đế/Mà mọi kẻ ngốc vẫn làm! (Ngốc nghếch) Như vậy thì tự do chính là nhận thức được ý chí của Thượng Đế và hành động theo ý chí đó.

Con người, trong nhận thức của Phương Đặng còn rất ốm yếu về tinh thần. Nó đánh mất niềm tin, không biết phải tin vào đâu. Nó tin vào giá trị vật chất (Bao nhiêu), vào những điều bịa đặt, những lời nói dối (Lời nói dối), hoặc con người phải chơi trò niềm tin để cảm thấy mình có sức mạnh (Quả lắc đồng hồ, Tin), tin vì bị cám dỗ, sợ hãi, bất lực (Dao và súng), tin vào giác quan (Thực tại), tin vào những gì có lợi cho mình… Đây là những niềm tin mà kẻ đứng đằng sau nó là lợi ích và ham muốn của con người. Có lợi cho nó thì nó tin, không có lợi cho nó thì nó không tin. Phương Đặng đã chỉ ra rằng niềm tin này là trạng thái bệnh hoạn của con người: và cả thế giới này là một bệnh viện/đầy những kẻ đã mất niềm tin/những kẻ trả tiền để tin vào những điều bịa đặt. (Quả lắc đồng hồ) Trong khi đó, con người lại không tin vào những thứ đúng ra nó phải tin là tin vào sự thật, vào chính mình và Thượng Đế. Tại sao con người lại thế? Phương Đặng trả lời: Bởi tin vào Thượng đế/Là đối diện với tội lỗi của chính mình,/Là nhận trách nhiệm làm lại mình,/Là chấp nhận cuộc đời không phải để rong chơi,/Là chấp nhận rằng không có may rủi. (Không thể giải thích)

Những bệnh tật khác về tinh thần ở con người còn rất nhiều như đau khổ vì những ham muốn vô hạn của nó không được thoả mãn. (Chỉ, Hạnh phúc 2, Cho mình, Đau khổ, Những thứ vớ vẩn, Tội lỗi và nhiều bài khác) Con người nghiện nỗi đau của chính mình vì sợ:/Nếu không có nó, ta sẽ không là ai cả (Thương) Nó không thể buông bỏ được quá khứ (Ám ảnh, Quá khứ) và, do đó, nó chống lại sự thay đổi: Đau khổ là khi hồi chuông vang lên/Mà tôi cứ cố chống lại,/Để đòi cái/Thời gian không thể cho thêm. (Hồi chuông) Nó trốn chạy vào sự bận rộn của đời sống mà thực ra là để không phải nhìn vào bản thân mình: Họ chọn sự bận rộn/Để sống trong lãng quên./Điều đầu tiên mà họ cắt bỏ khi quỹ thời gian trở nên hạn hẹp/Là Thượng đế. (Những con người luôn bận rộn) Con người trong nhận thức của Phương Đặng cũng đi tìm cái bên ngoài để bù đắp cho cái mà nó thiếu, lấy cái bên ngoài để tạo ra bản thân mình, tạo ra giá trị cho mình, định nghĩa chính mình, trong đó có cái gọi là tri thức (Tìm kiếm, Cầm tù, Ăn cắp).

Tại sao, con người lại nhiều vấn đề đến như vậy?

Phương Đặng đã trả lời rất đích đáng: con người mắc vô số sai lầm và đau khổ vì nó không biết rằng thứ nó tìm kiếm vốn có ở bên trong (Đi tìm) và Thượng Đế vốn có mặt ở khắp mọi nơi, và ở bên trong nó (Những con người luôn bận rộn).

Con người còn sai trong tư duy của mình: Nghĩ rằng mình đã biết/Là khởi đầu của ngu ngốc!/Bạn đã nghe quá nhiều về những khái niệm/Đến nỗi/Bạn nghĩ rằng/Bạn thực sự biết những thứ/Đã được đặt tên. (Cái tên) Con người không phải là cái tên của chính nó, sự vật không phải là cái tên mà con người dùng để gọi nó. Nên Phương Đặng đã kết luận rất hóm hỉnh: Cũng như bạn đã nghe nhiều/Về tình yêu/Đến nỗi/Bạn tin rằng/Mình biết nó. Bài Vạn niên thanh cũng thể hiện rằng vì có sự vật nên mới có tên gọi, nên đừng nhầm tên gọi (từ ngữ) với bản thân sự vật. Biết từ ngữ không phải biết sự thật! Từ quả cam không phải là quả cam! Nhưng vấn đề của con người chính là nó không biết trực tiếp quả cam, mà tư duy bằng từ quả cam. Từ ngữ thậm chí đã thay thế sự vật. Tác giả đã rất hài hước khi chỉ ra điều này trong bài thơ chỉ có một câu: Bạn không tồn tại vì bạn không tồn tại trên giấy. (Chứng minh thư)

Khái quát hơn, Phương Đặng nhận thức rằng mọi sai lầm của con người có gốc rễ từ tâm trí. Đạo Phật và nhiều nhà tâm linh trên thế giới đã chỉ ra điều này: tâm trí chỉ là một mớ hỗn độn của những suy nghĩ triền miên, những gì não tự động tiếp nhận, bao gồm thông tin, những quan niệm… mà các cá nhân tiếp thu từ gia đình, nhà trường, xã hội và những nguồn khác từ khi nó sinh ra. Con người đã nhầm rằng đó là ý thức của mình. Tâm trí cũng là những niềm tin có điều kiện, tình yêu có điều kiện, những ham muốn và mong đợi của con người. Tâm trí chỉ phản ánh một phần hiện thực rất nhỏ của thế giới hữu hình xung quanh nó. Nó không có khả năng nắm bắt kịp được những hiện tượng không ngừng thay đổi. Nó hữu hạn và không có khả năng nhận ra cái bản chất trong vô số hiện tượng. Những vấn đề của con người mà Phương Đặng chỉ ra thực chất đều là những vấn đề của tâm trí. Nó không tư duy vượt lên được những cái mà nó đã tiếp thu: Kể cả khi một mùa đông tới,/Nó cũng không thực sự giống những mùa đông trước./Nếu nó có giống thì chỉ bởi vì/ Bạn vẫn đem theo hai chữ “mùa đông” trong tâm. (Đủ tình yêu)

Tệ hơn thế, tâm trí con người còn bị xiềng xích bởi những gì nó tiếp thu. Mèo là một trong những bài thơ hay nhất trong tập thơ Con người. Trong bài thơ này, Phương Đặng lấy hình ảnh con mèo để nói về tự do mà con người không thể có do tích luỹ tri thức (không phải của mình). Con mèo có khả năng sống thư thái, trong khi con người tích luỹ đầy kiến thức vào đầu mình và bị xiềng xích bởi những thứ đó. Tác giả chế giễu đích đáng cái lối học giả dối này của con người: Suốt cả cuộc đời ngươi/Ngươi có thể biết nhiều hơn/Và rồi đầu óc hạn hẹp hơn./Những gì ngươi nhìn thấy không phải là những gì có ở đó. Và: Suốt cuộc đời ngươi/Ngươi sẽ phải học cách quên đi những gì ngươi đã học./Suốt cuộc đời ngươi/Ngươi sẽ phải học/Những gì một con mèo không cần phải học.

Việc học giả khiến con người bị kẹt trong những gì nó tiếp nhận, càng học càng mắc kẹt (Một nửa, Đủ tình yêu, Ăn cắp, Cầm tù) Tâm trí chính là thủ phạm của tất cả: Nhưng ngay cả những nơi đã bị đánh dấu/Cũng chẳng hề thuộc về ai./Những ranh giới chỉ tồn tại trên bản đồ,/Trong tâm trí,/ Và cách con người sắp xếp thế giới. (Một nửa 1) Việc không nhận thức được bản chất của tâm trí còn gây ra những hậu quả nặng nề hơn như con người lạm dụng quyền lực với nhau và thậm chí gây tội ác với đồng loại (Con người, Dao và súng, Con rết, Lịch sử ).

Nếu con người có quá nhiều vấn đề như thế, thì có cách gì để giúp nó giải quyết các vấn đề này không? Phương Đặng cũng đưa ra câu trả lời rất rõ ràng trong nhiều bài thơ của mình. Đầu tiên, con người cần có tình yêu thương đối với bản thân, tức là chấp nhận bản thân nó như vốn được sinh ra. Nếu con người không chấp nhận chính mình, nó không thể chấp nhận được những người khác, và những thứ khác nó. (Soi gương, Nơi Thượng Đế bị lãng quên). Một người biết yêu không phải là người yêu những thứ đúng mong đợi của mình/Mà biết chấp nhận khi mọi thứ đi ngược lại chúng…/Sự thoả mãn khi bông hoa vẫn đang tươi không phải là tình yêu/Tình yêu chỉ có thể có cơ hội được nhận ra/Khi bông hoa ấy tàn/Để ta học cách chấp nhận sự thay đổi của tất cả. (Tình yêu 2, Một nửa 2)

Tình yêu là năng lượng của sự sống. Không yêu là từ chối tự nhiên: Giống như/Chiếc là từ chối quang hợp dưới ánh mặt trời./Giống như/Một bông hoa từ chối nở đúng thời điểm…/Giống như/Thượng đế quá kinh hãi trước sức mạnh của chính mình/Không dám sáng tạo. (Giống như) Nhưng, con người cần biết yêu thương vô điều kiện. (Em yêu con mèo hơn anh, và đó là sự thật, Em yêu anh) Nó cần phân biệt giữa ham muốn và tình yêu đích thực: Em không biết đây là tình yêu hay chỉ là ham muốn, /Nhưng nếu nó đang giết chết em, hẳn phải là ham muốn. (Thú nhận). Chỉ có buông bỏ ham muốn, con người mới trở lại là chính mình, mới có tình yêu đích thực được:

Ta muốn những đứa con đẹp,

Muốn một gia đình đẹp,

Nhưng đẹp và xấu chẳng còn nghĩa lý gì

Khi đẹp chỉ là những tiêu chuẩn.

 

Thoát khỏi tiêu chuẩn

Không tồn tại giống hay khác,

Hơn hay kém.

Thoát khỏi tiêu chuẩn,

Gia đình chỉ là gia đình,

Con chỉ là con,

Bạn đời chỉ là bạn đời,

Một ai đó chỉ là chính họ,

Bất cứ cái gì chỉ đơn giản là chính nó!

 

Khi thoát khỏi tiêu chuẩn,

Tình yêu bắt đầu.

 

(Đơn giản)

 

Thượng Đế được nói đến rất nhiều trong thơ Phương Đặng. Chị nhìn Thượng Đế như là tự nhiên: Trong chậu đất của những cái cây đã chết/Thượng đế vẫn gửi/Những mầm cây (Mầm cây không biết tên). Thượng Đế là sự thôi thúc bên trong:Thượng đế cho tôi làm cái tôi làm, Và tôi ngừng khi đến lúc tôi phải ngừng./Nó chỉ đơn giản là như thế. (Hồi chuông) Sự sống này là Thượng Đế bên trong bạn./Bạn không còn sợ mất mát,/Bởi bạn hiểu/Mỗi cái chết là một sự tái sinh, /Mỗi sự ra đi là một lần tái ngộ,/Thế giới bên trong mở rộng không ngừng./Mất đi một thứ có ý nghĩa gì,/Nếu sau đó ta sẽ còn được nhiều hơn thế?/Và đấy là món quà của Thượng Đế! (Khi bạn yêu) Chỉ những linh hồn nhận ra bản chất Thượng đế trong mình/mới không cần phải che đậy. (Lịch sử chỉ có một) Thượng Đế cũng là sự hướng dẫn bên trong (Tiến cười của Thượng Đế), là nguồn gốc của mọi tạo vật (Tình yêu 3), là ý chí của tự nhiên (Kế hoạch), và tinh thần trong sự sống (Không đề 2).

Phương Đặng cũng khẳng định con người cần kết nối với cái bên trong của mình, cái gốc rễ của mình (Kết nối), và nhận thức đúng hạnh phúc là gì (Hạnh phúc 1, Đủ tình yêu, Hạnh phúc 2, Khi bạn yêu, Học yêu). Phương Đặng còn nói đến rất nhiều giải pháp khác cho con người như tiếp xúc với bên trong, lắng nghe chính mình (Ngừng nói), nhìn vào sự thật (Cởi bỏ), buông bỏ ham muốn (Muốn, Hiểu), sống với sự thật về chính mình (Soi gương), nuôi dưỡng tình yêu từ bên trong (Lời tự thú của kẻ nghiện), chấp nhận tự nhiên (Mầm cây không biết tên, Phải lòng tự nhiên), nhận thức đúng về tự do (Kế hoạch), chấp nhận thay đổi (Ám ảnh  Chìa khoá, Hồi chuông, Sinh ra), nhận thức được quy luật (Hoa), nhận ra bản chất của mình (Hồi chuông), dám đi vào vùng không biết (Không biết), trung thực với chính mình (Lịch sử chỉ có một), tin ở chính mình, dám là chính mình (Ngược dòng, Ẩn sĩ), tôn trọng tự nhiên, học từ tự nhiên (Những đứa trẻ, Cây cối), nhận thức được rằng mình chỉ là một phần của tự nhiên (Tự nhiên), vv…

Như vậy, Phương Đặng đã tự đi tìm rất nhiều. Chị đã phát hiện ra những vấn đề của con người, đi tìm nguyên nhân của những vấn đề này, và cuối cùng, chị đã tìm thấy những giải pháp cho những vấn đề mà chị nhìn ra. Nếu bản thân Phương Đặng không trải nghiệm và tự học hỏi thật sự, Những vết bầm tím ngày nào cũng có/Chúng đến rồi lại đi. (Bầu trời và mặt đất), thì chị sẽ không thể viết những bài thơ này. Tập thơ cho thấy tác giả đang trong hành trình đi đến cùng để nhận thức đầy đủ về con người, và đây là một hành trình không dễ dàng.

Thơ Phương Đặng rất dễ đọc và cũng rất khó đọc. Tôi phải thừa nhận rằng để hiểu thơ Phương Đặng, phải đọc đi đọc lại. Đọc đi đọc lại là vì nó rất nhiều ý, và bài nào cũng có ý. Cả tập rất nhiều ý, thể hiện nhận thức và tư tưởng rất nhất quán của tác giả về con người. Vì thế, cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu có cả hai cách đánh giá khác nhau: thơ sâu sắc, khác biệt; và thơ khô khan, nặng nề.

Có dễ và có khó! Thơ Phương Đặng dễ đọc vì Phương Đặng chọn cách nói trực diện, đơn giản, không bóng bẩy câu chữ, không sử dùng hình ảnh cầu kỳ, không cấu tứ phức tạp. Những phát hiện rất sâu được Phương Đặng chọn diễn đạt một cách giản dị. Phương Đặng dường như chỉ tập trung vào nói cái chị cần nói, nói cái chị nhận ra ở con người và thực tại.

Thơ Phương Đặng khó đọc vì ý! Nó rất nhiều ý. Các ý tràn đầy trong cả tập thơ, chứ không chỉ ở trong các bài đơn lẻ. Nên nó đòi hỏi độc giả phải đọc kỹ tổng thể cả tập thơ và có cái nhìn xuyên suốt cả tập để nhận ra tư tưởng nhất quán của tác giả. Chất thơ của Phương Đặng không nằm ở hình thức, mà nó nằm ở ý. Phương Đặng tuyệt đối không chạy theo hình thức. Chị không chú trọng hình thức, thậm chí bỏ qua hình thức.

Thơ Phương Đặng cũng khó đọc vì nó nói những điều mà có lẽ nhiều bạn đọc không quen đọc, quen nghe, hay chưa nghe thế bao giờ. Nó đòi hỏi người đọc phải suy nghĩ. Đó có lẽ là lý do cho nhận xét thơ Phương Đặng hơi nặng nề. Chị mổ xẻ con người, chỉ ra sự ốm yếu về tinh thần của nó, những sự thật mà nhiều người đọc sẽ cảm thấy rằng: ồ, thì ra mình cũng đang có những vấn đề như thế! Nó là những điểm yếu của con người do nó không nhìn sâu được vào bên trong, không nhận ra được bản thân mình là ai. Nó cũng là nạn nhân của một nền giáo dục chỉ dạy con người “kiến thức”, mà không dạy con người hiểu chính mình.

Thơ Phương Đặng là thơ nhận thức, một kiểu thơ mà tác giả chỉ có thể viết khi nhận ra được bản chất của một hiện tượng ở con người, hay xã hội. Nó cộng hưởng với những người đọc đang có nhiều câu hỏi về chính mình, về bản chất con người, với những người đang khắc khoải đi tìm chính mình, đi tìm ý nghĩa của sự tồn tại của mình khi đời sống vật chất  của họ không còn là vấn đề nữa. Những gì Phương Đặng đặt ra là những vấn đề rất lớn của con người nói chung, con người phổ quát, chứ không phải riêng con người Việt Nam. Đi vào giải đáp những câu hỏi này cho chính mình, Phương Đặng đã đồng thời đóng góp một cách ý nghĩa cho văn học và cho bạn đọc. Con người đã đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 và đó là một sự công nhận giá trị của tập thơ này.

Điều cuối cùng, một tiết lộ nho nhỏ về tập thơ này là một số bài trong tập thơ Phương Đặng viết khi còn là sinh viên ở tuổi mới ngoài 20 tại Mỹ và viết trên blog bằng tiếng Anh của mình. Vì thế, khi xuất bản bằng tiếng Việt, các bài này đã được viết lại bằng tiếng Việt, khiến độc giả cảm giác diễn đạt đôi khi nghe nó cứ “tây tây”. Đó là một nhược điểm nho nhỏ của diễn đạt trong một số bài ở tập thơ này của Phương Đặng.

Chúng ta mong rằng Phương Đặng sẽ tiếp tục có những tác phẩm hay nữa để cống hiến cho độc giả yêu thơ!