Điều khiến tôi thích quan sát, cảm phục tinh thần lao động chữ nghĩa của La Khắc Hòa là ông luôn thể hiện sự vui, khoái thú, nhẹ bẫng với từng trang viết nhọc nhằn, khổ công. Học trò ít khi thấy ông than thở, trách móc bản thân như thường thấy ở những ông giáo hay ưu tư, mẫn cảm với phận sự làm kẻ sĩ, trí thức ở đời.


NHÀ LÝ LUẬN VĂN HỌC BIẾT CƯỜI

MAI ANH TUẤN

Quãng đầu năm 2005, Khoa Ngữ văn (Đại học Sư phạm Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học về văn học Việt Nam sau 1975. Hôm ấy, mặc dù có khá nhiều báo cáo nhưng cậu sinh viên năm cuối là tôi chỉ chú mục nội dung lẫn cách trình bày của tác giả tham luận “Nhìn lại những bước đi. Lắng nghe những tiếng nói”. Cách ông nhấn nhá từng ý, tay vung dứt khoát, giọng rổn rang và nụ cười sảng khoái mỗi khi nhắc đến những “tiếng hét”, “tiếng thét” trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa khiến tôi quá đỗi ngạc nhiên và ấn tượng mãi.

Tôi không nghĩ một nhà giáo mô phạm, một người nghiên cứu lí luận văn học thâm niên, lại có thể, giữa hội thảo đang tỏ ra nghiêm ngắn và cẩn trọng phát ngôn ấy, tự biểu đạt mình thoải mái, có phần đùa tếu, và hết sức bay bổng các quan điểm sắc sảo vốn dĩ đòi hỏi người nghe cũng phải thật cởi mở, trọng đa chiều mới đón nhận một cách thấu đáo.

1.

Tôi đã đọc lại nhiều lần tham luận đó. Tinh thần chung của nó là chỉ ra sự khác biệt căn bản giữa văn học trước và sau 1975 trên phương diện “tiếng nói, giọng nói của các giai đoạn”. Theo tác giả, nhờ có tiếng nói, điệu giọng riêng mà tư tưởng nghệ thuật trong sáng tác văn chương của các thời đại “tìm thấy được hình thức biểu hiện cụ thể, cảm tính”, đồng thời, hình thành phong cách, bản chất thẩm mĩ của chính thời đại mình. Trước 1975 thì có “một giọng nói rất to thống ngự”, với nhiều biểu hiện khác nhau, khi “hét” (“Ta hét huyên thuyên ta chạy khắp nhà”), khi “thét” (“Tiếng Người thét mau lên gươm với súng”), khi lại “hát” (“Tiếng hát con tàu), rồi “ca” (“Bài ca xuân 61”, “Bài ca xuân 71”), tiếng “đại bác” (Đất nước ta ơi/Xin bắn hai mươi phát đại bác vang trời/Chào xuân 1967!”).

Còn sau 1975, đặc biệt là giai đoạn Đổi mới (1986), xuất hiện ngày càng nhiều “tiếng nói nhỏ, nói thầm” trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Châu Diên,…Trước 1975, văn học sử thi “biến tiếng nói thành tiếng hát”, sau 1975, văn học thế sự “chuyển tiếng nói thành tiếng cười trào tiếu, giễu nhại”. Đi theo góc nhìn phân tích và so sánh như thế, bài tham luận, quả thật, đã giúp công chúng hình dung rõ hơn tính chất bước ngoặt trong tiến trình văn học Việt Nam từ sau 1945 đến 1975, một tiến trình, bởi nhiều lí do khác nhau, đã không thể tự đặt định, tạo dựng những tiếng nói trung thực và đa dạng nhất. Một gợi dẫn khác mà tham luận này đặt ra là sự phân chia làm ba chặng của văn học Đổi mới (1975-1985, 1986-1991 và 1992 đến nay), trong đó, ở chặng hai, “giai đoạn sôi nổi nhất”, theo tôi, có những cơ sở và điểm thuyết phục nhất định.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu La Khắc Hòa, tác giả của tham luận đó, thật ra, đã viết về văn học Đổi mới ngay thời điểm văn đàn đang thảo luận sôi nổi nhiều hiện tượng văn học mới cuối thập niên 1980. Dưới bút danh Lã Nguyên, ông đã viết một số bài mà mức độ trao đổi, đề đạt ý kiến khá thẳng thắn và chính xác như Vì một quá trình văn học tương lai, Nghĩ về vấn đề hiện đại hóa lý luận văn học, Lý luận văn học phải trở thành lý luận lịch sử, Văn học Việt Nam trong bước ngoặt chuyển mình,…

Quan sát và trải nghiệm không khí đổi mới văn chương trực diện như vậy nhưng Lã Nguyên không kéo dài việc đăng đàn báo chí, nơi nhiều “cả giọng” bấy giờ dường như đều xuất thân hoặc dính dáng đến khoa học lí luận văn học như ông. Rút lui và rồi trở thành người “chậm phẩm”, đúng hơn là người muốn thể hiện sự kĩ lưỡng và hứng thú đặc biệt với những vấn đề, tác giả văn chương độc đáo, mãi đến năm 2018, khi đã ở tuổi thất thập, Lã Nguyên-La Khắc Hòa mới ra cuốn sách nghiên cứu, phê bình đầu tay: Phê bình kí hiệu học. Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ. Ông đã loại bớt các bài viết thời vụ và chọn lựa, hết sức tập trung, các tiểu luận nghiên cứu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa (HTXHCN) và văn học Đổi mới trên tinh thần vận dụng tri thức lí thuyết kí hiệu học (Semiotics). Chậm công bố sách, thành thử, cũng cách để ông cố gắng bồi đắp hiểu biết lí thuyết đến nơi đến chốn, hơn nữa, còn tính toán gài đặt chúng làm cơ sở nền tảng sao cho các phát hiện, kiến giải văn chương của mình có nét riêng, hấp dẫn và mới mẻ.

Trong Phê bình kí hiệu học, La Khắc Hòa trở lại với nhiều hiện tượng văn học thời Đổi mới mà cá tính nghệ thuật của họ vẫn còn đầy thử thách đọc đến hôm nay như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Xuân Khánh. Ông cũng tỏ ra nhanh nhạy giới thiệu, đánh giá bước đầu những biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam. Nhưng cuốn sách dường như không lấy văn học Đổi mới làm trọng tâm, kể cả khi ông trình bày, diễn giải rất thú vị về ngôn ngữ văn chương Nguyễn Huy Thiệp, tác giả đã tạo ra “bước ngoặt của văn học Việt Nam sau 1975” theo nhìn nhận của ông. Trọng tâm và là phần có giá trị tham khảo nhất của cuốn sách, với tôi, lại thuộc về những phân tích, nghiên cứu văn học HTXHCN qua các tiểu luận công phu: Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như một hệ hình giao tiếp nghệ thuật; Nguyên tắc vẽ tranh, tạc tượng đài và chủ nghĩa hiện thực thị giác trong văn học Việt Nam trước 1975; Diện mạo văn học Việt Nam 1945-1975 (Nhìn từ góc độ thi pháp thể loại); Nguyễn Tuân – Nhà văn của hình dung từ. Có lẽ việc La Khắc Hòa “tái hồi” trở lại di sản văn học mà bản thân đã từng gắn bó như bao người, từng giảng dạy không thể khác như bao đồng nghiệp cùng thời, là một chủ ý lựa chọn của ông, một thúc đẩy khoa học và cả những suy ngẫm thời thế đã thật sự chín muồi, thấm thía trong ông.

Viết về văn học HTXHCN, do đó, còn là cuộc viết về chính người đọc trước đây của mình, về những nhầm lẫn và vội vàng không thể tránh khỏi trong thời đoạn quá nhiều đồng thuận mà lại quá ít phản biện, phản bác. Dĩ nhiên, La Khắc Hòa, dù đã có độ lùi thời gian đáng kể, vẫn không hướng vào mục tiêu phủ nhận hay hạ thấp giá trị nghệ thuật và đóng góp xã hội của văn học HTXHCN (mà ở giai đoạn Đổi mới, từng có nhiều người mạnh mẽ nêu lên). Trước sau, ông coi văn học HTXHCN là hệ hình giao tiếp nghệ thuật đã thuộc về quá khứ, và việc của ông là tìm lại, hệ thống hóa và phân tích đặc trưng của hệ hình đang bị bỏ quên ấy. Ít hàm chứa thái độ đánh giá thành bại và hay dở, càng không sa vào tiếc nuối và thương cảm, ông thiên về miêu tả, phát hiện các đặc điểm đã từng được qui phạm hóa trên nhiều cấp độ của văn học HTXHCN.

Tôi nghĩ, nhờ những phát hiện và lối viết sáng láng, đôi khi hóm hỉnh, hí lộng của ông, người đọc hôm nay có thể sẽ thiện cảm hơn với văn học HTXHCN, thể tất và chấp nhận cả những dị thường khác đời của nền văn học nảy sinh trong bối cảnh đặc biệt ấy. Với những ai còn đau đáu, thiết tha văn học HTXHCN, cuốn sách cũng không làm họ cảm thấy mếch lòng, chột dạ, ngược lại, mời gọi họ nhìn lại các điểm khả thủ, các chiêu thức đắc địa nếu muốn vận hành một nền văn học phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu, tuyên truyền các đường lối, chủ trương chính sách.

2.

Theo La Khắc Hòa, khi nghiên cứu loại hình giao tiếp nghệ thuật thì phải trả lời lời được bộ ba câu hỏi: ai nói? nói với ai? nói kiểu gì? Áp vào văn học HTXHCN (mà thơ Tố Hữu là đại diện tiêu biểu), ông nhận ra “hình tượng người chiến thắng” là chủ thể của mọi phát ngôn. Tiếng nói này biểu lộ xoay quanh bốn kiểu nhân vật-kí hiệu: lãnh tụ anh minh, mẹ vĩ đại, chúng con chiến đấu anh hùng và kẻ thù-bầy thú man rợ. Mô hình tổ chức này không chỉ phù hợp với chức năng tuyên truyền, giáo dục mà còn dần trở thành bộ công cụ để con người, đời sống xã hội cùng biểu đạt những nội dung ý thức hệ rõ ràng, dứt khoát và đồng nhất. Để sự biểu đạt này có thể lan rộng, dễ thấy dễ hiểu, các nhà văn tập trung sử dụng chuỗi hình tượng “kí hiệu thị giác”, “tấm áp-phích”, “tạc tượng đài” thông qua lớp ngôn từ giàu hình ảnh, màu sắc.

Văn học HTXHCN trước 1975, La Khắc Hòa nhìn nhận, “không thua hội họa trong việc vẽ tranh. Nó cũng không chịu thua điêu khắc trong nghệ thuật tạc tượng đài”. Từ đó, về mặt phong cách, La Khắc Hòa coi văn học HTXHCN là “chủ nghĩa hiện thực thị giác”. Đây là một định danh có lẽ cần được nghiền ngẫm thêm và cần những khảo chứng tỉ mỉ khác. Nhưng tôi cho rằng đó là phát hiện tài tình, đúng thể tạng tư duy và diễn đạt của La Khắc Hòa: ngắn gọn, rõ ràng và thường xuyên chêm xen giọng điệu trào tiếu, uy-mua với chính phát hiện của mình để người đọc không bị ngợp trước các khái niệm, lí luận phức tạp, kinh viện.

Ông cũng ít trích dẫn sách vở, bày biện các tên tuổi Âu Tây thời thượng. Lối viết phê bình của ông coi trọng sự chuyển hóa nguồn lí thuyết đầu vào thành phát kiến, phát ngôn cá nhân hơn là lấy chúng làm bệ đỡ, viền khung cho những lập luận chờn vờn thiếu sắc nét như thường gặp ở thực trạng phê bình văn học Việt Nam hiện nay.

Trong văn học HTXHCN, các tiếng nói và ngôn ngữ tác giả tuy biểu lộ khác nhau nhưng bản chất là gần gũi, trùng khít nhau. La Khắc Hòa chọn thơ Tố Hữu và văn xuôi Nguyễn Tuân, hai trường hợp thoạt tiên tưởng như đối lập và cũng từng được nhiều người nghiên cứu cho là riêng khác, để chứng minh mức độ tương đồng trong tư duy ngôn ngữ và tư tưởng nghệ thuật của họ. Nếu Tố Hữu thuần thục và tạo ra cả một hệ thống điển phạm cho văn học HTXHCN nhờ tái dụng truyền thống từ chương của văn học trung đại với bốn mô thức tu từ là “Thệ”, “Hịch”, “Ca thi”, “Đại cáo” thì Nguyễn Tuân lại đóng góp vào trường nghĩa văn học HTXHCN nhờ tài hoa sử dụng “kho hình dung từ” nằm trong bốn phạm trù thẩm mĩ truyền thống: kì, quái, chí, tuyệt. Toàn bộ sáng tác của Nguyễn Tuân, theo ông, là chỉnh thể của bốn hình tượng truyện kể: kì nhân, kì thú, kì quan, quái nhân, riêng kì quan và quái nhân là truyện kể về “chúng ta”, “chúng nó”, về “Tổ quốc và kẻ thù”.

Như vậy, ngay cả một nhà văn cá tính và luôn tìm cách chứng tỏ mình trong hệ biểu đạt khó lẫn như Nguyễn Tuân thì văn chương của ông vẫn chẳng tài nào vượt thoát từ trường văn học HTXHCN. Nhưng Tố Hữu và Nguyễn Tuân tồn tại không để bổ sung đặc sắc cho nhau mà thực tế là để cùng nhau hình thành qui phạm văn học HTXHCN. Bởi thế, văn học HTXHCN cũng có thể xem là một bè chủ, độc điệu được duy trì qua nhiều thế hệ cầm bút.

Khi đọc những phân tích, khái quát của La Khắc Hòa về Tố Hữu và Nguyễn Tuân, tôi đồ rằng ông cũng muốn tiếp nối công việc nhận thức lại quan điểm về tác phẩm văn học. Trước đây và cả hiện tại, chúng ta vẫn coi tác phẩm là sáng tạo ngôn từ của một nhà văn cụ thể. Nhưng La Khắc Hòa, từ góc nhìn kí hiệu học văn hóa, xem tác phẩm là “thế giới của những lời nói”, mà lời nói ở đây “chính là sự phát ngôn thể hiện nhãn quan giá trị của những nhóm xã hội khác nhau với tư cách là những chủ thể giao tiếp thẩm mĩ”. Cho nên, mỗi một tác phẩm văn học, qua thao tác giải phẫu của ông, không tồn tại biệt lập mà đều đan cài những mạng nghĩa của thời đại nó thuộc về. Đây chắc chắn là gợi mở thiết thực cho giới nghiên cứu và giảng dạy văn học, nhất là văn học nhà trường phổ thông, tìm đến giải mã nghĩa văn bản văn học không chỉ từ cảm tính chủ quan, mà còn bằng cả khoa học kí hiệu, một công cụ hình thành thói quen minh định văn bản nghệ thuật sao cho có sở cứ nhất.

3.

Sinh năm 1947, La Khắc Hòa thuộc thế hệ tiếp nhận “trọn gói” hệ thống lí luận văn học Xô-viết được dẫn nhập, phổ biến qua nhiều kênh khác nhau ở miền Bắc vào thập niên 1960-1970. Một thời, không ít người nghiên cứu coi việc bản thân gặp gỡ, thụ giáo hệ thống lí luận này như cá gặp nước, và họ sẽ ung dung kéo dài trường tri thức đó cho đến hôm nay. Tuy nhiên, cũng có một số nhà nghiên cứu, từ giữa thập niên 1980, đã nhận ra những điểm hạn chế, lạc hậu của hệ thống lí luận văn học HTXHCN.

Là người giảng dạy đại học nhiều năm, có lẽ La Khắc Hòa cũng từng lâm vào cảm giác “bỏ thì thương vương thì tội” trong khi hướng dẫn người học hiểu đúng các tri thức lí luận văn học trước đây. Do vậy, thay vì “đoạt tuyệt” đến mức cực đoan, ông chọn cách hợp lí hơn theo kiểu ôn cố tri tân. Một mặt, ông khuyến khích học trò thực hiện các luận văn, luận án có sử dụng lý thuyết hiện đại như diễn ngôn, hậu hiện đại, kí hiệu học...

 Mặt khác, ông tự mình dịch thuật, giới thiệu khá hệ thống một số lí thuyết mà ông tâm đắc, trong đó, quan trọng và tác động đến giới khoa học nhân văn nhiều hơn cả là kí hiệu học văn hóa. Các cuốn sách dịch, giới thiệu của ông mươi năm qua như Lý luận văn học – Những vấn đề hiện đại (2012), Kí hiệu học văn hóa (2015), Lý luận văn học Nga hậu Xô-viết (2017), đều được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Cũng cần nói thêm rằng, việc ông quan tâm giới thiệu lí luận văn học Nga (thời) hậu Xô-viết hẳn là để truyền dẫn một thực tế phổ biến: từ sau 1991, “hệ thống lí luận Xô viết chính thống trở thành hiện tượng lịch sử một đi không trở lại […] hệ hình lí luận văn học lấy phản ánh luận Mác-Lênin và giai cấp luận làm điểm tựa dường như đã hoàn toàn biến mất”. Như thế, ngay tại quê hương của văn học HTXHCN, lí luận văn học chính thống Xô-viết đã mất hết quyền uy, nhường chỗ cho những học giả thế hệ mới nỗ lực bắt nhịp cùng đời sống khoa học phương Tây. Đặc điểm này cũng có thể nhìn thấy trong một bộ phận nhỏ những nhà nghiên cứu, lí luận văn học mang tư duy cấp tiến ở Việt Nam mà La Khắc Hòa là trường hợp bền bỉ.

Nhưng điều khiến tôi thích quan sát, cảm phục tinh thần lao động chữ nghĩa của La Khắc Hòa là ông luôn thể hiện sự vui, khoái thú, nhẹ bẫng với từng trang viết nhọc nhằn, khổ công. Học trò ít khi thấy ông than thở, trách móc bản thân như thường thấy ở những ông giáo hay ưu tư, mẫn cảm với phận sự làm kẻ sĩ, trí thức ở đời. Còn bạn bè, đồng nghiệp thì ít bắt gặp ông kiệm lời cho “ra dáng” nhà lí luận hàn lâm. Ở đâu ông cũng hào hứng chia sẻ, “sô lô” dẫn chuyện và dẫn chứng rất sôi nổi, xôm trò.

Tếu táo không hẳn là “kí hiệu” của ông. Nhưng ông biết đùa, biết gây cười lẫn “gây sự” để người nghe nghĩ thêm về vấn đề mới, nghĩ mới về vấn đề cũ. Biết cười, với bậc thức giả, cũng là biết cả mơ mộng, kì vọng và giới hạn của mình. Nếu không có phẩm chất này thì ông không gắng sức giữa lúc ốm đau để viết bằng xong chuyên luận Nguyễn Duy, nhà thơ hiện đại Việt Nam (Thực hành phân tích diễn ngôn văn học). Nguyễn Duy được ông chứng minh là tác giả đi lệch khỏi dòng mạch văn học HTXHCN mà một biểu hiện rõ nét, theo La Khắc Hòa, là “giọng hài hước, cảm thương”. Quả là thơ Nguyễn Duy có giọng hài hước, tự giễu tự trào, thật đích đáng cho người tri âm La Khắc Hòa bộc bạch sở trường của mình.

Mấy năm nay, trong các sự kiện học thuật khác nhau, ông thường “bắt cặp” với GS. Trần Đình Sử, sư biểu danh tiếng bậc nhất của Văn khoa Sư phạm. Hai thầy “tuổi cao tóc bạc cái râu bạc” nhưng vẫn song kiếm hợp bích trong mỗi tọa đàm, thảo luận. GS. Trần Đình Sử thì tự dịch chuyển ra “đường biên của lí luận văn học” còn PGS.TS La Khắc Hòa thì vẫn trên “hành trình tái thiết ngôn ngữ”, những kiểu ngôn ngữ nghệ thuật đã mất, đã hóa thạch theo thời gian. Ấy nhưng, thầy Hòa vẫn sẵn lòng giao du, đàm đạo với “cánh trẻ”, với lớp học trò đang tập tọng viết lách nghiên cứu như tôi. Nhưng thật tình, dù tôi có thêm tí tuổi đầu thì mỗi lần gặp, nghe thầy Hòa bàn luận, tôi vẫn như cậu sinh viên năm cuối ngày nào chăm chú đón nhận từng điệu bộ, lí lẽ của thầy.

Thời gian không cho tôi được thơ dại mãi song nó cũng hào phóng để tôi được vỡ vạc đôi điều, vỡ lẽ thêm chút ít nhờ học thầy, đọc sách thầy. Và đâu đó, giữa những trang sách dồi dào ý tưởng của thầy, tôi lại nghe tiếng thầy cười vui khoái, như một nguồn năng lượng tích cực, khiến tôi mơ mộng và cả tin nghĩa lí của văn chương, của nghề dạy mà mình đang tự vận vào.