Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu tính khí trầm hậu, ưu tư nhưng hóm hỉnh. Cái gì cũng biết mà không nói. Có nói thì nói vào thơ. Không to giọng. Càng không ồn ào. Cứ thủng thẳng thế thôi mà tận cùng bờ bãi.
NGUYỄN ĐỨC MẬU VẤN
VƯƠNG HƯƠNG ĐẠI, HƯƠNG SEN
PHÙNG VĂN KHAI
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu là cha chú của tôi, hiền như đất,
hiền như đôi mắt. Mà mở ra thanh thoát xa khơi.
Nguyễn Đức Mậu quê ở đâu ta? Quê chính là Nhà số 4 chứ
đâu. Ở nơi hương đại, hương sen thoang thoảng trăm năm, người đi mây trắng vòm
xanh sóc nhỏ nâu tròn mắt biếc. Ở nơi tiếng súng ì ùng chưa vơi đến mức người
lính “màu
hoa đỏ” ra đi từ ấy không
về.
Nguyễn Đức Mậu làm thơ thời tôi còn chưa sinh ra, vào
chiến trường từ khi tôi còn là hạt bụi, vậy đó mà sao sau này thi thoảng bia
hơi rượu vang, tôi lại thấy thật gần.
Nhưng chưa bao giờ tôi gọi Nguyễn Đức Mậu bằng anh.
Bao giờ cũng gọi nhà thơ bằng chú. Chú cháu với nhau từ trại viết Đồ Sơn năm
1995 một mạch đến bây giờ.
Thơ Nguyễn Đức Mậu rất hay.
“Hà Nội chiều
nay nắng vừa đủ nắng
Gió cũng vừa đủ gió để rung cây
Mặt hồ rộng thực hư làn khói mỏng
Rượu bạn mời tôi uống cũng vừa say”
Những câu thơ vừa loang xa vừa chừng mực. Đó là thơ
hay.
“Nơi tôi ở hoa đại rơi trắng đất
Có ai nhìn hoa nghĩ tóc bạc trên đầu
Cái hòm thư mới một lần sơn lại
Bác gác cổng già năm trước giờ đâu”
Ôi chao! Thơ đâu cần cao xa triết lý hoặc như câu chữ
bí hiểm vòng vèo. Cứ một mạch tả chân mà hay mới là khó. Như Dòng tên anh khắc
vào đá núi chẳng hạn. Như Tóc em dài buông xõa xuống mùa thu chẳng hạn. Thì hay
là hay thôi. Như Mưa rơi không cần phiên dịch vậy.
Nguyễn Đức Mậu sinh năm 1948 tại xã Nam Điền, huyện
Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường rồi về Văn Nghệ Quân
Đội một mạch đến lúc nghỉ hưu. Những bài
thơ từ chiến trường gửi ra luôn thấm đẫm mùi đạn bom và đôi khi là máu xương đồng
đội. Những bài thơ ấy khi in trên Văn Nghệ
Quân Đội
là sung sướng tột cùng của người chiến sĩ. Khi lần đầu tiên tới Văn Nghệ Quân
Đội, Nguyễn Đức Mậu đã phải rụt rè mấy lần
trước cổng Nhà số 4 mới dám nhấn chuông. Vô cùng đặc biệt, người đàn ông cao lớn
từ trong phòng khách đi ra mở cổng đón nhà thơ trẻ Nguyễn Đức Mậu chính là Tổng
Biên tập Thanh Tịnh.
Thanh Tịnh - một nhà thơ tiền chiến nổi tiếng với câu
thơ nhiều người còn nhầm tưởng là thơ của Bác Hồ “dễ trăm lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong” và một câu khác cũng giống như ca dao
đúng với thân phận cuộc đời Thanh Tịnh: “Trải
qua mấy chục năm trường/ Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân”. Nguyễn Đức Mậu đã sớm được tiếp xúc với
những nhân vật lẫy lừng từ lâu hâm mộ. Đó là Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Xuân Sách,
Nhị Ca, Văn Thảo Nguyên, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu... Đến nỗi, anh lính Sư
đoàn bộ binh Nguyễn Đức Mậu tưởng như còn đang nằm chiêm bao vậy.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu tính khí trầm hậu, ưu tư nhưng
hóm hỉnh. Cái gì cũng biết mà không nói. Có nói thì nói vào thơ. Không to giọng.
Càng không ồn ào. Cứ thủng thẳng thế thôi mà tận cùng bờ bãi. Ông rất sợ thơ dở.
Cuộc đời ông đã phải đối diện với biết bao bài thơ kém chất lượng gửi đến. Phải
đọc nó. Phải loại bỏ và đau đớn. Thiên hạ ai đua nhau làm thơ để khổ thân người
biên tập như ông. Ông đọc. Ông đãi khối đất cát, đá sỉ ấy để lựa ra những hạt
vàng siêng nhặt. Hơn nửa thế kỷ là như vậy. Cứ nhìn ông như chiếc lá xô nghiêng
chiều phố Lý Nam Đế thấy thật thương ông. Miếng ngon miếng ngọt chẳng biết gì,
chỉ chút bài thơ của mấy vị to mồm yếu thơ mà ông loại bỏ chúng lại rú lên, vây
bủa la hét để chiếc lá nghiêng Nguyễn Đức Mậu càng lạnh đi trong chiều gió thổi.
Cơ mà kiếp nhà thơ là vậy. Kiếp biên tập thơ là như thế.
Chúng tôi làm nghề biên tập luôn buốt đến tận xương, đôi khi lạnh cả sống lưng
trước những “đại ca” viết ẩu ngày càng đông đúc như rừng.
Nguyễn Đức Mậu là người chừng mực, đôi khi là “thừng mực”.
Nghĩa là rất thẳng và nóng tính. Nhưng chân thành, chí thiết và nghĩa khí. Đừng
bao giờ nghĩ là dễ bắt nạt các nhà thơ trong cuộc sống hoặc trên văn bản văn
chương. Các nhà thơ cứ lơ tơ mơ vậy mà lập pháp, lập quốc như chơi. Có người
còn nổi dậy khởi nghĩa như Cao Bá Quát.
Nguyễn Đức Mậu là nhà thơ “cứng cựa” còn lại của lớp
chống Mỹ. Bỏ ông ra đội ngũ có kẽ hở ngay. Địch lọt vào? Không đâu! Nhưng vắng
ông và Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Thi Hoàng là gay lắm. Ông là cây cột lớn trong
ngôi đền thơ phú trăm năm.
Tôi cho rằng cái cách Hữu Thỉnh ứng xử với đồng lứa
văn chương là diệu kế. Thấu lý đạt tình. Suy bụng ta mà ra. Ngẫm kiếp người mà
sống vậy. Sau Hữu Thỉnh, e rằng là khó. Bởi đã có sự vênh nhau. Sự quả quyết
không cần thiết đã xé các nhà thơ chống Mỹ ra. Điều này là một sự buồn.
Nguyễn Đức Mậu lá nghiêng bay cũng buồn chứ nhỉ? Dòng
tên anh khắc vào đá núi cũng xao buồn là lẽ sống trong kiếp nhân sinh. Lứa thơ
chống Mỹ kiên gan là vậy mà cũng rất biết giá của buồn đau. Đến mức một hôm,
tôi đã viết về các ông như sau:
Ai kia định ngôi dân nước
Ai kia cỏ nội hoa hèn
Người nối người lên bát ngát
Đang về thắm thiết như sen
Mùa màng xôn xao tim mực
Máu còn âm ỉ xanh cây
Từng trang, từng trang kết ngọc
Xác thân thầm vào đất đai
Kẻ non xanh đi khuất khuất
Gửi đá ven đường chiến công
Người lấy thân làm tre trúc
Bên cầu nước chảy bâng khuâng
Ai người cát non kê biển
Tổ quốc u oa đánh vần
Ai người đọc lời ai điếu
Đường khuya đá sỏi phân vân
Ai tự khoác vào tai ách
Trâu cày ngựa cưỡi gươm khua
Ai kia nửa chừng buông bút
Lặng im như thóc trong bồ
Ai còn nhân tình vương lại?
Giọt máu đào thơm bến sông
Ai người oan khiên ngậm bóng
Mây xa thanh thản hư không…
Nguyễn Đức Mậu như cây cầu độc mộc còn sót lại sau nắng
mưa giông gió, đúng như ông từng viết: “Nơi tôi ở vắng Thâm Tâm, Trần Đăng,
Thôi Hữu, Nguyễn Thi...
Lớp nhà thơ, nhà văn một thời đi kháng chiến. Trang bản thảo nằm trong ba lô,
những nhân vật câu thơ là mẫu quặng. Căn hầm thay phòng viết, ngọn đèn thắp bằng
nhựa cây cháy sáng mặt trời. (Những nhà thơ, nhà văn ăn khẩu phần lính trận, ngủ
gối đầu rễ cây, bao gạo. Đường kháng chiến hiểm nghèo đèo dốc. Đường văn chương
bạc tóc đêm dài. Cây bút và khẩu súng. Các anh quên mình đã có một thời trai).
Những trận sốt rừng, những viên đạn giặc, đã tràn vào
trang viết dở dang. Nhà văn hy sinh, nhường khát vọng đời mình cho nhân vật.
Máu thấm đất, máu chảy vào trang viết, máu thay cho đoạn kết không lời. Nhà thơ
hy sinh như ngọn lửa cháy hết mình để tự hóa thân. Trên vuông đất bia khô cằn
đá sỏi, những câu chữ như hạt cây sót lại, ngôn ngữ cỏ xanh tự chắp nên vần.
Cây đại già làm một chứng nhân, ngôi nhà các anh giờ
chúng tôi đến ở. Căn phòng cũ mấy lần thay ổ khóa. Lớp nhà thơ mang áo lính nhiều
thêm.
Trái tim các anh, khoảng đất nào xa lắc. Trái tim đập
phập phồng trên trang sách chẳng bình yên”.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thấm thoắt đã bước vào U80 mà
xem ra vẫn còn nặng nợ với thơ ca chữ
nghĩa lắm. Lứa các ông dường như đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Những gì cần viết ra, nói ra thảy đều trân trọng được bày lên mặt giấy. Chỉ
riêng với bài thơ “Màu
hoa đỏ” thôi đã xứng đáng
một cống hiến, một tài năng không thể lẫn vào đâu với nhân dân và Tổ quốc. Tổ
quốc và nhân dân cần lao đã hy sinh vô bờ bến thực rất cần những câu thơ như
trong Thời hoa đỏ. Vẻ đẹp của người lính trong “Màu hoa đỏ” đã như những hình ảnh đạt tầm biểu tượng
của sự hy sinh:
Có người lính
Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính
Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về
Dòng tên anh khắc vào đá núi
Mây ngàn hóa bóng cây che
Chiều biên cương trắng trời sương núi
Mẹ già mỏi mắt nhìn theo
Việt Nam ơi! Việt Nam!
Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con
Việt Nam ơi! Việt Nam!
Ngọn núi nơi anh ngã xuống
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa
Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn.
Đó cũng là nỗi niềm của hương đại, hương sen.