Những người cầm bút thuộc giới trẻ ngày nay có thể có người còn lạ với cái tên Nam Trân, nhưng từng có một thời tên tuổi nhà thơ của miền Trung này được đề cập khá nhiều trên thi đàn, đặc biệt là trên thi đàn của phong trào Thơ mới.


CÓ MỘT NHÀ THƠ NHƯ THẾ CỦA MIỀN TRUNG

NGÔ THÚY HẠNH

Sinh năm 1907 tại làng Phú Thứ Thượng (nay là xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nhà thơ Nam Trân có tên thật là Nguyễn Học Sỹ. Lúc nhỏ học chữ Hán nhưng sau đó lại theo Tây học (học tại trường Quốc học Huế, rồi trường Bưởi ở Hà Nội) và khi tốt nghiệp tú tài, Nam Trân được tuyển đi làm tham tá cho Tòa khâm sứ Huế, tiếp theo làm tá lý của Bộ Lại (tòng tam phẩm) rồi thị lang Bộ Lại (chánh tam phẩm), cuối cùng đảm nhiệm chức Án sát tỉnh Bình Định. 

Là một vị quan triều đình nhà Nguyễn chịu ảnh hưởng không ít của Nho học, nhưng trong sáng tác thơ ca, Nam Trân lại là người rất nhạy bén với cái mới và ủng hộ phong trào Thơ mới. Trên tuần báo “Sông Hương” (số 2, ra ngày 8/8/1936), Nam Trân đã có bài thơ “Bỏ quách lối thơ xưa”, một bài thơ đã thể hiện rất rõ quan niệm của ông về thơ trước đòi hỏi phát triển của thời đại. Ở đó, ông kêu gọi “Bỏ quách lối thơ xưa/Vì nó chẳng hợp thời/Luật Đường xin gói lại/Đem trả chú con Trời”. Bài thơ không chỉ tỏ ý phê phán sự gò bó từ nguồn cảm xúc, thể thơ, ngôn ngữ, vần, luật đến hệ thống chủ đề, nội dung hiện thực, điển tích, điển cố… của các thể thơ Trung Quốc, mà còn khẳng định sức sống của quốc văn và thơ mới:

 Ở thế giới cạnh tranh

Quốc văn cần giải phóng

Khuôn khổ, vứt đi thôi!

Hoạt động giành lấy sống

Chữ ít ý tứ nhiều

Nhạc luật tùy tác giả

Người hát cũng như chim

Lắm điệu hay và lạ

Hướng về thơ mới, đề cao thơ mới và khai thác những nét mới, nên ngay từ khi có thơ đăng trên các báo và tạp chí như: “Nam phong tạp chí”,  “Văn học tạp chí”, “Tràng An”, “Sông Hương”, “Phong hóa”, “Tân tiến”… Nam Trân đã được giới cầm bút và độc giả đánh giá khá cao. Đặc biệt, vào năm 1939, tập thơ “Huế, Đẹp và Thơ” của ông  do Nhà xuất bản Trung Bắc Tân văn xuất bản và phát hành đã đưa ông lên một vị thế mới của thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ.  Nhà văn, nhà thơ Phan Khôi khi đề cập tới bốn bài  thơ “Trước chùa Thiên Mụ”, “Huế, mưa dầm”, “Huế, mùa hạ”, “Huế, mùa hạ II”), đã khẳng định: “Tôi dám chắc bạn đọc khi vồ lấy bốn bài nầy ở đây được rồi, cứ ngâm đi ngâm lại mà không thấy chán. Liền đó, bạn phải nhận cho tác giả của nó là một thi nhân số một, số hai ở hiện thời, liệt vào với Thế Lữ, Huy Thông, Lưu Trọng Lư, không đến làm cho mình phải thẹn, vẫn biết rằng tài điệu riêng mỗi người mỗi lối, cảm hứng mỗi người đi mỗi đường...”.

Còn Hoài Thanh, Hoài Chân, trong công trình nghiên cứu nổi tiếng của mình “Thi nhân Việt Nam 1932-1941”, khi chọn 46 nhà thơ và tuyển 169 bài thơ để giới thiệu thì Nam Trân đã được chọn 7 bài. (Số lượng này bằng với Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, và chỉ sau Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu). Không chỉ giới thiệu nhiều bài thơ, trong lời bình, Hoài Thanh cũng đã dành cho Nam Trân những lời nhận xét rất trận trọng, trong đó có đoạn: “Lối thơ tả chân vốn xưa ta không có. Đây đó rải rác cũng nhặt được đôi câu, nhưng đến Nam Trân mới biến thành một lối… Tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân… Thiết tưởng vì tình láng giềng đất Quảng Nam không thể gửi ra xứ Huế món quà nào quý hơn nữa: lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ”.

Nam Trân làm thơ không nhiều,“Huế, Đẹp và Thơ” là tập thơ duy nhất do ông sáng tác được xuất bản. Sở dĩ, Hoài Thanh khen “Tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân” là do trong toàn bộ tập thơ của mình, gồm 37 bài, Nam Trân đã có khá nhiều bài viết về Huế với một giọng điệu rất riêng. Không ít nhà thơ cùng thời viết về Huế, song phần nhiều đều khai thác vẻ trầm mặc của kinh thành cùng những u hoài hay bày tỏ nỗi cô đơn hoặc lãng mạn giữa xứ sở mộng mơ, thì thơ của Nam Trân viết về vùng đất này, mỗi nơi, mỗi cảnh là một bức tranh sinh động hòa quyện giữa cảnh đẹp thiên nhiên với nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân. Đó là mùa đông về trên cánh đồng An Cựu, với những câu thơ ngắn, tựa như vài nét chấm phá ban đầu của một bức ký họa nhưng vô cùng ấn tượng:

Lá bàng

Như lá vàng

Rụng

Ôi! đìu hiu

Cánh đồng

Cảnh chiều

Đông!

Ruộng ngập mênh mông

Nước phẳng

Cò bay, yên lặng

Quanh đồng…

(Mùa đông cánh đồng An Cựu)

Còn đây, một đêm hè của Huế được Nam Trân miêu tả bằng những ngôn từ dung dị nhưng thật sinh động qua bài thơ “Huế, đêm hè”. Đọc bài thơ ta có cảm giác như tác giả đang sử dụng chiếc máy quay, quay từ xa để giới thiệu toàn cảnh “Trời nóng băm bốn độ/Đèn, sao khắp đế đô/Mặt trăng vàng, trỏn trẻn/Nấp sau nhánh phượng khô/Ba nhịp cầu Tràng Tiền/Đứng dày người hóng mát/Ngọn gió Thuận An lên/Áo quần kêu sột sạt/Đủng đỉnh chiếc thuyền nan/Qua, lại bến sông Hương/Tiếng đờn chen tiếng hát/Thánh thót điệu Nam Bường”, và cuối cùng là một cận cảnh đầy thú vị:

Hai tay xách hai vịm

Một vài mụ le te,

Tiếng non rao lảnh lói:

Chốc chốc: “Ai ăn chè? 

Viết về Huế, thơ Nam Trân đề cập đến nhiều địa danh, mỗi địa danh là một bức tranh. Đó là “Trên núi Ngự Bình/Gió chiều hiu hắt/Nhạc thông díu dắt/Như khúc phong cầm/Cô em vừa tuổi cài trâm /Nẻo sim lững thững đi tìm xác hoa/ Ngây thơ đâu nữa mà vờ!” (Trên núi Ngự) ; là chùa Diệu Đế với  “Theo trăng bóng vạc về rừng/Sương thu phủ kín mấy từng thành xưa/Bến sông thuyền ngủ lưa thưa/Tiếng chuông Diệu Đế gió đưa lại gần” (Tiếng chuông Diệu Đế); là chùa Thiên Mụ với  “Êm êm giòng nước Hương Giang chảy/Xúm xít thuyền con chỗ ba, bảy/Tiếng hát ngư ông đẫm bóng cây/Như luồng khói nhẹ, lên, lên mãi/Đồi thấp sừng trăng dõi dõi soi/Mờ ớ xa xa trời gáy sáng/Trong chùa cảnh cảnh tiếng chuông hồi” (Trước chùa Thiên Mụ)…

Có thể nói chất Huế trải dài, bàng bạc trong thơ Nam Trân và những cảnh ấy trong thơ ông luôn ở trạng thái động. Chẳng hạn như trong bài thơ “Cô gái Kim Luông”, trạng thái ấy thể hiện rất rõ :

Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng

Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo

Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết

Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo

Thuyền qua đến bến, cô lui lại

Vẫy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo

Đăm đăm mắt mỏi vì chèo

Chèo cô quẩy nước trong veo giữa dòng

Biết không? Cô hỡi, biết không?

Chèo cô còn quẩy, sóng lòng còn xao?  

Cũng cần nói thêm rằng, trong tập “Huế, Đẹp và Thơ”, ngoài nội dung viết về Huế, còn có một số bài thơ đề cập đến các đề tài khác như “Cảnh quê”, “Hà Nội mưa phùn”, “Khóa  xuân, “Hái hoa hồng”, “Gặp khách đong đưa”, “Eng”, “Sầm Sơn trường hận”…  Song, dù viết về đề tài nào, trạng thái động trong bút pháp của Nam Trân cũng luôn lấp lánh. Bài “Nắng Thu” là một ví dụ. Ở đó, khi đọc, ta có cảm giác như mình đang đứng trước cảnh của một làng quê đang chuyển động  khi chiều thu đang xuống :

Hát bài hát ngô nghê và êm ái,

Bên sườn non, mục tử cỡi trâu về,

Nắng chiều rây vàng bột xuống dân quê,

Lúa chín đỏ theo gió nồm sắp mái.

Trên suối nhỏ, chiếc cầu treo hẻo lánh

Tốp người qua, lẩy bẩy vịn thanh ngang

Lũ trẻ con sung sướng nổ cười vang

Đùa với bóng chảy theo giòng nước lạnh.

Dãy núi tím bỗng thay mầu xanh ngắt

Rồi ố làn trong giây khắc nhá nhem

Âm thầm cảnh vật vào Đêm:

Vết ráng đỏ, tiếng còi xa cũng tắt

Sau khi“Huế, Đẹp và Thơ” của Nam Trân ra đời, nhà thơ Tản Đà đã viết bài khen ngợi, bên cạnh đó ông có chê một số bài chưa chú trọng đến vần. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tập thơ là một bước ngoặt, khẳng định tên tuổi của Nam Trân trong lịch sử văn học nước nhà.

Sau Cách mạng tháng Tám, Nam Trân tham gia kháng chiến chống Pháp và công tác ở Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Đại Lộc, sau đó ở Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Nam, rồi làm chánh văn phòng Ủy ban kháng chiến hành chánh Liên khu V. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và công tác ở Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. (Ông là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà Văn Việt Nam và tại Hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam 5/1957, ông được bầu vào Ban Chấp hành cùng với những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác như Nông Quốc Chấn, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Tú Mỡ, Anh Thơ, Mộng Sơn, Cầm Biêu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Sao Mai, Tố Hữu, Hoàng Tích Linh, Nguyên Hồng, Bửu Tiến, Xuân Diệu, Đoàn Giỏi, Phạm Huy Thông, Tế Hanh, Vũ Tú Nam, Hoàng Trung Thông, Xuân Miễn, Tô Hoài, Nguyễn Tuân).

Đến năm 1959, Nam Trân chuyển sang công tác tại Viện Văn học,   chuyên về dịch thuật. Với sự hiểu biết sâu rộng về Hán văn và văn hóa phương Đông, ông đã có những đóng góp rất lớn trong việc dịch thơ chữ Hán ra thơ tiếng Việt, trong đó có thơ của những nhà thơ nổi tiếng như Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Trần Tử Ngang, Lạc Tân Vương, Vương Bột, Vương Xương Linh, Lý Ước, Vi Ứng Vật, Lưu Trường Khanh, Vương Chi Hoán, Đỗ Phủ...

Đặc biệt, Nam Trân cũng là người được giao trách nhiệm làm Trưởng tiểu ban dịch bổ sung “Nhật ký trong tù” trong hai lần in (năm 1977 và 1990). Đồng thời, ông cũng là một trong những người đầu tiên có công mở lớp và giảng dạy bộ môn Hán Nôm ở bậc đại học tại miền Bắc nước ta, do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.

Nam Trân mất vào tháng 12 năm 1967. Từ một vị quan của triều Nguyễn nhưng lại phê phán lối thơ cũ, ủng hộ thơ mới và nổi tiếng với phong trào thơ mới, sau đó, ông lại là người đi dịch thơ chữ Hán. Ông là một nghệ sĩ đa tài. Từ một nhà thơ đến một nhà dịch thơ, ở lĩnh vực nào ông cũng để lại những dấu ấn.

Từng có một nhà thơ như thế của miền Trung: Nam Trân!