Năm Nhâm Dần điểm lại thành tựu 3 nhân vật tên Hổ, phát hiện có người sinh năm con hổ và có người sinh năm khác vẫn rất uy nghiêm đúng chất Hổ.
Năm Nhâm Dần, nếu
tìm danh sĩ tuổi dần trong lịch sử thì rất nhiều. Năm Nhâm Dần, nếu tìm người tên
Dần thì cũng rất nhiều. Thế nhưng, năm Nhâm Dần mà đi tìm nhân vật tên Hổ thì
chỉ có ba vị lừng lẫy Lê Như Hổ, Phạm Đình Hổ và Phạm Hổ.
Trong ba vị tên Hổ,
chỉ có nhà thơ Phạm Hổ đích thị sinh năm con hổ, còn trạng ăn Lê Như Hổ và học
giả Phạm Đình Hổ dù không sinh năm con hổ nhưng đối với công chúng lại oai trấn
hơn cả hổ.
Trạng ăn Lê
Như Hổ
Sinh năm 1522, không rõ năm mất. Ông là văn thần đời Mạc, không rõ tên thật,
người Tiên Châu, Tiên Lữ, Hưng Yên. Ông chẳng những có văn tài mà còn có sức
khoẻ hơn người. Tương truyền, ông là người ăn khoẻ nhất nước ta nên đương thời
gọi là Như Hổ.
Năm 1541 đời Mạc Phúc
Hải, ông đỗ tiến sĩ được sung chức Tả thị lang, phụng mạng sang sứ nhà Minh
dâng lễ cống. Tại Trung Quốc, danh tiếng ông cũng vang dậy một thời. Đi sứ về, có công, ông được thăng Thượng
thư, tước Xuân Giang Hầu.
Tương truyền, khi đi sứ Trung Quốc, Lê Như Hổ học nghề làm dù và sau này, người
Việt xem ông là tổ sư của nghề làm dù ở nước ta.
Có sách viết: Sau khi đi sứ về, ông còn lấy được giống đỗ
đen nhờ giấu vào chỗ kín. Vì thế cho đến nay, đỗ đen không được dùng để cúng,
lễ. Ông là người có thân hình đẫy đà, nhà nghèo mà hiếu học và ăn cực khoẻ, mỗi
bữa ăn hết một nồi bảy cơm mà chưa no, nên từng được gọi là “trạng ăn”. Bên
cạnh việc ăn khoẻ ông còn làm khoẻ nữa.
Nhân sự này, người đời sau đã viết truyện “Trạng ăn”. Truyện
này có một đoạn viết rất sinh động như sau:
“Ở nhà vợ, Lê Như Hổ mỗi bữa ăn một nồi năm cơm, nhưng không
dám đòi thêm, vì sợ cha mẹ vợ buồn. Vì thế, ông không mạnh nên và việc học hành
cũng có ý hơi lơ đãng. Bố mẹ vợ phàn nàn với bố đẻ Lê Như Hổ. Ông bố đẻ mới hỏi:
- Chớ tôi
hỏi thực ông, mỗi bữa ông cho cháu ăn uống thế nào?
- Mỗi bữa
tôi cho cháu ăn một nồi năm.
- Thảo
nào! Nhà tôi tuy nghèo mà còn phải cho
cháu ăn mỗi bữa một nồi bảy. Ông cho cháu ăn ít nên nó biếng nhác là phải thôi.
Ông cho cháu ăn thêm coi!
Ông bố vợ nghe lời, về cho con rể ăn mỗi bữa một nồi bảy. Lê
Như Hổ học có ý chăm hơn trước một chút. Mẹ vợ thấy con rể như thế bèn phàn nàn
với chồng:
-Ăn một
nồi bảy cơm mỗi bữa mà tối đến chỉ học được có dăm tiếng đồng hồ. Ông khéo lựa
rể quá. Cái ngữ này chỉ ăn khoẻ cho mập thôi, chớ có gượng mà học cũng chỉ là
học lấy lệ, chớ chẳng trông cậy gì được đâu.
Ông bố vợ nói:
- Nó ăn khoẻ tất có sức hơn người. Trời cho nhà mình đủ ăn
thì việc gì nói ra nói vào lôi thôi.
- Ông nói tức anh ách. Cứ ăn khoẻ thì làm khỏe hay sao? Thì
đấy, nhà ta có mấy mẫu ruộng bỏ hoang, cỏ mọc ngập đầu người, ong bảo nó đi dọn
xem có được không nào?
Lê Như Hổ nghe thấy mẹ vợ nói thế, tức quá, hôm sau sau khi
ăn cơm sáng xong, vác con dao phát bờ ra ruộng. Đến nơi thấy có cây cao bóng
mát, ông nằm ngủ một giấc say sưa. Mẹ vợ đi chợ về qua đấy, thấy con rể gối đầu
lên gốc cây ngáy pho pho, bèn lật đật chạy về nhà gắt với chồng:
-Kìa, ông
ra ruộng mà xem con rể ông kìa. Tưởng là ăn xong, vác dao ra ruộng làm gì, hóa
ra ngủ khoèo. Ông còn bảo tôi thổi thật nhiều cơm cho nó ăn nữa hay thôi?
Rồi bà lôi cho được ông chồng ra ruộng để tận mắt thấy thằng
con rể ăn khỏe mà lười chảy thây chảy xác ra. Bất ngờ ra đến nơi thì cả hai ông
bà thấy ruộng sạch quang cả rồi. Thì ra trong khi mẹ vợ từ ruộng về nhà rầy
chồng, thì Lê Như Hổ đã thức
giấc, cầm dao phát cỏ như điên. Cỏ hoang bụi rậm đều bị chặt phăng phăng, thậm
chí có những vũng lầy có cá cũng không kịp chạy, chết nổi lều bều trên mặt
nước.
Đến lúc ấy, bố mẹ vợ Lê Như Hổ mới biết cái khác người của
con rể.”
Học giả Phạm
Đình Hổ
Sinh năm 1768, mất năm 1839. Danh sĩ đời Minh Mạng, tự Tùng
Niên, Bình Trực, hiệu Đông Dã Triều. Ông là con Tham tri Phạm Đình Dư nên tục
gọi là Chiêu Hổ, quê Đan Loan, Đường Hào, Hải Dương.
Ông đọc rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ, lại gặp thời
loạn nên muốn ở ẩn. Năm 1821, vua Minh Mạng vời ông ra và bổ làm Hành tẩu Viện
Hàn lâm. Nhưng chỉ ít lâu sau thì ông từ chức.
Năm 1826, Minh Mạng lại triệu vào, cho làm Thừa chỉ Viện Hàn
lâm và Tế tửu Quốc tử giám (như giáo sư đại học bây giờ), nhưng năm sau, ông
cũng xin nghỉ dưỡng bệnh rồi từ chức. Sau, ông trở lại nhận chức vụ cũ, được
thăng Thị giảng học sĩ. Đến năm 1832, ông về nghỉ hưu luôn.
Năm 1839 ông mất, thọ 71 tuổi (năm sinh, năm mất, còn có
sách chép 1770 - 1841, cũng thọ 71 tuổi).
Bình sinh, Phạm Đình
Hổ cùng Hồ Xuân Hương (người Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, được coi là
“bà chúa thơ nôm”) thường làm thơ bỡn cợt, còn truyền làm giai thoại.
Phạm Đình Hổ vốn muốn lấy văn thơ để nổi tiếng ở đời nên cả
cuộc đời, ông chủ yếu dành cho việc sáng tác và biên soạn sách hơn là việc ở
chốn quan trường. Nhờ đọc nhiều, đi nhiều, ông đã để lại nhiều công trình khảo
cứu, biên soạn có giái trị trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tất cả đều được viết bằng chữ Hán.
Hiện còn lưu trữ 22 tác phẩm của Phạm Đình Hổ, trong đó có “An Nam chí”
(ghi chép về nước An Nam), “Ô
châu lục” (ghi chép về châu
Ô), “Kiền Khôn nhất lãm” (cái nhìn tổng quát về trời đất),
“Lê triều hội điển” (điển chương pháp luật thời Lê), “Đạt man quốc địa đồ” (Chân Lạp địa đồ), “Ai Lao sứ trình” (hành trình đi sứ Ai Lao), “Bang giao điển lệ” (phép tắc luật bang
giao), “Nhật dụng thường đàm” (từ điển từ ngữ và tri thức thông
dụng), “Hy kinh lãi trắc” (giải thích ngắn gọn về bộ kinh
Phục Hy).
Ngoài ra, Phạm Đình
Hổ còn là tác giả của nhiều bộ sách: Quốc sử tiểu học, Hành tại diện
đối, Quốc thư tham khảo, Châu Phong tạp kho, Châu Phong thi tập…
Về sáng
tác văn học, Phạm Đình Hổ là
tác giả của hai tập bút ký “Vũ
trung tùy bút”, “Tang thương ngẫu lục” (hợp soạn với Nguyễn Án) và hai tập thơ “Đông dã học ngôn thi” (tập thơ học nói của Đông Dã), “Tùng cúc liên mai tứ hữu” (bốn người bạn thông, cúc, sen,
mai).
Về thơ, ông có thi phẩm “Hoài cổ” (cảm nhớ
chuyện cũ) rất đáng lưu ý. Bên cạnh đó, ông còn có thi phẩm “Hữu sở cảm” rất tình tứ.
Nhà thơ Phạm
Hổ
Sinh năm 1926, mất năm 2007, quê xã Nhơn An, huyện An Nhơn,
tỉnh Bình Định. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, học tiểu học ở Quy
Nhơn, học trung học ở Huế, thi đỗ thành chung ở Quy Nhơn. Sau Cách mạng Tháng
Tám làm công tác tuyên truyền cứu quốc ở thành phố Quy Nhơn.
Trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Phạm Hổ là uỷ viên Ban chấp hành hội họa Liên khu 5. Năm 1950, ông ra Việt Bắc dự học Văn nghệ trung ương và tiếp tục hoạt động văn học nghệ thuật.
Nhà thơ Phạm Hổ
từng giữ chức Phó tổng biên tập báo
Văn Nghệ, Phó ban đối ngoại
Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ
tịch Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được
trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001.
Các tác phẩm chính của nhà thơ Phạm Hổ đã xuất bản: “Những ngày xưa thân ái”
(thơ, 1957) “Ra
khơi” (thơ, 1960) “Những ô cửa, những
ngả đường” (thơ, 1976) “Vườn xoan” (truyện ngắn, 1964) “Tình thương” (tiểu
thuyết, 1974) “Chú
bò tìm bạn” (thơ, 1970); “Ngựa thần từ đâu tới” (tập truyện, 1986) “Chuyện hoa chuyện quả” (6 tập, từ 1974 đến 1994) “Cất nhà giữa hồ” (tập truyện
cổ tích, 1995) “Nàng tiên nhỏ thành ốc” (bộ ba kịch, 1980)
Nhà thơ Phạm Hổ
có sở trường làm thơ và viết văn cho thiếu nhi. Trong những tác phẩm viết cho
tuổi măng non, bài thơ “Xe
cứu hỏa” của ông được nhiều thế hệ nằm lòng: “Mình đỏ như
lửa/ Bụng chứa nước đầy/ Tôi chạy như bay/ Hét vang đường phố/ Nhà nào có lửa/ Tôi dập tắt ngay/ Ai gọi cứu hỏa/ Có ngay! Có ngay”.