‘Khúc ru trầm’ gồm 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành mùa xuân Nhâm Dần 2022 như một vẻ đẹp cộng hưởng thơ và nhạc.


“Khúc ru trầm” chứng tỏ tác phẩm từ trang giấy của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ở Đà Nẵng có sự đồng cảm nhất định với tâm hồn 40 nhạc sĩ gần xa. “Khúc ru trầm” tập hợp 77 ca khúc được phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, có trường hợp một bài thơ được 3 nhạc sĩ phổ thành 3 ca khúc có giai điệu khác nhau.

“Khúc ru trầm” được in ấn khá đẹp mắt, không chỉ cho thấy sự thiết tha của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh với duyên nợ thơ – nhạc, mà còn cho thấy nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh rất quảng giao trong giới nghệ sĩ.

Bởi lẽ, ngoài những ca khúc phổ thơ, “Khúc ru trầm” còn có sự góp sức của họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ bìa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ phụ bản và họa sĩ Đặng Tiến vẽ chân dung 40 nhạc sĩ tương tác cùng Nguyễn Ngọc Hạnh.

Xưa nay, chuyện thơ phổ nhạc đã rất phổ biến. Thậm chí trong thời đại kỹ thuật số, có bài thơ vừa được tác giả đưa lên Facebook hôm trước thì hôm sau đã thấy nhạc sĩ phổ nhạc thành ca khúc. Vì vậy, cũng không có gì ngạc nhiên khi “Khúc ru trầm” quy tụ nhiều thế hệ nhạc sĩ, từ tên tuổi lừng lẫy như Phan Huỳnh Điểu, Thế Bảo, Nguyễn Cường, Nguyễn Thụy Kha, Phạm Đăng Khương cho đến những gương mặt hào hứng khác như Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Đình Thậm, Quỳnh Hợp, Võ Hoài Phúc, Trịnh Thùy Mỹ, Trương Công Ảnh...

Nhạc sĩ Trọng Đài cũng là người có nhiều ca khúc phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, chia sẻ: : "Tôi và Nguyễn Ngọc Hạnh biết nhau đã lâu rồi. Thơ anh Hạnh, tôi đã tiếp cận ở nhiều góc cạnh khác nhau, đặc biệt các chủ đề về mẹ, quê hương, nỗi buồn của nhà thơ khi sống xa làng từ thời tấm bé… Tất cả đều gần gũi với tôi và biết đâu cũng là của bao người. Bên cạnh đó, bản thân thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh đã là âm nhạc rồi, tôi chỉ góp phần chia sẻ tự nhiên thôi.

Trong những bài thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh mà tôi phổ nhạc, có một số bài đã thu thanh, phát sóng trên các kênh truyền hình, đã được các nghệ sĩ thể hiện rất thành công. Thông qua quá trình hoạt động nghệ thuật của anh Hạnh, bản thân tôi luôn mong muốn có sự sẻ chia, đồng cảm và mong muốn mang giai điệu âm nhạc của mình để gửi gắm, đồng hành cùng với lời thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh”.

77 ca khúc phổ thơ trong “Khúc ru trầm”, liệu có bao nhiều ca khúc sẽ “bổng” cùng năm tháng? Khó đoán định lắm. Được nụ mừng nụ, được hoa mừng hoa thôi. Bởi lẽ, có nhà thơ từng khoe có hơn 200 bài thơ phổ nhạc, nhưng người hâm mộ không nhớ nổi bài hát nào. Vì vậy, "Khúc ru trầm" cũng dự phần vào thế giới âm thanh bằng nhiều hy vọng phập phồng. Nếu được một ca khúc công chúng yêu thích, đã là may mắn. Nếu được 7 ca khúc công chúng yêu thích, thì là kỳ tích.

Đam mê với cuộc chơi thơ phổ nhạc, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh gửi “Khúc ru trầm” vào đời sống văn hóa bằng niềm riêng: “Tôi không đi tìm nhạc sĩ để phổ thơ mình, tất cả đều do tình cờ, ngẫu nhiên như là trời cho vậy. Tôi nghĩ trong sáng tác, cho dù bất cứ thi pháp gì, cách tân hiện đại đến mấy đều cần những cảm xúc chân thành, từ đó những giao thoa giữa nhà thơ và nhạc sĩ sẽ gặp nhau; chẳng có sự áp đặt nào, rủ rê nào để dắt nhau vào thế giới tâm hồn của công chúng và nghệ thuật”.

 PHẠM TUẤN