Nhà thơ Giang Nam vừa bước sang tuổi 93, từng nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2001, được giới văn nghệ Khánh Hòa kiến nghị đặc cách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.


Nhà thơ Giang Nam tên thật Nguyễn Sung, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Nhà thơ Giang Nam được nhiều thế hệ công chúng hâm mộ với bài thơ “Quê hương”. Thành đạt cả trong đời lẫn trong thơ, sự nghiệp của nhà thơ Giang Nam gần như trọn vẹn.

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa mới đây đã kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn đề xuất với cấp có thẩm quyền đặc cách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Giang Nam. Tình cảm dành cho bậc tiền bối như vậy rất đáng quý. Tuy nhiên, nếu cho rằng  nhà thơ Giang Nam là một trong những tác giả có những tác phẩm xuất sắc, đóng góp vào sự thành công của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam” để hướng tới việc trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, thì e rằng chưa được thỏa đáng.

Nhà thơ Giang Nam là một chiến sĩ cách mạng, nhận được nhiều lời ngợi ca về sự dũng cảm và gan dạ trong khói lửa. Tuy nhiên, thành tích kháng chiến và thành tích văn chương là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Thành tích kháng chiến của nhà thơ Giang Nam được đánh dấu bằng huân chương và huy chương. Còn thành tích văn chương của nhà thơ Giang Giang cũng đã được đánh dấu bằng Giải thưởng Nhà nước năm 2001.

Về nguyên tắc, người đã có Giải thưởng Nhà nước phải có thêm tác phẩm chất lượng cao mới bổ sung hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Từ năm 2001 đến nay, hầu như nhà thơ Giang Nam không có sáng tác nào nổi bật. Vì vậy, khi sức khỏe còn ổn định và tinh thần còn minh mẫn, thì nhà thơ Giang Nam đã nhiều lần từ chối làm hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là một thái độ hiểu mình và tự trọng của nhà thơ Giang Nam.

Nhắc đến nhà thơ Giang Nam là nhắc đến bài thơ “Quê hương” quen thuộc hơn 60 năm qua. Bài thơ “Quê hương” đời năm 1960 ở căn cứ Hòn Du nằm phía tây thành phố Nha Trang. Bài thơ “Quê hương” đậm chất tự sự, như được ghi chép rất thật thà về tâm trạng của tác giả khi nghe tin người vợ của mình- bà Phạm Thị Chiều bị giặc bắt và đã hy sinh ở Phú Lợi – Bình Dương. Cả bài thơ “Quê hương” gồm 35 câu, kể lại một câu chuyện dằng dặc nhớ thương giữa hai con người có chung nhiều kỷ niệm và có chung một lý tưởng.

Xét ở góc độ thẩm mỹ văn chương, bài thơ “Quê hương” không có gì nổi bật về bút pháp và về ngôn từ. Bài thơ “Quê hương” đề cập đến nỗi đau hậu phương của người chiến sĩ, tương tự như hai bài thơ nổi tiếng trước đó là “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan viết năm 1949 và “Núi đôi” của Vũ Cao viết năm 1955. Cả nhà thơ Hữu Loan và nhà thơ Vũ Cao đều không kiến nghị đặc cách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trước đây, đã có nhiều tác giả sau khi được trao Giải thưởng Nhà nước lại tiếp tục được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh như Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, Lê Văn Thảo, Xuân Thiều, Thu Bồn, Xuân Quỳnh... Thế nhưng, khoảng giữa hai giải thưởng này đều phải do tác phẩm quyết định. Nếu tác giả có trữ lượng sáng tạo dồi dào, thì dễ dàng cho giới chuyên môn cân nhắc. Bởi lẽ, nghệ thuật không thể căn cứ chủ yếu vào những đóng góp xã hội khác.

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa biết nghĩ đến việc đặc cách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Giang Nam, là một nghĩa cử đáng trân trọng. Tuy nhiên, giá trị của nhà thơ nằm ở tác phẩm, và thời gian lẫn độc giả sẽ có đánh giá chuẩn xác nhất. Chỉ với bài thơ “Quê hương” và Giải thưởng Nhà nước thì nhà thơ Giang Nam đã hài lòng về sự cống hiến cho văn chương Việt Nam, mà không cần phải đặc cách xét tặng gì thêm.

Danh vọng không nên cưỡng cầu. Cái câu cảm thán của đồng nghiệp “tầm cỡ vị ấy mà không được giải thưởng” bao giờ cũng dễ nghe hơn “tầm cỡ vị ấy mà cũng được giải thưởng”. 

                                            LÊ THIẾU NHƠN