Hơn nửa thế kỷ làm tranh giả - tranh nhái để bán cho khách quốc tế là một trào lưu rất xấu, gậy ông không chỉ đập lưng ông, mà giờ đây đập lưng cháu chắt của ông. Nhìn cảnh nhiều nhà sưu tập quốc nội háo hức ra quốc tế mua tranh Việt cầm về, mà mua trúng phải tranh giả - tranh nhái thật xót thương.


 

Thị trường mỹ thuật thứ cấp ở Việt Nam: Cái giá của sự “hào hứng Việt”!

HIỀN HÒA

Ngay từ phiên đấu xảo đầu tiên tại Hà Nội năm 1902 (Exposition de Hanoi 1902), các hiện vật liên quan đến mỹ thuật Việt Nam và Ðông Dương đã bắt đầu xuất hiện. Thế nhưng, gần như suốt thế kỷ XX, mỹ thuật Việt Nam vẫn hoạt động với mô hình sơ cấp là chủ yếu; hơn 10 năm trở lại đây, các yêu tố thứ cấp mới bắt đầu xuất hiện…

ĐÒN “HỒI MÃ THƯƠNG” DÀNH CHO NGƯỜI CHƠI TRANH VIỆT

Thị trường thứ cấp, hiểu nôm na là có bán thì phải có mua, mà gần suốt thế kỷ XX, mỹ thuật Việt chỉ muốn bán ra, ít khi muốn mua vào, người mua lại đa phần là khách quốc tế. Điều này dẫn đến tâm lý rằng người nước ngoài dễ tính lắm, không biết gì đâu, nên bán gì cũng được, hệ quả là hàng giả hàng nhái tùm lum.

Bởi vậy mà bước qua thế kỷ XXI, khi người nước ngoài tìm cách bán lại cho Việt Nam, người trong nước bắt đầu mua và sưu tập nhiều hơn trước, đòn “hồi mã thương” bắt đầu xuất hiện.

Hơn nửa thế kỷ làm tranh giả - tranh nhái để bán cho khách quốc tế là một trào lưu rất xấu, gậy ông không chỉ đập lưng ông, mà giờ đây đập lưng cháu chắt của ông. Nhìn cảnh nhiều nhà sưu tập quốc nội háo hức ra quốc tế mua tranh Việt cầm về, mà mua trúng phải tranh giả - tranh nhái thật xót thương.

“Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”. Vài họa sĩ nổi tiếng quốc tế từ sớm, ví dụ Bùi Xuân Phái, nhưng vì nạn tranh giả - tranh nhái khuynh loát, làm cho ông mất phẩm giá một cách oan uổng.

Cắt nghĩa nạn tranh giả - tranh nhái là một vấn đề rất phức tạp, nhưng nhìn chung có 3 yếu tố chính.

Đầu tiên là vì ham lợi mà làm, nhất là sau Đổi mới (1986), khi thông tin còn thưa thớt, sự háo hức của khách quốc tế với tranh Việt - ngay cả tranh lưu niệm, Bờ hồ - còn khá nhiều.

Thứ hai, các chế tài pháp luật chưa có hoặc quá lỏng lẻo, nên việc làm tranh giả - tranh nhái cứ ngang nhiên lộng hành.

Triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu, diễn ra từ ngày 10 đến 21-7-2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, với 17 “bức tranh” mà một người chơi đồ cổ tên là Vũ Xuân Chung đem ra bày là ví dụ dễ thấy. Khi cả giới chuyên môn và báo chí chỉ ra đây là đồ giả - đồ nhái, ông Chung cũng không hề hấn gì.

Thứ ba, quan trọng nhất, nếu có thị trường thứ cấp thì tranh giả - tranh nhái sẽ bị hạn chế đáng kể, vì bán được là phải mua được. Đến một nhà sưu tập hoặc một phòng tranh, nếu câu hỏi “sau này tôi bán lại, nơi đây có mua không” mà được đáp ứng bằng cam kết hoặc hợp đồng “rằng có mua”, thì việc mua bán sẽ yên tâm hơn đáng kể.

ĐỘT PHÁ TỪ NHỮNG GIÁ BÁN TRIỆU ĐÔ!

Với mỹ thuật Việt Nam trên thị trường quốc tế, tình thế mấy năm gần đây đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, ít nhất là trên giá bán (tất nhiên kèm theo giá mua!).

Vì cột mốc triệu USD khá quan trọng với việc làm nên sức hút của một thị trường, nên phiên đấu Asian 20th Century & Contemporary Art (Evening Sale) của Christie’s Hong Kong hồi 22-11-2014 rất quan trọng với mỹ thuật Việt Nam. Vì tại phiên này, bức tranh Nhìn từ đỉnh đồi (View from the hilltop, sơn dầu trên bố, 113cm x 192cm, 1937) của Lê Phổ đã được bán với giá 6.520.000 HKD, tương đương 840.000 USD.

Sự kiện này không chỉ gây chấn động với thị trường nội địa, mà còn thu hút nhiều báo chí quốc tế đưa tin, vì trước bức này, mỹ thuật Việt Nam vừa tái khởi sắc thông qua vài bức tranh của Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ…, mới ở mức giá bình quân trên dưới 300.000 USD. Tại Đông Nam Á vào thời điểm 2010-2015, Indonesia vượt lên cả Singapore, Philippines… về chuyện hoàn chỉnh thị trường thứ cấp, với các giao dịch dẫn đầu khu vực về giá bán. Thời điểm này, tên tuổi Nguyễn Phan Chánh (1892-1984), Lê Phổ (1907-2001), Mai Trung Thứ (1906-1980)… thường xếp sau về giá bán tranh của những danh họa cùng thời trong khu vực như Affandi (1907-1990), Hendra Gunawan (1918-1983), Lee Man Fong (1913-1988), Sudjojono (1913-1985)…  

Gần như song hành thời điểm lên sàn của Nhìn từ đỉnh đồi, tại Việt Nam đã hình thành tương đối thế hệ sưu tập thứ năm, nếu tính từ thế hệ thứ nhất của Đức Minh (Bùi Đình Thản, 1920-1983), Nguyễn Xuân Oánh (1921-2003)…

Thế hệ thứ năm, về số lượng, nếu gói gọn khoảng 50-70 người, bớt khắt khe mở rộng ra thì khoảng 200-300 người, càng về sau càng tăng lên. Đặc điểm chung của thế hệ sưu tập thứ năm là bắt đầu vươn tầm nhìn của họ ra quốc tế, tham gia nhiều vào việc mua lại tác phẩm từ các cơ sở thương mại, góp phần định hình thị trường thứ cấp. Họ cũng góp phần tạo ra các định chế mới về tài chính, cầm cố, đấu giá, bảo hiểm… cho thị trường mỹ thuật.

Ngày 2-4-2017, Sotheby’s Hong Kong bán bức Đời sống gia đình (mực và gouache trên lụa, 82cm x 66cm, khoảng 1937-1939) của Lê Phổ với giá 9.100.000 HKD, tương đương 1.172.080 USD, trở thành quán quân về giá bán công khai của tranh Việt. Ngày hôm sau, cũng Sotheby’s Hong Kong, bức Nằm võng (sơn dầu trên bố, 198,5cm x 301cm, 1938) của Joseph Inguimberty đã bán với giá 7.540.000 HKD, tương đương 971.152 USD. Joseph Inguimberty là một giảng viên và họa sĩ gắn liền với Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tác phẩm của ông đậm nét phong vị Việt. Theo một tin bên lề, bức Đời sống gia đình hiện đang nằm trong một sưu tập tư nhân tại Hà Nội.

Hồi 26-5-2018, Christie’s Hong Kong đã bán bức Em bé cho chim ăn (mực và bột màu trên lụa, 65cm x 50cm, 1931) của Nguyễn Phan Chánh với giá 6.700.000 HKD, tương đương 853.921 USD, tăng giá hơn 600%. Bức này cũng đã hồi cố hương sau gần 90 năm xa xứ, qua hai ba nhà sưu tập quốc tế.

Một cột mốc lớn về giá bán của mỹ thuật Việt là bức Khỏa thân (sơn dầu trên bố, 90,5cm x 180,5cm, 1931) của Lê Phổ, Christie’s Hong Kong bán hồi 26-5-2019 với giá 10.925.000 HKD, tương đương gần 1,4 triệu USD, tính ở thời điểm đó hơn 32,3 tỷ đồng. Bức này được một quan chức cấp cao nhờ trung gian đấu giá, hiện treo tại tư gia ở Việt Nam.

Không chỉ có các tên tuổi thời kỳ đầu như bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm, hay miền Nam trước 1975 tạo ấn tượng tốt thị trường, mà các tên tuổi đương thời/gốc Việt như Jun Nguyen-Hatsushiba, Danh Võ, Dinh Q. Lê, Lê Kinh Tài, Phạm An Hải, Lê Quảng Hà, Bùi Hữu Hùng, Hồng Việt Dũng, Đặng Xuân Hòa… cũng tạo ấn tượng bằng giá bán. Đơn cử như phiên đấu Contemporary Art Evening Auction hồi 12-5-2015, Sotheby’s New York đã bán tác phẩm L (vàng lá trên hộp các-tông, 86cm x 177,2cm, 2011) của Danh Võ với giá 700.000 USD. Danh Võ sinh 1975 tại Bà Rịa Vũng Tàu, có tên tiếng Việt là Võ Trung Kỳ Danh, hiện sống tại Đan Mạch và vài quốc gia khác.

Đương kim vô địch về giá bán công khai của tranh Việt, tính đến ngày 10-7-2021, là bức Chân dung cô Phương (sơn dầu trên bố, 135,5cm x 80cm, 1930) của Mai Trung Thứ. Sotheby’s Hong Kong ngày 18-4-2021 đã bán bức này giá 24.375.000 HKD, tương đương hơn 3,1 triệu USD, khoảng 71,3 tỷ đồng, trong khi giá dự kiến ở mức 7.500.000-9.300.000 HKD. Cũng theo tin bên lề, bức này đang có chủ nhân mới là một nhà sưu tập ở Việt Nam.

KHI NGƯỜI VIỆT DÙNG HÀNG VIỆT!

Vì sao mỹ thuật Việt tăng giá nhanh và mạnh trên thị trường quốc tế và cả nội địa trong khoảng 5 năm trở lại đây? Câu trả lời dễ nhận thấy nhất, đó là sự tham gia của nhiều nhà sưu tập quốc nội vào thị trường quốc tế, và sự manh nha các thành tố về thị trường thứ cấp trong nước.

Chơi, theo nghĩa nhiều người Việt chơi tranh Việt, mới giúp đẩy tranh Việt vươn tầm lên cao hơn nữa. Điều này đã đúng với Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Colombia, Indonesia, Hàn Quốc, Singapore…, nên cũng sẽ đúng với Việt Nam.

Khi các nhà sưu tập nội địa xem việc sở hữu tác phẩm như một kênh đầu tư, họ sẽ góp phần thúc đẩy sự định hình các thành tố của thị trường thứ cấp, kiện toàn hệ thống thẩm định, định giá, đấu giá, cầm cố, bảo hiểm, chế tài pháp luật để dần dần đưa tranh giả - tranh nhái vào khu vực có thể xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Với sự định hình của thị trường thứ cấp và sự hào hứng đang có của thế hệ sưu tập thứ năm, tranh Việt thời kỳ đầu sẽ nhanh chóng chạm ngưỡng 5 triệu USD trong 3-4 năm tới. Còn với các họa sĩ còn sống và đương thời, việc một tác phẩm chạm ngưỡng 1 triệu USD cũng là điều có thể hình dung được.

Mà không chỉ có tranh vẽ, cặp sinh đôi Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải (thường gọi là Le Brothers) từng bán một video art giá rất cao, hoặc gần đây Nguyễn Trần Ưu Đàm bán các sắp đặt đa phương tiện.