‘Bức tranh huyền bí’ là tác phẩm được Minh Anh – một học sinh ở trường quốc tế tại TP.HCM, viết năm 11 tuổi, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.


Tại buổi lễ phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải Tác Giả Trẻ vừa tổ chức ở Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự thích thú đối với trường hợp dịch giả 20 tuổi Nguyễn Bình chuyển ngữ “Truyện Kiều” sáng tiếng Anh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những cây bút trẻ có trình độ ngoại ngữ điêu luyện sẽ làm nên kỳ tích đưa văn học Việt Nam vươn tầm thế giới: “Tôi luôn mong ước đến một ngày không xa Việt Nam ta sẽ có nhà văn đoạt giải Nobel văn chương, mang về niềm tự hào cho đất nước chúng ta. Tôi có niềm tin mạnh mẽ ở những nhà văn, những tác giả trẻ hôm nay.

Ước mơ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận được sự đồng cảm hào hứng của đông đảo người Việt khao khát hội nhập. Ước mơ ấy, hoàn toàn không phải không có cơ sở. Bởi lẽ, đã xuất hiện nhiều tác giả Việt có khả năng sáng tác bằng tiếng Anh. Nếu ở hải ngoại có Nguyen Thanh Viet và Ocean Vuong nổi tiếng mấy năm qua, thì mới đây trong nước có Minh Anh.

Minh Anh sinh năm 2007 tại TP.HCM và đang học ở một trường quốc tế. Năm 11 tuổi, Minh Anh đã viết tác phẩm đầu tay có tên gọi “The Painting” bằng tiếng Anh. “The Painting” được phổ biến trong một cộng đồng nhỏ những học sinh quốc tế, và tạo được nhiều hiệu ứng tích cực. Nhà xuất bản Kim Đồng đã tình cờ phát hiện được tài năng nhí này và ấn hành “The Painting” thành tác phẩm tiếng Việt có tên gọi “Bức tranh huyền bí” qua bản dịch của Hoàng Ngọc Diệu.



“Bức tranh huyền bí” được viết theo thể loại văn học kỳ ảo (fantasy) về hành trình của cô bé Amy đi tìm bí mật được đồn đại khá rùng rợn của một bức tranh cổ treo góc khuất trong ngôi biệt thự. Cô bé Amy muốn giải lời nguyền của bức tranh, để người thân của mình không còn ai bị tai ương gì nữa. Hành động dũng cảm và trái tim lương thiện của cô bé Amy đã dắt độc giả cùng phiêu lưu qua 13 chương ngắn của “Bức tranh huyền bí” khá hấp dẫn.

Minh Anh có cách dẫn chuyện lắt léo và thông minh. Văn phong của “Bức tranh huyền bí” linh hoạt và giàu chất thơ. Kết cấu của “Bức tranh huyền bí” chặt chẽ và mạch lạc. Đọc “Bức tranh huyền bí” không thể nào phủ nhận Minh Anh là một tài năng nhí có tín hiệu đi xa.

“Bức tranh huyền bí” được Minh Anh bố cục thành những tình huống ly kỳ, qua ánh mắt hồn nhiên và trí tưởng tượng phong phú của trẻ em. Các chương ngắn như “Bài thơ đẫm mưa”, “Nỗi sợ biển cả” hoặc “Thị trấn hoang vắng”, “Khu rừng sót lại” khiến người đọc phải suy ngẫm về thái độ sống chan hòa cần thiết giữa con người và thiên nhiên.

Nút thắt của “Bức tranh huyền bí” là cuộc đối thoại mang tính đấu trí giữa cây sồi và cô bé Amy. Để được cây sồi giúp đỡ tháo gỡ lời nguyền “Bức tranh huyền bí”, cô bé Amy phải trả lời được ba câu đố của cây sồi.

Câu đố thứ nhất: “Ngươi có thể mang theo cái gì mà ngươi không bao giờ chạm vào? Ngươi có thể thấy nó ở mọi nơi nhưng vẫn không thể nào chạm tới được”. Amy trả lời: “Cái bóng”.

Câu đố thứ hai: “Ngươi có thể tìm thấy một đại đương không có lấy một hạt cát, ở đâu?”. Amy trả lời: “Bức tranh”.

Câu đố thứ ba: “Thứ gì quyền năng nhất trong cả vũ trụ này? Không bao giờ có thể nhìn thấy, nếu nó không thực sự được bày ra”. Amy trả lời: “Tình yêu”.

Hoàn thành ba trả lời chính xác, Amy đã tìm được cách phá hủy lời nguyền từ bức tranh huyền bí: “Cô bé hít hơi thật sâu, ghi nhớ và cảm nhận khoảnh khắc sẽ trở thành những giây phút cuối trong cả một hành trình, giây phút sẽ cứu sống gia đình và gia tộc của mình”.

Tác phẩm viết về đề tài thiếu nhi rất ít hỏi. Tác phẩm do thiếu nhi viết về thiếu nhi càng hiếm hoi. Vì vậy, tác phẩm văn học kỳ ảo “Bức tranh huyền bí” của Minh Anh là một ví dụ sinh động để mọi người cùng chờ đợi và tin yêu.

                                  TUY HÒA