Vẻn vẹn 8 trang truyện khổ 13 x 19,
"Hai người ăn tết lạ" của Nam Cao là cả một "luận
án" bằng hình tượng về sự vong thân và hoàn lương nơi con người, trên cõi
người. Liệu hình phạt hay nhà tù có thể phục hồi nhân phẩm con người?
Nghĩ về một "đứa con" bị
"thất lạc" của Nam Cao
ĐẶNG NGỌC HÙNG
Đó
là truyện ngắn "Hai người ăn tết lạ", được sáng tác trước 1945. Gần
như nó chỉ được GS. Hà Minh Đức tuyển một lần trong tập "Những cánh hoa
tàn" do Nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành năm 1988. Ngoài ra, theo quan
sát của chúng tôi, nó không có mặt trong bất cứ một tuyển tập nào của Nam Cao
dù đây là nhà văn có tác phẩm được tái bản liên tục.
Theo tôi, đây là một thiệt thòi lớn với
độc giả bởi "Hai người ăn tết lạ" là một truyện ngắn hay cả về nghệ
thuật lẫn nội dung tư tưởng; mang đậm phong cách nghệ thuật của Nam Cao.
Trước hết, xin tóm tắt khung tự sự của
truyện ngắn này:
Đêm tối lắm, tối đến mức hắn không nhìn
thấy bàn tay của hắn. Gió rít từng cơn, cây cối xã xượi. Bị gió buốt táp, hắn rụt
đầu để che cái cổ, nghiến chặt hai hàm răng. Hắn thấy cái nghề của hắn khổ quá,
hắn tức những kẻ ăn không hết lại không nhường cho hắn. Đi hết cánh đồng, hắn
vào tới xóm. Có tiếng chó sủa. Đêm ba mươi tết, người ta thức dai lắm. Vào nhà
ai đây? Chẳng lẽ lại về tay không? Tiếc công, hắn đi sâu vào xóm. Thế nào cũng
phải đến lúc người ta ngủ, hắn nghĩ thế, thức càng khuya, ngủ càng say. Có khi
hắn vớ bẫm không chừng.
Bỗng nhiên hắn nghe tiếng tù. Thì ra bọn
tuần đinh. Hắn tìm chỗ nấp. Tiếng chân bọn tuần đi xa dần, hắn chui ra. Hắn đi.
Gần đến giờ giao thừa. Vừa lúc đó hắn phát hiện một ngôi nhà không có lửa, cũng
không có chó. Hắn tìm được chỗ giậu thủng, chui vào. Trong nhà còn có tiếng người,
họ nằm trong ổ rơm, đắp chiếu, thò đầu ra nói chuyện. Tiếng đàn ông ồ ồ, tiếng
đàn bà thỏ thẻ. Ra là chồng với vợ. Họ vừa nói, vừa nhai cái gì rau ráu, nghe
vui tai. Và cái mùi cho hắn biết họ nhai ngô rang. Tưởng gì! Mà họ cười rúc
rích.
- Tết nhà mình to quá!
- Hẳn đi chứ lị! Tết nhà cụ bá cũng
không to thế.
- Thật! Họ chỉ có thịt, cá, bánh chưng,
chè...
- Nhà mình không thèm ăn những thức ấy.
Chúng mình ăn tết bằng ngô rang.
[...]
- Chẳng ai sướng bằng chúng ta.
Họ cười hi hí. Bỗng người vợ kêu lên,
người chồng cười rồi rít lên: "Giời ơi! Sao chúng tôi sung sướng thế
này?". Người vợ mắng: "Hừ! Điên đấy à". Một câu mắng nũng nịu.
Tên trộm thần mặt ra. Hắn thấy hai vợ chồng này sướng.
Đến đây, chúng ta bắt đầu cảm nhận được
cái tài của Nam Cao. Đời văn Nam Cao thường được các nhà nghiên cứu
"vo" lại ở hai đề tài: trí thức tiểu tư sản và nông dân. Dù viết về đề
tài nào, tác phẩm của Nam Cao luôn hướng về "tiếng đau khổ kia, thoát ra từ
những kiếp sống lầm than" (Trăng sáng). Cái khổ trong thế giới nghệ thuật
của Nam Cao thoát thai từ những nẻo nguyên nhân khác nhau, trong đó có cái đói.
Tuy nhiên, cái làm nên văn tài của Nam Cao không phải là bản thân cái đói mà là
quan niệm nghệ thuật của ông về cái đói. Theo một nhà nghiên cứu, nếu cái đói của
Ngô Tất Tố nằm ở cái bụng (cái đói về mặt sinh học, giết chết con người) thì
cái đói của Nam Cao nằm ở cái đầu, trái tim: cái đói giết chết nhân phẩm con
người như từ xưa cha ông ta đã đúc kết: "Miếng ăn là miếng nhục". Cái
đói, với Nam Cao, là kẻ thủ ác truy đuổi con người vào ngõ cụt, không lối thoát
về danh dự, nhân cách.
Với quan điểm đó, Nam Cao thường đặt
nhân vật của ông vào những tình huống đa dạng của những cuộc truy đuổi. Và tiếng
kêu nơi ông là tiếng kêu khẩn thiết: làm sao để con người không bị hỏng, làm
sao giữ lấy được thiên lương của con người, hãy bảo vệ con người. Cũng vì thế,
Nam Cao rất quan tâm đến môi trường sống. Nam Cao luôn đặt vấn đề: Đừng để con
người sa chân vào những môi trường sống khủng khiếp, không bị vấy bùn, hoặc khi
con người đã trót/ bị sa chân, làm thế nào kéo con người từ dưới vũng lầy lên bến
bờ hoàn lương.
Trở lại với tên trộm trong truyện ngắn
này. Vì sao hắn thấy hai vợ chồng ăn ngô rang sướng? Hắn nghĩ: "Ít ra họ
cũng không khổ lắm". Đúng vậy. Nhưng chỉ thế thì đâu phải là Nam Cao. Điều
quan trọng là, như một khải huyền, hắn nghĩ: "Và giá hắn muốn, thì hắn
cũng đã có thể như họ được. Một cái ổ rơm. Vài manh chiếu lành hoặc rách. Một mẻ
ngô rang đựng trong cái rá. Đôi ba lời dịu ngọt. Và rất nhiều yêu thương".
Những câu văn rất Nam Cao. Ngắn, nghe
không mềm và ngọt nhưng tràn đầy triết luận và tình yêu thương con người. Thứ
triết luận từ cõi nhân sinh lấm láp chứ không nói vống lấy được hay lý sự vặt
kiểu tháp ngà. Tại sao tên trộm khổ? Đã đành hắn thiếu ăn. Đã đành hắn thiếu
lương thiện. Nhưng hai vợ chồng ăn ngô rang thì khá khẩm gì? Tại sao đời của vợ
chồng hắn không có những tiếng cười kia? Do hắn. Cũng do vợ hắn nữa. Ngòi bút của
người trần thuật len lách vào trong suy nghĩ của trên trộm, trong cái đêm ba
mươi khốn khổ khốn nạn của hắn: "Vợ hắn không cười với hắn. Hắn không cười
với thị. Chúng ngồi ăn với nhau, mỗi cặp mắt nhìn một mảng đất, mỗi lòng nghĩ đến
một ý nghĩ chua chát hoặc buồn rầu. Chẳng ai nói với ai, hay chỉ nói với nhau
những lời gắt gỏng [...] Hắn không âu yếm vợ".
Chưa hết, hắn lại hay liếc con dao
quèn quẹt vào miệng vại mà bảo vợ: "Ông giết mày! Ông giết mày!".
Đó là lời trực tiếp của hắn. Còn đây là
lời nửa trực tiếp - giọng điệu Nam Cao qua cảm xúc vừa hình thành trong tên ăn
trộm: "Hắn chẳng giết ai, nhưng giết chết lòng yêu. Nhận được một lời thô
tục, người đàn bà ném trả một lời thô tục".
Vừa lúc hắn nghĩ được điều này thì hắn
nghe tiếng người vợ trong ngôi nhà kia: "Tay này...tay ải...tay
ai...?", rồi tiếng người chồng kia đáp lại: "Tay này...tay ảnh...tay
anh...!". Tiếp đó là tiếng cười hí hí của người vợ.
Truyện ngắn là một khúc cưa đời sống.
Đây là chỗ bất lợi của truyện ngắn so với tiểu thuyết. Làm sao với dung lượng
"trong túi" mà nói được chuyện thế gian? Chưa kể phải nói một cách
thú vị, thuyết phục, ám ảnh? Cái khó ló cái khôn. Các nhà truyện ngắn coi trọng
việc dày công xây dựng tình huống truyện. Hiện nay, vẫn có nhiều cách hiểu về
tình huống truyện. Tôi thì tán đồng quan niệm cho rằng tình huống truyện là cái
tình thế đặc biệt có vai trò gây đột biến, tạo ra bước ngoặt, sự biến đổi bất
ngờ trong cuộc đời, trong tâm trạng hoặc nhận thức của nhân vật.
Tiếng cười nói ỏn ẻn của người vợ ăn ngô
rang đã đánh thức lương tính trong tên trộm. Đứng trong đêm tối rét ghê người,
hắn "mỉm cười" và "thấy thèm hạnh phúc của đôi vợ chồng này
quá". Thế là hắn lê người đến gần chỗ họ, bốc trộm một nắm ngô rang. Một
lát sau, hai vợ chồng kia ngủ, hắn bốc vội vàng mấy nắm ngô bỏ đầy hai túi. Cái
rá hết nhẵn không còn một hột. Hắn rón vài hột, nhai công cốc. Hắn muốn nhai nữa
nhưng cố nhịn? Vì sao nhỉ? Người kể chuyện cho hay: "Anh nghĩ đến vợ, đến
cái ổ lá chuối và cái rá. Quên cả rét, anh chạy thật nhanh về nhà".
Một con người được hồi sinh về nhân phẩm.
Một gã đàn ông cộc cằn, thô bạo sẽ trở lại làm người chồng biết yêu thương và
khát khao tổ ấm. Tư duy hình tượng nghệ thuật cho phép người đọc hiểu nhân vật
người ăn trộm sẽ hoàn lương. Tuy nhiên, hình tượng nghệ thuật phải được đắp nặn,
tạo hình và biểu hiện chứ không phải lời nói thẳng theo kiểu luận thuyết của đạo
đức hay pháp luật. Ở ba dòng cuối của truyện, nhà văn dùng từ anh để thay cho từ
hắn.
Trở lại với vấn đề tình huống truyện, nếu
hắn vào một nhà giàu có lắm của và vớ bẫm thì sao? Đằng này hắn vào một nhà
nghèo, gia chủ nằm tổ lá chuối và đón giao thừa bằng... ngô rang. Đó là Nam
Cao. Đôi vợ chồng ăn ngô rang trong thương yêu gắn bó ngọt lịm. Trong truyện ngắn
Nam Cao, không có chi tiết, tình tiết nào là nhỏ hay nói cách khác, chúng có thể
khiêm tốn về dung lượng nhưng lớn lao về ý nghĩa, tạo ra một bước ngoặt của cốt
truyện. Tôi muốn nói đến tình tiết này: Trước khi chạy ào về với vợ, với hai
túi đầy ngô rang, hắn - lúc đó vẫn còn là hắn - "bỗng ngẩn người ra một
chút". Hắn nghĩ ngợi và đi đến quyết định: Bỏ lại vào cái rá đang hết nhẵn
của hai vợ chồng kia một túi ngô rang. Đó là Nam Cao!
Vẻn vẹn 8 trang truyện khổ 13 x 19,
"Hai người ăn tết lạ" là cả một "luận án" bằng hình tượng về
sự vong thân và hoàn lương nơi con người, trên cõi người. Liệu hình phạt hay
nhà tù có thể phục hồi nhân phẩm con người? Nếu bị bắt, nhân vật người ăn trộm
trong thiên truyện này có trở nên lương thiện? Vậy mà "hắn" đã tìm thấy
ánh sáng trong cái đêm ba mươi tối đến mịt mùng. Đó mới là Nam Cao.
Vì sao tác phẩm của Nam Cao không cần một
cây phất trần nào dù thời gian vô tình cứ nghịch ngợm phủ bụi tung tóe lên những
gì mà con người đã viết ra? Vì ông thực sự viết về con người. Con người là
trung tâm tác phẩm của ông chứ con người không làm nền, không minh họa cho một
hoàn cảnh nào, một lý luận nào. Nam Cao luôn đau đáu lo âu và tràn đầy niềm tin
về con người trong cuộc hành trình làm người của con người, nhất là những người
bị tha hóa đi tìm lại phẩm cách, thiên lương của mình. Ở góc độ này, Nam Cao là
một nhà nhân đạo lớn. Một văn tài. Cứ ngỡ "Hai người ăn tết lạ" mới
được ông sáng tác cách đây vài ba hôm. Bởi vì hoàn cảnh lớn mà chúng ta đang sống
khác với hoàn cảnh lớn thời Nam Cao sống và viết, nhưng hoàn cảnh nhỏ thì còn
nhiều điều để trăn trở, thậm chí có mặt đi xuống đến ngưỡng dưới của chấn song
đạo đức xã hội như dư luận xã hội đang lo ngại.
Nguồn: Văn Nghệ Công An