Nhà văn Lê Hoài Nam tranh luận với nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Phần lớn các nhà văn Việt Nam từ độ tuổi 50 trở lên đều tiếp cận văn học nước ngoài qua các bản dịch tử tế, và họ không đến nỗi “ếch ngồi đáy giếng”. Biết ngoại ngữ là rất hữu ích nhưng nó không phải là thứ duy nhất cứu cánh cho trình độ sáng tác của một nhà văn.
Văn chương phát triển theo một quy luật rất riêng
LÊ HOÀI NAM
Báo Văn nghệ số 45 ra ngày 06/11/2021 có bài
viết đăng trang trọng ngay trang 2, bài viết của nhà thơ Bùi Hoàng Tám, từ những
dòng đầu tiên đã viết “Giải Nobel luôn là khao khát của không ít người cầm bút
và câu hỏi bao giờ một tác giả người Việt ta có được giải thưởng danh giá này
luôn là mong ước, là khát vọng của những người yêu mến văn chương nước nhà”.
Ngay sau đấy Bùi Hoàng Tám khẳng định luôn rằng “Song, xem ra mơ ước đó còn xa vời, ít nhất là trong vòng
vài chục năm tới”.
Tác giả phân tích: có hai nguyên nhân khiến văn chương
Việt còn xa vời mới với tới cái giải thưởng danh giá kia, đó là bởi nhà văn Việt
Nam sống trong một xã hội có điểm xuất phát thấp, đến đầu thế kỷ 20 mới có chữ
quốc ngữ, trước đó phụ thuộc vào ngôn ngữ Hán nên nhà văn Việt chỉ như một đám
“ếch ngồi đáy giếng” với một tư duy cố hữu “ta về ta tắm ao ta”. Đã thế lại
không chịu học tiếng Anh để tiếp thu cập nhật văn học Tây Âu, trong khi những
nước ấy trình độ phát triển rất nhanh và cao (Ý nói trình độ phát triển toàn diện
cả kinh tế cũng như văn hóa, trong đó có văn chương).
Luận điểm này không còn mới, tôi đã được nghe một số
người nói, nhưng trong cách viết và tâm trạng tác giả trong khi viết tôi thấy
có gì đó chưa đủ độ chín nên xin được góp bàn mấy ý:
Về giải thương Nobel văn chương, đúng như tác giả viết,
là một giải thưởng danh giá, phàm đã là người cầm bút ai cũng có quyền mơ ước.
Tôi cũng mơ ước nhưng tôi không thần tượng giải thưởng này đến mức tâm phục khẩu
phục tuyệt đối. Giải thưởng Nobel bắt đầu được trao từ năm 1902 cho đến nay. Trừ
một vài năm có chuyện trục trặc do nội bộ hội đồng, còn lại, mỗi năm chỉ trao
cho một tác giả.
Tôi đã đọc hầu
hết những tác giả được giải này, (ít nhất mỗi tác giả tôi đọc một cuốn), và nhận
thấy không phải tác giả nào được trao giải cũng chính xác. Hai phần ba thời
gian của thế kỷ 20 thế giới gần như liên tục có chiến tranh, hết chiến tranh
nóng lại đến chiến tranh lạnh, trong đó có những cuộc chiến tàn khốc từ Âu sang
Á, chưa kể những xung đột sắc tộc, xung đột lợi ích giữa các quốc, dây dưa cho
đến nay. Bởi vậy không ít giải Nobel văn chương cũng nhuốm màu sắc chính trị, để
rồi sinh ra những bất công. Tính đến nay những nhà văn viết ngôn ngữ Anh có nhiều
người nhận giải thưởng nhất: 26, Pháp: 14, Đức 13, Tây Ban Nha: 10, Thụy Điển,
một quốc gia rất mờ nhạt về văn học, hẳn vì là nước bao nuôi hội đồng chấm giải
nên cũng được 7 nhà văn nhận giải.
Trong khi nước Nga rộng lớn, có một nền văn học rực rỡ
bậc nhất thế kỷ 20 thì chỉ được 6 giải, gồm: Lev Tolstoy, IvanBunin, Pasternak,
Sholokhov, Solzhenitsyn, Brodsky. Brodsky nhận giải Nobel khi đã sống ở nước
ngoài. Solzhenitsyn nhận giải Nobenl xong cũng sang nước ngoài sinh sống.
Pasternak từ chối nhận giải thưởng. Văn hào Lev Tolstoy thì được đề cử ngay từ
năm đầu tiên (1902) nhưng phải đến năm 2006 ông mới được trao giải, nhưng ông
cương quyết từ chối vì ông nghi ngờ nguồn tài chính của giải thưởng này không
được minh bạch. Ngoài Lev Tolstoy và Pasternak, còn một số nhà văn từ chối giải
thưởng như J. P. Sartre (Pháp), Bernard Shaw (Ireland), Samuel Beckett (Ireland)…
Một số giải Nobel còn được trao cho những nhà văn tiêu
biểu cho những trường phái hiện sinh, dòng ý thức, hậu hiện đại… mà ảnh hưởng của
nó tới mỗi quốc gia rất khác nhau. Như vậy không phải tác phẩm nào đoạt giải
Nobel cũng là khuôn thước để cho chúng ta ngưỡng mộ học tập.
Trở lại luận điểm thứ nhất, Bùi Hoàng Tám viết: “Việc không biết (hoặc
lỗ mỗ) ngôn ngữ này (tiếng Anh) khiến các nhà văn Việt Nam như “ếch ngồi đáy giếng”,
không tiếp cận được với văn học thế giới qua bản gốc…”, “… Không biết ngoại ngữ
(bản gốc), sẽ tự “ru ngủ” mình như con ếch trong đáy giếng, luôn ảo tưởng về
mình với khoảng trời xanh bằng bàn tay trên cao tít tắp. (chấm xuống dòng) Tệ
hai hơn là che giấu sự ngu dốt bằng bài ca “ta về ta tắm ao ta” mà không biết
ngoài kia có sông sâu bể rộng, có sóng cả, gió to để rồi an ủi rằng cái “ao ta”
tù túng, khê đọng đó “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”!
Về sự tiếp nhận văn chương nước ngoài, nếu biết ngoại
ngữ để đọc bản gốc thì rất tốt quá rồi, nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể tiếp
nhận qua bản dịch của người khác. Nước ta có khá nhiều dịch giả tiếng Anh, tiếng
Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức… rất giỏi. Có nhà văn văn nước ngoài khi đọc tác phẩm
của mình qua bản dịch của một dịch giả Việt Nam, ông ta đã thốt lên: “Ngài dịch
hay hơn tôi viết”. Phần lớn các nhà văn Việt Nam từ độ tuổi 50 trở lên đều tiếp
cận văn học nước ngoài theo cách này và họ không đến nỗi “ếch ngồi đáy giếng”
như Bùi Hoàng Tám nhận định.
Biết ngoại ngữ là rất hữu ích nhưng nó không phải là
thứ duy nhất cứu cánh cho trình độ sáng tác của một nhà văn. Những năm 30 – 40
của thế kỷ trước, khi mà chế độ thực dân đã đặt hẳn ách cai trị trên toàn quốc
Việt Nam thì tiếng Pháp đã giúp các nhà văn Việt Nam tiếp thu văn hóa, văn học
phương Tây, tạo một ảnh hưởng rất lớn đến văn học trong nước, tạo ra một sư
bùng nổ với nhiều khuynh hướng, trường phái phái triển rất rực rỡ. Nhưng không
phải nhà văn nào thông thạo tiếng Pháp cũng giỏi giang cả. Ông Nam Cao khi ấy
chủ yếu dạy học ở làng bằng chữ quốc ngữ, tiếng Pháp ông lỗ mỗ (như cách dùng từ
của Bùi Hoàng Tám), nhưng không vì thế mà văn chương của ông kém những nhà văn
“tiếng Pháp đầy mình” khác. Không những thế, ông còn nổi lên lấp lánh như một
ngôi sao trên bầu trời văn chương Việt.
Hẳn vì thời kỳ đó văn học Việt Nam phát triển rực rỡ nên
Bùi Hoàng Tám viết: “Trong khi chữ quốc ngữ của của chúng ta mới hình thành từ
đầu thế kỷ XX và như vậy, nếu nói văn học Việt Nam “thuần chủng” có nên tính từ
đầu thế kỷ XX chăng?”. Một câu hỏi bỏ ngỏ nhưng cũng là lời khẳng định khi tác
giả viết ở luận điểm thứ hai: “Hạn chế thứ hai đó là thói “ăn mày dĩ vãng” một
cách thái quá trong khi cái “kho tàng dĩ vãng văn chương” của ta lại vô cùng èo
uột. Chúng ta luôn “tưởng tượng” rằng Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương,
Đoàn Thị Điểm… là những thi hào nhân loại nhưng liệu thế giới có nhìn như chúng
ta và họ có thực sự là những “vì sao” trên bầu trời văn chương quốc tế?”.
Tôi chưa nghe người Việt nào nói những nhà thơ nói
trên là “thi hào nhân loại” cả, nhưng rất nhiều người gọi họ bằng cặp từ những
“thi hào dân tộc” là hoàn toàn có cơ sở. Hôm nay khoan hãy bàn về Nguyễn Khuyến,
Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm mà xin nói về Nguyễn Du trước đã. Trong bài Bùi
Hoàng Tám viết: “Dù có bao biện kiểu gì cũng không thể nói khác, Truyện Kiều lấy từ cốt
truyện của nhà văn Trung Quốc”, điều này không hề sai. Không
ai phủ nhận Nguyễn Du đã vay mượn cốt truyện này, nhưng dưới ngòi bút của ông,
các nhân vật đều có tầm vóc, cá tính đặc sắc; từ Thúy Kiều đến Kim Trọng, từ
Thúc Sinh đến Hoạn Thư, từ Hồ Tôn Hiến đến Từ Hải… đều in khắc vào tâm trí người
đọc. Nghệ thuật văn phong thì những câu hay, thậm chí hay đến độ tuyệt mỹ chiếm
số nhiều…
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám còn viết Nguyễn Du, cùng với những
nhà thơ vừa nhắc đến “…
là những nhà nho, sử dụng chữ Hán là chính” nên để vươn lên
sánh tầm với những “thi hào nhân loại” là rất khó. Về điểm này, tôi cũng xin
góp bàn thêm với tác giả: Nước Trung Hoa là một nước lớn, có nền văn minh lâu đời
nên các nước láng giềng nhỏ bé là “hàng xóm láng giềng” không tránh khỏi sự ảnh
hưởng nhất định về văn hóa. Nước ta hàng ngàn năm bắc thuộc, chúng ta không thể
không dùng chữ Hán (cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên vậy thôi). Mặc dù vậy,
với tầm nhìn xa, ngày từ thời Lý người Việt Nam đã phát minh ra chữ Nôm làm chữ
của người Việt. Nhưng vì rất nhiều lý do mà trong văn chương phải đến cuối triều
Lê đầu triều Nguyễn chữ Nôm mới được dùng thịnh hành trong văn học. Tuy cũng là
chữ tượng hình như theo mô hình chữ Hán, nhưng với sự khác biệt dù không lớn ấy
cũng đủ để khẳng định nước Việt ta có chủ quyền, có văn hóa chữ nghĩa riêng,
người ngoại bang không dễ nô dịch.
Một trong những người đầu tiên sáng tác văn chương bằng
chữ Nôm chính là Nguyễn Du, và một trong những tác phẩm viết bằng chữ Nôm ấy là Truyện Kiều.
Nguyễn Du Là thế. Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức
Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) họp tại Paris đã chính
thức ban hành Quyết định số 37C/15 vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107
danh nhân văn hóa toàn thế giới. Việc Nguyễn Du trở thành danh nhân văn hóa thế
giới, Liên hiệp quốc không hề có một sự chiếu cố nào...
Cho nên cái định lý: không biết tiếng Anh để cập nhật
văn học từ các nước phát triển thì các nhà văn Việt Nam chỉ như “ếch ngồi đáy
giếng” xem ra hơi phiến diện. Đành rằng khi chủ nghĩa tư bản phát triển ở châu
Âu và và sau đó là Mỹ, kinh tế phát triển đồng thời nảy sinh rất nhiều những
xung đột, mâu thuẫn xã hội; đó chính là bầu khí quyển để xuất hiện bao nhiêu
nhà văn lớn mà các báo và tạp chí uy tín thường xếp hạng như Charles Dickens,
Jane Austen, George Orwell, Emily Bronte, Agatha Christie, (Anh) Voltaire,
Victor Hugo, Marcel Proust, Alexandre Dumas (Pháp), Goethe (Đức), Franz Kafka
(Cộng hòa Sec), Lev Tolstoy, Pushkin, Dostoevsky, A. Chekhov, Vladimir Nabokov
(Nga), Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald, J. D. Salinger, Harper Lee, Jack
Kerouac, O’Henry, Mark Twain (Mỹ), Gabriel Garcia Marquez (Columbia)… Tuy
nhiên, lại có những nhà văn sinh trước thời kỳ tư bản, trước cả thời kỳ “Khai
sáng” lại trở thành những nhà văn “khổng lồ” và được xếp hàng đầu trong danh
sách như William Shakespeare (Văn hào Anh, thế kỷ 16) Miguel de Cervantes (văn
hào Tây ban nha, thế kỷ 16). Những vở kịch Romeo và Juliet, Hoàng tử Hamlet,
Macbeth, Vua Lear, Giông Tố, Othello, Người lái đò thành Venice… của William
Shakespeare và tiểu thuyết Don Quixote của Miguel de Cervantes đã trở thành bất
tử.
Qua trường hợp Nguyễn Du, William Shakespeare và
Miguel de Cervantes đã cho thấy rằng một nhà văn lớn vẫn có thể được sinh ra và
dung dưỡng trong một xã hội chưa có nền kinh tế phát triển. Như vậy cái luận điểm
phải thành thạo ngoại ngữ tiếng Anh để cập nhật văn học của các nước tiên tiến
trên thế giới mới tránh được tình trạng “ếch ngồi đáy giếng” xem ra chưa hoàn
toàn thuyết phục. Trái lại, kha khá nhà văn giỏi Anh ngữ ở ta cũng chưa viết
hay hơn những nhà văn khác; không những thế, đọc thơ của một số người, tôi cứ
thấy nó Tây Tây giống như là thơ dịch vậy. Như thế nghĩa là Văn chương phát triển
theo một quy luật riêng của nó. Nó là thứ năng khiếu cha mẹ ban cho, nó hút
linh khí của trời đất, nó tiếp nhận văn hóa và ngôn ngữ của con người từ quê
hương xứ xở mà thành nhà văn. Còn yếu tố ngôn ngữ ngoại lai chỉ là yếu tố phụ
trợ mà thôi.
Nhưng năm gần đây ở nước ta xuất hiện khuynh hướng gọi
là “giải thiêng”; giải thiêng nhiều thứ, trong đó có giải thiêng nhân vật lịch
sử. Nếu chọn Nguyễn Du làm nhân vật cần giải thiêng thì rất tiếc, Bùi Hoàng Tám
đã chọn nhầm địa chỉ.