Tiểu thuyết Nghiệp Chướng của nhà văn Lưu Vĩ Lân do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, được trao giải thưởng năm 2021 của Hội Nhà văn TP.HCM.


Tiểu thuyết “Nghiệp chướng” nằm trong bộ ba tác phẩm nhiều tâm huyết của nhà văn Lưu Vĩ Lân. Tiểu thuyết “Nghiệp chướng” tiếp nối mạch cảm hứng từ tiểu thuyết “Mật đạo” và tiểu thuyết “Ngẫu tượng”, nhưng vẫn đứng biệt lập về mặt nội dung và nghệ thuật.

Tiểu thuyết “Nghiệp chướng” dày 200 trang, phác thảo đời sống của giới doanh nhân miền Nam luôn khao khát làm giàu cho bản thân và cống hiến cho xã hội. Bối cảnh của tiểu thuyết “Nghiệp chướng” là đêm trước đổi mới, nghĩa là từ cột mốc tháng 4/1975 đến năm 1987. Chặng đường tưởng chừng ngắn ngủi hơn một thập niên ấy, với bao nhiêu sóng gió dư âm chiến tranh và bất cập cải tạo công thương nghiệp, từng số phận con người được thử thách giằng co liên tục và quyết liệt.

22 chương trong tiểu thuyết “Nghiệp chướng” không chỉ kể lại câu chuyện làm ăn của một gia tộc, mà còn phác thảo một bức tranh xã hội nhiều biến động thị phi. Những toan tính tiền tài, những tranh thủ cơ hội, những đầu óc bảo thủ không thể nào che lấp những trái tim ấm áp và thương yêu.

Nhà văn Lưu Vĩ Lân xuất thân thân từ một dòng họ có truyền thống kinh doanh, nên ông có thế mạnh riêng khi viết “Nghiệp chướng” với nhiều chi tiết sinh động: “Khi cầm bút cho nghiệp văn chương, tôi thấy mình rất thuận để hiểu về cuộc sống, cách nghĩ, những lo âu, những hãnh diện của các doanh nhân. Tôi trân trọng những “gã phiêu lãng” này, tôi biết họ hầu hết đều rất lãng mạn vì bản chất kinh doanh là một cuộc phiêu lưu lớn có thể đánh đổi cả một sản nghiệp, một gia đình, nhiều cuộc đời trong cuộc chơi đầy thành bại này”.

Nhà văn Lưu Vĩ Lân.


Nhà văn Lưu Vĩ Lân sinh năm 1958 tại Đà Nẵng, học phổ thông tại Huế, rồi lập nghiệp tại TP.HCM. Không có điều kiện vào đại học, Lưu Vĩ Lân từng làm công nhân trước khi theo đuổi nghề báo gần 30 năm.  

Từ trải nghiệm nghề báo đến thôi thúc nghề văn, tác giả “Nghiệp chướng” thổ lộ: “Đối với tôi, viết tiểu thuyết không chỉ là chữ nghĩa, là văn chương. Viết một cuốn tiểu thuyết là tạo ra một “máy mô phỏng”, trong đó tôi tạo ra mô phỏng của một thời đại lịch sử, rồi thả nhân vật của mình vào để xem họ sống, yêu, ghét, đau khổ, suy tư, vật vã... thế nào. Tôi cảm ơn vì đã làm báo để bây giờ có thể viết văn, vì đây không chỉ là cuộc chơi về chữ nghĩa, cảm xúc, một cuốn truyện là một nghiên cứu, một luận văn, nó cần được nghiên cứu và tập tính làm báo rất hữu ích ở đây.

Ngoài giải thưởng chính thức dành cho tiểu thuyết “Nghiệp chướng” của nhà văn Lưu Vĩ Lân, giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM còn trao tặng Giải thưởng Nhà Văn Trẻ cho tập thơ “Ở đậu trong nhau” của Trần Đức Tín, Giải thưởng Văn học thiếu nhi cho truyện dài “Cà Nóng chu du Trường Sa” của Bùi Tiểu Quyên.

Có 4 Tặng thưởng năm 2021 của Hội Nhà văn TP.HCM được trao cho tập thơ “Hai phía một đời sông” của Nguyễn Vĩnh Bảo, tiểu thuyết “Chiều bình yên” của Nguyễn Ngọc Mộc, tập truyện ngắn “Sự đành hanh của số phận” của Hoàng Phương Nhâm, tập lý luận phê bình “Sóng đồng và cây núi” của Lê Quang Trang.

Ngoài ra, Hội Nhà văn TP.HCM còn trao giải Cống hiến cho hai tác giả vừa qua đời là nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953-2021) với tác phẩm “Văn học Sài Gòn 1954-1975 – Những chuyện bên lề” và nhà thơ Đoàn Vị Thượng (1959-2021) với “Tuyển thơ Đoàn Vị Thượng”.

                               TUY HÒA