Trong một Ban giám khảo, các thành viên thường nghiêng ngó nhau để giơ tay theo gợi ý chỉ đạo của Ban tổ chức để đạt tới yêu cầu “không mất lòng ai, vui vẻ cả trăm họ”. Chưa nói rằng, Ban giám khảo của liên hoan phim này, liên hoan phim nọ cũng vẫn ngần ấy gương mặt đã quen cung cúc làm theo gợi ý để ngồi Ban giám khảo năm này sẽ còn đủ tín nhiệm mà ngồi tiếp trong Ban giám khảo năm sau


HÀNG HÓA LÈO TÈO, HỌP CHỢ LÀM CHI?

TÔ HOÀNG

...Ở các nước có nền công nghệ điện ảnh tiên tiến tiến, riêng một hãng phim mỗi năm sản xuất từ 10 đến 15 phim; cả nước có vài trăm phim. Và mỗi hãng, mỗi xưởng phim sẽ tuyển chọn ra một, hai bộ phim xuất sắc nhất, nội dung và hình thực thể hiện điều gì mới mẻ, lạ lẫm nhất trong số phim làm ra mới được mang tới Liên hoan phim quốc gia. Tức là trước một cuộc thi lớn đã diễn ra những cuộc thi nhỏ.

Ở nước mình chất lượng phim đã thấp, số lượng phim có thể đếm trên đầu ngón tay. Từ lâu rồi, không thành văn, cứ làm ra bộ phim điện ảnh nào là được quyền mang tới Liên hoan phim dự tranh giải, không cần tuyển chọn, lọc lựa trước. Thành thử chân đất đá với chân giày, phim nghệ thuật và phim thị trường xếp ngang hàng chờ bình xét.

 Liên hoan phim Việt Nam, hay còn được gọi là Giải Bông Sen đã có lịch sử nửa thế kỷ. Liên hoan phim này do Cục Điện ảnh Việt Nam đăng cai và diễn ra 2 năm một lần. Với tốc độ sản xuất phim nhựa ( kể cả của nhà nước lẫn tư nhân ) thì trong 2 năm có chừng tất tật trên dưới 15, 16 phim đem “trình tòa”. Thôi cũng coi là đủ lô xô cao thấp để làm công việc “bó đũa chọn cột cờ” dành cho một Liên hoan phim.

Oái oăm thay, có một liên hoan phim khác xuất hiện là Giải Cánh Diều do Hội Điện ảnh Việt Nam đăng cai. Có cô thì chợ thêm đông, không sao cả! Người chủ trương lập thêm một liên hoan phim nói thế. Đúng vậy không?

Những người cha đẻ ra Giải Cánh Diều không làm ồn ào, ầm ĩ, song muốn giải Cánh Diều sẽ đóng vai trò như một thứ “tiền Oscar” để thu hút dư luận, thu hút tiền bạc của nhà tài trợ, làm một cú “trấn lột ” trước Liên hoan phim Việt Nam.

Giải Cánh Diều diễn ra mỗi năm một lần. Như vậy, chắc chắn sẽ nhanh tay” hơn trong việc thu hút các bộ phim mới xuất xưởng và sẽ nóng sốt hơn Bông Sen? Tính toán thì như vậy, nhưng khốn nỗi, ở nước mình công việc làm phim đâu vẫn ngẫu hứng kiểu nghiệp dư.

Điều đáng nói hơn, việc bình giá nghệ thuật ở xứ mình có bao giờ dám trái ngược hoặc đối đầu nhau đâu? Trong một Ban giám khảo, các thành viên thường nghiêng ngó nhau để giơ tay theo gợi ý chỉ đạo của Ban tổ chức để đạt tới yêu cầu “không mất lòng ai, vui vẻ cả trăm họ”. Chưa nói rằng, Ban giám khảo của liên hoan phim này, liên hoan phim nọ cũng vẫn ngần ấy gương mặt đã quen cung cúc làm theo gợi ý để ngồi Ban giám khảo năm này sẽ còn đủ tín nhiệm mà ngồi tiếp trong Ban giám khảo năm sau. Vì vậy Giải Cánh Diều không thể sắm nổi vai trò “tiền Oscar“ được!

Và thế là với trên dưới 15 phim mới xuất xưởng, 2 giải thưởng cùng nhau bình giá. Tức sẽ có 2 lần đánh giá, 2 lần trao giải giống nhau y chang cho cùng một bộ phim!

 Chúng ta đang chủ trương tiết kiệm. Mỗi năm mỗi liên hoan phim chắc chắn cũng tốn kém ngân sách. Mọi sự bày vẽ cho thêm mâm thêm bát, cho thêm xôm tụ mà hà lạm vào thuế khóa của nhân dân như thế cần được tính toán lại.  

  Mong Cục Điện ảnh và Hội Điện ảnh hãy ngồi lại với nhau, dũng  cảm tìm ra một cách  ứng xử hiệu quả, ít tốn kém nhất. Ví như, trước thực trạng nền điện ảnh nước nhà còn chưa mạnh, số lượng phim xuất xưởng mỗi năm còn quá ít ỏi;  đặc biệt các bộ phim đạt yêu cầu nghệ thuật đích thực, xứng đáng để biểu dương, khen ngợi càng hiếm hoi, nên chăng hãy sát nhập Bông Sen và Cánh Diều thành một liên hoan.

  Hàng hóa lèo tèo, ít ỏi mà tăng cường họp chợ để làm gì?