Quyền sở hữu Quốc ca trở thành một vấn đề nóng bỏng khi Quốc ca bị tắt tiếng trên các nền tảng mạng xã hội tường thuật trận bóng đá Việt Nam – Lào đêm 6/12.
Quyền sở hữu Quốc ca
khiến công chúng ngạc nhiên khi lễ chào cờ trước trận bóng đá Việt Nam – Lào phát
sóng trên các nền tảng mạng xã hội bỗng dưng im bặt âm thanh, mà hiện ra dòng
chữ: “Vì
lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ.
Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán
giả thông cảm”.
Quyền sở hữu khiến Quốc
ca bị tắt tiếng trên các nền tảng mạng xã hội tường thuật trận bóng đá Việt Nam
– Lào, còn trên chính kênh truyền hình Việt Nam vẫn vang rõ bình thường. Vậy thì,
ai đang chi phối quyền sở hữu Quốc ca Việt Nam một cách ngược ngạo như vậy?
Quốc ca Việt Nam được
Quốc hội Việt Nam chọn lựa từ ca khúc “Tiến quân ca” do nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995)
sáng tác. Khi nhạc sĩ Văn Cao khi còn sống đã tâm nguyện hiến dâng “Tiến quân
ca” cho Tổ quốc, và điều này tiếp tục được các con của nhạc sĩ Văn Cao tái khẳng
định. Như vậy, quyền sở hữu Quốc ca Việt Nam thuộc về nhân dân Việt Nam, chứ không
thể thuộc về bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.
Mỗi khi Quốc ca Việt
Nam được cất lên, dù có cả phần lời hay chỉ có phần nhạc, thì mỗi người Việt
Nam đều cảm thấy trân trọng và thiêng liêng. Ngay cả các ca sĩ như Mỹ Linh, Tùng
Dương, Minh Quân khi thực hiện MC Quốc ca cũng không nhằm mục đích xác lập bản
quyền ghi âm, mà nhằm thể hiện sự rung động trái tim minh hướng về tình yêu Tổ
quốc.
Trước đây, BH Media từng
công khai “xác nhận sở hữu bản quyền” đối với Quốc ca, đã bị dư luận phản đối.
BH Media cho rằng, họ được Hồ Gươm Audio (đơn vị sản xuất bản ghi “Tiến quân
ca) cho phép quản lý và khai thác. BH Media đưa bản ghi “Tiến quân ca” của Hồ Gươm Audio lên YouTube, nếu có kênh đăng
tải video sử dụng bản ghi này sẽ bị YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền.
Phải chăng, BH Media đã
tạo tiền đề để dẫn đến câu chuyện Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận bóng
đá Việt Nam – Lào đêm 6/12? BH Media cho rằng, đơn vị tiếp sóng trận
bóng đá Việt Nam – Lào đã tự tắt tiếng bài “Tiến quân ca” để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh
YouTube của FPT trước đó.
Theo
luật, hãng đĩa Marco Polo tự bỏ tiền sản xuất bản ghi “Tiến quân ca” và đã đăng ký bản quyền trên YouTube thì bất
kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này phải xin phép họ. Việc ban
tổ chức trận bóng đá vô tư sử dụng bản ghi “Tiến quân ca” của hãng đĩa nước ngoài mà không xin phép đã khiến các kênh
YouTube ở Việt Nam tiếp sóng bị mất doanh thu.
Quốc ca Việt Nam được đem ra làm thương mại ư? Quyền sở hữu
Quốc ca đã bị thao túng một cách trớ trêu như vậy, là điều không thể chấp nhận.
Xin được nhắc lại,
quyền sở hữu Quốc ca Việt Nam thuộc về nhân dân Việt Nam. Không bất kỳ cá nhân hoặc
tổ chức nào được phép dành quyền sở hữu Quốc ca Việt Nam trên nền tảng mạng xã
hội.
NNVN