Tác giả Mỹ gốc Việt – Ocean Vuong những ngày cuối năm 2021 lại chia sẻ cho công chúng ý niệm khá thú vị qua cuốn sách “Một thoáng ta rực rỡ ở trần gian” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam ấn hành.


Tác giả Mỹ gốc Việt - Ocean Vuong sinh năm 1988 tại TP.HCM với họ tên đầy đủ là Vương Quốc Vinh. Tác giả Mỹ gốc Việt – Ocean Vuong bắt đầu viết lách từ thời trung học và thành danh khi công bố những sáng tác của mình ở  Trường Brooklyn College thuộc Đại học New York.

Tác giả Mỹ gốc Việt- Ocean Vuong được xem như một hiện tượng đáng chú ý trên văn đàn Mỹ khi xuất bản tập thơ đầu tay “Trời đêm những vết thương xuyên thấu” (Night sky with exit wounds). Tập thơ “Trời đêm những vết thương xuyên thấu” nhận được nhiều sự tôn vinh trong hai năm 2016 và 2017 như giải thưởng Whiting, giải thưởng Forward, giải thưởng T. S. Eliot.

Hiện nay, tác giả Mỹ gốc Việt - Ocean Vuong tham gia giảng dạy chuyên ngành sáng tác cho các khóa Thạc sĩ nghệ thuật ở Đại học Massachusetts Amherst. Các đề tài chính trong sáng tác của Ocean Vuong là gia đình (mẹ, bà, ông ngoại), lịch sử, căn tính màu da, căn tính tính dục, căn tính nhà thơ và quan hệ của mình với ngôn ngữ, bạo lực, cảnh nghèo, ma túy và những hệ lụy của nó…

Đúng thời điểm cuối năm 2021, tiểu thuyết đầu tay của Ocean Vuong có tên gọi “Một thoáng ta rực rỡ ở trần gian” (On Earth we're briefly gorgeous) đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam ấn hành. Tiểu thuyết “Một thoáng ta rực rỡ ở trần gian” của Ocean Vuong ngay từ khi ra mắt vào năm 2019, đã liên tục lọt vào danh sách bestseller do tạp chí New York Times khảo sát.

Trong email gửi về Việt Nam cho sự xuất hiện của “Một thoáng ta rực rỡ ở trần gian”, tác giả Ocean Vuong thổ lộ: “Tôi thật tự hào và phấn khích khi cuốn sách được sống bằng tiếng Việt, thứ ngôn ngữ gần gũi nhất trong tôi với ý niệm về "nhà", thứ ngôn ngữ luôn làm sống dậy trong tôi mạnh mẽ nhất tình cảm gắn bó máu thịt, nỗi xúc động và niềm vui. Tôi không muốn gọi cuốn sách này là một câu chuyện bi kịch. Tôi nghĩ những câu chuyện hay nhất đều có buồn và vui sánh vai nhau - bởi cuộc sống chính là như thế”.

Nếu như tập thơ “Trời đêm những vết thương xuyên thấu” lấy trung tâm là sự vắng mặt của người cha trong quá trình trưởng thành, thì tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian lại nhìn nhận vai trò của người mẹ và người bà, những người đã nuôi Ocean Vuong khôn lớn.

Tiểu thuyết “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được viết dưới dạng những bức thư của một người con trai gửi cho người mẹ không biết chữ. Nhân vật chính, Chó Con, khi đang ở độ tuổi ngoài hai mươi, kể lại cho mẹ những mẩu chuyện nhỏ, xen kẽ với những đoạn trữ tình ngoại đề, triết lý, và những bài thơ.

“Một thoáng ta rực rỡ ở trần gian” kể câu chuyện đời không chỉ của Chó Con từ thuở ấu thơ đến lúc chớm trưởng thành, mà là cả ba thế hệ: từ bà, đến mẹ, đến cậu, một cuộc di cư kéo dài từ làng quê Việt Nam sang đất Mỹ. Chính ảnh hưởng từ họ – những người phụ nữ can trường, chai sạn, bị vắt kiệt bởi chiến tranh – đã hình thành nên xương sống của tiểu thuyết và đặt ra câu hỏi cốt lõi: chúng ta yêu thế nào sau bao đau thương?

Những bức thư khai quật lịch sử của một gia đình, đồng thời là chứng nhân cho tình yêu mãnh liệt không thể phủ nhận mà người mẹ đơn thân dành cho đứa con trai của mình. Cuốn sách là những trải nghiệm chấn thương sau chiến tranh được truyền qua nhiều thế hệ, những đau đớn khi trở thành một người tị nạn da vàng ở một quốc gia da trắng, nỗi tuyệt vọng do nghèo đói mang lại và nỗi khao khát được khẳng định giới tính kỳ lạ trong một nền văn hóa có nhiều hình phạt.

Là một đứa bé da vàng sống trong một quận phần đông da trắng, Chó Con ý thức rõ sự khác lạ của mình, cậu thường xuyên bị bắt nạt vì màu da, nhưng cũng tìm thấy sự an ủi ở những hàng xóm da màu, đi nhà thờ cùng với họ. Sống trong một quận phồn thịnh, Chó Con được chứng kiến những mặt tối, bạo lực, tuyệt vọng của người nghèo và người da màu Mỹ, với những bạo hành gia đình, chơi ma túy và chết vì sốc thuốc. Ngay cả trong gia đình cậu cũng có bạo lực, từ người mẹ kiệt quệ vì công việc nên thường trút bực tức và mệt nhọc xuống đứa con, và từ những ký ức chiến tranh, nhà cháy, người chết của bà ngoại, giờ đã dở điên dở tỉnh.



Thế nhưng, đó cũng là một gia đình tràn ngập tình yêu, thứ tình yêu của những con người bấu víu vào nhau vì không còn ai. Chó Con, học tiếng Anh dưới sự chỉ dẫn của một cô giáo tận tình, đã trở thành người phiên dịch của gia đình, người trung gian khiến mẹ cậu hiểu được văn hóa Mỹ. Đến lượt mình, mẹ và bà dạy cậu cách kiên cường, nghị lực vượt lên hoàn cảnh, và cả con mắt nhìn nhận được cái đẹp của thế giới, dù là một cánh chim ruồi, một vạt hoa, hay một chiếc đầm trong cửa hàng. Thông qua các ký ức của mình và các câu chuyện kể về thời thơ ấu của cậu, mẹ và bà cũng truyền cho Chó Con một hình dung về đất nước Việt Nam, chủ yếu trong nghèo khó và khói lửa chiến tranh.

Có thể nói, khi vật lộn với niềm trăn trở về cuộc sống và với những giới hạn của ngôn ngữ, tác giả Ocean Vuong "cố gắng thoát ra" bằng cách viết. Ngôn ngữ của Ocean Vương bay bổng khi anh viết về cái đẹp, sự sống và tự do. Anh khẳng định rằng anh và mẹ sinh ra không phải từ chiến tranh như anh vẫn nghĩ, mà là từ cái đẹp. Câu chuyện kết thúc trong những suy tưởng của Vuong về cái đẹp và sự ngắn ngủi của cuộc đời:

“Con lại nghĩ về cái đẹp, về việc một số thứ bị săn đuổi bởi vì ta cho là chúng đẹp. Nếu đời sống một cá thể là quá ngắn ngủi, so với lịch sử hành tinh này, chỉ một cái chớp mắt, như người ta nói, vậy thì được rực rỡ, cho dù suốt từ ngày ta sinh ra đến ngày ta chết đi, là rực rỡ chỉ trong một thoáng ... Bởi vì hoàng hôn, như việc sống còn, chỉ tồn tại bên rìa sự biến mất của chính nó. Để rực rỡ, trước tiên mình phải được nhìn thấy, nhưng được nhìn thấy cũng tức là cho phép bản thân trở thành con mồi”./.

 NNVN