Vài suy tưởng mơ mộng về các trại viết “thích ứng linh hoạt” trong tương lai. Có lẽ không quá viển vông để từ đấy hy vọng về những mô hình, cách thức tổ chức nhằm phục vụ cho sáng tác một cách mới mẻ, độc đáo, hấp dẫn hơn những gì hay diễn ra lâu nay.


NGHĨ MỚI VỀ TRẠI VIẾT ONLINE

NGUYỄN QUANG HƯNG

1.

Lẽ ra lễ khai mạc đã được tổ chức trên nhà sáng tác Đại Lải (Vĩnh Phúc), theo kế hoạch kể cả khi dịch vẫn chưa dứt như đợt vừa rồi. Nhưng như người viết cảm nhận thì không khí có xu hướng nóng trở lại của dịch bệnh COVID ở nội thành Hà Nội khiến cho trại viết tạp chí Văn nghệ quân đội mở đúng ngày đầu tháng 12 nhiều kỷ niệm, đã được quyết định… thích ứng.

Có thể coi đây là trại sáng tác thơ online đầu tiên. Cách đây một thời gian, trong tháng 8, trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi được Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên tổ chức với cách thức online, cũng có thể là một sự... đầu tiên khác chăng? Được biết trại viết và giao lưu đó cũng đã định tập trung nhưng rồi thay đổi cho phù hợp hoàn cảnh khi dịch bùng phát trên nhiều địa phương, giao thông bỗng ngăn trở, người với người phải khoảng cách.

Ở trại thơ Văn nghệ quân đội này, nhà văn Tổng biên tập Nguyễn Bình Phương bộc bạch, đã tưởng rằng COVID không dễ gây khó cho người cầm bút, bởi nhà văn dù có ngồi một chỗ cũng vẫn sáng tác được. Vậy mà, cũng phải đến lúc thấy bí bách quá, mong muốn gặp gỡ anh em viết để thấy cái sự gần gũi, trao đổi, chuyện trò là cần thiết. Để còn chia niềm hứng khởi sang nhau. Đại ý là như vậy, và tâm sự này cũng được cộng hưởng với những khuôn mặt thi nhân “lâu không gặp người” đến dự khai mạc trại trong niềm vui chào hỏi nhau, thấy nhau vẫn hào hứng sáng tác.

Chào kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 65 năm ra số đầu tiên, đón số 1.000 vào đầu năm 2022, trại viết nằm vào quãng giữa thời gian tổ chức cuộc thi thơ 2 năm 2021-2022 của tạp chí Văn nghệ quân đội. Với thông tin của nhà thơ Đoàn Văn Mật, Trưởng ban thơ của tạp chí đưa ra, năm qua đã đón nhận rất nhiều sáng tác từ trong và ngoài nước, đăng tải khoảng 400 bài với chất lượng được đánh giá khả quan. Tuy nhiên như mong muốn thì “độ hay” không bao giờ là đủ nên trại viết lần này mở ra như một kỳ vọng.

Đã có chút băn khoăn hài hước đâu đó là trại sáng tác online thì viết kiểu gì nhỉ, nhưng có lẽ cũng không đáng ngại. Không làm tập trung, nhưng đã tham gia qua kết nối, giám sát theo kế hoạch của ban tổ chức, thì ý thức "nhập trại” của khoảng 30 trại viên từ nhiều địa phương cũng phải khác bình thường chứ! Và nhất là, những tháng ngày qua đã là cả một cuộc thực tế dữ dội của bất cứ ai trong biến động dịch bệnh rồi thì mỗi nhà thơ sẽ có nhiều ngỡ ngàng, nung nấu, khám phá mới mẻ để ghi lại gì đó về cái thời biến dị lạ lùng này, ít nhất là với tồn tại cá nhân của mình.

2.

Chờ đợi những cuộc thích ứng sáng tác của các trại viên khi “thân tại gia mà tâm tại trại”, chợt nghĩ đến câu chuyện thích ứng linh hoạt để thấy rằng nay ta nói thích ứng như một nguyên tắc chính thức, nhưng việc ấy vốn đã được áp dụng đây đó trong các sự vụ viết lách rồi. Người viết bài này từng dự một chuyến đi được gọi là thực tế kết hợp trại sáng tác do Tổng cục Hậu cần tổ chức năm 2016. Chuyến đi qua một số đơn vị không quân, xăng dầu, hải quân, pháo binh và doanh nghiệp hậu cần khu vực Thanh Hóa, Nghệ An. Các nhà thơ vừa "hành tiến" vừa sáng tác. Có một số nhạc sĩ đồng hành để cùng trao đổi, khơi gợi, với mục tiêu nếu “hạp nhau” thì sẽ mở ra những duyên lành thơ-nhạc.

Đã có hai trại sáng tác-thực tế của tổng cục diễn ra liền nhau như thế, một ở Bắc Trung bộ, một ở Tây Nguyên mà riêng tôi, khi mới đến tham quan bảo tàng hậu cần tại Hà Nội, xem mô hình bếp Hoàng Cầm, những nồi xoong, bát đũa dùng trong chiến tranh, đã thấy hồi hộp về cái sự "nấu không khói”. Và nghe thuyết minh dẫn giải liên tưởng, ví von huyền thoại, rằng công tác hậu cần của ta đã có từ xa xưa khi cả làng Phù Đổng góp gạo thổi cơm nuôi Thánh Gióng ăn no đánh thắng giặc thì cũng đã rưng rưng trong lòng.

Cho nên, ngẫm thêm ra một chút thì những cách thích ứng cho trại viết hiện nay, cho sự sáng tác cần đi thực tế, thực địa, nếu khéo sắp xếp sẽ có thể làm được nhiều kiểu, nhiều nội dung. Chứ không chỉ trông đợi, phụ thuộc vào một số địa điểm nhất định theo mô hình trại sáng tác cố định mà lâu nay đã thành truyền thống quen quá rồi. Như đi trại là cứ phải Đại Lải, Tam Đảo phía Bắc, Nha Trang, Đà Lạt phía Nam…, quanh năm hết trại văn thơ đến trại sân khấu, trại mỹ thuật, trại ảnh… đều những điểm đến như vậy.

3.

Vài ví dụ thích ứng từ lĩnh vực mỹ thuật rất đáng để tham khảo cho những người làm tổ chức, quản lý các cơ quan, hội nghề khi mở ra các hoạt động văn học. Gần đây, diễn ra trong mấy năm qua, là trại điêu khắc đá đã trở nên thường niên ở khu vực làng đá Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình. Tận dụng không gian rộng sẵn có của tư gia nghệ sĩ sở tại, với nguồn nguyên vật liệu đá làng nghề truyền thống, trại điêu khắc ở đây được tổ chức theo hình thức lưu trú dài ngày. Nghệ sĩ có các không gian riêng đủ rộng, đủ “xa” đô thị Hà thành tấp nập để tập trung thực hiện tác phẩm của mình.

Cũng có nét tương tự là hình thức lưu trú và trại sáng tác mỹ thuật từng được tổ chức thường xuyên tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của họa sĩ Vũ Đức Hiếu cuối thành phố-tỉnh Hòa Bình. Không gian rộng, riêng, hòa với thiên nhiên núi đồi, vườn rừng và chất văn hóa đậm bản sắc dân tộc được tạo dựng công phu và phóng khoáng nơi này đã là điểm lựa chọn thích thú của nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước. Nhiều tác phẩm tranh, điêu khắc, sắp đặt đã ra đời ở đây và có những cái “ở luôn” lại với bảo tàng, trở nên dấu ấn đương đại đặc sắc kết nối với mạch chảy văn hóa Mường qua những ngôi nhà sàn, các hiện vật diễn xướng, nông cụ, săn bắt, sinh hoạt.

“Sang” hơn, và rõ ý đồ đầu tư, cộng hưởng phục vụ du lịch nghỉ dưỡng, tham quan là các trại sáng tác điêu khắc, mỹ thuật trong không gian Flamingo Đại Lải. Vận dụng không gian lớn, địa hình nhân tạo và rừng thông tuyệt đẹp tại đây, qua nhiều năm, các nghệ sĩ đã tạo nên những tác phẩm điêu khắc quy mô lớn làm đẹp, lạ, giàu chất văn hóa, nghệ thuật cho địa chỉ du lịch này. Còn gì phấn khích hơn khi đi dạo trên đường cỏ quanh co, đến chỗ ngoặt thấy hiện ra khối điêu khắc đá, kim loại to, cao, rộng hàng chục mét; hay đi lướt qua rừng cây, nhìn sang thấy một bức tranh khổ lớn mà những thân cây ở khoảng cách xa, gần khác nhau đã được vẽ lên để ghép lại tạo thành bức tranh ấy. Nó cho ta những hình dung khác hơn khi đứng trong phòng triển lãm, trong trại sáng tác, nhìn ngắm những khối điêu khắc thấp nhỏ hơn kích thước con người mình.  

4.

Đấy là vài gợi mở hay, mới, hiện đại hơn cho mô hình trại sáng tác truyền thống. Đặc biệt như với lĩnh vực nhiếp ảnh thì hình thức trại tập trung đã bộc lộ những bất cập khi tác phẩm đương nhiên phụ thuộc rất nhiều vào ngoại cảnh. Mà nếu các nghệ sĩ đến một khu vực, tham gia những chuyến thực tế cùng nhau qua những địa điểm, sự kiện thì tránh sao được những gì gần nhau, hao hao, na ná nhau.

Trở lại với địa hạt văn chương thì trại viết online thực ra cũng là “đành” trong bối cảnh ngặt nghèo. Nhưng sau này khi vãn dịch hơn nữa, đi lại thuận tiện thì sự tìm tòi, thích ứng linh hoạt với các không gian văn hóa, địa lý, các địa bàn đa dạng khác nhau để có thể mở các hình thức trại viết khác nhau là điều đáng suy ngẫm. Trại viết theo mô hình “homestay” để trại viên được hòa vào đời sống thực địa các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trại viết trên biên giới nơi các đồn biên phòng. Trại viết tại các đơn vị, lực lượng đặc thù. Cả trại sáng tác ở các di tích lịch sử, cách mạng, văn hóa, ở những nơi danh thắng, các khu công nghiệp, khu chế xuất, hay thậm chí các làng thôn, bản mường, buôn sóc… Đó là những hình thức giúp người sáng tác thấm thêm mạch nguồn và chất sống đang rung động, tràn chảy nơi các vùng miền khác nhau của đất nước. Rồi thì kết hợp online/offline, kết nối từ những chuyến đi sang tập trung cố định để tư duy, phác thảo đề cương, bước đầu đặt bút…

Bao nhiêu cách làm gợi nghĩ dành cho những người mở trại đang bày ra, từ trong cái gợi ý đã có và cái khó đang hiện hữu lúc này.

 

Nguồn: VNCA