Ngày 8/12 của 30 năm trước, Hiệp định Belovezhskaya đã được ký kết, chấm dứt sự tồn tại của Liên bang Xô viết. Một tác giả của báo The Conversation chứng kiến ​​những sự kiện này nhớ lại rằng, có hai cách giải thích hoàn toàn trái ngược nhau về quá khứ, do đó đã phủ bóng đen lên hiện tại.


 

CHO TỚI NAY VẪN CÒN CẢM NHẬN ĐƯỢC HẬU QUẢ SỰ SỤP ĐỔ CỦA LIÊN BANG XÔ VIẾT

( Báo THE CONVERSATION - Anh)

Quốc ca Liên Xô ca ngợi liên minh xã hội chủ nghĩa là “không thể phá hủy”. Tuy nhiên, cách đây đúng 30 năm, Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin, cùng với các nhà lãnh đạo của Ukraine và Belarus, đã ký một thỏa thuận về việc thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập. Đây là sự kết thúc của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết.

Những sự kiện này diễn ra ở một nơi cách biệt với phần còn lại của thế giới - trong địa điểm săn bắn dành cho giới thượng lưu Liên Xô, nằm trong một khu rừng thuộc Belarus. Như nhà sử học Vladislav Zubok đã viết trong cuốn sách mới của mình “Sự tan rã của Liên Bang Xô Viếtcho biết,  sự sụp đổ của Liên Xô diễn ra khu rừng săn bắn mà khách mời một thời là  Chủ tịch Cuba Fidel Castro và lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker. Zubok đã viết rằng vào Chủ nhật, ngày 8 tháng 12, “khoảng 160 nhà báo đã tập trung ở đó, bị cuốn hút bởi những gì đang xảy ra”.

Và sự hiện diện của cánh nhà báo càng chính đáng hơn. Đó là một trong những thời điểm mà các nhà báo thực sự có cơ hội thực hiện bản phác thảo đầu tiên những biến cải lớn lao chưa ngờ trước của lịch sử. Kể từ khi bắt đầu cải cách (perestroika) vào giữa những năm 1980, các phóng viên Liên Xô và nước ngoài đã có được quyền tự do chưa từng có để viết về Liên Xô. Và họ không thể bị từ chối chỗ ngồi ở hàng ghế đầu trong màn kịch cuối cùng.  Cải tổ là một đường lối chính trị mà nhà lãnh đạo Liên Xô - Mikhail Gorbachev đã hy vọng sẽ làm hồi sinh hệ thống Liên Xô đang chết dần chết mòn. Thay vào đó, việc tái cấu trúc đã dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của hệ thống, và kết thúc của quá trình này là vào một Chủ nhật lạnh giá, ngày 8 tháng 12 năm 1991.

Gorbachev không ngờ con đường phía trước sẽ không dễ dàng. Tuy nhiên, như Zubok viết, ông ta có thể chuẩn bị tốt hơn. Theo nhà sử học, Gorbachev đã “cố tình phớt lờ những bài học tựa như đã hiển nhiên đối với những người đọc nhiều về lịch sử thế giới và nước Nga”. Đa số những đại diện bảo thủ thuộc giới tinh hoa chính trị Liên Xô đã cảnh giác trước sự thay đổi này.

Và cùng với cải cách (perestroika), công khai (glasnost) trên thực tế, đã mở cửa cho các cuộc thảo luận công khai chưa từng có về các vấn đề gây khó khăn cho hệ thống Liên Xô.

Các nhà báo đã có cơ hội để đưa tin về các chủ đề và sự kiện mà trước đây bị nghiêm cấm. Về cơ bản, Gorbachev cho phép các nhà báo quảng bá "công việc" của ông ta. Và các nhà báo đã hào hứng nhận nhiệm vụ này. Nhà báo và sử gia truyền thông Ivan Zasursky đã viết trong cuốn sách ra mắt năm 2004 với tựa đề “Báo chí và Quyền lực - Truyền thông đại chúng của nước Nga thời hậu Xô Viết” như sau: “Với sự cho phép của Tổng Bí thư, các nhà báo đã tấn công vào các cơ sở đảng”.

THỜI GIAN TUYỆT VỜI

Vào thời điểm đó, tâm trạng lạc quan là đặc điểm toát ra từ các phóng sự của cả báo chí Liên Xô và báo chí nước ngoài. Đó là thời đại “sự kết thúc của lịch sử”- hình như Francis Fukuyama đã nói - thời đại mà ông ta và nhiều nhà báo khác khác tôn vinh những gì họ nghĩ đang xảy ra, cụ thể là “chiến thắng không thể phủ nhận được của tự do về kinh tế và chính trị”.

Ngay cả những người có lẽ không chia sẻ nhiệt tình đối với chiến thắng của chủ nghĩa tự do phương Tây, cũng nhớ rằng đó là một thời kỳ thú vị và tuyệt vời. “Bạn có thể nói chuyện với ai tùy ý bạn, nỗi sợ hãi tan biến, đó là khoảng thời gian đáng kinh ngạc”- phóng viên người Canada - Fred Weir nói với tôi khi tôi đang thu thập tài liệu cho cuốn sách “Chuyến công tác đến Moscow: Rọi chiếu các sự kiện ở Nga, từ Lenin đến Putin” (Assigment Moscow: Reporting on Russia from Lenin to Putin).

Fred Weir đến Moscow lần đầu tiên vào năm 1986, tức là một năm sau khi Gorbachev lên nắm quyền ở nước này. Ông đến Liên Xô với tư cách là phóng viên của tờ báo cộng sản Canada Tribune”. Đương nhiên không thể coi Fred Weir một người vui vẻ ủng hộ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội Xô Viết. Tuy nhiên, ông ta vẫn nhớ khoảnh khắc đó là “một khoảng thời gian đáng kinh ngạc. Sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản đánh dấu khởi đầu sự nghiệp của tôi trong việc đưa tin quốc tế. Tôi đến Moscow với tư cách là người gom tin  cho hãng thông tấn Visnews (sau này là Đài truyền hình Reuters). Và tôi đến đúng lúc để thấy thế giới mà tôi lớn lên đang thay đổi nhanh chóng trước mắt tôi như thế nào. Chiến tranh Lạnh, mà sự đối lập giữa chủ nghĩa cộng sản Liên Xô và chủ nghĩa tư bản Mỹ đi tới hồi cuối”.

SỰ KHÁC BIỆT TRONG CÁCH GIẢI THÍCH LỊCH SỬ 

“Từ đó đến nay đã 30 năm, và tôi nghĩ nhiều về mối quan hệ giữa báo chí và lịch sử. Tôi thường nhớ lại tình cảm nhiệt tình và lạc quan trong quan hệ của Nga với phương Tây đã tan nhanh  như thế nào. Người ta vẫn còn cảm nhận ra hậu quả sự sụp đổ của Liên Xô - đặc biệt là trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và cuộc đối đầu giữa Điện Kremlin và phương Tây phát sinh từ cuộc xung đột này.

Một phần của cuộc đối đầu ấy là do những cách hiểu khác nhau về lịch sử của Thế chiến thứ hai. Nếu bạn chưa đọc, tôi thực sự khuyên bạn nên đọc bài báo xuất sắc được viết vào năm 2020 của Andrey Kolesnikov- một chuyên gia về chính trị của nước Nga tại Carnegie Endowment for International Peace” có tựa đề "Quá khứ đen tối đó là tương lai tươi sáng của chúng ta".

Tôi muốn nói rằng chúng ta đang ở trong thời điểm mà hơn bao giờ hết các nhà báo cần phải hiểu rõ, bằng cách nào, lịch sử đang được sử dụng để thúc đẩy các diễn giải chính trị về các sự kiện hiện tại. Lịch sử có tác động đến diễn ngôn chính trị và báo chí đương thời cả ở phương Tây cũng như quan hệ giữa phương Tây và Nga ra sao. Đó là lý do tại sao  ở Trường đại học London, nơi tôi giảng dạy tại Khoa Báo chí, đã tạo ra một chuyên ngành mới - "Báo chí, Chính trị và Lịch sử"

Hãy nghĩ về phong trào Black Lives Matter và về cuộc tranh luận mà nó đã tạo ra - những cuộc tranh luận về di sản của đế chế và chế độ nô lệ. Hoặc cách các bên phản đối trong cuộc tranh luận Brexit đã khai thác vai trò của Anh trong Thế chiến thứ hai như thế nào. Cũng hãy nghĩ đến những lời chỉ trích gay gắt mà Vladimir Putin đã đưa ra nhân kỷ niệm 75 năm ngày kết thúc cuộc chiến đó, trong một bài báo đăng trên tờ The National Interest: “ Sự xuyên tạc về lịch sử mà hiện nay chúng ta đang chứng kiến ở phương Tây, chủ yếu về Thế chiến thứ hai và cái kết cục của nó thật hết sức nguy hiểm”.

Ngày nay, 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ của Nga với phương Tây trở nên tồi tệ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Vào tháng 6/2021, khi bình luận về điểm nóng của căng thẳng cao độ giữa Nga và phương Tây, đó là tình hình với Ukraine, ông Putin đã nhấn mạnh rằng "người Nga và người Ukraine là một dân tộc, một tổng thể". Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh và Mỹ tiếp tục cam kết ủng hộ chủ quyền của Ukraine.

Có hai cách giải thích hoàn toàn trái ngược nhau về quá khứ xa và gần, đang phủ phủ bóng đen lên các sự kiện hiện tại. Đó là lý do tại sao bất cứ ai tìm cách tạo bản thảo đầu tiên của lịch sử cũng cần phải thông thạo chính bản thân lịch sử đó./.

TÔ HOÀNG (chuyển ngữ)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

,