NXB Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức buổi ra mắt cuốn hồi ký “Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề” của tác giả Hoàng Hữu Phê - một kiến trúc sư nổi tiếng tại Việt Nam và từng được biết đến với tư cách là dịch giả.
Hồi ức của một kiến trúc sư mê văn chương
NGUYỆT HÀ
Buổi giao lưu có sự góp mặt của nhà phê bình văn học
Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu xã hội học - Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, nhà thơ Bằng
Việt, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, kiến trúc sư Lê Quang... để chia sẻ về giá trị lịch
sử - văn chương - kiến trúc trong cuốn hồi ký mà tác giả một kiến trúc sư rất
yêu văn chương...
“Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề” là một cuốn sách
khá dài (gần 600 trang) về câu chuyện trưởng thành của một cậu bé tỉnh lẻ Hoàng
Hữu Phê từ khi còn là một cậu thiếu niên sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Quảng
Bình đầy bom đạn. Sau đó, Hoàng Hữu Phê theo cha mẹ ra Hà Nội sống và học tập,
rồi đi du học tại Liên Xô (cũ) sau khi đạt điểm thi đại học xuất sắc. Từ đó,
Hoàng Hữu Phê bắt đầu khám phá kiến thức và những điều mới mẻ từ các truyền thống
văn hóa khác của thế giới.
Tác giả đã tập hợp những đặc điểm trùng hợp ngẫu nhiên
của các địa danh, từ những địa danh bom đạn ác liệt của Quảng Bình cho đến các
khung cảnh đô thị đặc trưng của Việt Nam và thế giới đã lần lượt xuất hiện trong
các trang hồi ký của Hoàng Hữu Phê như Đồng Hới, Hà Nội, Kiev, Bangkok và
London. Cuốn hồi ký đã cho thấy Hoàng Hữu Phê sớm có một cái nhìn cởi mở, sẵn
sàng đón nhận những kiến thức mới với một tâm hồn đa cảm, khao khát kiến tạo,
xây dựng và cống hiến.
Vốn yêu thiên nhiên và văn chương, năm 30 tuổi Hoàng Hữu
Phê từng đạt giải dịch văn học với cuốn tiểu thuyết “Thao thức” của Aleksandr
Kron (được giải thưởng về văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984),
nhưng cả đời ông lại trở nên gắn bó với lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng
trong lĩnh vực cấu trúc đô thị.
Hoàng Hữu Phê từng theo học khoa Kiến trúc - Trường Đại
học xây dựng Kiev, Khoa Quy hoạch dân cư - hoặc viện Công nghệ châu Á (AIT) và
Khoa Quy học và Phát triển Đại học Tổng hợp London (UCL). Ông nhận bằng Tiến sĩ
Quy hoạch đô thị tại London năm 1998 và đã công bố quốc tế nhiều nghiên cứu
trong các lĩnh vực kiến trúc, vị trí dân cư, cấu trúc đô thị, bất động sản và
tôn tạo đô thị. Thành danh với ngành kiến trúc, nhưng kiến trúc sư Hoàng Hữu
Phê vẫn luôn giữ được tâm hồn của một nghệ sĩ, một nhà thơ bay bổng, thấm đẫm
tình yêu văn chương - hội họa.
Theo nhà văn Phạm Xuân Nguyên, tình yêu văn chương đã
khiến kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê chọn dịch nhiều tác phẩm được cho là "khó
dịch" của thế giới sang tiếng Việt để giới thiệu tới bạn đọc trong nước
như: “Thao thức”, “Người làm”, “Hạnh phúc ngắn ngủi”, “Bông hồng cho Emily”,
“Dagestan của tôi”…
Nhà thơ Bằng Việt nhận xét: "Sự sôi nổi của tuổi
trẻ, sự say mê với văn học của Hoàng Hữu Phê đã thể hiện qua việc dịch cuốn
sách đầu tay “Thao thức” khi mới ở tuổi 30 và sau đó đến tận gia đình tác
giả nguyên bản tiếng Nga để tặng bản tiếng Việt. Sau này, Hoàng Hữu Phê đã đi
xa hơn, ra với thế giới , hòa nhập được với giới học thuật thế giới và chứng tỏ
được bản lĩnh của con người Việt Nam nhưng vẫn giữ được một tình yêu thuần khiết
với văn chương, thật là một điều đáng quý và đáng học tập và tự hào!".
Kiến trúc sư Lê Quang cho rằng, dường như tác giả
Hoàng Hữu Phê đã áp dụng những nguyên tắc thành công của kiến trúc vào việc cấu
trúc cuốn sách: Có mảng sáng, mảng tối, mảng cao, mảng thấp... với nhiều dữ liệu
đầy tính chân thực mà cũng chứa đựng nhiều bất ngờ.
Theo những chia sẻ của tác giả Hoàng Hữu Phê trong cuốn
hồi ký “Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề”, đã cho thấy ông là người cởi mở,
không bao giờ e ngại việc mình là một du học sinh ra đi từ một đất nước đang có
chiến tranh, không ngần ngại trước các định kiến và thách thức. Kiến trúc sư
Hoàng Hữu Phê đã chọn cho mình một con đường không dễ dàng, đã vượt qua nhiều
khó khăn để gặt hái được thành tựu kiến trúc được thế giới công nhận.
Tại Việt Nam, ông tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều
công trình, trong số đó có Rạp Xiếc Trung ương tại Hà Nội, trụ sở Viện Dầu khí,
các khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Bắc An Khánh (Splendora), đô thị du
lịch Cái Giá - Cát Bà cùng rất nhiều công trình nhà cao tầng tại Hà Nội và các
thành phố trong cả nước. Đặc biệt là, trong mỗi công trình kiến trúc mà Hoàng Hữu
Phê góp phần kiến tạo kể trên, qua những trang hồi ký đều chứa đựng những câu
chuyện, những dấu ấn đặc biệt, độc đáo chứ không chỉ đơn thuần là câu chuyện kể
về kiến trúc.
Thời gian gần đây, NXB Phụ nữ là đơn vị đã tổ chức nhiều
buổi giao lưu, ra mắt sách online, tạo cơ hội cho độc giả được gặp gỡ và lắng
nghe những chia sẻ tâm tư, tình cảm của các tác giả cũng như các diễn giả nổi
tiếng. Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng: “Lúc đầu cũng có nhiều ý kiến e ngại về việc
cuốn sách “Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề” khá dày, nhưng NXB sau khi thẩm định
nội dung, NXB vẫn quyết tâm làm để đem đến cuốn sách hay và có giá trị với độc
giả. Cuốn sách do BTV Trương Ngọc Lan của NXB phát hiện khi tác giả đăng tải
các trích đoạn trên facebook cá nhân và tôi là người đã đọc bản thảo này đầu
tiên.
Đây là một trong 2 cuốn hồi ký NXB Phụ nữ đã ra mắt
trong năm nay, cùng với cuốn “Cô gái nhìn mưa” của tác giả Đặng Thị Hạnh (con
gái GS Đặng Thai Mai) mà chúng tôi đã hết sức nỗ lực và cảm thấy tự hào khi giới
thiệu đến với công chúng. Bản thân tôi đọc cuốn sách này cũng có rất nhiều cảm
xúc: Cảm xúc của thế hệ sau đối với thế hệ đi trước đã “thích nghi” với chiến
tranh như thế nào, đã có niềm tin mãnh liệt vào tri thức và vươn lên từ khó
khăn như thế nào và thành công ra sao...
Cuốn hồi ký này của anh Hoàng Hữu Phê ngoài cung cấp
cho bạn đọc nhiều kiến thức về kiến trúc mà còn hấp dẫn bạn đọc bởi nó chứa đựng
nhiều kiến thức lịch sử, giàu chất văn chương - hội họa với một tình yêu thiên
nhiên, yêu quê hương, yêu thương con người sâu nặng cùng với sự trăn trở của một
người trí thức. Cuốn hồi ký đẫm chất văn này của Hoàng Hữu Phê khiến NXB Phụ nữ
nảy ra gợi ý về việc xuất bản những cuốn hồi ký về mỗi cá nhân, mỗi gia đình để
chia sẻ nhiều hơn với xã hội!”.
Trong buổi giao lưu, tác giả Hoàng Hữu Phê tâm sự rằng,
“Lúc đầu tôi không định làm một cuốn sách mà chỉ là những ghi chép mà tôi chia
sẻ với bạn bè, gia đình. Tôi không viết gì ngoài sự thật và chỉ muốn viết sự thật.
Những gì tôi yêu quý và sợ nó sẽ mất đi đã thôi thúc tôi phải viết ra cuốn sách
này. Cho đến bây giờ bà tôi vẫn nghĩ đây là việc làm đầy liều lĩnh!”. Tác giả,
kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê cũng hi vọng rằng, khi các bạn trẻ đọc được cuốn
sách này sẽ có động lực vươn đến những “giấc mơ lớn trong đời” và lời khuyên của
ông dành cho các bạn trẻ là "đừng sợ các thành trì".
Khẳng định những đóng góp đáng kể cho đời sống của thể
loại hồi ký, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Nhà văn Nguyên Hồng, Tô
Hoài đều viết hồi ký khi còn rất trẻ, mới ngoài 30. Vậy là không phải cứ đến
già mới viết hồi ký, mà vấn đề là viết cái gì để qua chuyện một người mà kể được
về rất nhiều người. Anh Hoàng Hữu Phê kể rằng, lúc đầu anh định viết câu chuyện
này cho các cháu nội, ngoại của mình như một câu chuyện lịch sử gia đình thôi.
Nhưng khi ra với độc giả rộng lớn hơn, có lẽ nó sẽ trở thành một dấu ấn khác
khi chứa đựng một phần lịch sử của dân tộc…”.
Còn Tiến sĩ Khuất Thu Hồng chia sẻ: “Gần đây, do công
việc nghiên cứu xã hội học, tôi đã tìm đọc khá nhiều nhật ký. Hồi ký của anh
Hoàng Hữu Phê giúp tôi nhớ lại những gì tôi đã từng trải qua, giúp tôi dựng lại
hình ảnh những năm tháng mà bản thân tôi, gia đình tôi đã đi qua... Câu chuyện
của cá nhân anh Hoàng Hữu Phê được đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể, giúp tôi
lý giải được cuộc sống ngày hôm nay. Đó là những trang "dã sử" sống động
và là những trang văn đẹp: Không chau chuốt, không làm dáng và ở đó có “khuôn mặt
con người” chân thực, gần gũi với đầy đủ các cung bậc cảm xúc và nhiều người sẽ
cảm nhận được có mình ở trong đó!”.
Nguồn: Văn Nghệ Công An