Vào năm thứ hai đại học, thơ của tôi còn được in trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng nhờ những sáng tác này, tôi được làm quen với các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Bùi Huy Phồn…


CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI

Hồi ký ĐINH KỲ THANH

 

Chương 3: Trưởng thành với Hà Nội những ngày gian khó

 

  Trường Phổ thông cấp 3 mà tôi theo học, ban đầu được tổ chức tại số nhà 80 phố Thợ Nhuộm, với cơ sở vật chất là trường tư thục Honore De Balzac cũ rất nhỏ bé và các lớp học chật chội rất thiếu tiện nghi. Trường này chỉ có một mảnh sân nhỏ chứa được khoảng 100 học sinh ngồi chen chúc mỗi sáng thứ hai tổ chức lễ chào cờ, nên chỉ học vài tháng chúng tôi được chuyển qua cơ sở mới là trường Pusigniet bên đường Lý Thường Kiệt. Trường mới của chúng tôi lúc này khá rộng có hai dãy lớp học và hội trường lớn cũng như một ngôi nhà thờ đẹp. Sân trường rất rộng và có chỗ dành riêng làm bãi bóng chuyền.

     Lại nói về T sáng tác Văn thơ do thầy Nguyễn Quang Vinh phụ trách, có chừng 10 bạn tất cả. Chúng tôi được đọc rất nhiều sách văn thơ mới xuất bản và được thảo luận về nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm để học và viết theo. Thầy Vinh còn tổ chức cho chúng tôi đi thực tế bằng xe lửa xuống Hải Phòng thăm Cảng và trực tiếp chứng kiến các hoạt động của Cảng biển lớn nht miền Bắc…

Về lại nhà trường thầy Vinh lại yêu cầu chúng tôi viết thu hoạch sau chuyến đi. Các hoạt động của Tổ sáng tác học sinh tuy không nhiều, song đã giúp bọn trẻ chúng tôi say mê văn thơ hơn và tạo ra rất nhiều học trò mơ trở thành nhà văn nhà báo….

   Tôi đã học ở trường cấp 2 này được 2 năm thì Sở Giáo dục sắp xếp lại học sinh theo địa bàn, nên phải chuyển qua học tại trường Cấp 3 Nguyễn Trãi ở phố Cửa Bắc, Hà Nội. Tháng 9/1957 tôi chuyển về trường mới và được sắp xếp vào lớp 8C. Tại trường mới này tôi đã thử sức viết một số bài báo gửi đăng trên các báo ngày và báo tuần của Hà Nội khi đó.

Tôi thật bất ngờ khi các báo đăng bài viết của mình. Tiền nhuận bút nhận về rất khiêm tốn, song đã làm tôi sung sướng biết bao! Cũng tại trường này tôi và các bạn Phan Văn Bảo, Dương Đình Ngọc … đảm trách tờ báo tường của lớp 8C. Chúng tôi thường tụ tập tại nhà của bạn Bảo ở phố Hàng Bạc để làm báo. Bạn Bảo rất có hoa tay, vẽ tranh rất đẹp nên phụ trách trình bày tờ báo. Bạn Ngọc giỏi chơi đàn, say mê âm nhạc nên lo phần sáng tác các bài hát, trình bày mỹ thuật …. Tôi lo phần nội dung chính của tờ báo với việc biên tập các tin bài…

   Cũng trong thời gian này, tôi say sưa tìm đến các Thư Viện của Trung Ương và Hà Nội để đọc các loại sách văn chương trong nước và sách dịch văn học các nước. Ngoài giờ học ở trường thì các phòng đọc của các thư viện đã cuốn hút tôi. Tôi cũng tích cực tham gia phong trào Bình Dân học vụ, nhận đi dạy các lớp xóa nạn mù chữ cho bà con lao động ở các xóm nghèo thuộc khu phố Hoàn Kiếm và tham gia nhiều hoạt động của thanh niên khu phố. Khi có tiền bồi dưỡng dạy bổ túc văn hóa hay nhuận bút báo chí, tôi lại dốc hết vào việc mua sách văn học Việt Nam và nước ngoài. Nhờ vậy chỉ trong vài năm tôi đã có được một tủ sách khá phong phú các tác phẩm văn học tiêu biểu mà nhiều bạn bè cùng trang lứa thường ao ước.

   Phải nói thêm rằng việc học hành tại trường phổ thông cấp 3 Nguyễn Trãi không nặng nề gì! Ngoài giờ lên lớp thì việc làm bài tập, tham khảo sách báo rất nhẹ nhàng, và chúng tôi còn nhiều thời gian xin làm thợ phụ ở các Hợp tác xã thủ công để có thêm thu nhập cho đời sống riêng.

Tôi mỗi ngày bỏ ra 3 giờ ngồi làm que hàn điện cho một Hợp tác xã nổi tiếng của quận Hoàn Kiếm. Và mỗi tuần tôi cũng được trả công khoàng 10 đồng, đủ để chi phí cắt tóc, gội đầu và mua sắm các đồ dùng lặt vặt … suốt cả tháng mà không phải xin tiền Bố Mẹ.

Không những thế với các khoản thu phụ khác tôi còn có dư tiền may áo quần mới và đóng giày để chưng diện với bạn bè. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên tôi được xỏ chân vào đôi giày da đóng mới là đôi giày được khâu bởi tay bác Lâm, một ông chủ tiệm giày nhỏ bên lề đường có những đôi giày, đôi dép da treo tường ở ngay đầu phố. Bác Lâm này cũng là học trò tôi xóa nạn mù chữ, cho nên rất quý trọng tôi. Bác nói đóng giày không lấy công mà chtính tiền da và phụ liệu. Tôi thử giày thấy vừa in nên rất sung sướng và hãnh diện. Tôi cũng xin nói là phần lớn bạn bè tôi lúc này chỉ đi guốc gỗ hoặc dép lê bằng nhựa rẻ tiền mua ở cửa hàng bách hóa!

    Năm học lớp 9, tôi vừa tròn 18 tuổi thì đã có những bạn học cùng trường, cùng khối lấy vợ. Các anh chàng này chỉ bằng tuổi tôi hay lớn hơn vài tuổi thôi. Vậy mà họ cũng làm đám cưới rình rang và mời tôi đi dự hoặc phù rể! Tôi rất tự hào là đã tự lo được cho mình bộ cánh dự đám cưới chỉn chu và tự may được cả chiếc cravatte nhiều màu khá đàng hoàng. Riêng lớp tôi, một bạn trai cùng tuổi là Đào Công Nghĩa cũng cưới vợ, và tôi được mời làm người dẫn chương trình đám cưới mới rất vui!  Thế mới biết tuổi trẻ hồi đó thật khác xa bây giờ!

   Những năm học lớp 9 và lớp 10 ở trường cấp 3 Nguyễn Trãi, tôi đã tiếp xúc và làm thơ gửi cho Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội. Các nhà thơ Giang Quân và Huyền Tâm luôn tỏ ra thích thú với bài vở tôi gửi, và luôn động viên tôi tiếp tục viết bài. Tôi cũng có nhiều bài thơ đăng trên trang Chủ nhật của báo Hà Nội Mới.  Tôi cũng tham gia sinh hoạt Tổ Thơ của Hội Văn nghệ Hà Nội. Lúc này Chủ Tịch Hội là nhà văn nổi tiếng Tô Hoài, tác giả cuốn truyện Dế mèn phiêu lưu ký!

   Cuối năm học lớp 10, tôi được Đoàn Thanh niên Lao Động kêu gọi nộp đơn xin thi vào Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội để phát huy truyền thống gia đình và phát triển khả năng học sinh giõi văn chương của cá nhân. Tôi đã hăng hái nghe lời kêu gọi và thi đỗ với số điểm rất cao vào học Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tháng 9/1960.

    Những ngày học đại học, tôi không ở ký túc xá mà được ngoại trú ở nhà. Cứ sáng sáng tôi lại dạy thật sớm và đi bộ ra bến xe điện bờ hồ Hoàn Kiếm để lên tàu điện chạy vào Cầu Giấy. Từ bến tàu tôi lội bộ 2 km để tới giảng đường hay các lớp học của khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Buổi trưa khi hết giờ học tôi lại lội bộ ra bến tàu điện trở về nhà. Buổi chiều tôi thường đi làm thêm ít giờ cho Hợp tác xã thủ công sản xuất que hàn điện của quận Hoàn Kiếm.  Công việc cũng nhàn và tôi chỉ việc ngồi vào bàn se chế tạo vỏ hàn cho các que hàn bằng sắt dài khoảng 40cm. Buổi tối tôi đi dạy học Bổ túc văn hóa cho bà con lao động khu phố.

    Cũng nhờ những buổi dạy Bổ túc văn hóa mà tôi biết được cảnh trạng nghèo khổ đáng thương của biết bao gia đình bà con lao động ở ngay giữa thủ đô.  Tôi cũng có dịp hiểu biết nhiều ngành nghề do bà con gánh vác như nghề tiện, nghề thuộc da, khâu giày dép, làm thợ may … và nhiều nghề linh tinh khác của học viên Bổ túc văn hóa.

     Trở lại chuyện học hành, tôi thấy quá nhàn nhã, bởi các giáo trình đại học Văn của trường Đại học Sư Phạm hay của trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội thì tôi đã đọc trước và gần như đã thuộc lòng. Tôi chỉ còn lo đến Thư Viện Quốc Gia tìm đọc các tác phẩm liên quan để mở rộng hiểu biết và tăng niềm say mê văn học mà thôi. Tôi cũng tự lo lập cho mình một tủ sách văn học với rất nhiều cuốn sách do các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước viết.

Tôi rất tự hào khi so mình với các sinh viên khoa Văn từ các tỉnh về học cùng lớp hay cùng khoa. Với các bạn tôi có được một kho kiến thức dầy dặn hơn nhiều. Các thầy cô nhận biết nên thường trao nhiệm vụ cho tôi thuyết trình ở lớp, với việc tóm tắt nội dung các tác phẩm văn học và phân tích hình tượng các nhân vật chính…. Nhờ vậy tôi càng say mê văn học hơn và việc học càng dễ dàng hơn. Kết quả học tập của tôi rất tốt và các bài kiểm tra, bài thi học kỳ bao giờ cũng đạt điểm cao hơn nhiều bạn.

    Thời sinh viên của tôi kéo dài không lâu, chỉ trong vòng 3 năm. Lúc này tôi thích làm thơ và viết truyện ngắn. Các tác phẩm đầu tay được in trên các báo Hà Nội Mới, Lao Động và trên các tập san của Hội Văn Nghệ Hà Nội. Vào năm thứ hai đại học, thơ của tôi còn được in trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là một vinh dự lớn lao mà các bạn trẻ viết văn ai cũng mơ ước đạt tới. Cũng nhờ những sáng tác này, tôi được làm quen với các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Bùi Huy Phồn …Thú vị hơn nữa là tôi được chọn đi dự những trại sáng tác của Hội Văn Nghệ Hà Nội .

    Cũng trong những năm tôi học đại học, mẹ tôi sinh liên tiếp ba người em là em gái Đinh Ngọc Anh (sinh năm1956) rồi em gái Đinh Ngọc Hân (sinh năm 1959) và em trai út Đinh Hoàng Phương (sinh năm 1961). Em Đinh Ngọc Anh rất xinh và rất thích múa hát. Thế nhưng em lại là người vắn số. Mới chừng 4 tuổi em đã mất vì dịch bạch hầu. Lúc tôi vào bệnh viện Bạch Mai thăm em, cầm tay em thì em chỉ giật giật vài lần rồi trút hơi thở cuối cùng và ra đi mãi mãi…

     Tháng 7/1962 tôi tốt nghiệp đại học. Theo lời kêu gọi của Ban chấp hành Đoàn trường và Khoa, tôi viết đơn xung phong lên miền núi dy học. Thế nhưng Phòng tổ chức nhà trường lại phân bổ tôi về dạy ở Trường học sinh Miền Nam số 24 Hà Đông. Khi tôi thắc mắc thì cán bộ tổ chức lại giải thích là đi dạy trường học sinh miền Nam quan trọng hơn, cần ưu tiên hơn các trường miền núi.  Thế là tôi đành chấp hành mệnh lệnh….

 

(Mời xem tiếp kỳ sau)