Nhà báo Đinh Kỳ Thanh ở tuổi 81 vừa hoàn thành hồi ký “Câu chuyện đời tôi”. Nhà báo Đinh Kỳ Thanh từng làm giáo viên ở Trường Học sinh Miền Nam trên đất Bắc, trước khi chuyển sang làm báo. Nhà báo Đinh Kỳ Thanh một thời nổi tiếng với bút danh Tô Thùy Anh trên báo Sài Gòn Giải Phóng.


CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI

    Hồi ký của ĐINH KỲ THANH

 

Chương 1:  Những ngày thơ ấu

 

   Tôi sinh ra ở thành phố Nam Định nhằm ngày 25 tháng 8 năm 1940 tại nhà hộ sinh của bà đỡ Nguyễn Thị Thược ở phố Chợ Rồng Nam Định. Cha tôi lúc đó là Thư ký Toà Sứ Thái Bình, còn mẹ tôi là một bà nội trợ chuyên bán hàng vải vóc cho gia đình ở 211 phố Khách, Nam Định. Cha tôi tên là Đinh Cam Đường , người Hà Nội gốc còn mẹ tôi là Nguyễn Thị Tý, con gái thứ hai của gia đình c Nguyễn Quế, quê gốc ờ làng Nhị Khê phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Cụ Nguyễn Quế là cháu đời thứ 14 của vị  đại thần nhà Lê mang tên Nguyễn Trãi .

Với xã hội Việt Nam thời đó, cha mẹ tôi đều là người có học vấn cao. Cha tôi có bằng Diplôme và có học Ban Thành chung rồi đỗ Tú tài 1 và tốt nghiệp Trường Cao đẳng  Hành chính Bắc Việt. Sau một thời gian làm việc ở Toà Sứ Lào Kai thì cha tôi được chuyển về làm Thông Phán Toà Sứ Thái Bình.  Mẹ tôi là một nữ học sinh học  Tiểu học ở Trường Sainte Marie Nam Định (cùng thời với bà Trần Lệ Xuân, con gái của Tổng Đốc Nam Định- Trần Văn Chương, bà này sau là vợ của Ngô Đình Nhu, em trai của ông Ngô Đình Diệm!). Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học mẹ tôi lên Hà Nội và học thêm hai năm tại Trường Nữ học Đồng Khánh nổi tiếng một thời… Nhờ sự mai mối của một người anh họ của mẹ tôi nên cha mẹ tôi mới biết nhau và thương yêu nhau rồi tổ chức đám cưới vào tháng 2 năm 1939.

Sau ngày cưới cha tôi vẫn làm việc ờ Toà Sứ Thái Bình còn mẹ tôi bỏ học về Nam Định đảm nhận chân quản lý kiêm bán hàng cho gia đình là hiệu vải Mỹ Khê ở phố Khách. Cứ  đến ngày nghỉ cuối tuần làm việc cha tôi lại đạp xe từ thị xã Thái Bình về Nam Định qua bến phà Tân Đệ. Mối tình của cha mẹ tôi ngày càng khắng khít với Bố tôi một người đẹp trai giỏi chơi bóng đá và mẹ tôi một thiếu nữ thuộc hàng hoa khôi của thành Nam Định. Ở nhà hai bố mẹ tôi nói chuyện với nhau toàn bằng tiếng Pháp và nhiều lúc còn làm thơ xướng hoạ cùng nhau với thể thơ lục bát hoặc thơ Đường luật rất tình tứ ….

   Hờn một năm sau ngày cưới, mẹ tôi mới sanh ra tôi. Tôi đã sống cùng mẹ trong một gia đình khá giả khi ấy với ông ngoại là một nhà nho nổi tiếng mang hiệu Mỹ Khê có lòng yêu nước và có chân trong Hội nhà nho yêu nước của thành phố Nam Định còn bà ngoại tôi là một nhà buôn cỡ lớn rất đảm đang tối tối thường mê đánh tổ tôm hay chơi mạt chược với bè bạn toàn dân trí thức hay nhà buôn của thành phố nhõ bé này.

  Căn nhà có hai tầng và sâu hun hút cũng như rộng mênh mông đối với lũ trẻ chúng tôi. Bế ngang nhà cỡ 8 mét còn chiều sâu chừng 20 mét. Tầng trệt phía bên ngoài tiếp giáp mặt phố là hai cửa hàng một bên là sạp vải lụa đủ sắc màu còn một bên bán lủ khủ các loại cao con hổ, cao ban long và các loại xương hổ, xương Khỉ, xương ngựa….cùng những chùm gạc hươu thật đẹp!  Sau cửa hàng rộng chừng 60 mét vuông là phòng khách rộng lớn có các bộ sa lông Tàu và sập gụ tủ chè và hai cầu thang hai bên dẫn lên lầu là các phòng ngủ. Phía sau phòng khách là nhà kho chất đầy hàng hoá và nguyên vật liệu cùng nhà bếp và khu vực nấu cao các loại...

Tôi thường cùng các anh trai con bà chị của mẹ tôi lá bác Thúy gái, tức Nguyễn Thị Nhâm chạy chơi trong phòng khách hay leo cầu thang lên lầu chơi trò trốn tìm rất cuốn hút , Bà Nhâm hay bác Thuý lúc này đã có ba con là chị Tuyết , anh Liên và anh Hùng  lớn hơn tôi từ 7 tuổi đến 5 và hai tuổi gì đó . Sau bà Nhâm là mẹ tôi và cô Hợi và chú Út tên Châu hơn tôi chùng 14 và 12 tuổi thôi.

  Cả gia đình lúc đó gốm có ông bà ngoại, các bác các cô chú Nhâm, Hợi, Châu cùng mẹ tôi vá đàn cháu gồm 4 đứa như trên đã kể . Trừ hai anh chị Liên Tuyết suốt ngày lo đi học, về nhà lại chúi đầu vào sách vở , làm bài tập, xem sách , báo… còn lũ trẻ chúng tôi chỉ biết chạy chơi hay vào nhà bếp xem thợ nấu cao hổ cốt, cao ban long hoặc ra cửa hiệu xem mẹ tôi bán vải lụa và bán các loại cao….

   Lên ba tuổi mẹ tôi đã bắt tôi học thuộc theo kiểu truyên khẩu các đoạn thơ Kim Vân Kiều truyện của Cụ Nguyễn Du và bắt tôi học chữ quốc ngữ. Tôi đã thuộc lòng nhiều đoạn thơ Kiều và đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ từ năm ba tuổi. Mẹ tôi thì lo bán hàng và khi vắng khách bà lại chăm chú đọc các tiểu thuyết Việt Nam hay các cuốn truyện trữ tình bằng tiếng Pháp được nhập khẩu về bằng máy bay tử thủ đô nước Pháp là thành phố Paris. 

Tôi rất thích thú xem mẹ bán hàng với cây thước nhỏ và dài trên tay đo tính và chiếc kéo sắc lẹm khi người xé vải …Khi có khách Tây vào cửa hiệu, mẹ tôi lại xổ ra một tràng tiêng Pháp mời chào và giới thiệu các mặt hàng cho khách. Cái giọng Paris của mẹ tôi khi bán hàng cứ lên bổng xuống trầm thật thánh thót làm tôi bị mê hoăc và cũng đòi mẹ dạy cho các câu giao tiếp thông thường như lời chào hỏi Bon jour, bon soire hay Merci beaucoup…

  Năm tôi tròn 4 tuổi, gia đình tôi có biến động lớn: bà ngoại tôi mắc bạo bệnh và ra đi đột ngột. Sau đó Bố tôi được điều động về làm việc ở Hà Nội trong Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ. Thế là mẹ tôi lại cùng bố tôi đưa tôi trở về Hà Nội và ở cùng ông bà nội ở phố Hà Trung, Lúc này tôi đã có thêm một em trai là Đinh Từ Liêm hai tuổi…

Ngôi nhà Hà Trung rất dài và rất sâu có mặt sau là một ngôi nhà hai tầng rộng chừng 80 mét vuông mang số nhà 27 phố Bourret tức Ngõ Trạm nhìn sang trường Tiểu học và Trung học tư thục Thăng Long. Gia đình nhỏ của tôi được ông bà nội cho về ở chính căn nhà này gồm hai tầng rất biệt lập.

   Lại nói thêm về gia đình ông bà nội của tôi. Ông tôi là một thư ký của Sở Địa chính Hà Nội và hành nghề chuyên vẽ thiết kế các kiểu nhà, các công trình đình chùa miếu mạo… Ông nội tôi tên là Đinh Như Nhã, mệnh danh là Cụ Ký Nhã. Bà nội tôi là Nguyễn Thị Ý mở cửa hàng bán thuốc lào với tên hiệu là Đào Phong chuyên bán loại thuốc lào Tiên Lãng của tĩnh Kiến An. 

Tôi còn nhớ cửa hàng Đào Phong ở Hà Trung khá lớn chất đầy các thạp màu vàng đựng thuốc lào và quầy hút thuốc thử miễn phí với ba bộ điếu bát cắm xe điếu dài ngất nghểu luôn được khách hàng vào ngồi hút thử với nhửng tiếng rít lên sòng sọc của điếu bát và các vị khách say lơ mơ sung sướng ngửa cổ lên mà phà ra làn khói trằng thơm lừng mùi thuốc lào Tiên Lãng nổi tiếng… Trên các giá gỗ trưng bày các thạp gỗ màu vàng đựng các bánh thuốc lào Tiên Lãng. Thạp nào cũng in những hàng chữ Đào Phong đỏ chói. Đào Phong là tên của hai cô chú em ruột của cha tôi. Tôi còn bác gái chị ruôt của cha tôi tên Hạnh và bốn em trai của cha là Chúc, Ngô, Linh và Tảo. Tảo là chú Út chỉ hơn tôi 10 tuổi ….

    Ông nội tôi sáng nào cũng mặc áo the đội khăn xếp cầm ô đi làm bằng xe nhà do chú phu xe cầm càng kéo. Chiếc xe này giống như các xích lô ngày nay nhưng không có bánh xe thú ba ở phia sau mà có hai càng ở phía trước do con người bỏ sức kéo. Chú phu xe do nhà nuôi và luôn bận đồ bà ba trắng , đi dép cao su trắng hiệu Con Hổ. Chú này vào ngày chủ nhật lại hay kéo tôi và chú Tảo đi chơi phố hay lên vườn hoa Canh Nông hoặc lên đường Cổ Ngư và dốc Ô Yên Phụ.

Có lần hứng chí chú còn kéo chúng tôi lên tận các làng Nghi Tàm. Quảng Bá rất vắng vẻ và trồng hoa đủ loại… Bà nội tôi suốt ngày nằm võng ở tầng trệt số nhà 38 Hà Trung và nhai trầu bòm bẻm. Lúc không nằm võng bà lại lên sập gụ ngồi xếp bằng mà sai phái các con sen người ở trong nhà làm việc nọ việc kia, đúng với tinh thần một bà chủ nội trợ đảm đang. Trên gác nhà Hà Trung là một thế giới riêng của các cô chú Chúc, Ngô, Phong, Linh và các cô Đào, Liên với các phòng riêng mà tôi không bao giờ được đặt chân lên đó.

  Riêng nhà 27 Ngõ Trạm được dành cho gia đình nhỏ của chúng tôi gồm cha mẹ tôi và hai anh em chúng tôi là Thanh và Liêm. Lúc này mẹ tôi lại mang bầu chú em thứ ba sẽ sinh năm 1945 có tên là Đinh Công Chính sau này. Căn nhà này có gác gỗ cực mát vì luôn lồng lộng gió. Chúng tôi ở hết trên căn gác rộng còn phần nhà trệt dành làm phòng khách và phòng làm việc của cha tôi. Sáng sáng bố tôi lại đi làm bằng chiếc xe đạp hiệu Peugeot rất sang trọng vào thời đó.  Buổi chiều đi làm về bố tôi lại xách giày ra sân vận động Septo ở phố hàng Đẫy để đá bóng vi hội banh tuyển của giới công chức với nhau. Buổi chiều muộn sau bữa ăn tối bố tôi lại gầy sòng chơi tổ tôm hay xoa mạt chược để giải trí cùng các bạn bè cùng làm trong một Sở là Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ.

Thời kỳ này tôi đi học lớp Đồng Ấu của trường tư thục Thăng Long, do bác họ tôi là Phạm Hữu Ninh làm Hiệu trưởng.  Hết giờ học tôi lại về nhà chơi cùng các bạn cùng phố hay rủ nhau qua nhà thờ Tin Lành ở đầu phố nghe giảng đạo thì ít mà nhằm ăn bánh Thánh của vị mục sư rất thánh thiện ban cho. Trên đường phố Ngõ Trạm khá vắng vẻ, lũ chúng tôi bầy ra đủ trò chơi. Nào là đánh đáo, đánh khăng, đánh bài tam cúc , chạy  trốn tìm hay phân nhóm đá banh thật hấp dẫn….

Nghịch dại hơn , chúng tôi còn rủ nhau đi bấm chuông điện của các gia đình ít người trong phố để rồi cười phá lên khi thấy người nhà của các gia dình kia ngơ ngác ra mở cửa mà chẳng thấy khách nào…

Nghịch ngợm chán chúng tôi còn rủ nhau ra nhẩy tầu điện chạy dọc phố Phùng Hưng hay lên Vườn hoa Canh Nông nhặt búp đa thổi kèn bong bóng…Thời kỳ này chúng tôi đã bắt đầu học Pháp ngữ ở trường vì vậy chúng tôi hay rủ nhau lên các phố Tây để hỏi chuyện các người lính Pháp gác cổng các toả nhà cộng sở ở chung quanh vườn hoa Canh Nông hay Cột cờ cao chót vót. Việc nói chuyện với lính Pháp thật thú vị vì có những lúc thiếu từ ngữ Pháp chúng tôi phải ra hiệu bằng tay chân hay dùng ngôn ngữ cơ thể rất sáng tạo. Những người lính Pháp xa nhà rất thích trẻ con nên hay cho chúng tôi nắm kẹo hoặc các sách báo dành cho lũ thiếu nhi được gửi từ Pháp qua. Chúng tôi lại túm tụm nhau đọc các sách báo này và đố nhau ý nghĩa các từ khó mới xuất hiện.

  Lớn hơn chút nữa chúng tôi đã rủ nhau ra nhà hàng Anpo ở Cửa Nam mua sách báo tiếng Pháp và hỏi chuyện các cô đầm trẻ đứng bán hàng với khả năng tiếng Pháp có hạn của mình. Các cuộc hội thoại này giúp chúng tôi nói tiếng Pháp với giọng chuẩn hơn và trúng mẹo luật tiếng Pháp hơn. Ở vườn hoa Cửa Nam khi ấy có bức tượng đỏng Bà Đầm xoè rất đẹp là phiên bản tượng Nữ thần Tụ Do cúa dân Pháp tặng cho nước Mỹ. Chúng tôi thi nhau kể về lai lích của bức tượng này và thi nhau vẽ lại tượng vào các vở tập vẽ của mình một cách thích thú. Lớn hơn chút nữa chúng tôi rủ nhau đi xem chiếu bóng ở rạp Olympia trước cửa chợ Hàng Da hay ra rạp Kingdo ở phố Cửa Nam mà không quên thi nhau xin các tờ programe in màu rất đẹp giới thiệu tóm tắt nội dung các bộ phim đang chiếu hay sắp chiếu. Trong chúng tôi anh chị nào cũng có cả xấp dầy các tờ programe rực rỡ sắc màu. Chúng tôi còn thi nhau kể về chuyện đời tư của các tài tử nổi tiếng của các bộ phim.

    Chúng tôi đã lớn lên cùng nhau như thế cho tới lúc bắt đầu ham bóng đá thì chúng tôi lập hội lên bãi Septo (tức sân Hàng Đẫy sau này) để xem các anh lớn đá và tập cho mình ngoài rìa sân cỏ, Nên biết rằng lúc này Hà Nội có hai sân banh nội tiếng là Septo nói ở trên và sân Manjin dành riêng cho người Pháp mà chúng tôi không được vào chơi.

   Tôi đã trải qua các lớp học Đồng Ấu rồi lớp Năm, lớp Tư một cách trọn vẹn và luôn được thày cô khen là học sinh xuất sắc. Khi lên lóp Ba và lớp Nhì tôi đã có thể giao dịch thành thạo với các ông Tây bà đầm ờ các nhà hàng mà họ làm chủ được mở ra rất nhiều ờ Hà Nội khi đó.

   Tôi còn nhớ mãi, ngày tôi 5 tui được mẹ đan cho một chiếc áo len màu xanh tuyệt đẹp. Tôi diện áo mới và chạy ra phố Hà Trung chơi. Bất chợt có một anh trai chùng hai mươi tuổi tới làm quen và tặng tôi mấy cục kẹo. Rồi anh rũ tôi ra xem tàu điện chạy ở phố Phùng Hưng. Khi hai đoàn tàu tránh nhau ở chỗ tránh tàu, anh ta dắt tay tôi đưa lên một toa tàu rất vắng khách. Rồi anh ta dỗ ngon dỗ ngọt tôi tháo áo len ra cho anh ta xem. Chờ lúc tàu sắp chạy anh ta liền xuống sân ga nhảy lên chuyến tàu chạy về phía Cửa Nam bỏ tôi lại một mình trên toa tàu đi về phía ngược lại. T

ôi sợ hãi quá vội nhảy xuống tàu để cố tìm anh ta đòi lại chiếc áo len. Thế nhưng tàu đã chạy mất rồi và anh ta thì đứng ở cửa toa tàu vẫy tay chào tôi tạm biệt. Té ra anh ta là một mẹ mìn chuyên đi lừa trẻ em lột áo quần đem bán lấy tiền tiêu. Tôi mất áo len nên sợ quá chạy về nhà và khóc. Khi kề lại chuyện bị lừa mẹ tôi đã bảo tôi không được đi chơi xa nhà nữa và an ủi tôi là mẹ sẽ đan cho chiếc áo len khác đẹp hơn. Tôi cứ khóc oà lên và mếu máo hứa với mẹ sẽ không bao giờ đi chơi với người lạ nữa.

   Mùa Thu năm 1945 nổ ra cuộc Tổng khởi nghĩa cườp chính quyền của Việt Minh. Tôi thấy các phố rợp trời cờ đỏ và hàng đoàn người xếp hàng 10 đi dọc các phố hô to khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh” rất oai hùng lẫm liệt. Tôi không biết Việt Minh là gồm những ai nhưng chỉ nghe bố mẹ tôi bàn tán nước độc lập rồi, chính quyền dã về tay người Việt do cụ Hồ Chí Minh làm lãnh đạo tối cao. Sau ngày Việt Minh cườp đươc chính quyền bố tôi tiếp tục làm việc ỏ Bắc bộ phủ như xưa. Cứ đi làm về ông lại kể chuyện về các lãnh tụ Việt Minh như Cụ Hồ rổi các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp…và kết luận Việt Minh thật tài tình đã đánh thắng cà quân phát xít Nhật lẫn quân đội Pháp…

    Ngày 2-9 -1945, toàn dân Hà nội và các tỉnh thành lân cận lại họp mít tinh ở quảng trường Ba Đình nghe cụ Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà….

   Ngày Rằm tháng Tám lũ tr chúng tôi được ăn Tết Trung thu Độc lập đầu tiên. Chúng tôi rước đèn ông sao và nhiều loại đèn khác đi quanh bờ hồ Hoàn KIếm, được phá cỗ Trung thu và nghe thơ cụ Hồ gửi cho các cháu….

   Không ai ngờ bọn thực dân Pháp lại trở mặt đánh úp quân ta nhằm lập lại chính quyền tay sai như cũ. Ngày 19-12-1946, cụ H kêu gọi toàn dân kháng chiến chống bọn đế quốc Pháp và lũ tay sai. Đại gia đình chúng tôi tạm thời dời về quê nội là làng Đăm tức xã Tây Tựu huyện Hoài Đức tỉnh Hà Đông rồi sau đó tản cư về Đông Anh rồi tiến dần lên Bắc Giang và chạy giặc tiếp lên tận huyện Đại Từ, tỉnh Thái nguyên xa nữa … 

( Mời xem tiếp kỳ sau)