Theo thông tin từ nhà văn Thúy Toàn: Dịch giả Quang Chiến vừa qua đời tại Hà Nội. Dịch giả Quang Chiến sinh năm 1941, là người đã chuyển ngữ rất thành công nhiều tác phẩm văn học Đức sang tiếng Việt. Xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang, như một nén hương tiễn biệt dịch giả Quang Chiến.
Một dịch giả vừa có tầm, vừa có tâm
ĐẶNG HUY GIANG
Quang Chiến là người không chỉ có tầm mà còn có tâm nữa.
Ông tâm sự: "Trên thế giới này, tôi chưa từng thấy một nhà thơ nào yêu Việt
Nam, quan tâm đến Việt Nam, hết lòng vì Việt Nam như nhà thơ Áo Erich Fried,
cho dù ông chưa một lần đến Việt Nam và đã mất vào năm 1988". Ông phàn
nàn: "Vậy mà cho đến lúc qua đời, ở Việt Nam chưa có một tập thơ nào của
Erich Fried được xuất bản và hầu như chưa có ai biết đến thơ viết về Việt Nam của
Erich Fried!"...
1.
Không phải ngẫu nhiên mà Bertolt Brecht - nhà thơ lớn người
Đức, cách nay đã 65 năm lại cho rằng thơ mình là một mãnh sư. Thế nên, trong
bài thơ "Về con sư tử bằng gốc chè Trung Hoa", ông đã viết: "Những
kẻ xấu sợ nanh vuốt ngươi/ Những người tốt yêu dáng ngươi đẹp đẽ/ Về thơ tôi/
Tôi cũng muốn nghe/ Những lời như thế". Đó là những câu thơ rất đặc
trưng phong cách Bertolt Brecht. Có lẽ, cũng từ cái gốc gác này mà nhiều nhà lý
luận, phê bình của thế giới đã coi Bertolt Brecht là "Con sư tử trong thi
ca".
Tất nhiên, Bertolt Brecht không
chỉ có "Về con sư tử bằng gốc chè Trung Hoa" mà ông còn nhiều bài thơ
thuộc diện tuyệt tác khác. Về độ khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh, không ai
có thể viết hay hơn ông: "Đêm nay những lứa đôi gặp gỡ/ Ngày mai cho ra
đời những đứa trẻ mồ côi" (Đêm đến). Viết về người ác, khó ai có thể
viết thay ông: "Làm người ác khó nhọc vô cùng" (Mặt nạ kẻ ác). Và ông
lớn đến mức khó tưởng tượng nổi khi bật ra những câu thơ: "Khi mọi lỗi
lầm đều tiêu tan hết/ Người bạn sau cùng/ Ngồi đối mặt với chúng ta/ Là Hư Vô"
(Tặng người sinh sau).
Với tôi, thơ Bertolt Brecht luôn là một thứ ánh sáng
chói chang và là những "vết chém" nghệ thuật hằn sẹo trong trí nhớ.
Vì yêu thơ Bertolt Brecht và yêu Bertolt Brecht mà có
dạo vợ chồng nhà thơ Thế Dũng đã từ Đức trở lại Việt Nam, mở một quán ăn mang
tên Sư Tử trên đường Thái Hà (Hà Nội). Rồi có một đêm, trong một dịp World Cup,
quán Sư Tử đã tổ chức một đêm thơ giản dị và trang trọng để tưởng nhớ Bertolt
Brecht với sự có mặt của GS.TS Đình Quang và dịch giả Quang Chiến. Đây là
bất ngờ đầu tiên đối với tôi.
Trong dịp này, tôi đặt ra một thắc mắc với dịch giả
Quang Chiến: "Thưa anh, sao Bertolt Brecht nổi tiếng thế, mà từ bao nhiêu
năm nay, chưa có một tập thơ dịch nào của riêng ông được xuất bản?". Dịch
giả Quang Chiến im lặng, không nói gì. Chẳng ngờ sau đấy không lâu, có một lần
ngay ở trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam - hồi Quang Chiến còn tham gia Hội đồng dịch
và Tạp chí Văn học nước ngoài, ông đã giải đáp thắc mắc của tôi bằng cách tặng
tôi tập "Thơ trữ tình Bertolt Brecht" được ấn hành vào tháng 2- 2006
qua Nhà Xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam. Đây là
bất ngờ thứ hai đối với tôi.
Nhận cuốn sách từ tay Quang Chiến, tôi rưng rưng cảm động.
Tôi có cảm giác như được nhận từ ông với tấm lòng yêu thơ nói chung và yêu thơ
Bertolt Brecht nói riêng, như chỉ để dành cho riêng tôi.
"Thơ trữ tình Bertolt Brecht" là một tuyển
thơ, có cả thảy 59 bài được tuyển chọn từ 2.000 bài nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất
của Bertolt Brecht và do các nhà thơ các dịch giả: Tế Hanh, Đào Xuân Quý, Trần
Dần, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Quân, Quang Chiến chuyển ngữ; Quang Chiến
tuyển chọn với "Lời chào mừng" của Viện trưởng Viện Goethe tại Việt
Nam: Franz Xaver Augustin.
Trong "Lời chào mừng", có đoạn: "Xin
thân ái cảm ơn người đã khởi xướng công trình: Nhà văn - dịch giả Quang Chiến.
Tôi xin chúc tập thơ bé nhỏ này sẽ giúp bạn đọc Việt Nam yêu thơ có dịp hiểu rõ
hơn sự vĩ đại trong văn chương của Bertolt Brecht và có những kỷ niệm khó
quên".
2.
Phải 5 lần 7 lượt gọi điện thoại hẹn, tôi mới gặp được
dịch giả Quang Chiến. Thời điểm học sinh, sinh viên đang nghỉ hè, ông rất bận.
Học trò học tiếng Đức của ông rất đông. Do vậy, ông phải lên lịch cụ thể hàng
ngày, hàng tuần để dạy hoặc nâng cao thêm tiếng Đức cho nhiều học sinh chuẩn bị
du học ở Đức và sinh viên đang du học ở Đức tạm trở về Việt Nam.
Qua trò chuyện, tôi mới hay: Ngoài các công trình về
ngôn ngữ, văn học và triết học Đức đã dịch và xuất bản, tính đến nay, ông đã
chuyển ngữ khoảng vài chục tác phẩm văn học Đức tiêu biểu ở các thể loại: Tiểu
thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, kịch và thơ; trong đó, riêng việc chuyển ngữ
trọn bộ "Faust" của đại thi hào Goethe đã choán của ông một khoảng thời
gian là 10 năm.
Ông nói: "Faust không anh hùng hóa, không thần
thánh hóa, thực chất là bi ca không phải là anh hùng ca. Faust không chỉ lớn về
thi ca, mà còn lớn bởi phần tri thức tổng hợp của nhân loại, có giá trị như một
bách khoa thư".
Ông nói: "10 năm toàn công, toàn sức, toàn ý dành
cho Faust, thì thử hỏi lấy gì để trả cho xứng? Một khi anh đã đến với văn
chương, dù ở cách này hay cách khác, thì đừng toan tính gì hết và cũng phải tự
bằng lòng với mình, đồng thời phải tự hiểu: Mình có thể hết lòng vì nó cho dù
không thể sống bởi nó".
Quang Chiến là người không chỉ có tầm mà còn có tâm nữa.
Ông tâm sự: "Trên thế giới này, tôi chưa từng thấy một nhà thơ nào yêu Việt
Nam, quan tâm đến Việt Nam, hết lòng vì Việt Nam như nhà thơ Áo Erich Fried,
cho dù ông chưa một lần đến Việt Nam và đã mất vào năm 1988". Ông phàn
nàn: "Vậy mà cho đến lúc qua đời, ở Việt Nam chưa có một tập thơ nào của
Erich Fried được xuất bản và hầu như chưa có ai biết đến thơ viết về Việt Nam của
Erich Fried!"
Để tri ân, Quang Chiến đã tự mình dịch hẳn một tập thơ
của Erich Fried từ tiếng Đức sang tiếng Việt và cho xuất bản. Trong "Một
trái tim vì Việt Nam", Quang Chiến Viết: "Trong lúc nhân dân ta kiên
cường cầm súng chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của đế quốc
Mỹ để bảo vệ độc lập và tự do của Tổ quốc, bảo vệ phẩm giá con người, thì ở rất
xa Việt Nam, ở tận xứ sở sương mù Anh quốc, có một người Áo chạy trốn chủ nghĩa
phát xít Đức sống lưu vong ở London, đã luôn theo dõi sát sao mọi diễn biến của
cuộc chiến, đã luôn lên án gay gắt cuộc chiến tranh bẩn thỉu do Mỹ gây ra và
bênh vực nhân dân ta… Đối với Erich Fried, cuộc chiến tranh Việt Nam không phải
cách xa ông ngàn vạn dặm, mà rất gần, gần lắm, bởi vì:
Đất nước ấy cách ta bảy bước chân
Và một tầm đạn bắn
. . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . .
Nếu ta nhắm mắt lại
Và tĩnh lặng, ngồi yên
Ta có thể nhìn thấy
Ở trên đất nước ấy
Những gì đương xảy ra.
Và chính Việt Nam rất gần gũi với Erich Fried, cho
nên, ngay từ năm 1962, ông đã có thơ về Việt Nam. Hơn thế nữa, có lẽ Erich
Fried cũng là một trong số rất ít những nhà thơ nước ngoài đã rất sớm có hẳn một
tập thơ về đất nước và con người chúng ta. Đó là tập thơ với tiêu đề "Và
Việt Nam và…" xuất bản năm 1966, gây được tiếng vang lớn trong dư luận
châu Âu, nhất là trong giới thanh niên sinh viên, học sinh…".
3. Như để bù lại những tháng năm miệt mài, vất vả vì
văn chương, Quang Chiến đã tìm lại được sự an ủi, cân bằng, cứu rỗi bằng chính
văn chương.
Ông kể: "Hồi đất nước còn khó khăn, đặc biệt là
vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, như nhiều gia đình trí thức khác, gia
đình tôi đã nuôi lợn trong nhà để tự cải thiện cuộc sống. Bản thân tôi, lúc ấy
đang dịch "Nỗi đau của chàng Vecte" dưới một ngọn đèn dầu (vì hồi ấy
Hà Nội rất hay mất điện).
Đôi khi ngẫm cũng thấy cực nhọc. Nhưng rồi tôi lại tìm
được niềm an ủi bởi mấy câu thơ mà đọc lên thấy nhẹ lòng ngay sau đó: Vậy
tôi chỉ là lữ khách/ Kẻ hành hương qua trái đất/ Các người có hơn gì tôi đâu.
Nhiều lúc, trong khi dịch, tôi càng thêm thấm thía bởi các câu thành ngữ:
"Hy vọng mà không hành động là tội lỗi", "Con người vươn lên
trong lầm lạc và trưởng thành trong bi kịch"… Cao hứng lên ông đọc cho tôi
nghe hai câu thơ viết về người mình yêu của Karl Lubomirski trong sự tâm đắc tột
cùng: "Em là căn phòng của tôi/ không có bức tường".
Ông bảo: "Khi dịch, bắt gặp một ý, một tứ, một tư
tưởng mà mình thích, cũng có thể bột phát bừng sáng thành niềm vui trong
tôi". Theo tôi, đây là những giá trị tinh thần mang ý nghĩ dài lâu trong đời
sống nội tâm cá nhân mà không phải ai cũng có được. Và theo tôi, nếu so sánh với
các dịch giả tiếng Đức như Đỗ Ngoạn, Nguyễn Quân, Trần Đương, Vũ Hương Giang,
Lê Quang, Lê Chu Cầu, thì Quang Chiến là người dịch đều đặn và thường xuyên hơn
cả.
Sau chót, xin được nói thêm: Từ năm 1957, Quang Chiến
đã theo học ở một trường thiếu sinh quân ở Đức. Ông có duyên nợ với văn chương
từ rất sớm. Thời điểm ấy, ông đã có hai bài thơ mang hai cái tên rất hồn nhiên:
"Mỗi ngày thêm tiến thêm vui" và "Gặp bố bên bờ sông Enbơ"
đoạt giải nhất một cuộc thi thơ do Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức. Ông có
thơ dịch đăng trên Báo Văn nghệ từ năm 1973. Ông có một thời gian dài tham gia
công tác giảng dạy lịch sử văn học Đức ở Khoa Đức ở một trường đại học. Ông tên
khai sinh là Ngô Quang Phục nhưng lấy tên một người con trai của mình làm bút
danh. Năm 1987, ông đã đoạt Giải thưởng quốc tế Grimm của Chính phủ CHDC Đức.
Năm 2002, ông đoạt thêm Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.