Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa vừa qua đời tại Hà Nội ở tuổi 67. Ông là tác giả của các tập thơ “Lửa không cần trang phục”, “Phù sa lắng”... Như một nén nhang vĩnh biệt đồng nghiệp, xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang.


 

LỬA KHÔNG CẦN TRANG PHỤC

 

ĐẶNG HUY GIANG

 

Do một sự ngẫu nhiên nào đấy mà tôi và nhà thơ Đoàn Xuân Hòa có nhiều điểm gần gũi nhau: Cùng có thơ xuất hiện trên Văn nghệ Quân đội vào năm 1978, cùng đoạt giải thơ của Báo Văn nghệ năm 2000, cùng mệnh kim (sa trung kim), cùng là lính thời chống Mỹ… 

Thêm nữa, có dạo, nhà anh và nhà tôi ở cùng phố Giáp Bát, chỉ cách nhau vài trăm mét. Thêm nữa, cả hai chúng tôi cùng say mê thi ca và hễ gặp nhau, là y như rằng chỉ chủ yếu trao đi đổi lại về thơ. Với người đời, chuyện này có thể là chuyện rất viển vông, nhất là ở cái thời buổi, sự mưu sinh trở nên riết róng và thực tế hơn bao giờ hết này, đến nỗi có lần tôi phải thốt lên trong thơ: Mưu sinh thẫm đẫm/ Bao nhiêu kiếp người. Nhưng đối với chúng tôi, lại khác. Hình như một sự đồng cảm, một sự chia sẻ những giá trị tinh thần, bao giờ cũng thật có ý nghĩa và mang giá trị cứu rỗi qua thơ của hai đứa tôi.

Do cùng nhập ngũ ở tuổi 18 và do hơn tôi một tuổi nên đương nhiên anh đi B (chiến trường miền Nam) sớm hơn tôi một năm. Về mặt thời gian, con số một năm, có thể chẳng là gì hoặc không có nghĩa lý gì, nhưng nếu tính về mặt thời điểm (1972 với 1973), lại rất “là gì”.

Về điểm này, chỉ có những người trong cuộc, lại là lính chiến thực sự, mới hiểu rõ và biết rõ. Sự “rất là gì” này được quy định bởi độ khốc liệt của chiến trường và độ dày đặc của bom đạn. Khi chưa có Hiệp định Paris (1972 và trước đó), Mỹ chưa rút khỏi miền Nam: Khác. Khi đã có Hiệp định Paris (tháng 1 năm 1973 và sau đó), Mỹ đã rút khỏi miền Nam: Khác. Chưa kể anh là lính Quảng Trị, trong khi tôi là lính miền Tây Nam Bộ - một vùng chiến trường không mấy khốc liệt, đối với quân ta chủ yếu để “duy trì lực lượng” là chính.

Anh bảo: “Những năm tháng ấy, đối với tôi, thật gian lao và hạnh phúc. Bởi vì tôi là đứa con của Triệu Phong (Quảng Trị), lại được sống và chiến đấu ngay trên quê hương mình. Bản thân tôi cũng may mắn được gặp nhiều người thân trong một môi trường hết sức đặc biệt và có nhiều kỷ niệm sâu sắc về họ”.

Sau 3 năm tại ngũ, đến năm 1975, Đoàn Xuân Hòa ra quân, quay về học Đại học Bách khoa. Những tưởng mọi sự đã bình lặng, chẳng ngờ cuộc đời anh lại thêm một “khúc quanh” đầy thử thách nữa. Đến năm 1979, khi có Chiến tranh Biên giới, Đoàn Xuân Hòa tái ngũ. Lần làm lính thứ hai của anh kéo dài thêm 6 năm nữa. Đến năm 1985, anh ra quân khi đang mang quân hàm Thượng úy.

Với Đoàn Xuân Hòa Sống sót qua chiến tranh/ Với cha là đã lãi và anh không khỏi ngậm ngùi khi nhớ Bao bạn bè nằm lại/ Thay cha làm cỏ xanh. Đó là 4 câu thơ được trích từ bài thơ gan ruột “Nói với con về tổ ấm” của anh. Có lần anh rơm rớm nước mắt, đọc cho tôi nghe bài thơ “Lời của một bà mẹ có con ra trận”: May quá/ Trận này, con tôi không bị thương!/ May quá/ Trận này, con tôi bị thương nhưng không chết!/ May quá/ Trận này, con tôi bị chết nhưng mang được xác về!.

Với Đoàn Xuân Hòa, Quảng Trị và đồng đội, chiến tranh và người lính luôn là một ký ức lớn. Và từ trong ký ức lớn ấy, anh luôn nhìn nhận ra thân phận con người, cũng lớn không kém. Anh bảo: “Tôi đã nhận thấy Mẹ Tổ quốc hiện thân cụ thể, sinh động qua một người đàn bà và tôi đã triển khai tứ thơ “Người đàn bà đội nước”: Người đàn bà đội lên đầu/ Những vò đất nung/ Vẹn nguyên hình hài nước/ Dọc miền Trung/ Áo đất vàng cỏ cháy/ Tre trơ xương, vu vơ xỉa lên trời/ Lầu ông Hoàng/ Mộ đất xếp chơi vơi…/ Gió liếm sạch những dấu chân trên cát/ Đi về đâu?/ Người đàn bà đội nước/ Lưng vồng lên đồng dạng với lưng đồi/ Chỉ còn pho tượng nhìn ta đau đáu/ Màu đỏ cháy rựng đêm như máu/ Nhắc một thời binh đao/ Biển ngoài kia tấp sóng trắng lên đầu. Bài thơ này, tôi viết năm 2000, sau khi chiến tranh đã đi qua nhiều năm và là 1 trong 2 bài thơ đoạt giải B cuộc thi thơ 1998 – 2000 mang tên “Chào thế kỷ 21” của Báo Văn nghệ. Đó cũng là nỗi ám ảnh lớn trong tôi”.

Có lẽ do lúc nào cũng mang nặng nỗi ám ảnh lớn nên dù sống ở đâu, làm gì… Đoàn Xuân Hòa cũng đau đáu phận người. Đó là thân phận của tình yêu trong “Đêm Mỵ Châu”: Đá mồ côi rụng xuống biển Đông/ Thay đầu chị ngàn lần mang tội chết/ Tình yêu viển vông chị đâu có biết/ Lông ngỗng trắng đường, tang tóc sau lưng.

Đó là thân phận của những cựu chiến binh trong “Đồng đội tôi ra trận thời bình”: Ngày trở trời vết thương cũ quặn đau/ Nhưng không thể đau bằng những đứa con nheo nhóc/ Tiền là đạn bắn chỉ thiên cho các con ăn học/ Những giảng đường học phí tính bằng trâu. Đó là thân phận của những em gái thời kinh tế thị trường trong “Em có về sông Hậu hay thôi”: Chiều sông Tiền chưa lặng gió mưu sinh/ Lá vé số rải dày mặt đất/ Làm mát xa chuyển dịch nghề tầm quất/ Em nghĩ gì/ Mênh mang, mêng mang….

Từ năm 1985 cho đến lúc nghỉ hưu, Đoàn Xuân Hòa chỉ gắn bó với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cũng bởi nguyên do ấy mà anh toàn tâm toàn ý và nặng lòng với nông nghiệp, nông thôn, nông dân, với thân phận của người nông dân. Anh giải thích: “Nông nghiệp là sinh kế, nông thôn là cội nguồn (địa bàn), nông dân là trung tâm (con người).

Nhưng nông thôn bây giờ khác xa nông thôn ngày xưa và đang mất dần bản sắc. Sinh thời, nhà thơ Thợ Rèn nói rất đúng, rất trúng về nông thôn hiện nay qua 1 câu thơ: "Cả làng là một cục xi măng". Có lần, bằng trải nghiệm của mình, anh “số hóa” nông thôn cũng thật khác lạ: “Nông thôn bây giờ là 837016. 83 tức là mồng 8 tháng 3 (phụ nữ). 70 tức là người già. Còn 16 tức là mồng 1 tháng 6 (trẻ em). Bây giờ mà ông về nông thôn, hầu hết là gặp phụ nữ, người già và trẻ em. Ở thời chiến thì không nói làm gì. Nhưng ở thời bình mà thế thì rất đáng nói và rất đáng suy ngẫm lắm chứ”. Cũng vì sự toàn tâm, toàn ý và nặng lòng ấy mà có lần khi là học viên của một lớp chính trị quân sự cao cấp, anh đã viết một khóa luận ở dạng “thu hoạch” với chủ đề: “Thân phận nông dân và cuộc sống ở nông thôn”.

Xa xưa, cụ Trần Tế Xương từng thương nhớ làng quê qua “Sông Lấp”: Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò và buồn bã trước cảnh nông thôn mới đô thị hóa gọi là.

Trong bài “Đất Vị Hoàng”, cụ Trần Tế Xương than thở: Có đất nào như đất ấy không?/ Phố phường tiếp giáp với bờ sông… Sau nhiều năm, “hậu bối” Đoàn Xuân Hòa còn thương nhớ và than thở nhiều hơn. Chính vì thế mà anh luôn ước ao trong tâm thế: Khấn cùng trời đất Ô Môn/ Ngàn năm hạt lúa vẫn còn thảo thơm (“Về một người anh hùng”).

Chính vì thế mà anh xa xót trước cảnh những con bò Ngắm cỏ sân gôn ngỡ là cỏ thực/ Gió ngoại thành cứ tưởng gió triền sông và anh không khỏi nhói lòng khi hạ bút dễ làm đau trang giấy: Những con bò quay lưng về phía cánh đồng/ Nằm nhai lại ký ức miền cỏ mật/ Mặc số phận ngày mai còn hay mất/ Tiếng gọi bầy ò ọ bước qua xuân (“Ngoại thành”).

Chính vì thế mà anh lo cho cả chợ tình ở thời hội nhập: Có vài người gạ gẫm song phương/ Đến phút chót đều coi em là vợ/ Họ dắt tay em cùng đi vào chợ/ Chợ tình thời hội nhập đa biên” (“Chợ tình thời hội nhập”). Chính vì thế mà anh lo cho “thời vô tính” và hậu quả của nó.

Tôi tin đằng sau cái vỏ bọc hình thức ngỡ như tưng tửng này là một nội dung sâu xa, buồn thăm thẳm: Thời vô tính chắc là vui lắm nhỉ?/ Đời đua chen, đột biến không ngừng/ Thơ ngày ấy có như gà cục tác/ Điện sáng lên là đẻ trứng tưng bừng/ Thời vô tính có còn lo không nhỉ?/ Râu tóc rụng đi mai mọc ra người/ Nửa hóa họ hàng, nửa thành xa lạ/ Thật, giả nhìn nhau dở khóc dở cười (Thử hình dung)… Cũng giống như nhiều nhà thơ khác, anh là người hoài cổ và tiếc những gì đã một đi không trở lại.

Tôi không nhớ lần đầu gặp Đoàn Xuân Hòa vào thời điểm nào. Chỉ nhớ chúng tôi trở thành bạn của nhau là qua thơ và bởi thơ. Anh là người nhiệt huyết trong đời và trong thơ. Anh là người thẳng tính, chân thành đến gắt gao, đáng quý. Có cảm giác từ giọng nói đến ánh mắt của anh, lúc nào cũng như có lửa.

Và nếu nói theo cách nói dân gian một thời thì ở đời, người như anh dễ “thẳng thắn thật thà thường thua thiệt” lắm. Nhưng anh không xem điều đó làm trọng. Anh thường nói: Bạn bè mới quan trọng, còn chức tước không là gì, cho dù anh từng là Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông nghiệp và Ngành nghề nông thôn của một bộ lớn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Anh cũng nói thêm: “Tôi là người có thân xác Quảng Trị (gốc gác) nhưng lại có hồn vía Nghệ An (nơi sinh ra và lớn lên)”.

Cách nay cũng đã lâu, nhà thơ Đoàn Xuân Hòa đã xuất bản một tập thơ có một cái tên ấn tượng: “Lửa không cần trang phục”. Đọc tập thơ này, người ta càng hiểu thêm con người nhà thơ Đoàn Xuân Hòa và thêm một lần khẳng định: “Thơ là người”.

Với tôi, Đoàn Xuân Hòa cũng chính là một thứ lửa như vậy và “chuẩn” đến mức không cần “chỉnh”.