Bóng chữ thiêm thiếp trong rừng chữ tựa như nàng công chúa ngủ trong truyện cổ đợi nhà thơ đánh thức. Chữ của nhà thơ ít khi ăn ngon ngủ yên mà luôn thao thức mất ngủ.


VÂN CHỮ

 LÊ ĐẠT

Trước hết xin giải quyết cho xong một vấn đề coi như đã được giải quyết từ lâu tại nhiều nước.

Chữ gồm hai phần: phần âm thanh (son) và phần nghĩa (sens).

Không một nhà thơ nào có chút ít theo đòi nghiên bút lại chủ trương vứt bỏ nghĩa.

Chữ không có nghĩa đơn thuần là âm thanh, không còn là chữ nữa.

Nhưng chữ có một quy chế phức tạp.                               

Nó thuộc loài lưỡng cư. Một nhà thơ già đã nói đùa: chữ có họ với loài ếch nhái.

Cùng một lúc chữ ở hai địa vực khác nhau với hai nhiệm vụ gần như dị ứng với nhau.

Chữ vừa có nhiệm vụ biểu thị (signifier), vừa có nhiệm vụ hình dung (représenter).

Ở địa hạt biểu thị, nó được coi như một ký hiệu (signe) để phục vụ việc giao tiếp thuận lợi giữa con người.

Khi sống cuộc đời ký hiệu, chữ phải gạt bỏ phần máu thịt, sống động và phức hợp của sự vật để chỉ giữ lại phần đặc tính biệt phân của nó.

Con bò khác với con dê vì con bò kêu bò và con dê kêu be be…

Mùa thu khác với mùa hạ vì mùa hạ là mùa thứ hai còn mùa thu là mùa thứ ba trong một năm bắt đầu khoảng từ tháng tám đến tháng mười dương lịch…

Người ta sử dụng từ bò có thể chưa từng biết mặt con bò bằng xương bằng thịt như phần lớn đám trẻ thành phố Lơnđơn đầu thế kỷ XX.

Người sử dụng từ thu chỉ cần chú ý đến thời điểm của nó so với những mùa khác trong năm… cái xào xạc heo may rải đồng cái bâng khuâng “hồi ký lá vàng” của nó, người sử dụng không cần biết.

Đặc tính của ký hiệu là phải đơn giản, rõ ràng, minh bạch để tránh gây nhầm lẫn.

Khi sự vật bị biến thành ký hiệu, mọi yếu tố không cần cho sự giao tiếp đều bị lược bỏ.

Nói theo các nhà ngôn ngữ học:

Từ chó không sủa”.

*

Nhưng con người là một sinh vật phức tạp. Nó có một đời sống tâm lý rất khó kiểm soát. Khi sử dụng ký hiệu nó vẫn không nguôi được sự vật và hầu như không cam chịu sống thân phận một sinh vật thuần tuý giao tiếp bằng ký hiệu.

Con người ít nhiều mang mặc cảm Từ Thức và những “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” không khỏi “đê đầu” tư lường một cố hương chữ nơi nghìn trùng mây trắng với một nàng Giáng Hương buồn.

Những phần bị gạt bỏ của sự vật không cam phận mồ yên mả đẹp. Chúng vẫn quay về ám ảnh ký hiệu như những bóng ma.

Bất cứ một chữ nào cũng đều có phần ngày ký hiệu và phần đêm sự vật.

Bóng chữ có thể coi là phần tiền kiếp không được hoá giải của chữ. Nó như bóng con thuyền Trương Chi thiếu nợ hò khoan mãi lòng chén nước Mỵ Nương.

Các nhà tâm lý học gọi đó là cái bị dồn nén- Và cái bị dồn nén thường trở về trong những truyện của Bồ Tùng Linh.

Bóng chữ thiêm thiếp trong rừng chữ tựa như nàng công chúa ngủ trong truyện cổ đợi nhà thơ đánh thức. Chữ của nhà thơ ít khi ăn ngon ngủ yên mà luôn thao thức mất ngủ.

Tiếng lạ kho đồ đạc cũ

Âm ngữ vùng mất ngủ bạc đầu

*

Khi Sartre khẳng định “nhà thơ khước từ sử dụng ngôn ngữ” ông muốn nói rằng nhà thơ tuyệt đối không coi ngôn ngữ như một ký hiệu, một dụng cụ giao tiếp đơn thuần, nhà thơ nhẹ bận tâm đến phần biểu thị tự vị của chữ mà nặng lòng đến phần hình dung, đến diện mạo, giới tính, âm hưởng, độ vang vọng, sức gợi cảm quá khứ và tương lai của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ, bài thơ và lịch sử thơ nói chung.

Nhà thơ không coi rẻ chữ như những vật vô tri, vô giác, những công cụ quẳng đi khi đã hết tác dụng mà tôn trọng chữ như những sinh vật có hồn lắng nghe tiếng nói của chữ và trò chuyện với chữ như nhà ngoại cảm lắng nghe và trò chuyện với thế giới bên kia.

Mallarme đề nghị hãy trả lại tính chủ động cho chữ, nghĩa là nhà thơ không được coi chữ như những ký hiệu thụ động để diễn tả một nội dung có trước mà phải thiết tha mời chữ tham gia cùng sáng tác với mình.

Khi có người hỏi Mallarme:

-Ông định nói gì trong bài thơ?

Mallarme trả lời:

-Nếu biết định nói gì thì nói, việc gì phải viết thơ.

Còn Andre Breton, vị trưởng môn lẫy lừng của trường phái siêu thực thì khẳng định không chút do dự: “Chỉ những chữ nẩy mầm mới đích thực là chữ”.

Nhà thơ ứng xử bình đẳng với chữ, không phân biệt chủ tớ trong quá trình sáng tác để tạo thành một sản phẩm kỳ diệu, nó là câu thơ, bài thơ, thậm chí còn có quyền bãi chức nhà thơ!

Etmông Fabex nói: “Chữ bầu lên nhà thơ”.

Và France Côctô khi nhận xét về nhà thơ đồ sộ Victo Huygo đã có một câu bông lơn thật sâu sắc: “Victo Huygo, cái anh chàng rồ cứ ngỡ mình là Victo Huygo”.

Thì ra cái nhà thơ đồ sộ kia đã từng khi “thất cử” qua các cuộc bầu chọn khắt khe của chữ.

*

Cái lầm lẫn phổ biến ở không ít người nằm ở chỗ họ quên mất rằng thơ dùng những từ thông dụng những đã kinh qua một cấu trúc, một tổ chức, một công nghệ đặc biệt.

Nguyên liệu chữ đã được luyện trong một lò luyện kim đan chuyên dùng và đã thay đổi hoá trị.

Cũng vẫn những chữ đó nhưng chúng đã sống một thân phận khác.

Tôi xin nêu ra đây mấy thí dụ:

Câu thơ nổi tiếng của Mallarme:

La chair est triste hélas! Et j’ai lu tous les livres”

Có người dịch khá sát nghĩa:

Thú xác thịt mãi rồi cũng chán

Thú đọc thơ cũng ngán lắm mà!

Xét về mặt đơn thuần nghĩa thông dụng người dịch cùng lắm cũng chỉ bị phạt “vi cảnh” vì lỗi xâm phạm đến tính e thẹn, kín đáo của chữ. Nhưng đứng ở phương diện thơ, anh ta có thể phải bị kết án nặng vì tội “ngộ sát”. Dịch giả vô tình đã giết chết một câu thơ.

Câu thơ chữ Hán được truyền tụng của Thôi Hạo:

Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Có thể dịch rất đơn giản và sát nghĩa:

Hoa đào như cũ còn cười gió đông

Làm sao Nguyễn Du lại dịch:

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Chao ôi! Tôi sẵn sàng đổi mấy chục năm đời mình để được cái chữ năm ngoái ấy.

Nó làm chuyển động cả câu thơ như một tia chớp lạ trên bầu trời thương nhớ, tiếc nuối, đến mức phải đề bạt Nguyễn cấp đồng tác giả với họ Thôi.

Tôi bỗng nghĩ đến Gorki sau khi đọc một trang chữ cứ bâng khuâng soi mãi lên mặt trăng xem, phía sau những con chữ có gì kỳ lạ mà quyến rũ đến thế.

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

Nghĩa tự vị có gì đâu mà ba trăm năm sau vẫn còn gió nổi trong lòng người một tương tư.

Cổ nhân nói: Người đẹp từ trang chữ bước ra. Nhớ Lý Trác Ngô tựa Tây sương ký: “Tấc lòng người đời nay gửi lại đời sau đáng thương biết mấy!”

*

Heidengger đã tỏ ra rất từng trải chữ khi nhận xét rằng ngôn ngữ vừa sống trên miếng đất hữu hạn của ký hiệu vừa sống trên miếng đất vô hạn của vạn vật, của trời đất. Chữ vừa là công cụ giao tiếp vừa là “ngôi nhà của hiện hữu”.

Với tư cách là ký hiệu chữ càng phi cá tính càng công cộng càng tốt.

Với tư cách là hiện hữu chữ càng đậm đặc cá tính càng độc đáo càng tốt.

Mỗi công dân có một dạng vân tay

Mỗi nhà thơ thứ thiệt cũng có một dạng vân chữ. Trộn không lẫn.

Hãy so sánh:

Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi…

...Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không

Rồi:

Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông

Tưởng rằng ốm dậy hoá ra không

Rồi:

Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao…

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa…

Cùng một tiếng Việt- Tiếng Việt trăm phần trăm. Mà khác nhau biết bao!

Rõ ràng là có một tiếng Việt Hồ Xuân Hương, tiếng Việt Tú Xương, tiếng Việt Nguyễn Du…

Đó chính là phần yêu nước của nhà thơ đóng góp vào kho ngôn ngữ quốc gia. Đó là “từ khoản” chỉ tệ mạnh riêng từng người trong Ngân hàng chữ Việt.

*

Con người khi bé thì ở chung với bố mẹ, lớn lên thì phải ra ở riêng.

Chỉ nhà thơ có tiếng nói riêng được coi là nhà thơ đã trưởng thành.

Và việc kiếm được một “ngôi nhà chữ riêng” còn khó gấp nghìn lần việc kiếm được một ngôi nhà riêng có mặt tiền trông ra phố.

Chúng ta chưa khuyến khích việc ra ở riêng trong thơ, nạn “chung cư” trong văn học còn khá phổ biến. Người ta còn quen đưa ra một vài tiêu chí chung chung để đánh giá thơ hàng loạt làm cái việc “đẽo chân cho vừa giày”.

Có thơ tương đối giản dị như một ca khúc, có thơ phức hợp như một bản giao hưởng.

Cái chính không phải ở chỗ giản dị hay phức hợp mà ở dấu ấn của nhà thơ hay nói một cách khác, ở vân chữ của tác giả.

Thơ sống trong sự đa dạng bất thường và thường thui chột trong sự đơn dạng chuẩn hoá.

Các nhà thơ không loại trừ nhau như trong một trận đánh bốc mà bổ sung cho nhau như trong một giàn giao hưởng lớn.

Tôi xin nhắc lại một lần nữa- Một đất nước có một ông Lý Bạch là một đất nước có phúc. Một đất nước có 100 ông Lý Bạch là một đất nước bất hạnh. Vì một ông Lý dầu lực lưỡng bằng Hạng Võ cũng không “cử” nổi 99 ông Lý dỏm.

Người ta cho xuất bản thơ lỏng lẻo quá mà đánh giá phê bình lại khe khắt qua thậm chí có khi còn ác ý.

Chúng ta phải nuôi dưỡng tình đùm bọc ấm áp trong các nhà thơ và cố gắng xây dựng một cách ứng xử tử tế, có văn hoá trong phê bình thơ bất cứ ở lứa tuổi nào. Trong phê bình tâng bốc vô lối cũng vô văn hoá như xỉ vả vô lối.

Người làm thơ suốt đời hoạt động trong trạng thái giằng xé căng thẳng giữa nghĩa và hàm nghĩa. Giữa chữ và bóng chữ.

Gần nghĩa quá thì câu thơ rõ ràng minh bạch nhưng có nguy cơ khô cứng, bẹt dí, vô hồn, văn vần.

Tha thẩn với bóng chữ ở vùng đêm, vùng hàm nghĩa có cơ may mở mang bờ cõi của chữ nhưng cũng có nguy cơ rơi vào bóng tối mịt mùng của vô nghĩa.

Thời đại nào cũng có một số ít nhà thơ “trời đầy” tình nguyện hoạt động ở vùng giáp ranh heo hút này. Hãy thông cảm với họ. Họ chẳng đòi hỏi gì cả ngoài một số điều kiện tối thiểu để được yên ổn làm việc. Bản thân công việc của họ đã gian nan, vất vả lắm rồi, đừng gây thêm khó khăn trở ngại cho họ. Biết đâu họ chẳng thăm dò được một vỉa quặng quý nào đó cho ngôn ngữ thơ của đất nước. Nếu họ thất bại thì sự không may đó của họ chí ít cũng có thể giúp ích người khác đỡ thất cơ lỡ vận như họ và biết đâu chẳng giúp người khác cơ may thành công.

Tôi muốn các bạn nghe lời tâm sự viết vào những năm đầu thế kỷ XX của một nhà thơ lớn người Pháp, người được đánh giá là mở đường cho nền thơ hiện đại thế giới: Apollinaire:

Chúng tôi không phải kẻ thù các anh

Chúng tôi muốn tặng các anh những vùng đất mênh mông kỳ lạ…

Hãy thương chúng tôi, những người lính chung thân biên giới

Của vô cùng và của tương lai

Hãy thương điều chúng tôi sai, thương điều chúng tôi lầm lỗi…

Bao giờ chúng ta xây dựng được tình thương ấy! Bao giờ chúng ta khai tử được câu ngạn ngữ già nua và đáng xấu hổ “Đố kỵ như nghệ sỹ”.