Tuy mang tiếng là ở ẩn, nhưng thực tế họ luôn có sợi dây liên lạc mật thiết với xã hội bên ngoài, và cả bên trong triều đình. Mỗi bài thơ họ sáng tác đều có uy lực của ngàn đạo quân.


Những ẩn sĩ “giả vờ”

TRẦN TRỌNG DƯƠNG

Ẩn sĩ là một loại người gặp tương đối nhiều trong lịch sử Đông Á và Việt Nam. Hiểu theo nghĩa đen, ẩn sĩ là “kẻ ở ẩn”. Nhưng kẻ này chắc chắn không phải là một ông nông dân mù chữ, hay người kiếm củi thất học. Chữ “sĩ” ngoài nghĩa là chỉ “người” nói chung thì để chỉ “kẻ có học”, cụ thể hơn là những Nho sĩ.

Còn Đạo sĩ và các thiền sư, tuy cũng ở núi rừng, tu luyện phép tịch cốc, hay tự cày cấy nuôi thân, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là các thầy chùa, hay thầy pháp chứ không được coi là ẩn sĩ. Vì về cơ bản, hai phái sau này chỉ lấy việc tu làm mục tiêu duy nhất.

Còn bên Nho giáo, với tư cách là một hệ tư tưởng dùng để kiến thiết xã hội, thì làm quan- hay ở ẩn chỉ là hai mặt khác nhau của một hành vi chính trị. Muốn ra làm quan, muốn đem học thức ra giúp đời,... là một ý niệm mang tính bản thể của nhà Nho, đó là hành vi chính trị mang tính “tự nhiệm”. Họ coi đó là trách nhiệm tiên thiên phải làm.

Còn ở ẩn thì chỉ là một ứng xử nhất thời mang tính tình huống để “minh triết bảo thân”, hay đúng hơn là để “gây sức ép chính trị”. Cho nên, bài này mới cho rằng, nhà Nho là những “ẩn sĩ giả vờ” (cả với nghĩa tích cực và tiêu cực). Giờ ta hãy thử xem họ “giả vờ” như thế nào.

Trúc Lâm thất hiền: Chống đối và quy thuận

Bảy người hiền chốn rừng trúc là một nhóm ẩn sĩ rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, bao gồm: Nguyễn Tịch, Kê Khang, Nguyễn Hàm, Lư Linh, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung sống vào đời Tây Tấn. Một số theo huyền học của Đạo giáo, một số theo Nho giáo và Phật giáo, nhưng đều là cái học tam giáo. Tuy được gọi là “thất hiền” và tự nhận mình là “ẩn sĩ”, nhưng hoạt động của họ không phải là một đám “tiên tửu” (bạn rượu), mà là một nhóm chính trị dùng hành vi và thơ ca để chống lại chính quyền đương thời.

Về cơ bản, thất hiền là những danh sĩ, có tri thức, có học lực, có quyền uy về học thuật và chính trị. Việc họ ở ẩn không thuần túy là ở ẩn, mà đó là hành động phản kháng chống lại các thế lực chính trị vi phạm đến nguyên tắc đạo đức chính trị học của Nho gia. Họ tự nhận thức được rằng, mình là những đấng bậc của làng Nho, là “ngọn cờ đầu” của đức trị, là tấm gương tiết tháo cho toàn bộ kẻ sĩ trong thiên hạ noi theo. Vì thế, việc họ vào núi lập hội, không phải là một hành vi cảm tính mà là một ý thức chính trị rõ ràng. Họ dựng lên một hệ giá trị đạo đức đối lập với chính quyền đương thời. Chốn sơn lâm là nơi tu hành và đề cao đạo nghĩa, đối lập với chốn triều đình ô tạp.

Tuy mang tiếng là ở ẩn, nhưng thực tế họ luôn có sợi dây liên lạc mật thiết với xã hội bên ngoài, và cả bên trong triều đình. Mỗi bài thơ họ sáng tác đều có uy lực của ngàn đạo quân. Điều này lý giải vì sao, thất hiền trở thành cái gai trong mắt chính quyền nhà Tấn. Mà kết quả ta biết, sau khi Kê Khang bị giết, thì Thất Hiền tan rã theo nhiều kiểu khác nhau. Hướng Tú thì, sau khi chửi nhà Tấn, lại ra làm quan cho nhà Tấn, lãnh đến chức Tán kị thị lang.  Sơn Đào tuy ban đầu “ẩn thân để tự vấn”, nhưng sau 40 tuổi vẫn xuất sĩ làm quan đến Thượng thư Lại bộ lang. Vương Nhung cũng lên đến chức Lại bộ Thượng thư.  Việc ở ẩn của nhóm Trúc Lâm Thất Hiền không gì khác là một thực hành chính trị. Điều này đã khiến họ trở thành biểu tượng đa nghĩa trong làng Nho. Với những người có xu hướng thoát li xã hội, Thất Hiền là tấm gương để thoái ẩn nơi thôn dã. Với những người nhập thế, Thất Hiền là biểu tượng của những người biết dùng đạo đức, tiết tháo và tài năng để “chỉnh đốn càn khôn”. Chuyện họ chống đối chính quyền là vì đạo nghĩa, chuyện họ quy thuận triều đình cũng được coi là mang đạo về triều.

“Đường tắt núi Nam” là dịch từ thành ngữ “Nam sơn tiệp kính”. Sách “Đại Đường tân ngữ” ghi chuyện Lô Tàng Dụng ban đầu đi ở ẩn ở núi Chung Nam, nhưng đến thời Đường Trung Tông thì nhiều lần giữ các vụ quan trọng. Dụng khi đó gặp đạo sĩ Tư Mã Thừa Trinh ở trong Kinh đô Tràng An, nói với Trinh rằng: “Trong núi Chung Nam kia có cảnh đẹp, đâu cần phải ở ẩn chỗ xa”. Thừa Trinh mới từ tốn đáp rằng: “Tôi xem chỗ ấy chính là “lối tắt để ra làm quan”. Tàng Dụng nghe liền biến sắc mặt.

Câu chuyện trên được viết ra dưới ngòi bút của các đạo sĩ dưới quan điểm của Đạo gia. Đạo gia coi ở ẩn là việc thoát ly hoàn toàn xã hội. Việc ở giữa chốn núi rừng, với họ, là quá trình tu dưỡng, để thể nhập con người cá nhân vào với tự nhiên (đạo). Ở ẩn theo Đạo gia là hành động tự thân của cá nhân,  nó khác với việc ở ẩn của Nho giáo. Cho nên, Lô Tàng Dụng mới bị Tư Mã Thừa Trinh “vạch mặt” chuyện “giả vờ tu ẩn để tham gia chính trường”.

 

Tiều Ẩn Chu Văn An - quyền lực của ẩn sĩ

Ẩn sĩ từ trong suốt cả ngàn năm đã trở thành mô hình nhân cách của nhiều nhà Nho Việt Nam trong lịch sử. Ẩn sĩ nổi tiếng bậc nhất chính là Chu Văn An. Nhưng đọc kĩ hành trạng của ông, ta thấy cách hành tàng xuất xử của Chu Văn An cơ bản là hành vi nhập thế. Ông từng thi đỗ Thái học để khẳng định mình trên phương diện học thuật. Và việc từ chối ra làm quan cũng là một hành vi chính trị nhằm cảnh tỉnh hệ thống chính quyền thời bấy giờ. Dựa vào tri thức uyên bác và học vị Thái học sinh, ông đã trở thành một nhà giáo dục nổi tiếng đương thời.

Đại Việt toàn thư chép: “Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ”. Như vậy, Chu Văn An là người đầu tiên hiện biết, dùng sự nghiệp đào tạo nhân tài để thực hành lý thuyết đức trị của mình. Cũng chính từ vị thế “Thái Sơn Bắc Đẩu” của nền học thuật ấy, ông đã được vua Trần Minh Tông vời vào triều để dạy cho Thái tử.

Rõ ràng, ngay từ đầu, ông đã nhận thức được “quyền lực của kẻ sĩ/ người trí thức”. Nếu thấy chưa hợp thời thì lui về ở ẩn dạy học trò. Học trò sau khi đỗ đạt làm quan sẽ tạo ra vị thế chính trị của thầy, tức là “một mũi tên trúng ba đích”, ông vừa có thể đào tạo nên những lớp học trò Nho sĩ có tiết tháo có học vấn, vừa biến mình trở thành bậc sư biểu đương thời để các tầng lớp xã hội (Nho sĩ, quan lại) noi theo, lại vừa trực tiếp tác động đến người đứng đầu vương quốc.

Cũng chính vào lúc này, ông rời bỏ tư cách ẩn sĩ để tham gia trực tiếp vào chính trường. Trở thành thầy của Thái tử có nghĩa là sau này sẽ trở thành thầy của vua. Như ta biết, khi Dụ Tông lên ngôi, ham chơi, lười chính sự, triều thần nhiều kẻ nhũng nhương, Chu Văn An bèn dâng “Thất trảm sớ” xin vua chém bảy tên nịnh thần. Vua không nghe, ông lập tức từ quan, về núi Chí Linh ở ẩn. Từ đó đến cuối đời, ông đã nhiều lần từ chối việc quay trở lại quan trường, dù Dụ Tông nhiều lần vời thỉnh.

Tiết tháo của Chu Văn An vì thế được khen là “thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được... Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”. Cuộc đời Chu Văn An trở thành một biểu tượng cho đạo học và lý thuyết đức trị của Nho gia. Nếu so với Trúc Lâm thất hiền, thì ông thuộc một kiểu mẫu ẩn sĩ rất khác: ẩn sĩ không thỏa hiệp.

Nguyễn Trãi - ẩn giả giữa đời

Nguyễn Trãi nổi tiếng trong lịch sử là một nhà nho hành đạo, là một trong những người đầu tiên có mặt ở hội thề Lũng Nhai dấy cờ khởi nghĩa Lam Sơn, là bậc khai quốc công thần giúp vua Lê Thái Tổ đánh bại quân Minh thành lập nên triều Lê Sơ. Cả một cuộc đời ông theo đuổi các nguyên tắc và lý thuyết của mô hình chính trị Nho gia.

Nhưng có những lúc, Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn sống cuộc đời của ẩn sĩ giống như ông ngoại ông – Trần Nguyên Đán. Năm 1437-1439, Nguyễn Trãi lui về ở ẩn sau khi thất bại với kế hoạch chế định lễ nhạc. Việc ở ẩn này là để tỏ thái độ với triều đình, nhằm thoát ly khỏi những áp đặt quyền lực từ vua Lê Thái Tông và nhóm bất đồng quan điểm - Lương Đăng. Nếu đọc các bài thơ Nôm trong “Quốc âm thi tập”, ta sẽ thấy rõ con người ẩn sĩ của Nguyễn Trãi không hề có tâm thế của một người muốn thoát ly với xã hội, mà vẫn luôn trăn trở với những vấn đề “quốc kế dân sinh”, với một tấm lòng “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”.

Đọc sâu bài “Côn Sơn ca” ta thấy, tuy là một bài ngợi ca cảnh giới của người ở chốn tùng lâm, thân nằm trên rêu xanh, tai nghe suối chảy tựa đàn cầm, nhưng thực chất con người ấy đang thể hiện một cốt cách của đấng quân tử (nằm dưới bóng tùng bóng trúc). Miệng người thì vẫn kêu gọi “về đi về đi”, thơ thì vẫn hiểu cái lẽ “trăm năm trong cuộc nhân sinh, người như cây cỏ thân hình nát tan”, nhưng bên trong thì vẫn nghĩ đến chuyện Đổng Trác, Di Tề. Tức là, thân thì ẩn, mà tâm thì không ẩn.

Chính vì cái tâm luôn dõi theo tiếng đời, nên khi nhận được dụ của vua mời ra làm quan, Nguyễn Trãi tự nhận “thần như con ngựa già còn ham rong ruổi”, lập tức quay về triều, và lại tất tả với trăm ngàn công việc của một bậc Đại Nho để xây dựng một triều đình còn non trẻ. Bởi ông nghĩ, bậc “đại ẩn” là ẩn thân giữa chốn triều đường”. Đông Phương Sóc đời Tây Hán có câu hát rằng: "Ngoi lên ngụp xuống trong cõi tục, lánh đời ở cửa Kim Mã. Trong cung khả dĩ lánh đời mà bảo toàn thân mạng, hà tất cứ phải là dưới lều cỏ ở chốn núi sâu." Nguyễn Trãi đã đi theo tiếng gọi của Đông Phương Sóc, và rồi mất mạng vì lý tưởng chính trị của chính mình.

 

 

Nguồn: Công An Nhân Dân