Cuốn sách "Cô bé nhìn mưa" không kể lại những chuyện giật gân, không “lợi dụng” và “thổi phồng” những “người anh hùng”, những người thân, kể cả những nhân vật mà có lẽ chỉ cần nhắc đến tên họ thôi (những người con rể của gia đình họ Đặng: Võ Nguyên Giáp, Phạm Hồng Sơn, Phạm Hồng Cư, Nguyễn Văn Hoàn), không ít người phải thầm “mơ ước”?


 

Cô bé nhìn mưa - một lối viết “lạ” trong thể loại hồi kí

TRẦN HINH

Cô bé nhìn mưa là cuốn hồi ký duy nhất của nhà giáo, phó giáo sư Đặng Thị Hạnh. Cuốn sách được in cách nay gần 13 năm. Đây là lần thứ ba cuốn sách được in lại cùng tại NXB Phụ Nữ. Ở thời điểm khởi thảo cuốn sách này, cách nay hơn một thập niên, tác giả Đặng Thị Hạnh sắp bước sang tuổi 80, nay thì bà đã đã vượt qua tuổi 90, cách rất xa tuổi “cổ lai hy” mà một người rất nổi tiếng gần thế hệ bà nhắc tới.

Với cái tuổi này, hẳn nhiên không ai còn tự nhận là “trẻ trung” nhưng Cô bé nhìn mưa thì hoàn toàn có thể. Tác giả đặt tên tác phẩm của mình là Cô bé nhìn mưa, nghĩa là đặt điểm nhìn kể chuyện ở thời khắc trẻ trung nhất, mở đầu và kết thúc hồi ức đều là những cơn mưa, một nốt chủ âm quán xuyến chạy suốt dọc một cuộc đời bề bộn những sự kiện, cá nhân và đất nước: “Tôi sinh ở Huế vào một năm rất dễ nhớ, 1930. Nhưng kí ức xa nhất về thời thơ ấu của tôi, nghĩa là về chính bản thân tôi, lại được đặt ở một làng quê Nghệ An. Đấy chẳng qua cũng chỉ là vào một trong những buổi chiều mà trời làng Quỳnh, sau một ngày nắng nóng ghê gớm, đột nhiên phủ đầy mây rồi mưa rơi xuống rào rào”.

Mưa xối xả trong đoạn mở đầu hồi ức và quay trở lại trong đoạn kết thúc tác phẩm khiến người đọc không khỏi nao lòng. Ám ảnh mưa trong Cô bé nhìn mưa, với một cô bé, từ tận những năm hai, ba tuổi, quả là hiếm hoi và ấn tượng: “Những cơn mưa rào cuối cùng của mùa hạ, và mùa thu đã đến, những ngày mùa thu đáng yêu xưa cũ của Tô Hoài” (Tr.396). Ám ảnh ấy không chỉ theo đuổi suốt cuộc đời bà, mà trong đoạn “xen” phần cuốí cuốn sách, khi nhớ lại kỷ niệm về đứa cháu ngoại, cu Bột Nhẽo, nhân một lần tiễn nó cùng cha mẹ ra nước ngoài. Tại sân bay, một cơn mưa bất ngờ ập đến, đứa cháu cũng bất ngờ thốt ra câu nói với bà nó: “Trời mưa rồi, về đi bà”. Rồi một lần khác khi còn rất nhỏ, từ đầu tiên của nó khi tập nói cũng gắn với từ “Mua” (mưa) làm cho mọi người, nhất là người bà vô cùng kinh ngạc. 

Mưa thực sự là nốt chủ đạo xuyến suốt toàn bộ đường dây kể chuyện của Cô bé nhìn mưa. Chỉ khi có tâm hồn trẻ thơ, người ta mới thích đắm chìm trong những cơn mưa như thế. Mưa, trong huyền thoại văn hóa được coi là “ân huệ” của trời dành cho đất. Mưa làm cho đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu, cho cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật sinh sôi. Trong huyền thoại Hy Lạp cổ, mưa còn có ý nghĩa, tượng trưng cho sự sinh sản của con người (thần Zeus đã hóa thân thành trận mưa vàng lọt qua căn hầm giam giữ nàng Dannaé khi bị vua cha trừng phạt, giúp nàng sinh nở. Giống như nhiều đứa trẻ khác cùng lứa tuổi khi đã đi qua một chặng đường dài để trở thành người lớn, nhớ lại, Đặng Thị Hạnh tự soi mình qua hồi ức và cơn mưa.

Vì thế, không dưới một lần trong hồi ức, bà nhắc lại câu chuyện về “một cậu bé không chịu lớn” – cậu bé Peter Pan xứ Neverland trong tác phẩm của nhà văn Anh James Matthew Barrie được dịch sang tiếng Việt thời gian qua. “Dường như cái xã hội hiện đại này luôn khiến con người muốn trở lại tuổi thơ?”. Phải chăng vì thế, ngoái nhìn lại cuộc đời gần 80 năm của mình, Cô bé nhìn mưa không bao giờ quên. Để có được sự trải nghiệm đầy đủ nhất, người ta chỉ cần ít nhất một lần, sống lại thời thơ bé. Cũng giống Victor Hugo, nhà văn Pháp thế kỉ XIX - “Ông già Đại dương” mà Cô bé nhìn mưa từng gắn bó trong suốt nhiều năm trời, đồng nhất thế giới trẻ thơ với thế giới thiên thần, Đặng Thị Hạnh cũng dành vị trí không nhỏ trong hồi ức của mình, cho những đứa trẻ. Đó là những hồi ức, đoạn xen về “cu Bột Nhẽo”, về “Bống”, “Dế”, “Masa” (biệt danh những đứa cháu hồi bé) – những “ánh phản” của người bà trong “khu nhà cụ Cử Hồ” (người ông ngoại, cụ Hồ Phi Thống) thuở nào.

Thực ra, trước hồi ức Cô bé nhìn mưa, ở thời điểm xa hơn, những năm 80 của thế kỉ trước, Đặng Thị Hạnh đã từng công bố một cuốn sách khác có dung lượng nhỏ bé khiêm nhường hơn - mang tên Bà và cháu, cùng do Nhà Phụ Nữ xuất bản. Trong cuốn hồi ức viết lại của mình, người Bà của những năm xưa ấy, một lần nữa đã sống lại trong hồi ức trẻ thơ tươi rói. Đọc CBNM, ta không thể không thán phục trí nhớ tuyệt vời của người viết ở thời điểm khi bà đã gần 80. Từng chi tiết kỉ niệm hiện lên trong hồi ức của bà khiến ta cảm giác như người viết đang cùng sống với nó. Tác giả nhấn mạnh rằng: “Căn nhà và sách vở vẫn là nơi trú ẩn ưa thích của tôi”.

Điều đó hoàn toàn chính xác. Trong hồi Cô bé nhìn mưa, tác giả không dưới chục lần nhắc tới những ngôi nhà mà bà cùng gia đình ở đó. Những ngôi nhà ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, Việt Bắc…, nhà riêng và nhà cho mượn, nhà gỗ và nhà bê tông, nhà cấp 4 và nhà biệt thự, tất cả các ngôi nhà đó đều hiện ra trong ánh mắt của cô bé nhìn mưa niềm vui thích hiếm có. Tuy nhiên, nói tới Cô bé nhìn mưa có một “thứ đồ vật” khác còn quan trọng hơn. Đó là những cuốn sách. 

Cô bé nhìn mưa dường như lúc nào cũng ngập chìm trong sách vở, tri thức – từ ngày bé với người cha, Giáo sư Đặng Thai Mai (đã đành), ngay cả khi đã lớn, trưởng thành rồi, vì làm nghề dạy học, sách cũng không bao giờ rời xa bà. Cô bé nhìn mưa dành số lượng trang không nhỏ kể về thế giới “sách vở”, vô cùng ấn tượng này. Bà nói đã từng đọc rất nhiều Marcel Proust, nhà tiểu thuyết Pháp nổi tiếng thế kỉ XX, tác giả bộ sách đồ sộ (7 tập với hàng ngàn trang) Đi tìm thời gian đã mất (À la recherche du temp perdu), mà bà hết sức ngưỡng mộ. Rõ ràng Cô bé nhìn mưa chịu ảnh hưởng không nhỏ lối tiếp cận thế giới của tác phẩm nổi tiếng này.

Bà quả quyết rằng, ngay từ khi còn là một thiếu nữ 12, 13, nghĩa là đã cách đây gần 70 năm, nhờ nắm được bí quyết Đi tìm thời gian đã mất, mà kỉ niệm về dì Tân “với mái tóc đen bay tứ tung” khi ngồi đưa võng, cho dù bao nhiêu năm tháng trôi qua “Tôi vẫn nhìn thấy rất rõ”. Rồi chi tiết “đôi guốc” của dì Đạm, “mùi thơm dễ chịu, đăng đắng, ngọt ngọt các vị thuốc” đựng trong ô kéo của ông ngoại, phong cách nghiêm khắc của người cha (giáo sư Đặng Thai Mai), cái “dáng vẻ hiền lành của mẹ”; kỉ niệm về ngôi nhà, góc phố, đường làng, cây mít, Sầm Sơn - “biển màu lục nhạt”, “Việt Bắc, những ngôi trường và những con đường”, một góc thư viện phố d’Uhlm, Paris, nơi bà cùng những đồng nghiệp khoa Văn, Đỗ Đức Hiểu, Lê Hồng Sâm, Nguyễn Văn Khỏa… ngồi hàng giờ liền “cày xới” những trang viết về Hugo, Stendhal, Balzac, Flaubert, Kafka, Camus, Proust, Derrida, Genette…,  giữa những ngày đất nước còn muôn vàn khó khăn, nhưng thật nhiều mơ mộng. “Đứa bé không chịu lớn” ở người đàn bà tuổi 80 trong Cô bé nhìn mưa, khi thì sống với “những dòng kí ức đơn độc đục thủng thời gian, không thấy có gì phía trước và phía sau”. Tất cả chỉ là hiện tại.

Và ở đây, ta lại bắt gặp một “lối viết lạ” nữa trong Cô bé nhìn mưa. Cuốn sách không kể lại những chuyện giật gân, không “lợi dụng” và “thổi phồng” những “người anh hùng”, những người thân, kể cả những nhân vật mà có lẽ chỉ cần nhắc đến tên họ thôi (những người con rể của gia đình họ Đặng: Võ Nguyên Giáp, Phạm Hồng Sơn, Phạm Hồng Cư, Nguyễn Văn Hoàn), không ít người phải thầm “mơ ước”? Hồi ức Cô bé nhìn mưa tiết chế đến mức tối đa việc nhắc lại những cái tên quen thuộc nổi tiếng này, đặc biệt với những người thân gần gũi nhất. Chẳng hạn, người đọc nếu không am hiểu lắm gia đình tác giả, sẽ thật khó nhận ra trong những câu viết câu theo kiểu “tỉnh lược” (bỏ qua, lược bỏ) thế này những người thân, gần gũi của Cô bé nhìn mưa“Hai người lính trong gia đình lớn của chúng tôi mãi đến cuối tháng Bảy mới về đến làng Quyên cùng với đơn vị” (Phạm Hồng Sơn, Phạm Hồng Cư, tr.288).

Ở một đoạn câu khác: “Trong những người chúng ta yêu mến, có tiềm ẩn một mộng tưởng nào đó, mà không phải lúc nào chúng ta cũng biết phân định, nhưng bao giờ chúng ta cũng vẫn đeo đuổi. Có gì chung giữa người bí thư chi bộ đầu tiên, người học sinh có gương mặt trẻ măng và anh bộ đội có vẻ “dạn dày sương gió?” (tr.239). Mấy ai có thể nhận ra trong hai người đàn ông kia, “anh bí thư chi bộ đầu tiên” và “anh bộ đội có vẻ dạn dày sương gió”, ai là “người đàn ông” của tác giả? Xin khẳng định thêm, những câu viết kiểu này trong Cô bé nhìn mưa là không ít. Tại sao thế? Chính tác giả, đã nói thật rằng, bà muốn tránh mọi sự tò mò, ồn ào không cần thiết. Hồi ức, với bà, không phải là nơi để “phô diễn, khoe khoang”.

Bà tâm sự thật lòng: “Tôi thích sự kín đáo và giản dị”. Sách vở đã giúp “nhào nặn” bà rất nhiều. Cũng vì thế, tác giả Cô bé nhìn mưa tiết lộ, bà bắt chước nhà văn Anh, Tarh Aw, cũng thích “làm văn”, thích “hư cấu những trang tự truyện”. Trong khi, về mặt lý thuyết, tự truyện chỉ cho phép người viết “phơi bày sự thật”. Cái “lạ” của Cô bé nhìn mưa có thể cũng được thể hiện rõ hơn ở đặc điểm này. Là người từng nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu Hugo, nhà lãng mạn Pháp thế kỉ XIX, tác giả Cô bé nhìn mưa không thể không chịu ảnh hưởng ít nhiều “cái bóng khổng lồ” của “Ông già Đại dương”.

Tác giả Đặng Thị Hạnh sinh năm 1930.


Đặng Thị Hạnh thú nhận, đôi khi trong lối viết, của bà thường có những “ẩn dụ”, “tu từ”, hay kiểu hạ dòng, ngắt câu, “lối chute” (đoạn cuối, phần cuối, câu cuối) rất tiêu biểu cho thơ và văn xuôi: “Chẳng gì, tôi cũng đối mặt với ông hơn hai mươi năm, không lý gì mà tôi lại không học được gì ở một người kì tài đến thế”. Ở một phía khác, vế sự “kín đáo” trong lối viết hồi kí, tôi cho rằng Đặng Thị Hạnh cũng bộc lộ rõ phong cách “khác lạ” trong lối viết của mình. Trong gần bốn trăm trang sách hồi ức Cô bé nhìn mưa, ta thấy tràn ngập những chi tiết theo “lối viết tiểu họa” (style minuaturiste).

Ông Lý Văn Sáu, một người bạn thân của Đặng Thị Hạnh đã phát hiện ra điều thú vị này. “Lối viết tiểu họa”, theo cách giải thích của ông, đó là kiểu viết nhiều chi tiết chồng xếp lên nhau tạo thành những bức tranh “filigrane” (đường gân, hình in bóng) khiến người đọc khó có thể hiểu được hết những ẩn ý của tác giả, nếu như chỉ đọc một lần, hoặc không được trang bị ít nhiều kiến thức liên văn bản (intertextuel) – lý thuyết về sự tồn tại của văn bản trong nhiều hình thức, thể loại khác nhau, xuất hiện ở Pháp những năm 70 của thế kỉ trước

Chẳng hạn đọc những trang miêu tả về nắng Sầm Sơn, ta không khỏi liên tưởng đến nắng trong các tác phẩm của Albert Camus, nhà hiện sinh Pháp thế kỉ XX; hồi ức về những đứa cháu là sự trở về dày đặc của Peter Pan, “đứa bé không bao giờ chịu lớn”, của những truyện cổ Andersen, truyện cổ Grimm; hồi ức thời gian bao giờ cũng song hành cùng Marcel Proust, cùng với bộ tiểu thuyết liên hoàn Đi tìm lại thời gian đã mất; hồi ức về khu vườn phố Liễu Giai, nơi gia đình bà sống hiện nay, thường được quy chiếu với khu vườn của Tash Aw (nhà văn Anh đã được nhắc tới ở trên); và có khi còn được liên hệ với Emily Bronte (trong Trên cao lộng gió). Hoặc nữa, đoạn nói đến bức miêu tả khu vườn Liễu Giai nơi gia đình bà ở, lại khiến người đọc liên tưởng đến Conrat “miêu tả một vật này, vậy mà một vật khác lại hiện ra”…

Cô bé nhìn mưa “đông đúc” những chân dung, từ những người rất nổi tiếng đến những cô bán hàng rong mỗi sáng đi ngang qua cửa, những bạn bè, đồng nghiệp, học trò. Ở tiền cảnh vẫn là một người cha rất nghiêm khắc, và người mẹ đảm đang, dịu hiền, sau đó là các cháu, những nhân vật của thế hệ 8X. Nhưng rút cục thì chỉ có một giao kèo chung cho tất cả mọi người: sự ra đời, cuộc sống, những ưu phiền, tuổi tác, và cuối cùng là cái chết.

Đến tận cùng cuốn sách và cuộc đời, tác giả vẫn còn tự hỏi: “Đâu là hạnh phúc?”. Không ai trả lời. Chính “lối viết khác lạ” trong Cô bé nhìn mưa đã trả lời giúp tác giả: đó là tình yêu giữa những con người, là tình yêu với người thân, những người vẫn còn hay đã mất, bạn bè, đồng nghiệp, và cả với những độc giả đang theo dõi cuốn sách này. Tôi tin, độc giả thuộc thế hệ này, đặc biệt những độc giả trí thức như trên đã nhắc, sẽ không bỏ lỡ cơ hội được tiếp cận với tác phẩm. Chính “sự khác biệt”, “độc đáo” của nó đã mang đến sức hấp dẫn kì lạ với người đọc.

 

Nguồn: Văn Nghệ