Lịch sử đặt đầu đề tác phẩm chính là bức tranh thu nhỏ của lịch sử tiến hoá của ngôn ngữ nghệ thuật, nghĩa là đi từ giản dị, hồn nhiên một cách vô tâm đến sâu sắc, tinh vi, và cuối cùng trở lại giản dị, hồn nhiên một cách chủ tâm.


Nghệ thuật đặt đầu đề

 

ANH NGỌC

 

Một tác phẩm văn học đến với công chúng bắt đầu từ cái đầu đề, cũng như một con người xuất hiện trước tiên với một cái tên. Đời sống càng văn minh thì các bậc cha mẹ càng nhiều toan tính khi chọn cho con mình một cái tên, lắm lúc đến kỳ công, chứ không thể qua loa tuỳ tiện như thuở còn khốn khó cứ gọi bừa Cam, Quýt, Mít, Xoài gì cũng xong. Như vậy, thường khi chỉ bằng vào cái tên ta đã biết được không ít thông tin về một con người. Với tác phẩm văn học, nghệ thuật, sự thể cũng không khác. Và chắc chắn, với những tác giả kỹ tính, việc đặt đầu đề cho tác phẩm cũng là một chuyện đáng để quan tâm.

Thực ra, đầu đề (hoặc “nhan đề”, “tựa đề”) chính là nơi đầu tiên (cũng có khi là cuối cùng) để tác giả thi thố thủ pháp nghệ thuật cao thấp của mình. Một cái đầu đề lý tưởng phải như một giọt nước nhỏ đủ sức phản chiếu bảy sắc cầu vồng lung linh của tác phẩm, nghĩa là vừa phải gói trọn được đầy đủ nội hàm của tác phẩm lại vừa gây ấn tượng mạnh và có sức gợi mở. Và bởi vì tác phẩm nghệ thuật chuyển tải đến công chúng những chất liệu đời sống thông qua ngôn ngữ hình tượng nên điều đó phải bắt đầu ngay từ đầu đề. Ta có thể bắt gặp biết bao nhiêu là cách dùng các thủ pháp ngôn từ mà các nhà sáng tạo văn nghệ cổ kim đông tây đã tung ra ngay từ những cái đầu đề và có thể nói rằng có bao nhiêu cách đặt đầu đề thì cũng có bấy nhiêu bản lĩnh, tài năng, quan niệm và tính cách nghệ thuật của những người đã sáng tạo ra chúng.

Tôi cho rằng, lịch sử đặt đầu đề tác phẩm chính là bức tranh thu nhỏ của lịch sử tiến hoá của ngôn ngữ nghệ thuật, nghĩa là đi từ giản dị, hồn nhiên một cách vô tâm đến sâu sắc, tinh vi, và cuối cùng trở lại giản dị, hồn nhiên một cách chủ tâm.

Thiên tài số một như Sêchxpia thì hầu như đều gọi tên tác phẩm theo tên nhân vật: Hămlet, Macbet, Rômêô và Giuliet, Vua Lia v.v. và v.v... Ở Phương Đông cũng vậy, từ Khổng Tử, Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên... đến các thi nhân đời Đường đều có vẻ không mấy quan tâm đến việc đặt đầu đề, giản dị nhất thì mượn tên thể loại, cầu kỳ một chút thì kể theo việc diễn ra trong nội dung, nhiều khi dài dòng đến nực cười, đại loại như “Đêm ngủ ở nhà... trong núi ở phía Nam, nhân nhớ nhà mà làm...”. Thực ra, những đầu đề như vậy chưa thực sự mang ý nghĩa của đầu đề, nhiều khi chỉ là dòng chú thích.

Phải đợi đến Viên Mai đời Thanh nói rõ ra ta mới hiểu cách nghĩ của người xưa - theo ông này thì thơ vốn là “tính linh”, là tiếng lòng tự nhiên của con người bột phát mà thốt lên tựa như ngôn ngữ của trời đất vậy, và vì thế thơ vốn không có và không cần phải có đầu đề. Ông còn có ý giễu rằng chỉ loại thơ do con người cậy cục nặn ra thì mới cần đến đầu đề! Tôi chẳng biết nhà thơ kiêm phê bình thiên tài này có cực đoan hay không, nhưng quả thực rất, rất nhiều bài thơ tuyệt tác của nhân loại không có đầu đề, chỉ hoặc ghi theo thể thơ (như sonnê, balat, vãn ca, bi ca, phúng thích...), hoặc lấy ngay câu đầu tiên làm đầu đề. Thế mà lại hoá tiện, và xem ra cũng chẳng mất đi cái gì.

Nhưng rõ ràng nhiều tác giả vẫn không nỡ bỏ mặc cho đứa con tinh thần của mình mang cái tên vạ vật, nên các đầu đề vẫn tồn tại và càng ngày càng được đầu tư công sức cho thú vị hơn lên.

Vẫn còn thật thà thì như Bandắc với “Tấn trò đời”, Môlie với những “Lão hà tiện”, “Người bệnh tưởng”, “Trưởng giả học làm sang”, Huygô với “Những người khốn khổ”, Lep Tônxtôi với “Chiến tranh và hoà bình”, “Phục sinh”, Đôxtôiepxki với “Tội ác và trừng phạt”, “Những kẻ tủi nhục”, Turghênhep với “Một tổ quý tộc”, “Nhật ký người đi săn” v.v...

Gọi là “thật thà” nhưng tuyệt đối không phải là thô sơ, đơn giản, ngược lại, những tên sách trên đây đã đạt đến lão thực, giản dị nhưng hàm chứa đủ dung lượng tác phẩm và có một vẻ đẹp cao quý của sự khiêm nhường mà không phải ai cũng dám dùng.

Nhưng quả thực có những cuốn sách và người viết ra nó bắt đầu đòi hỏi những cái tên tinh vi và kỹ lưỡng hơn. Người đầu tiên phải kể đến là Xtăngđan với cuốn tiểu thuyết tuyệt vời mang tên “Đỏ và Đen”, một cái tên mà đến giờ này vẫn không ai dám quả quyết là đã hiểu đúng hoàn toàn, bởi vì một cái tên như thế tự nó cũng là một tác phẩm nho nhỏ và nếu thành công nó cũng mang những đặc thù của nghệ thuật là tính biểu tượng và sức hàm chứa tức là tính đa nghĩa.

Hàng loạt tiểu thuyết gia phương Tây đã gói rất tài tình những ý tưởng và cảm xúc phức tạp, tinh vi của con người hiện đại trong những cái tên sách đầy sức nặng: Pruxt với “Đi tìm thời gian đã mất”, Camuy với “Dịch hạch”, “Người xa lạ”, Xactrơ với “Buồn nôn”, “Bức tường”, Kaphca với “Lâu đài”, Stenbec với “Chùm nho nổi giận”, Rơmac với “Thời gian để sống và thời gian để chết” v.v... Nếu ở Ântìm, thi hào Tago trau chuốt và nâng niu đặt cho thi phẩm sau này được giải Nôben cái tên rất gợi “Thơ Dâng”, thì văn hào số một của nước Trung Hoa hiện đại là Lỗ Tấn cũng phải cất công dài dòng lý giải cho cái việc tại sao lại gọi cuốn tiểu thuyết của mình là “A.Q chính truyện”, một việc mà rất ít khi một nhà văn kín đáo như ông phải làm.

Xu hướng cách tân này trong việc đặt tên tác phẩm cũng thể hiện rất rõ trong văn học Việt Nam. Chỉ cần lấy dẫn chứng nội trong phong trào Thơ Mới ta đã thấy: Nếu nhà thơ tiên phong là Thế Lữ đặt tên tập thơ của mình khá nôm na “Mấy vần thơ”, thì đến nhà thơ tiếp theo là Lưu Trọng Lư cái tên tập thơ đã văn chương hơn “Tiếng thu”, và đỉnh điểm chính là hai tập “Thơ thơ” của Xuân Diệu và “Lửa thiêng” của Huy Cận, những cái tên rõ ràng được tính toán kỹ lưỡng hơn nhiều. Xuân Diệu không chỉ tính toán cho một tập, mà còn nhìn xa hơn, khi kết thúc cuốn “Thơ thơ” bằng một lời nhắn nhe rất thú vị: “Đến đây tạm hết Thơ thơ, hãy còn Gửi hương cho gió”. “Gửi hương cho gió” là tập thơ tiếp theo của ông. Như vậy là những cái tên đã đi trước một bước, mang màu sắc hoa mỹ và phô trương như một thứ quảng cáo hay maketing vậy.

 Trong giai đoạn văn học đương đại, trên thế giới cũng như ở trong nước ta, câu chuyện về những cái đầu đề vẫn rất hấp dẫn. Tôi nghĩ rằng, xu thế chủ yếu hiện nay là người viết đang tìm đến với những cái tên giản dị và hồn nhiên nhưng có sức gợi mở và gây ấn tượng. Có khi, đó chỉ là cách gọi tên một sự vật hay hiện tượng của tự nhiên hoặc con người bằng một khẩu ngữ thường nhật, nghĩa là những ngôn từ không cần trau chuốt, văn chương gì, chẳng hạn những tên sách, tên phim Trung Quốc gần đây: “Đèn lồng đỏ treo cao”, “Thu Cúc đi kiện”, “Tất cả không thiếu một ai”, “Người Trung Quốc xấu xí”, “Mù sương chuồng bò”, “Nửa đàn ông là đàn bà” v.v... Có vẻ như lối đặt tên tưng tửng và vờ vĩnh thật thà đó đang hấp dẫn một số người viết Việt Nam vì đây đó đã thấy xuất hiện những cái đầu đề nôm na kiểu ấy - chẳng sao cả, còn tốt là đằng khác, nếu sự học tập đó được tiêu hoá để có một cuộc sống thực sự trong tác phẩm của họ. Những tên sách, tên truyện rất hay như “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Tướng về hưu”, “Chảy đi sông ơi”, “Không có vua”, “Thương nhớ đồng quê”... của Nguyễn Huy Thiệp đều có cùng phẩm chất ấy: Giản dị, tự nhiên và gợi mở.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An