Đa số đều nghĩ rằng làm việc thiện là tốt đẹp nên chắc chắn không có những cản trở nào từ pháp luật. Điều đó hoàn toàn đúng. Song, giữa làm việc thiện trên tư cách cá nhân tự thân với chuyện kêu gọi quyên góp là hoàn toàn khác nhau. Nói thẳng, khi một cá nhân đã lên tiếng kêu gọi quyên góp từ người quen, từ cộng đồng, hành vi ấy được xem như là hành vi "gây quỹ" trong tham chiếu luật pháp.


TỪ THIỆN CŨNG PHẢI TUÂN THỦ PHÁP LUẬT

VĂN ĐOÀN

 

Câu chuyện nghệ sỹ làm từ thiện bị nghi vấn khuất tất chắc chắn sẽ dần sáng tỏ khi cơ quan điều tra vào cuộc căn cứ trên những đơn thư tố cáo của các bên. Chuyện đúng hay sai ở đây, có ăn chặn hay là bị vu khống thế nào có lẽ không cần bàn thêm nữa. Việc người nào làm, người đó tự biết và tự chịu trách nhiệm. Quan trọng là cái hậu của câu chuyện này là gì, đặc biệt ở khía cạnh hoạt động từ thiện, bởi chắc chắn, trong tương lai không xa, sẽ lại có những hoạt động thiện nguyện cứu trợ đồng bào khó khăn được thực hiện bởi các cá nhân trong xã hội.

Thực tế, đa số những người làm thiện nguyện trong xã hội Việt Nam hôm nay đều mang cái tâm rất sáng. Những thương yêu dành cho đồng bào đã khiến họ bị thôi thúc phải làm gì cụ thể. Những thôi thúc này được cộng hưởng bởi những tấm lòng đồng cảm, tạo nên các phong trào từ thiện trong xã hội. Có thể nói, ở Việt Nam, ngày nào cũng có hoạt động thiện nguyện. Chỉ có điều, các hoạt động đó khác nhau ở chỗ chúng thầm lặng hay được truyền thông rầm rộ mà thôi.

Cái tâm sáng là đáng quý, nhưng để cái tâm sáng ấy thực sự đáng được trân trọng hơn, không bị dính các hệ lụy phiền hà thì lại rất cần cái tầm. Mà cái tầm trong hoạt động thiện nguyện thực tế chẳng to tát lớn lao gì. Chỉ cần hiểu, nắm bắt và chấp hành đúng pháp luật thôi đã đủ tạo nên cái tầm rồi.

Đa số đều nghĩ rằng làm việc thiện là tốt đẹp nên chắc chắn không có những cản trở nào từ pháp luật. Điều đó hoàn toàn đúng. Song, giữa làm việc thiện trên tư cách cá nhân tự thân với chuyện kêu gọi quyên góp là hoàn toàn khác nhau. Nói thẳng, khi một cá nhân đã lên tiếng kêu gọi quyên góp từ người quen, từ cộng đồng, hành vi ấy được xem như là hành vi "gây quỹ" trong tham chiếu luật pháp.

Một khi đã có hành vi gây quỹ, và nhận tiền để tạo thành quỹ thực sự, chắc chắn hoạt động từ thiện không còn mang tính chất cá nhân tự thân nữa. Nó đã trở thành hoạt động có tổ chức. Và một khi hoạt động có tổ chức, nó phải tuân theo quy định của pháp luật về việc thành lập quỹ từ thiện.

Có rất nhiều quỹ từ thiện ở Việt Nam do cá nhân khởi xướng đã nhận được giấy phép từ Bộ Nội vụ và hoạt động rất chuẩn mực theo đúng quy định pháp luật cũng như theo tiêu chuẩn đạo đức. Nhưng có vô số hoạt động từ thiện khác, do nhiều cá nhân đã và đang tiến hành, lại không hề có đơn xin phép thành lập quỹ theo luật định. Các hoạt động của Thuỷ Tiên - Công Vinh, Trấn Thành, Hoài Linh… thực tế đều là gây quỹ mà không hề xin phép theo đúng trình tự pháp luật. Như vậy, chưa nói đến chuyện minh bạch hay không, cơ bản họ đã sai lầm ngay từ ban đầu rồi.

Sau bao lùm xùm quanh việc nghệ sỹ đi làm từ thiện hiện nay, có lẽ đã đến lúc cần thắt chặt hơn nữa việc quản lý các hoạt động từ thiện được khởi phát từ cá nhân. Nếu tự thân mình làm, bằng chính tiền của mình, sẽ chẳng cần can thiệp nào từ pháp luật cả. Ngược lại, nếu bắt đầu có kêu gọi cộng đồng đóng góp, phải có cảnh báo từ chính quyền ngay lập tức để cá nhân kêu gọi hiểu rằng mình đang chưa làm đúng trình tự pháp luật và có thể gặp phải những hệ luỵ nào từ đó.

Làm việc thiện là điều mà cả xã hội ủng hộ, khen ngợi và sẵn sàng chung tay, đồng lòng. Song, quốc có quốc pháp, muốn làm người tốt trước hết cần làm người biết chấp hành pháp luật cái đã. Có như thế, xã hội Việt Nam mới có thể hoàn thiện hơn với thói quen hiểu và tuân thủ pháp luật của từng cá nhân trong cộng đồng.