Làm công việc duyệt bản thảo một thời gian, tôi nhận thấy nhiều tác giả mình bây giờ tự kiểm duyệt ghê lắm, chứ không phải cơ quan cấp phép gây khó dễ gì đâu. Vẫn chỉ là bản lĩnh và tài năng của anh nhà văn mới là yếu tố quyết định tác phẩm có sống được với đời hay không thôi.


Phỏng vấn lần hai.

(Tiếp tục cuộc trò chuyện với Trung Trung Đỉnh sau 18 năm).

 

Tôi vẫn mơ thấy rừng

Yên Ba: Thưa anh Trung Trung Đỉnh! 18 năm trước, chúng ta đã có một cuộc trò chuyện dài. Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục cuộc trò chuyện ấy, chỉ có điều là kể từ đó, anh đã trải qua nhiều vị trí công tác khác.Bây giờ, anh có còn mơ những giấc mơ thời chiến trận nữa không? 

Trung Trung Đỉnh: Tôi vẫn không ngừng mơ những giấc mơ về thời trai trẻ nhọc nhằn như thế. Trong những giấc mơ của tôi, rừng xuất hiện nhiều nhất. Lúc nào cũng thấy… rừng. Rừng Tây Nguyên của tôi. Tôi từng viết tiểu thuyết “Lạc rừng”, nhưng bây giờ, nếu có ném tôi trở lại những vùng đất ấy thì tôi không thể lạc được nữa, bởi rừng có còn đâu mà lạc? Chắc rằng sẽ lạc theo lối khác, kiểu khác! Tôi mơ về những cánh rừng thời chiến, về đồng bào bà con dân tộc BahNar, Jrai Tây Nguyên đã bao năm cưu mang, đùm bọc anh em chúng tôi trong chiến tranh. Ngay cả những lúc không ngủ, tôi cũng vẫn tiếp tục mơ tưởng về những cánh rừng thời ấy.

Trong 18 năm sau cuộc trò chuyện của chúng ta, tôi có một may mắn lớn là được gặp gỡ, học hỏi đọc sách của các nhà dân tộc học viết về rừng, làng rừng như “Rừng, Đàn bà, Điên loạn” của Jaques Dournes, một nhà dân tộc học người Pháp đã sống ở Tây Nguyên nhiều chục năm, gắn bó và hiểu biết sâu sắc về các dân tộc Tây Nguyên, có những công trình đặc sắc về họ, trong đó cuốn này viết rất kỹ về cuộc sống của người Jarai Tây Nguyên...

Tôi đọc “Chúng tôi ăn rừng” của Giáo sư Georges Condominas, “Rừng người Thượng” của Henry Maitre… Họ đều là những nhà dân tộc người Pháp có nhiều năm lăn lộn sống với đồng bào Tây Nguyên, thấu hiểu một cách sâu sắc vai trò của rừng, của văn hóa rừng đối với cuộc sống của người dân ở vùng này.

Tôi mê cách nhìn nhận và ý tưởng về Tây Nguyên của nhà văn hóa, nhà văn Nguyên Ngọc. Ngoài việc sống, viết và đặc biệt dịch các sách về dân tộc học của các nhà nghiên cứu dân tộc học nước ngoài về đồng bào Tây Nguyên, ông là người có đóng góp lớn cho chúng ta để chúng ta tiếp cận đúng, hay, và thấu đáo về các làng rừng. Tôi cũng may mắn có một thời gian làm “đàn em” của “cụ Từ” và đã “đưa” cụ lên Gia Lai gặp ông Nguyễn Kim Sung, trưởng ty văn hóa Gia Lai và được theo cụ đi điền giã làng rừng cùng các lễ hội…Tôi được đọc cụ, hiểu biết phần nào về dân tộc họcmà Giáo sư Từ Chi đã dạy bảo...Đóng góp về dịch thuật các công trình nghiên cứu dân tộc học về Tây Nguyên của nhà văn Nguyên Ngọc có thể so sánh với một viện dân tộc học lớn rất đáng được tôn vinh…

Có đọc những cuốn sách của các vị này, tôi mới thấy khoảng trống hiểu biết của mình về Tây Nguyên, về đời sống các dân tộc là quá lớn. Hồi học phổ thông, tôi có học tiếng Trung, đủ chữ để có thể viết thư cho bạn bằng tiếng Trung Quốc, nhưng lớn lên đi bộ đội, lao vào cuộc chiến, bao nhiêu tiếng Trung quên sạch sành sanh. Về cơ bản tôi là người mù ngoại ngữ. Bởi thế nên tôi vô cùng biết ơn những người đã dịch các cuốn sách về dân tộc học để tôi và nhiều người như tôi có thể mở mang, hiểu biết về cuộc sống của người dân Tây Nguyên. Công sức của các vị này với văn hóa nước mình lớn lắm. Tôi đã ước là phải chi được đọc những cuốn sách về dân tộc học này từ sớm thì hẳn là tôi đã viết khác đi. Từ đó tôi nghiệm ra rằng, nhà văn trước khi viết mà không được chuẩn bị về văn hóa, không được học về địa lý, lịch sử, về dân tộc học thì quả là rất đáng tiếc.

Nhưng đấy là điều không thể đảo ngược được nữa. Cũng không thể đảo ngược được là quá trình phá rừng ở Tây Nguyên diễn ra với tốc độ kinh hoàng. Hồi bé tôi đã nghe câu “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”; bây giờ độc lập có rồi, chẳng cần đốt cháy mà rừng Trường Sơn bị phá tan hoang từng mảng lớn. Tôi vô cùng đau xót khi chứng kiến hàng đoàn xe theo đường 19 chở gỗ rầm rập từ Tây Nguyên về Quy Nhơn ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Họ thành lập hẳn những công ty chuyên khai thác lâm nghiệp để phá rừng. Đấy là một tội ác! Khi rừng bị tàn phá thì văn hóa của đồng bào dân tộc gắn liền với rừng cũng bị phá theo. Những cánh rừng hiện diện trong những giấc mơ của tôi bây giờ loang lổ, bị thương tích.

Yên Ba: Nhưng trong cuộc trò chuyện của chúng ta 18 năm trước, anh đã từng khẳng định rằng mọi tác phẩm của anh đều viết từ hồi ức. Vậy những hồi ức chiến trận đó, dẫu cho có bị loang lổ đi ít nhiều vì những cánh rừng bị phá, có giúp anh có thêm được những tác phẩm mới không?

Trung Trung Đỉnh: Tôi cũng nhúc nhắc viết được đôi cuốn: “Sống khó hơn là chết”, “Lính trận”, “Ngược chiều cái chết”, “Những khoảnh khắc đời người”, “Lời chào quá khứ”… Trong đó “Lính trận” được một số giải thưởng gì đó. Nhưng như trong cuộc nói chuyện lần trước với anh tôi đã đề cập, không có mấy nhà văn tài năng nhoi ra được từ đám có giải thưởng đâu! Hiếm lắm. Ở ta, tôi thấy cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh nhận giải là tác giả thật sự có tài.

Năm sáu năm trở lại đây, kể từ khi thay thận, quanh năm đi bệnh viện, có năm thời gian nằm trong viện nhiều hơn ở nhà nên tôi viết ít, chủ yếu là tạp bút chân dung bạn bè, truyện ngắn. Mà cũng chỉ viết về những chuyện của ngày hôm nay. Bạn bè tôi trên Tây Nguyên, nhiều người trong số họ tôi biết từ thời cùng anh hùng Đinh Núp công tác ở huyện 10, giờ họ cũng khuất bóng dần dần. Nghĩ tới họ thì những hồi ức buồn nhiều hơn vui. Tôi vẫn thèm viết một cuốn về đời sống người dân tộc Tây Nguyên thời còn làng rừng, nhưng không biết ông trời có cho mình làm không… 

Yên Ba: Điều không tránh khỏi là lớp nhà văn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ các anh đã già đi, thay thế bởi một lớp các nhà văn trẻ hơn. Đón chờ họ vẫn có hai cuộc chiến tranh là cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và chiến tranh biên giới Tây Nam, sau đó là những năm tháng miệt mài truy quét quân Khmer Đỏ ở Campuchia… Đã có nhiều nhà văn lớp này viết về chủ đề hai cuộc chiến đó như Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Đoàn Tuấn, Nguyễn Đình Tú, Trung Sĩ… Anh có đọc họ không? 

Trung Trung Đỉnh: Vẫn còn ít người viết và viết thành công về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Tôi nhớ nhiều năm trước đã từng có dạo ầm ĩ lên về một cuốn tiểu thuyết xuất bản ở ta viết về cuộc chiến tranh này, nhưng tiếc thay đó lại là một cuốn sách của tác giả Trung Quốc, Mạc Ngôn. Cuốn “Ma chiến hữu”. Và những tranh cãi hình như cũng không phải về chất lượng cuốn sách, mà là về nguồn gốc của nó, vì nó là của một tác giả phía bên kia biên giới...

Về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam rồi sau đó giúp nhân dân Campuchia đánh đuổi bọn diệt chủng Khmer Đỏ, tôi đã từng có trải nghiệm bản thân, năm 1979 cùng với các nhà văn, nhà thơ Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh đi theo các cánh quân của ta sang Campuchia. Tôi bám theo đơn vị quân tình nguyện tham gia giải phóng tỉnh Ratanakiri. Đánh ác liệt lắm, may mà không chết. Sau đấy, anh Ngân Vịnh đi cánh khác, Thái Bá Lợi về nước cưới vợ. Còn tôi ở lại, theo chân các đơn vị chiến đấu ở Campuchia suốt 3 năm.

Tôi cũng gặp Đoàn Tuấn, khi ấy vẫn còn là Đoàn Minh Tuấn, ở dưới đơn vị. Hồi đó, cái không khí chiến trận trong “Phía tây không có gì lạ” của Remarque ám vào tôi dữ lắm. Tôi có viết truyện “Những người không chịu thiệt thòi” về những năm tháng ấy. Cuốn sách sát sạt với các trận đánh, sát sạt với sự xâm nhập của quân Trung Quốc mỗi khi thu chiến lợi phẩm thấy Mao Tuyển và quân trang quân dụng Trung Hoa nhiều. Khi xét giải Mê Kông nghe nói có ông ban giám khảo bảo có yếu tố đụng đến Trung Quốc!

Các tác giả viết về cuộc chiến này tôi đọc nhiều, nhưng ấn tượng nhất là “Truyện lính Tây Nam” của tác giả Trung Sĩ mới xuất hiện thời gian gần đây. Những tác phẩm viết về hai cuộc chiến này dường như mới chỉ giới hạn ở mức độ minh họa mà chưa bật hẳn lên, có thể vì chưa có tư tưởng cho thật rõ ràng chăng?!

 

“Cánh đồng bất tận” xuất hiện như thế nào?

Yên Ba: Đang là một biên tập viên ngon lành ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, viết đều đều, lương sĩ quan quân đội cao ngất, sao bỗng dưng anh lại sang báo Văn Nghệ làm Phó Tổng biên tập, rồi tiếp đó lại chuyển sang làm Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội nhà văn! Phải chăng anh chán làm nhà văn, thích làm quan chức, hay như nhiều người vẫn nói: tổ chức phân công thì tôi phục tùng, sẵn sàng làm ở bất cứ vị trí công tác nào, dù cao đến đâu!

Trung Trung Đỉnh: Thật ra là tôi chủ động chuyển! Lý do vì hồi đó, tôi ở tạp chí Văn nghệ Quân đội thấy quá chậm rãi, nhàm chán. Lương theo quân hàm, như anh nói, rất cao, mà hầu như không làm gì! Tuần nào cũng họp giao ban, buổi nào cũng như buổi nào, đều có đoạn “các cụ” ở trên nhắc thế này, thế kia… Hồi ấy tôi để râu cằm, có buổi lãnh đạo tạp chí gọi điện cho tôi bảo hôm đó không phải đến cơ quan vì có “các cụ” ra thăm, tôi đến “các cụ” trông thấy lại ngứa mắt!

Ở một cơ quan luôn “hướng thượng” như thế, tôi không thích chút nào. Mà mấy anh bên đó thỉnh thoảng thấy tôi say rượu ở đâu về, nói linh tinh, cũng không thích. Tôi mới nói với anh Thỉnh (Hữu Thỉnh- nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam), anh cho em ra ngoài. Anh ấy bảo, “Ừ thì ra đi, sang bên Hội nhà văn!”. Biết tôi thông thạo đời sống của bà con đồng bào dân tộc Tây Nguyên, lúc đầu anh ấy định đưa tôi sang nắm tờ Dân tộc và miền núi. Ông đang phụ trách tờ này thấy tôi, nhìn với đôi mắt hình viên đạn. Vậy là không sang được. Cuối cùng anh Thỉnh đưa tôi về làm Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ, phụ trách nội dung hẳn hoi! 

Yên Ba: Trong thời gian làm ở báo Văn Nghệ, với cương vị là một trong những người phụ trách tờ báo, anh có đãi được hạt ngọc nào trong cả núi bản thảo gửi đến bàn làm việc của anh không, như ngày trước Nguyễn Huy Thiệp đã từng xuất hiện ở đây rồi làm rúng động cả văn đàn một thời? 

Trung Trung Đỉnh: Tôi sang làm ở tờ Văn Nghệ, một vài anh chị làm việc bên đó coi thường tôi ra mặt, coi như tôi không biết gì về làm báo. Tháng 9-2005, anh Thỉnh đi công tác nước ngoài, hình như đi Ba Lan thì phải, giao cho tôi Phó Tổng biên tập nội dung, phụ trách.

 Một buổi chiều, Trưởng ban phụ trách văn xuôi mang đến cho tôi một tập bản thảo dày, nói trong đó có một truyện của tác giả tên là Nguyễn Ngọc Tư. Tôi hỏi: “Có hay không?”; trưởng ban nói: “Hay gì! Dài dằng dặc!”. Tôi mang về, đọc suốt đêm, thấy hay không ngủ được, mới điện cho một nhà văn bạn tôi, sống ở Cà Mau, rất thông thuộc đời sống văn nghệ của Nam Bộ. Nghe tôi kể, ông ấy bảo tôi: “Dào ơi, Trưởng ban văn xuôi chỗ ông hễ thấy dân Nam Bộ tụi tôi viết văn là ghét rồi, ông đừng có tin!”.

Sáng hôm sau, tôi gọi Lương Ngọc An, biên tập viên văn xuôi. Tôi thấy An lo phần ký và cả truyện, tôi nói có cái truyện ngắn tương đối dài nhưng rất hay, cho đăng làm hai ba kỳ được không? Lương Ngọc An nói từ trước tới đó chưa có bất cứ tiền lệ nào một truyện ngắn lại đăng làm ba kỳ trên báo Văn Nghệ! Nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định đăng hai kỳ. Truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đã xuất hiện như vậy.

Tôi gọi điện cho đám bạn bè như Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, nói có truyện hay lắm, đăng trên báo Văn Nghệ, tìm đọc đi không nó phí. Ông Lập bảo: “Báo Văn nghệ làm quái gì có truyện hay!”. Không ông nào đọc cả. Đến khoảng tháng 11-2005, báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh trích đăng tới 6 kỳ truyện này, dư luận bắt đầu xôn xao, ý kiến bạn đọc gửi về khen nức nở. Đến cuối năm 2005, Nhà xuất bản Trẻ in tập truyện “Cánh đồng bất tận”, bán tới mấy chục nghìn bản. Dư luận càng xôn xao tợn. Người ta tìm đọc càng nhiều. Rồi bắt đầu có những ý kiến khen chê trái chiều.

Đến tháng 4-2006 thì Nguyễn Ngọc Tư bị Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau đề nghị kiểm điểm vì viết “Cánh đồng bất tận” bôi nhọ địa phương, nói cái xấu nhiều quá! Các ông ấy nói viết truyện phải chia tốt xấu theo tỷ lệ thế nào đó, chứ nói xấu nhiều quá, thiếu tính giáo dục và định hướng. Trong truyện này Tư viết sau đợt dập dịch cúm gia cầm có chị phụ nữ buồn tiếc của quá uống thuốc tự vẫn, ông Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau nói thực tế trên toàn quốc khi đó không có trường hợp nào tự vẫn như thế, chỉ buồn chán thôi, sao lại viết bịa trong truyện như thế...Đại để như vậy. Trưởng ban văn xuôi báo Văn nghệ sau đó đi đâu cũng tuyên bố mình là người đã “phát hiện” ra Nguyễn Ngọc Tư!

Thật ra phải thừa nhận “Cánh đồng bất tận” khi tôi cho đăng trên Văn Nghệ không mấy ai để ý, nhưng đến khi được in báo Tuổi Trẻ và in thành sách, rồi tác giả bị tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị kỷ luật thì mới bùng lên dữ dội, trở thành một hiện tượng văn học thời ấy .Chuyện kỷ luật chỉ là cái cớ thôi, chứ bản thân truyện đó hay thật, có nội lực văn chương đủ mạnh khiến cho nó có một đời sống, một giá trị riêng mà không một bản án kỷ luật tác giả nào có thể vùi dập được.

Thời tôi làm Văn Nghệ còn bắt gặp hai truyện ngắn khác hay lắm. Một truyện có tên là “Những chiếc chuông gió” của Ngô Khắc Tài, tôi rất thích, nhưng rồi không đăng được trên Văn Nghệ. Tôi thấy uổng quá, gọi điện cho Hà Đình Cẩn- Tổng biên tập tạp chí Nhà Văn, nhờ đăng được bên ấy. Một truyện nữa đăng được trên Văn Nghệ là “Mười ba bến nước” của Sương Nguyệt Minh. Đến bây giờ, theo tôi đây vẫn là truyện ngắn hay nhất của tác giả này...

Suốt thời kỳ tôi làm Văn Nghệ chỉ có ba truyện đó là đáng chú ý. Trước đấy, hồi làm ở tạp chí Văn nghệ Quân đội suốt bao năm, vậy mà tôi cũng chỉ có một lần đưa được chùm truyện ngắn của một cây bút nữ khi ấy còn lạ hoắc sống tận Hà Giang tham gia cuộc thi của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ban giám khảo lúc ấy gần như đã thống nhất trao giải nhất cho một tác giả khác rồi, vậy nhưng khi ban văn chúng tôi đưa bản thảo chùm truyện này thì toàn bộ Ban giám khảo đều nhanh chóng nhất trí đấy mới là giải nhất xứng đáng năm đó. Đấy chính là tác giả Đỗ Bích Thúy, sau cũng về công tác ở Văn nghệ Quân đội. Từ chuyện của Đỗ Bích Thúy rồi đến Nguyễn Ngọc Tư, tôi nghiệm ra rằng, để có được một truyện hay, một tác giả nổi bật cũng trần ai, chật vật lắm, không dễ chút nào.

 

Hễ cứ “nghiêm trọng hóa” thì hỏng cả!

Yên Ba: Rồi anh chuyển sang làm Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội nhà văn. Từ cương vị của người nộp bản thảo để người ta xét duyệt chuyển sang cương vị xét duyệt bản thảo của người khác, anh thấy có gì khác biệt?

Trung Trung Đỉnh: Thêm nhiều trách nhiệm hơn. Gặp những bản thảo khó, có những ý kiến khác nhau, tôi thường đề xuất xin tổ chức hội thảo để có ý kiến nhiều chiều, giúp các cơ quan chức năng đưa ra được những quyết định hợp tình hợp lý, không để tác giả và bạn đọc bị thiệt thòi. Nhưng …

Yên Ba: Trong quãng thời gian làm lãnh đạo ở Nhà xuất bản Hội nhà văn, có bản thảo nào mà anh cảm thấy tiếc vì đã không xuất bản được không?

Trung Trung Đỉnh: Không! Nhà xuất bản Hội nhà văn luôn có trách nhiệm và bản lĩnh để bảo vệ, cho ra đời những tác phẩm xứng đáng đến với bạn đọc. Có những tiểu thuyết như “Chuyện ngõ nghèo” của Nguyễn Xuân Khánh, vật vã suốt hơn 30 năm trời không ra được, vậy nhưng vẫn Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép in, phát hành. Chỉ hơi tiếc là ông Khánh không giữ được cái tên nguyên bản “Trư cuồng” hay thế mà lại đổi thành “Chuyện ngõ nghèo”! In được những truyện hay, truyện khó như truyện này vai trò biên tập viên rất quan trọng. Anh Tạ Duy Anh là người có đủ khả năng tin cậy để thục hiện những cuốn “gai góc” như vậy.

Làm công việc duyệt bản thảo một thời gian, tôi nhận thấy nhiều tác giả mình bây giờ tự kiểm duyệt ghê lắm, chứ không phải cơ quan cấp phép gây khó dễ gì đâu. Vẫn chỉ là bản lĩnh và tài năng của anh nhà văn mới là yếu tố quyết định tác phẩm có sống được với đời hay không thôi.

 

                 Ấn phẩm Viết & Đọc có bài phỏng vấn Trung Trung Đỉnh.


Yên Ba: 18 năm trước, trong cuộc trò chuyện với tôi, anh có đưa ra nhận định khá bi quan về lớp các nhà văn trẻ ở thời điểm đó. Bây giờ, sau 18 năm, anh có còn giữ thái độ bi quan đó nữa không?

Trung Trung Đỉnh: Thời gian qua, tôi ít đọc văn của lớp trẻ nên cũng khó có thể đưa ra một nhận định chắc chắn là nên bi quan hay lạc quan. Tôi chỉ nhận thấy rằng các nhà văn trẻ ngày nay có điều kiện thuận lợi hơn lớp chúng tôi nhiều lắm. Họ có học vấn cao, có công nghệ phụ trợ nên “đi tắt đón đầu” dễ dàng hơn. Môi trường xuất bản bây giờ cũng không khắt khe nghiệt ngã như vài ba chục năm trước. Cái lối suy diễn khi đọc duyệt thì… cũng rứa thôi!

Thời gian gần đây, tôi có đọc lại Tự lực văn đoàn, những thành viên chủ chốt của trào lưu này hầu hết cũng ở lứa tuổi mà bây giờ chúng ta gọi là “nhà văn trẻ”. Có điều tôi nhận thấy là cái không gian để lớp các nhà văn Tự lực văn đoàn cải tạo xã hội nó rộng lắm; còn lớp nhà văn trẻ hôm nay không có được cái không gian như vậy. Nhiều cây bút trẻ bây giờ viết khác nhưng lại không mới. Có lẽ đó là lý do dẫn tới thực trạng hiện nay có nhiều cây bút trẻ nhưng lại không có một “đội ngũ”, tạo thành trào lưu như Tự lực văn đoàn. Đấy không phải do “lớp trẻ” mà là là do không gian chung của xã hôi thôi.

Yên Ba: Cũng trong cuộc nói chuyện 18 năm trước, anh có nói là văn chương chúng ta không thể có được những tác phẩm mang tính sử thi đồ sộ. Tôi thì cho rằng thời gian giãn cách với những sự kiện lớn trong lịch sử của dân tộc, của đất nước đã đủ dài để các nhà văn của chúng ta có thể chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ, tích lũy tư liệu và cảm hứng để viết ra những tác phẩm đại tự sự. Anh có đồng ý với tôi không? 

Trung Trung Đỉnh: Tôi vẫn cho rằng khó có khả năng đó. Cái gì nó cũng cần có cái nền, càng to nền càng cần vững. Văn hóa nền không phải bối cảnh nào cũng xuất hiện cho những tác gia đặc biệt xuất hiện. Ngoại trừ một tác giả cổ điển như Nguyễn Du. Chúng ta không (hoặc chưa) giới thiệu được một nhà văn lớn nào với thế giới đâu.

Yên Ba: Vì sao anh vẫn cương quyết giữ lại đánh giá mang tính bi quan như thế? Nói cách khác, anh có thể chỉ ra đâu là lý do chính cản trở văn chương Việt Nam đi ra với thế giới?

Trung Trung Đỉnh: Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi thì cứ hễ cái gì các ông “nghiêm trọng hóa” thì đều hỏng cả! Nhất là công việc viết văn, sáng tác, đòi hỏi sự sáng tạo là tự do vô biên. Truyện Kiều chỉ viết về cuộc đời truân chuyên của một cô gái bình thường nhưng nó lay động con người, đến được với nhân loại. Nói như ông Nguyễn Minh Châu có lần phát biểu, đại loại: “Nhà văn hãy đi hết cái tôi của mình thì anh sẽ gặp nhân loại”. Văn học cứ được tự do, viết một cách tự nhiên, không lệ thuộc vào bối cảnh riêng nào thì may ra một ngày nào đó chúng ta mới có được tác phẩm lớn. Khi còn đặt vấn đề, còn nghiêm trọng hóa thì văn chương tự nó không thể vươn ra bầu trời chung của nhân loại. 

Yên Ba: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

 

 

Nguồn; Viết & Đọc mùa thu 2021